“Để học sinh ăn phải thịt ôi, gạo mốc trong trường học là tội ác!”
Để thực phẩm bẩn tràn vào bữa ăn bán trú, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của học sinh, theo phụ huynh và các chuyên gia, điều này là tội ác, không thể chấp nhận.
Hình ảnh do phụ huynh ở Bà Rịa – Vũng Tàu chụp lại, để ‘tố’ nhà trường cho trẻ ăn cơm nấu bằng gạo mốc, đầu cá.
Bất an bữa ăn của con ở trường
Mới vào đầu năm học mới đã xảy ra liên tiếp các vụ việc liên quan đến bếp ăn trường học, khiến phụ huynh bất an, lo lắng.
352 học sinh của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng(TP.Ninh Bình) nhập viện cấp cứu do ăn phải ruốc gà nhiễm độc tố tụ cầu vàng ở trường.
Theo cơ quan chức năng, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể có trong thịt gà sống và quá trình nấu nướng không loại bỏ được độc tố, hoặc thực phẩm bị ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh.
Tiếp đó, hàng trăm học sinh tiểu học ở Hà Giang cũng bị ngộ độc sau khi ăn bữa sáng (gồm xôi và thịt băm) ở trường. Bước đầu cơ quan chức năng xác định khả năng gây ngộ độc là do thịt lợn làm thịt băm bị nhiễm khuẩn do để ôi thiu.
Trong khi hai vụ việc trên chưa lắng, những ngày qua dư luận tiếp tục “ nóng” bởi thông tin một nhóm phụ huynh ở Bà Rịa – Vũng Tàu “bắt quả tang” nhà trường cho trẻ ăn cơm nấu bằng gạo mốc.
Chia sẻ với phóng viên, chị Cao Hoàng Yến – có con đang học ở Trường Mầm non Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, sau nhiều lần thấy con phản ánh cơm ở trường rất khó ăn, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết, vì quá bất an, chị và một số phụ huynh khác đã đến trường để kiểm tra đột xuất bữa ăn của con vào ngày 9.10.
Kết quả là chị và các phụ huynh đều sốc khi thấy gạo dùng để nấu cơm đã bị mốc xanh. Quá bức xúc, chị Yến đã quay lại toàn bộ sự việc và chia sẻ lên mạng xã hội. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không sự việc như phụ huynh phản ánh.
“Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là bữa ăn của con em chúng tôi ở trường được đảm bảo an toàn, đủ chất dinh dưỡng. Việc cho trẻ ăn bằng gạo mốc là không thể chấp nhận, đây là tội ác” – chị Yến bức xúc.
Để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học, ai chịu trách nhiệm?
Cả ba vụ việc liên quan đến chất lượng bữa ăn học đường xảy ra trong nửa tháng qua đều có điểm chung là vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm hay bị xử lý.
Hàng loạt vụ việc ngộ độc liên quan đến bữa ăn bán trú của trẻ không đảm bảo đã gây bức xúc trong dư luận những ngày qua.
Trước đó, cũng nhiều vụ việc thực phẩm bẩn tuồn vào trường học, khay ăn có dòi, học sinh bị bớt xén thức ăn bị phụ huynh phát hiện và “tố cáo”. Nhưng khi bị phản ánh, người đứng đầu nhà trường đều tìm cách che đi khiếm khuyết của mình, hoặc không bị xử lý, hoặc đổ lỗi cho đơn vị cung cấp thực phẩm.
Chia sẻ bên lề một cuộc tọa đàm về vấn đề an toàn thực phẩm, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội – thẳng thắn cho rằng, để thực phẩm bẩn tràn vào bếp ăn trường học, đó thực sự là một tội ác, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của học sinh.
Nếu để xảy ra sự việc này, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Còn với tư cách là một phụ huynh, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, để bữa ăn của trẻ ở trường được an toàn và phụ huynh không bị bất an, cơ quan chức năng cần có biện pháp yêu cầu các trường phải công khai thực đơn ăn hằng ngày của trẻ. Đồng thời phải tạo cơ chế để phụ huynh được giám sát bữa ăn của con em mình ở trường.
“Tôi nghĩ những người đã nhận lời làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cần thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Cần phải thường xuyên kiểm tra bếp ăn trường học, chất lượng bữa ăn bán trú… để bảo vệ sức khỏe của học sinh, thay vì quan tâm quá nhiều đến lợi ích của nhà trường”- Luật sư Ứng kiến nghị.
