Đề thi THPT quốc gia 2019: Thí sinh sẽ phải “trả giá” nếu trả lời theo khuôn mẫu
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi mang tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ giảm độ khó so với năm trước
Trao đổi với báo chí ngày 11/5, trả lời về đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ ra như thế nào? Vì năm 2017 đề thi được phản ánh là quá dễ dẫn đến tình trạng mưa điểm 10, còn đề thi năm 2018 lại quá khó đến mức nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải và đã lộ ra gian lận điểm thi gây chấn động xã hội.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở.
Đặc biệt, đề thi có câu hỏi mang tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Ông Trinh cho biết, để hỗ trợ cho GV, HV trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ GDĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo (công bố 14 đề thi tham khảo vào ngày 06/12/2018). Đề thi chính thức năm nay từ hình hài đến kiến thức cũng tương tự như đề thi tham khảo.
“Bộ xác định, quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, không sai, đánh giá được khách quan, chính xác, công bằng năng lực của học sinh. Trên cơ sở đó, chúng ta sử dụng vào mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học” – ông Trinh nhấn mạnh.
Video đang HOT
Giáo viên: Độ khó đề thi giảm nhiều!
Nhận xét về đề thi tham khảo 2019 mà Bộ GD&ĐT đã công bố, nhiều giáo viên cho rằng, số câu hỏi lớp 12 tăng lên so với đề thi các năm trước (khoảng 85%-90%). Phần kiến thức lớp dưới chiếm tỉ lệ rất nhỏ (không quá 10%/1 môn và gần như chỉ rơi vào chương trình lớp 11, không có câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10).
Về độ khó – dễ của đề thi tham khảo năm 2019, nhiều giáo viên nhận định, so với đề thi chính thức kì thi THPT quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo 2019 được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung nhiều vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Số câu hỏi dễ và câu hỏi lí thuyết (Nhận biết và thông hiểu) tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi chỉ còn chiếm khoảng 10% (khoảng 4 câu) và đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018.
Theo các giáo viên, sự điều chỉnh này tương đối hợp lí đề thi năm nay nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kì thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng của kì thi các năm trước (năm 2017 đề thi được phản ánh là quá dễ dẫn đến tình trạng mưa điểm 10 còn đề thi năm 2018 lại quá khó đến mức nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải).
Để tăng ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT điều chỉnh tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT: 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh; thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây).
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12
PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, đã nhấn mạnh như vậy sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019
* Phóng viên: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có một số thay đổi quan trọng. Ông có thể chia sẻ những lưu ý đối với thí sinh (TS) khi làm hồ sơ đăng ký dự thi?
GS MAI VĂN TRINH
- PGS MAI VĂN TRINH: Năm nay, TS đăng ký thi THPT quốc gia từ ngày 1 đến 20-4. Trên phiếu đăng ký có những điểm cần lưu ý, phần hướng dẫn ghi phiếu và phần hướng dẫn về các diện ưu tiên và điểm khuyến khích, TS cần đọc kỹ những thông tin này.
Khi hết hạn nộp phiếu đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, TS phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho trưởng điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Theo quy chế cũ thì từ năm 2019, nội dung thi THPT quốc gia sẽ bao hàm tất cả chương trình THPT, còn quy chế mới quy định trong năm nay, nội dung đề thi vẫn sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
Học sinh tỉnh Khánh Hòa đặt câu hỏi với Ban Tư vấn tuyển sinh chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019" do Báo Người Lao Động tổ chứcẢnh: QUANG LIÊM
* Việc TS tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do giám đốc sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) quyết định được cho là đã tạo kẽ hở, phát sinh tiêu cực thi cử. Năm nay, Bộ GD-ĐT có thay đổi quy định này?
- Trước đây, TS tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định, TS giáo dục thường xuyên cũng được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi khoa học xã hội. Tuy nhiên, quy định này đã thay đổi. Điểm mới của Quy chế thi THPT quốc gia 2019 là TS tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với TS giáo dục THPT và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định.
* Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để hạn chế tiêu cực thi cử. Việc kéo dài thời gian chấm thi có ảnh hưởng đến lịch trình tuyển sinh hay không, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho các trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Bộ cũng sẽ thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định của quy chế. Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường ĐH, CĐ đảm nhiệm và có quyền thay đổi hoặc đình chỉ việc chấm thi đối với những thành viên thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc có nhiều sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Do công tác chấm thi kỹ lưỡng hơn nên năm nay, việc công bố kết quả thi dự kiến muộn hơn năm ngoái vài ngày. Dù vậy, việc này không ảnh hưởng đến TS, cũng như lịch trình tuyển sinh của các trường.
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 24 đến 27-6. Sau khi kỳ thi kết thúc, các hội đồng thi cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi về bộ số liệu và tình hình coi thi, chậm nhất vào trưa 28-6.
Theo kế hoạch, hạn chót vào ngày 13-7, các hội đồng thi xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do bộ cung cấp ra 2 đĩa, 1 đĩa lưu tại sở GD-ĐT theo chế độ mật và một đĩa gửi bảo đảm chế độ mật về Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) để cập nhật kết quả vào phần mềm quản lý thi. Ngay sau khi cơ quan này cập nhật kết quả thi vào phần mềm, các hội đồng thi sử dụng đĩa lưu trữ tại đơn vị đối chiếu với kết quả trên phần mềm, nếu có bất thường phải báo cáo ngay về ban chỉ đạo thi quốc gia để xử lý. Việc đối chiếu kết quả thi hoàn thành chậm nhất vào ngày 13-7 và 2 ngày sau đó, hội đồng thi công bố, thông báo kết quả cho TS.
"Năm ngoái, điểm thi THPT quốc gia của TS cả nước được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 11-7, còn năm nay, dự kiến công bố chậm nhất là ngày 19-7".
PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng
Yến Anh thực hiện
Theo nld.com.vn
Đề minh họa thi THPT Quốc gia 2019: Thầy trò 'dễ thở' hơn Thời điểm này, các địa phương đã triển khai công tác dạy học, ôn tập thi THPT quốc gia năm 2019. Điểm chung trong công tác chỉ đạo là lưu ý hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung kế hoạch thời gian năm học, nghiêm cấm cắt xén chương trình; xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp...