Để đạt điểm 9 cộng ở các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như thủ khoa
Trong chương trình tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại tỉnh Bình Dương hôm qua (24.4), các thủ khoa đã ‘bật mí’ bí quyết độc đáo để đạt được điểm 9 cộng cho các môn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các thủ khoa chia sẻ phương pháp học tập để đạt điểm cao – PHẠM HỮU
Tại chương trình, một học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Trãi đặt câu hỏi cho Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019: “Học ngành công nghệ thông tin thì có cần biết viết code hay phần mềm gì trước không? Và ngành này có phù hợp với con gái hay không?”. Lương cho rằng khi ở trường THPT các bạn có thể học trước về viết code nhưng chỉ ở mức độ nhập môn với các ngôn ngữ như C, C … Nhưng bên cạnh đó các bạn cũng nên đầu tư nhiều cho môn toán, đặc biệt là toán logic.
Theo Lương, trong thời buổi hiện nay thì vấn đề giới tính không còn quan trọng vì cả hai đều có thế mạnh để học tốt ngành này. Tuy nhiên, Lương cho rằng ngành thương mại điện tử và hệ thống thông tin hiện nay các bạn nữ theo học rất nhiều.
Hoàn thành kiến thức lớp 12 trong hè lớp 11
Một HS đặt câu hỏi cho các thủ khoa: “Đang học lớp 11, tụi em cần chuẩn bị như thế nào để bước vào học lớp 12 thật tốt?”. Từ kinh nghiệm của mình, Trần Ngọc Đoan, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, khuyên HS lớp 11 từ bây giờ nên đọc sách giáo khoa lớp 12, tự tìm hiểu kiến thức để học trước, vì tự học trước chừng nào thì tốt chừng đó.
“Các bạn nên đặt ra lộ trình hoàn thành hết chương trình 12 trong một thời gian nhất định nào đó, để thời gian còn lại luyện đề cho thật tốt. Với bản thân mình thì từ hè năm lớp 11 đã chuẩn bị kiến thức để giải các đề luyện thi tốt nghiệp THPT, vì chúng ta biết đề thi tốt nghiệp THPT phổ kiến thức rất rộng nên cần thời gian rất dài để ôn luyện. Chính vì thế, hoàn thành các kiến thức cơ bản càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong hè lớp 11″, Đoan chia sẻ.
Học sinh tham gia đặt câu hỏi tại buổi tư vấn – PHẠM HỮU
Bên cạnh đó, để thi được các môn ở điểm trên 9, HS phải tư duy sao trong thời gian ngắn nhất có thể làm được câu đề yêu cầu. “Khi bạn cố gắng giải đến cùng cho các câu khó thì khả năng tư duy sẽ tăng rất nhiều, từ đó dù khác dạng đề hay khác hoàn toàn cũng không là vấn đề của chúng ta”, Đoan gửi gắm.
Nhiều HS thắc mắc nên trau dồi môn tiếng Anh như thế nào để thi tốt nghiệp THPT. Là thủ khoa khối A1 (toán, lý, tiếng Anh), Trần Đức Lương khuyên nếu HS đang học lớp 11 thì đây là thời điểm thích hợp để trau dồi môn tiếng Anh. Lương khuyên các bạn nên dành thời gian học tiếng Anh trong hè, và nên thi một chứng chỉ nào đó. “Mình được 9,6 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng việc ôn luyện rất đơn giản vì mình đã chuẩn bị nền tảng tốt từ trước, đó là lý do mình khuyên các bạn nên chuẩn bị từ sớm. Và với bất cứ môn nào các bạn cũng cần nắm rõ được ma trận đề. Các bạn có thể tìm hiểu các đề tham khảo hoặc đề minh họa của Bộ GD-ĐT”, Lương chia sẻ.
Theo đuổi đam mê để có động lực cố gắng
Chia sẻ về bí quyết học khối B, Quang Trọng Minh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng học khối B là học những môn mang tính chất không thể thay đổi được, mang tính chất phạm trù, nên cách học vẫn phải là học thuộc. Từ kinh nghiệm của mình, Minh khuyên: “Một số cách có thể ứng dụng để học tốt hơn. Chẳng hạn theo tâm lý học của não bộ, có các cách học qua thị giác, thính giác và vận động. Về thính giác thì có thể ghi âm bài giảng và về nghe lại nhiều lần.
Đối với thị giác thì có thể dùng sơ đồ hóa, hình ảnh hóa, biểu đồ hóa và sử dụng các màu sắc để giúp mình nhớ hơn việc chỉ học trên một trang giấy trắng. Học qua vận động thì đối với một số người không thể ngồi yên được mà phải di chuyển hay nói chuyện, tương tác với đám đông thì nên bổ sung những khoảng ngắn nghỉ để vận động giúp cho việc học tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng công cụ như một trái banh để bóp bàn tay trái giúp kích thích trí nhớ trước khi học. Học xong rồi bóp bàn tay phải vì theo nghiên cứu cho thấy rằng khi bóp bàn tay trái sẽ gợi nhớ những kiến thức sau khi thi”.
Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, trao đổi với các học sinh bên lề buổi tư vấn Hành trang tương lai – PHẠM HỮU
Một HS Trường THPT Bến Cát đặt vấn đề nếu theo đuổi đam mê mà không quan tâm đến vấn đề kinh tế thì có được không. Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, khẳng định ngành mà Thịnh trở thành thủ khoa đầu ra bắt nguồn từ niềm đam mê “siêu to, khổng lồ” của mình, vì lúc đầu bản thân Thịnh dành suốt 3 năm THPT để luyện thi y, do lúc đó mẹ đau ốm nên muốn theo học bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Không những thế, lúc đó Thịnh còn nghe đồn học y sẽ có nhiều tiền, gia đình lại đang khó khăn nên Thịnh quyết tâm luyện thi y và hơn nữa Thịnh cũng học tốt ở khối này.
“Thế nhưng, mình có một đam mê từ nhỏ là hội họa nên 2 tháng cuối cùng khi sắp đến kỳ thi, mình tự dành riêng cho bản thân, ngồi và suy nghĩ về những ngày tháng đã trải qua. Mình lớn lên trong gia đình hộ nghèo, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và mua giấy bút để học vẽ bằng các công việc như lên rừng hái rau má về bán kiếm tiền ăn học… Khi nhìn lại như thế, mình quyết tâm theo đam mê. Và mình nhận ra khi theo đam mê thì chúng ta sẽ được là chính mình, khi làm được điều mình yêu thích thì mới có động lực để làm hết mình, từ đó sẽ có được kết quả như ý muốn”, Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra, khuyên từ câu chuyện của mình.
Thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm học tập: Phải thực chiến đề thi thật nhiều
Học sinh tham dự chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường THPT Nguyễn Du (H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) sáng 21.3 trao đổi với các thủ khoa ôn thi như thế nào cho hiệu quả trong kỳ thi đánh giá năng lực?
Thủ khoa giao lưu với học sinh tại H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) - ĐÀO NGỌC THẠCH
Về vấn đề này, Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2019, cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực kiến thức rất rộng, phân bổ ở rất nhiều mảng kiến thức. Không phải thí sinh nào cũng giỏi toàn diện các môn. Vì thế, trong giai đoạn nước rút này, nếu muốn ôn thi hiệu quả, thay vì học theo sách giáo khoa từ đầu để có kiến thức, các bạn nên vào làm đề luôn, nếu câu nào chưa biết thì quay lại để xem kiến thức ở phần đó.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Nguyễn Thị Trân, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, hỏi: "Làm thế nào để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT?". Trả lời cho câu hỏi này, Võ Lập Phúc, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, cho rằng môn văn là tư duy ngôn ngữ, làm thế nào để mỗi bài văn phải có điệu hồn riêng của mình. Chính vì thế, trong bài làm văn phải thể hiện được phong cách, giá trị sống, tầm nhìn, lý tưởng của chính các bạn vào bài văn và vấn đề này phải được tích lũy từ chính quá trình đọc, luyện tập mỗi ngày.
Đối với môn lịch sử, Phúc khẳng định không phải học thuộc lòng, không tư duy theo kiểu học thuộc lòng. "Phần thi trắc nghiệm của môn sử là phản ánh của logic sự kiện và khi học, các bạn phải làm sao liên kết được các sự kiện lại với nhau, các sự kiện này ảnh hưởng và là tiền đề để dẫn đến các sự kiện khác. Cách để học tốt môn lịch sử, đầu tiên là phải đọc hết toàn bộ sách giáo khoa và thứ hai là học cách trả lời thật nhanh sự kiện này có những ảnh hưởng gì đến các sự kiện sau", Phúc chia sẻ.
Trần Ngọc Đoan, thủ khoa đầu vào khối A Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM năm 2020, cho biết tính chất môn hóa và lý không đơn thuần giải bài tập như môn toán. Ở đề thi của 2 môn này, phần đầu có rất nhiều câu lý thuyết nên đầu tiên, để học tốt 2 môn này, phải nắm vững kiến thức, hiểu sâu và hiểu đúng, từ đó mới phát triển lên những bài tập khó. Đoan khuyên học sinh phải thực chiến đề thi càng nhiều càng tốt, vì việc chúng ta học và đề thi ra thế nào không phải lúc nào cũng giống nhau.
Trong giai đoạn nước rút, Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào khối A1 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019, khuyên với môn toán, học sinh nên tiếp cận đề theo tư duy mở, không nên tiếp cận kiến thức chỉ theo sách giáo khoa mà từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là các thầy cô trẻ sẽ có những cách thức giải rất mới. Không những thế, Lương cũng khuyên nên ôn và giải đề vào cùng giờ sẽ thi chính thức môn đó ở kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm quen với thời gian làm bài thi.
Khi học sinh băn khoăn về việc chọn ngành nghề, Quang Trọng Minh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM, đưa ra lời khuyên từ chính câu chuyện của mình. "Mình từng thi 2 lần không đậu vào trường đại học lớn với chuyên ngành mình yêu thích nên sau 2 năm vẫn quyết thi lại. Mình biết năng lực của mình đến đâu nên chọn ngành gần giống, có liên quan với ngành mình yêu thích, ở một trường lấy mức điểm thấp hơn. Nhưng mình nhận ra rằng nếu vào trường lớn, chưa chắc mình đã cố gắng và có được những thành tích nổi trội như bây giờ", Minh kể.
Học sinh lớp 10 quay lại chương trình Tư vấn mùa thi để dành xem Đến rất sớm và chọn cho mình một góc ngồi thuận tiện, rồi dùng chiếc điện thoại để quay lại những lời chia sẻ của thầy cô cũng như các thủ khoa tại chương trình Tư vấn mùa thi năm 2021. Nguyễn Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 10A1 Trường THPT Nguyễn Du, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dùng điện thoại quay...