Để VSTEP phổ quát hơn, các trường top cần đưa chứng chỉ vào ưu tiên xét tuyển ĐH
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng, để áp dụng chứng chỉ VSTEP là quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ bắt buộc đối với sinh viên cần phải có thời gian và lộ trình.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có một số cơ sở giáo dục đại học dự kiến áp dụng chứng chỉ VSTEP cho xét tuyển sinh đầu vào đại học như: Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh,…
Về xét chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ, hiện VSTEP cũng đã được nhiều cơ sở đại học đưa vào sử dụng để đánh giá, tuy nhiên đa số mới chỉ là một lựa chọn cho sinh viên thay vì quy định bắt buộc. Theo đó, vẫn còn rất nhiều sinh viên lựa chọn thi tiếng Anh nội bộ (kỳ thi nội bộ do các trường tổ chức, sau đó quy đổi theo các điểm/bậc của từng loại chứng chỉ tùy theo quy định, yêu cầu của từng trường) để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Năng lực ngoại ngữ của sinh viên còn hạn chế so với yêu cầu của VSTEP
Đánh giá về chất lượng bài thi VSTEP, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng – Trưởng phòng Đào tạo. Trường Đại học Quy Nhơn cho biết:
“Chứng chỉ VSTEP theo tôi thấy có độ khó ngang tầm với chứng chỉ IELTS. Ngân hàng đề thi do Trung tâm Khảo thí Quốc gia – Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cung cấp. Và đề thi được cài đặt sẵn vào mỗi máy tính, mỗi người một đề nên việc thí sinh hỏi bài nhau gần như không thể xảy ra.
Chưa kể, cách thức tổ chức, coi thi và chấm thi đều có sự giám sát chặt chẽ và minh bạch, có camera ghi lại nên rất khó phát sinh gian lận trong thi cử”.
Theo trưởng phòng đào tạo trường đại học Quy Nhơn, cách thức tổ chức, coi thi và chấm thi VSTEP đều có sự giám sát chặt chẽ và minh bạch, có camera ghi lại nên rất khó để xảy ra gian lận trong thi cử. Ảnh minh họa: DN
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phùng cho hay, việc chấm thi được thực hiện khách quan, đánh giá toàn diện 4 kỹ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết; Trong đó, phần nghe và đọc sẽ do máy tính chấm, phần nói do các giảng viên trong trường chấm, thực hiện 2 vòng chấm độc lập, đảm bảo kết quả công bằng, chính xác.
Các giảng viên phụ trách chấm thi VSTEP đều đã được tập huấn 3 tháng ở Huế và đảm bảo năng lực chuyên môn nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi tuyệt đối cho thí sinh.
Hiện nay, chứng chỉ VSTEP được Trường Đại học Quy Nhơn áp dụng là yêu cầu bắt buộc đối với đào tạo Thạc sĩ. Với hệ đại học chính quy, khi xét chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ, sinh viên được chọn lựa giữa thi chứng chỉ tiếng Anh nội bộ hoặc thi VSTEP.
Lý giải về việc vì sao chưa đưa chứng chỉ VSTEP là quy định bắt buộc trong đánh giá chuẩn đầu ra cho sinh viên, thầy Phùng cho rằng để thực hiện được điều này thì cần phải có lộ trình, thời gian để học sinh, sinh viên chuẩn bị, định hướng việc nâng cao năng lực ngoại ngữ ngay từ cấp bậc phổ thông.
“Hiện nay, việc áp dụng chứng chỉ VSTEP là chuẩn đầu ra bắt buộc sẽ hơi khó, vì năng lực ngoại ngữ của các em sinh viên không đồng đều, chưa kể kinh phí thi VSTEP cũng không phải là khoản nhỏ (từ 1,5 triệu đồng – 1,8 triệu đồng/lần thi, tùy vào đơn vị tổ chức thi).
Đa số các sinh viên chọn thi VSTEP chủ yếu phục vụ cho việc muốn xin việc ở bên ngoài”, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Quy Nhơn thông tin.
Video đang HOT
Chia sẻ thêm, thầy Phùng cho hay, năng lực ngoại ngữ của sinh viên được quyết định một phần rất lớn từ quá trình tích lũy ở bậc trung học phổ thông. Thời gian học ngoại ngữ ở bậc đại học chỉ vài tín chỉ nên rất khó để nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học. Thậm chí, một số trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức dạy ngoại ngữ ở bậc đại học, theo đó, khi xét tốt nghiệp, người học chỉ cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ về trường theo đúng yêu cầu ngoại ngữ ngành học liên quan.
Năng lực ngoại ngữ của sinh viên còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn VSTEP cũng là thực tế chung của một số trường đại học, là nguyên nhân khiến trường còn “e ngại” khi muốn áp dụng VSTEP là quy định bắt buộc khi xét chuẩn đầu ra.
B.L (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đã kết thúc năm thứ 4, hiện vẫn chưa được xem xét tốt nghiệp, chưa thể ra trường vì còn nợ chứng chỉ ngoại ngữ. B.L đã 2 lần tham gia kỳ thi VSTEP do Học viện tổ chức mà vẫn chưa đỗ (quy định chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ trình độ B2). Đây cũng là tình trạng chung của nhiều sinh viên đang nợ bằng hiện nay. “Sắp tới Học viện có tổ chức kỳ thi tiếng Anh nội bộ, đây là cơ hội của em, hy vọng em thuận lợi vượt qua kỳ thi để có thể tốt nghiệp”, B.L chia sẻ.
Cân nhắc đưa chứng chỉ VSTEP vào đề án tuyển sinh
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy – Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho biết, hiện nay nhóm tuyển sinh của trường đã ghi nhận những hưởng ứng tích cực của xã hội đối với chứng chỉ VSTEP, từ đó đang cân nhắc để đưa chứng chỉ này vào phương án tuyển sinh của trường.
Ảnh minh họa: DN
Tiến sĩ Huy đánh giá, chất lượng chứng chỉ VSTEP đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định, về các công tác ra đề và chấm thi đều được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng của Bộ nên các cơ sở giáo dục đại học có thể yên tâm sử dụng làm nguồn tuyển sinh đầu vào.
Lý giải về lý do vì sao chưa đưa VSTEP vào phương án tuyển sinh đầu vào, bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ khác như IELTS, TOEFL,… trong khi là đơn vị trực tiếp tổ chức và cấp chứng chỉ VSTEP, Trưởng phòng đào tạo trường Đại học ngoại ngữ , Đại học Huế cho hay:
“Vì chứng chỉ VSTEP khá mới, trong khi đề án tuyển sinh đã được nhà trường xây dựng từ sớm nên chưa kịp cập nhật”.
Hiện, Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Huế sử dụng chứng chỉ VSTEP là quy định bắt buộc khi đánh giá năng lực ngoại ngữ chuẩn đầu ra đối với 2 ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh.
Chia sẻ thêm, thầy Huy cho biết: “Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh và đào tạo ở bậc đại học. Việc sử dụng chứng chỉ “nội” này giúp chúng ta chủ động, không phải lệ thuộc quá nhiều vào các tổ chức nước ngoài. Việc ưu tiên các chứng chỉ “nội” cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công như: Đài Loan, Nhật Bản,… Điều này giúp tiết kiệm rất lớn nguồn lực quốc gia”.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, để đạt được độ phổ biến và gia tăng sự tin tưởng của xã hội với các chứng chỉ “nội”, thì bản thân các chứng chỉ này cần phải thể hiện được chất lượng, uy tín của mình.
“Để đưa chứng chỉ VSTEP phổ quát hơn, trước tiên các trường đại học lớn cần sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển đầu vào, bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ khác. Khi đó, các thí sinh sẽ dần biết đến VSTEP nhiều hơn, độ phổ biến của chứng chỉ này mới dần dần được nâng rộng. Khi xã hội tin tưởng, các trường đại học khác cũng sẽ mạnh dạn hơn khi sử dụng VSTEP trong tuyển sinh và đào tạo”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Quy Nhơn nêu ý kiến.
Ngoài ra, đại diện một số trường đại học cũng góp ý thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác truyền thông tới học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục đại học nếu muốn tăng độ phổ biến của chứng chỉ này.
Bao giờ Việt Nam có 1 hội đồng riêng chuyên ra đề và chấm thi VSTEP?
Một số trường ĐH được Bộ GD cấp phép tổ chức thi VSTEP, tuy nhiên vẫn tổ chức thi nội bộ để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên.
Thực tế hiện nay, việc tổ chức thi và cấp phép chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt liên quan đến xét chuẩn đầu ra tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta còn nhiều băn khoăn và chưa có sự thống nhất về chuẩn năng lực ngoại ngữ, tạo ra độ chênh lệch rất lớn về trình độ ngoại ngữ giữa sinh viên của các trường.
Chứng chỉ VSTEP được xây dựng nhằm trở thành một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 - 5 cho đối tượng sau trung học phổ thông, được sử dụng trong phạm vi toàn quốc và hướng tới được quốc tế công nhận. Hiện chứng chỉ này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận và cấp phép cho 25 trường đại học trên cả nước tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, trên thực tế, phạm vi và giá trị sử dụng của chứng chỉ này còn hạn chế và chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu - đó là trở thành chứng chỉ được đại đa số người Việt Nam ưu tiên lựa chọn. Thay vào đó, các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL,... (đối với tiếng Anh) vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều học sinh, sinh viên.
Đáng nói hơn, thực tế một số trường đại học được Bộ Giáo dục cấp phép ủy quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, tuy nhiên các đơn vị này vẫn tổ chức các kỳ thi nội bộ để xét chuẩn đầu ra cho sinh viên. Một số trường đại học có thể kể tên như trường Đại học Trà Vinh, trường Đại học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền,...
Thông báo thi chứng chỉ tiếng Anh nội bộ mới nhất của trường Đại học Trà Vinh. Ảnh chụp màn hình
Khác với giá trị sử dụng toàn quốc của chứng chỉ VSTEP, chứng chỉ tiếng Anh nội bộ chỉ sử dụng được trong phạm vi của đơn vị cấp hoặc đơn vị chấp nhận. Các chứng chỉ nội bộ cũng khó có thể kiểm soát, đánh giá khách quan các giá trị về mặt học thuật, chất lượng cụ thể ra sao. Thực tế cũng đã có không ít phản ánh về tính minh bạch, khách quan của kỳ thi cấp chứng chỉ nội bộ tại một số cơ sở giáo dục đại học.
Rất khó để VSTEP phổ biến ở Việt nam khi các trường đại học vẫn tổ chức thi nội bộ
Bàn về vấn đề trên, thầy Lê Thanh Tú Nhân - giáo viên giảng dạy và luyện thi VSTEP tại Đà Nẵng đặt câu hỏi về chất lượng đối với các chứng chỉ nội bộ dùng để xét chuẩn đầu ra cho các học viên, sinh viên:
"Theo tôi biết hiện nay các đơn vị do Bộ cấp phép tổ chức đã và đang làm khá tốt quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, một số đơn vị khác vẫn tổ chức các kì thi cấp chứng nhận nội bộ - không theo đúng tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và vẫn được khá nhiều thí sinh chọn đi thi. Chứng nhận này có bài thi giống VSTEP và làm rất nhiều thí sinh hiểu nhầm khi đăng kí, ngoài ra khâu tổ chức và cấp chứng nhận rất đơn giản, đôi khi qua loa và làm mất giá trị của bài thi này.
Rất nhiều thí sinh đã thi đạt điểm số tương đối cao trong khi năng lực Tiếng Anh còn khiêm tốn. Nếu có thể thì VSTEP của Bộ cần phải được quán triệt là chứng chỉ và kì thi duy nhất tại Việt Nam được công nhận, các nơi khác muốn tổ chức phải thông qua Bộ và làm đúng quy trình đánh giá".
Hiện nay, giá trị sử dụng của chứng chỉ VSTEP còn hạn chế và chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu. Ảnh minh họa: B.S
Theo thầy Nhân, so với các hình thức thi trước đó tại nước ta như chứng chỉ A, B, C, thì VSTEP có nhiều tương đồng với các chứng chỉ quốc tế được cả thế giới công nhận như IELTS, TOEFL, qua đó mang ưu điểm vượt trội.
Một trong những ưu điểm có thể thấy rõ là bài thi tập trung vào việc đánh giá kĩ năng sử dụng Tiếng Anh của thí sinh như Nghe - Nói - Đọc - Viết. Thí sinh muốn có một số điểm tốt thì không chỉ phải nâng cao vốn từ hay ngữ pháp mà còn phải rèn luyện kỹ năng phát âm, cách giao tiếp hay diễn đạt ngôn ngữ trong văn viết.
"Thí sinh đạt điểm VSTEP cao chắc chắn phải qua quá trình luyện tập lâu dài và có trình độ Tiếng Anh tốt. Điểm hạn chế của VSTEP có lẽ là ở Việt Nam chưa có 1 hội đồng riêng chuyên ra đề và chấm thi VSTEP, đề thi vẫn có sự khác biệt về độ khó (dù không nhiều) của từng đơn vị tổ chức.
Ngoài ra cách phân loại thí sinh qua điểm số cũng chưa thật rõ ràng vì bài thi chỉ phân loại được 3 cấp bậc (3-4-5), một thí sinh đạt điểm 4 đôi khi trình độ không khác biệt với thí sinh điểm 5.5, hay thí sinh điểm 7 không chênh lệch nhiều trình độ so với thí sinh điểm 8; nếu so sánh với 1 bài thi tương tự là IELTS, thí sinh 7.0 sẽ có trình độ cao hơn khác biệt với với 6.0", thầy Nhân chia sẻ thêm.
Làm sao đưa VSTEP trở thành chứng chỉ được học sinh, sinh viên mong muốn
Thầy Lê Thanh Tú Nhân cho rằng, khâu tổ chức và cấp chứng nhận các chứng chỉ tiếng Anh nội bộ rất đơn giản, đôi khi qua loa và làm mất giá trị của bài thi này. Ảnh: NVCC
Vậy cơ hội nào cho chứng chỉ nội VSTEP? Rõ ràng, chúng ta phải tốn rất nhiều nguồn lực để xây dựng và đưa vào sử dụng chứng chỉ VSTEP, tuy nhiên mức độ phủ sóng của chứng chỉ này vẫn chưa đạt hiệu quả so với tiềm năng và kỳ vọng ban đầu.
Thầy Nhân cho rằng, việc đưa chứng chỉ VSTEP vươn ra thị trường quốc tế là không quá cần thiết và điều này cũng không dễ vì các vấn đề còn tồn đọng của nó (như đã đề cập ở trên). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta hài lòng với chất lượng bài thi hiện tại.
Để tạo được uy tín đối với xã hội, nâng cao chất lượng trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên,... cũng là một trong những cách để nâng cao uy tín của các chứng chỉ nội, thầy Nhân cho rằng cần chuẩn hóa hơn trong cách ra đề và chấm bài thi. Cụ thể:
"Nếu có thể điều chỉnh lại cách tính điểm và quan trọng hơn là xây dựng một hội đồng chất lượng chuyên phụ trách việc ra đề và chấm đề để điểm số VSTEP trở nên khách quan và chính xác, bài thi này sẽ vô cùng hữu ích và giúp các thí sinh tiết kiệm được nhiều chi phí khi đi thi đánh giá năng lực tiếng Anh.
Các trường và cơ quan, công ty tại Việt Nam cũng có thêm 1 cơ sở để đánh giá năng lực của người học, qua đó tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi tuyển sinh hay tìm ứng viên. Việc đưa VSTEP trở thành 1 chứng chỉ chuẩn và được sử dụng chính thức tại Việt Nam, được các học sinh, sinh viên mong muốn có được đã là thành công lớn và thể hiện đúng mục đích của bài thi này".
Ngoài ra, hiện nay rất nhiều đơn vị lấy chứng chỉ IELTS làm tiêu chí tuyển sinh chính, trong khi ngôn ngữ chỉ là phương tiện, còn mục đích xét tuyển là lựa chọn người có năng lực kiến thức, là nền tảng cho quá trình học tập, đào tạo tiếp theo. Một số trường mới đây cũng đã thông báo sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học năm 2023.
Thầy Nhân cho rằng dù việc sử dụng chứng chỉ VSTEP hay thậm chí một số chứng chỉ đã được công nhận toàn cầu như IELTS để xét tuyển thẳng đại học đều không phù hợp.
"Sẽ hợp lý hơn nếu chứng chỉ này được xem là 1 trong các yếu tố ưu tiên bên cạnh năng lực kiến thức. Thay vào đó, các trường nên khuyến khích và tạo môi trường để các em học thêm, rèn luyện ngoại ngữ trong quá trình giảng dạy.
Hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, nên việc biết thêm 1 ngoại ngữ khi ra trường sẽ mang đến cho các em rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp và cống hiến cho đất nước".
Tuyển sinh 2023: Chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ 'nội' Từ năm 2023, nhiều trường đại học của Việt Nam sẽ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ do chính các trường trong nước cấp để tuyển sinh. Chứng chỉ ngoại ngữ "nội" được nhắc đến ở đây là VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) do các trường đại học trong nước tổ chức thi và cấp. Bài thi đánh giá năng lực...