Đề thi Đánh giá năng lực 2020: Có kiến thức không có trong sách giáo khoa
Bài thi Đánh giá năng lực 2020 của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ được ra để đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc của thí sinh.
TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: ĐHQG TPHCM
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, tính đến ngày 24.4, đã gần 60.000 thí sính đăng ký dự thi và khoảng 60 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử sụng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực 2020 của Đại học Quốc gia TPHCM. Những con số này dự kiến còn tăng cao sau khi các trường điều chỉnh phương án tuyển sinh 2020.
Về cách thức ra đề, theo TS Chính, Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Các năng lực đó như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lí số liệu, giải quyết vấn đề.
“Kiến thức được hỏi trong đề có thể rất mới nhưng không ra theo hướng thách đố mà là cung cấp thông tin, thí sinh dùng kiến thức đó suy luận và giải thích vấn đề. Với hướng ra đề những câu hỏi mang tính suy luận và sử dụng số liệu thì vẫn có khả năng có nội dung tinh giản, tuy nhiên chúng tôi sẽ hạn chế tối đa hỏi về kiến thức học sinh chưa học”, TS Chính cho hay.
TS Chính thông tin chi tiết hơn, bài thi đánh giá năng lực gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, bài thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc. Bài thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Cấu trúc của bài thi gồm 3 phần. Phần 1, sử dụng ngôn ngữ (40 câu) chia đều cho phần tiếng Việt và tiếng Anh. Nội dung về tiếng Việt sẽ đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản, sử dụng ngôn ngữ và khả năng cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học. Các câu hỏi tích hợp nhiều kiến thức về ngữ văn, đòi hỏi thí sinh nắm vững những kĩ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan.
Video đang HOT
Mô tả phần thi tiếng Việt
Ở phần đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh tổng quát ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, thông qua các nội dung: lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn.
Mô tả phần thi tiếng Anh.
Phần 2 là những kiến thức toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu), đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu.
Mô tả phần kiến thức toán học
50 câu ở phần 3 sẽ dành để giải quyết vấn đề. Phần này đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc 5 lĩnh vực. Trong đó gồm 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lí, sinh học) và 2 lĩnh vực khoa học xã hội (địa lí, lịch sử).
“Với một kế hoạch chuẩn bị và triển khai cẩn trọng và khoa học, Đại học Quốc gia TPHCM đã tập trung xây dựng ngân hàng đề thi với số lượng lớn, chất lượng cao, theo quy trình xây dựng chặt chẽ với đội ngũ các chuyên gia đến từ các đơn vị thành viên, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM và các trường THPT”, TS Chính cho hay.
Do những ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục dời hạn đăng ký, ngày thi đánh giá năng lực. Lịch thi điều chỉnh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 (đợt 1) và cuối tháng 8 (đợt 2). Trong thời gian này, thí sinh tiếp tục đăng ký dự thi cho tới lúc có thông báo mới.
HUYÊN NGUYỄN
Trường có thể kiến nghị đổi sách giáo khoa nếu không phù hợp
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy định mới về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố sẽ có thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh, thành phố sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một hội đồng.
Thành viên trong hội đồng bao gồm lãnh đạo, chuyên viên của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Dự thảo cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông chọn lại SGK nếu không phù hợp. Ảnh: Q.T.
Sách được lựa chọn phải đáp ứng 2 tiêu chí là phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương. Sách phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Sách thuộc danh mục sách mà Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt.
Quy trình lựa chọn SGK được tiến hành tuần tự từ các tổ chuyên môn đến UBND tỉnh, thành phố.
Các tổ chuyên môn sẽ tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách, theo tiêu chí lựa chọn SGK.
Sau đó, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn; tham khảo ý kiến của phụ huynh, học sinh về việc lựa chọn; đề xuất danh mục SGK các môn học gửi về sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.
Trên cơ sở đó, Hội đồng lựa chọn sẽ thảo luận, đánh giá. Sở GD&ĐT sẽ tổng hợp kết quả, trình UBND tỉnh, thành phố xem xét, quyết định.
Trước thời điểm bắt đầu năm học mới là 6 tháng, UBND cấp tỉnh, thành phố công bố danh mục SGK được phê duyệt, sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
SGK được UBND tỉnh lựa chọn sẽ được giảng dạy chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh có thể sử dụng SGK khác đã được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt để tham khảo, phục vụ cho việc dạy và học. Đây chính là điểm mới của việc đổi mới chương trình phổ thông, dạy học theo chương trình, không lệ thuộc vào một SGK.
Dự thảo cũng quy định, các cơ sở giáo dục có thể tổng hợp kiến nghị của giáo viên, học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Nếu nhiều cơ sở giáo dục phổ thông có kiến nghị về việc SGK được lựa chọn không phù hợp, UBND cấp tỉnh sẽ quy định lựa chọn lại sách giáo khoa để thay đổi trên toàn tỉnh.
Cơ sở giáo dục phổ thông thấy SGK không phù hợp đơn vị mình, có thể kiến nghị thay đổi. UBND cấp tỉnh sẽ xem xét và tổ chức lựa chọn bổ sung để phù hợp trường có kiến nghị này.
Nguyễn Hằng
Tỉ lệ đăng ký thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM tăng vọt Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM đã tăng vọt. Kỳ thi Đánh giá Năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM được tổ chức...