Để học sinh chọn ngành sư phạm
Hiện nhiều trường đang khởi động mùa tuyển sinh ĐH 2018. Để cải thiện đầu vào ngành sư phạm, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc giao chỉ tiêu này liệu có quay trở lại cơ chế “xin – cho”.
ảnh minh họa
Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, trong tình hình hiện nay, chúng ta phải chấp nhận điều đó, bởi các trường sư phạm chủ yếu là đơn vị công lập. Các ngành khác, thị trường quyết định nhân lực, nên bộ chủ quản không thể nắm thông tin cụ thể nhu cầu lao động trong từng giai đoạn. Chính quyền các tỉnh ra chỉ tiêu sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng dư thừa giáo viên, giống như ngành công an, quân đội.
Hiện nay, nhiều học sinh không mặn mà với ngành sư phạm, vì vậy, điểm đầu vào ngành này quá thấp. Để đưa các trường sư phạm lên top đầu như ĐH Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương là một bài toán khó, TS Khuyến cho rằng, muốn điểm tuyển sinh sư phạm cao nhất, thì giáo sinh tốt nghiệp phải có việc làm và thu nhập tương đối tốt. “Lúc đó, không cần “hò hét” học sinh vẫn vào sư phạm. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích giáo viên, cụ thể, xếp lương giáo viên ở nhóm ngạch cao nhất. Đối với những người dạy ở vùng sâu, vùng xa nên được hưởng chính sách ưu tiên đặc thù” – ông Khuyến bày tỏ.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc tái cấu trúc các trường sư phạm. Theo ông Khuyến, đây là hướng đi đúng, nhưng phải làm sao cho hệ thống hoạt động chất lượng và hiệu quả. Vì số cơ sở đào tạo giáo viên được mở quá nhiều, nếu làm không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên. Riêng đề nghị 8 trường sư phạm trọng điểm trong cả nước tập trung đào tạo giáo viên, những trường còn lại, chủ yếu là cao đẳng sư phạm chuyển sang bồi dưỡng giáo viên và đào tạo các ngành bên ngoài, quan điểm của ông Khuyến là các trường sư phạm trọng điểm chỉ có kinh nghiệm đào tạo giáo viên THPT, còn mảng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS mới được mở ngành khoảng 10 năm nay. Trong khi đó, các trường cao đẳng, ĐH địa phương lâu nay có nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, mẫu giáo tiểu học, THCS nếu cho họ đào tạo lại tất cả giáo viên các bậc là không hợp lý.
Video đang HOT
Vì vậy, ông Khuyến đề xuất, nhiệm vụ đào tạo giáo viên THCS, đặc biệt là tiểu học nên để cho các trường sư phạm địa phương thực hiện. Các trường sư phạm ở tỉnh cũng phải nâng tầm đào tạo được ở trình độ ĐH, điều này phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Các trường sư phạm trọng điểm, ngoài đào tạo giáo viên THPT nên bồi dưỡng cho đội ngũ đang giảng dạy ở phổ thông để tận dụng cơ sở vật chất tốt, đội ngũ trình độ cao. Còn việc đào tạo giáo viên trình độ sau ĐH nên dành cho những cơ sở có năng lực.
Theo Kinhtedothi.vn
Chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông
Để áp dụng Chương trình, sách giáo khoa (SGK) GD phổ thông mới, nhằm thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông, ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum đang tích cực triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện.
ảnh minh họa
Trong đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên; rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất... với mục tiêu chuẩn bị tốt các điều kiện để áp dụng thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông.
Rà soát đội ngũ, CSVC trường học
Theo ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, để chuẩn bị tốt các điều kiện áp dụng thực hiện đổi mới Chương trình, SGK GD phổ thông mới, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, yêu cầu các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT huyện/thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT chủ động thực hiện những nội dung hết sức trọng tâm và cụ thể.
Hiện nay, các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT đang tích cực tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình, SGK GD phổ thông mới và đề ra các biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc ngành GD-ĐT. Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT huyện/thành phố, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và có biện pháp giải quyết đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định.
Ông Nguyễn Phúc Phận cho hay: Ngay từ đầu năm 2018, ngành GD-ĐT Kon Tum đã đề ra nhiều giải pháp trong chỉ đạo, đánh giá hoạt động dạy học nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt khi bước vào áp dụng thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông.
Để thực hiện mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, theo lộ trình cụ thể là từ năm học 2019 - 2020 dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 1, đến năm học 2023 - 2024 dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp tiểu học; ngành GD-ĐT Kon Tum và các địa phương đang tích cực thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn bị một số điều kiện đảm bảo cho dạy học 2 buổi/ngày, cũng như thực hiện áp dụng Chương trình GD phổ thông mới.
Nâng cao nhận thức về đổi mới
Nói về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Phúc Phận : Chương trình phổ thông mới đặt ra yêu cầu về dạy học tự chọn bắt buộc từ lớp 3, năm 2018, giao Trường CĐSP Kon Tum xây dựng phương án đào tạo giáo viên cho các môn học Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật nhằm đáp ứng đội ngũ triển khai, thực hiện Chương trình GD phổ thông mới.
Triển khai đổi mới phương pháp dạy học cho sinh viên; Đào tạo sinh viên đáp ứng nhiệm vụ dạy học Chương trình GD phổ thông mới ngay khi ra trường. Đồng thời, phối hợp cùng các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên về Chương trình, SGK GD phổ thông mới.
Tổ chức quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ sở GD về thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT về việc tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng Chương trình, SGK GD phổ thông mới.
"Một trong những giải pháp trọng tâm của ngành GD-ĐT Kon Tum đang tập trung thực hiện đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tạo sự tin tưởng, thống nhất, lạc quan, đồng thuận trong công cuộc đổi mới GD phổ thông" - Giám đốc Nguyễn Phúc Phận nhấn mạnh.
Theo Giaoducthoidai.vn
Nhiều văn bản của Bộ Giáo dục làm các trường cao đẳng sư phạm chao đảo Cụm từ "không bao gồm trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ - tin học thuộc các trường cao đẳng" trong văn bản 6078 đã khiến các trường cao đẳng chao đảo. Cụm từ "không bao gồm trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ - tin học thuộc các trường cao đẳng" trong văn bản 6078 đã khiến các trường cao...