BÍCH HÀ
Theo laodong
Ninh Bình: Hàng trăm học sinh đi học trở lại sau khi bị ngộ độc
Sáng 8/10, hàng trăm học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) đã đi học trở lại sau vụ ngộ độc do món ruốc gà trong bữa ăn trưa bán trú gây ra.
Hàng trăm học sinh sức khỏe ổn định đi học trở lại sau khi bị ngộ độc thực phẩm
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Văn Tự - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) cho biết, sáng nay 8/10 hầu hết các em học sinh bị ngộ độc ngày 5/10 đều đã đến trường đi học trở lại. Sức khỏe của những học sinh này tương đối ổn định.
Theo thống kê từ phía nhà trường, sáng 8/10, toàn trường có 28 học sinh vắng mặt. Trong đó, có 12 em học sinh trước đó bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Hiện vẫn còn 2 học sinh của trường đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, nguyên nhân không phải nằm điều trị ngộ độc trước đó mà do một bệnh khác gây nên.
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, sáng 8/10 hàng trăm học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã đi học trở lại.
"Bình thường trường cũng thường vắng từ 15 - 20 học sinh với nhiều lý do khác nhau. Sáng nay, trường vắng hơn 20 học sinh, chúng tôi đã liên hệ với gia đình và đều nắm bắt được lý do. Các em bị ngộ độc, phụ huynh cho biết sức khỏe cũng đã ổn định, gia đình muốn cho khỏe hẳn mới đến trường đi học trở lại" - ông Tự nói.
Cũng theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, trong ngày 8/10, nhà trường tạm dừng việc nấu ăn bán trú cho học sinh vì bếp ăn vẫn đang bị niêm phong để phục vụ công tác làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc xảy ra trước đó. Nhà trường cũng đã có thông báo cho các bậc phụ huynh buổi trưa đến đón con em về.
Trước đó như Dân trí đưa tin, ngày 5/10, hàng trăm học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình sau bữa ăn trưa bị nôn, đau bụng, chóng mặt. Bữa trưa bán trú tại trường các em ăn cơm trắng, ruốc gà, tôm chiên và canh xương gà nấu cà chua.
Bếp nấu ăn bán trú của trường đã bị niêm phong phục vụ công tác làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Có 352 học sinh của trường bị ngộ độc được đưa đến các cơ sở y tế tại thành phố Ninh Bình cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu vụ việc được xác định là do bị ngộ độc thực phẩm từ món ruốc gà gây nên.
Ông Vũ Mạnh Dương - Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu phẩm thức ăn và nước uống tại bữa trưa trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho thấy trong món ruốc gà có độc tố tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện.
Độc tố tụ cầu vàng còn có thể xuất hiện khi thực phẩm để lâu không được bảo quản tốt, quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Sau khi biết nguồn gây ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh phải nhập viện cấp cứu, Sở Y tế Ninh Bình đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiến hành niêm phong cửa hàng, tiêu hủy toàn bộ lô hàng tại hộ kinh doanh cung cấp gà cho nhà trường, địa chỉ tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Học sinh sức khỏe ổn định, tâm lý thoải mái sau vụ ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
"Là người đứng đầu nhà trường, tôi xin nhận trách nhiệm về vụ việc trước các cấp có thẩm quyền và phụ huynh học sinh. Sau khi sự việc xảy ra, tôi sẽ cùng với các bộ phận chuyên môn của trường xem xét và thực hiện chặt chẽ hơn nữa các quy trình tại trường để phụ huynh học sinh yên tâm hơn" - ông Tự chia sẻ.
Được biết, việc phụ vụ nấu ăn bán trú cho học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng được phụ huynh học sinh thỏa thuận với nhà trường. Các quy trình về bếp nấu ăn, nguồn thực phẩm đều được kiểm soát rất chặt chẽ và có sự thống nhất cao. "Đây là sự việc không mong muốn xảy ra" - ông Tự nói.
Học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trong giờ ra chơi giữa buổi học sáng 8/10.
Thái Bá
Theo Dân trí
Trẻ dùng Smartphone sớm dễ bị xâm hại Theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen; Trên thế giới cứ 4 bé gái, một bé bị xâm hại tình dục. Các bé trai cũng không an toàn khi trung bình cứ 6 em, một bị xâm hại. Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng...