Dễ dãi với tính mạng con trẻ
Có một nghịch lý đang tồn tại. Đó là tuy ô tô được xem như một nguồn nguy hiểm nhưng dịch vụ ô tô được tổ chức để đưa đón học sinh đi học hằng ngày lại đang bị buông lỏng.
Ảnh minh họa
Bắt nguồn từ áp lực thời gian hằng ngày, các bậc phụ huynh phần nào đỡ vất vả hơn khi con cái được ô tô đưa đón đi học. Thế nhưng, dường như đâu đó là tâm lý “chỉ đi lại khá gần từ nhà đến trường”, nên nhiều phụ huynh không để ý nhiều đến phương tiện chuyên chở con mình mỗi ngày. Còn đơn vị vận hành xe đưa đón học sinh cũng có phần chủ quan, thậm chí thiếu trách nhiệm.
Thực tế đi trên đường, rất nhiều ô tô chở học sinh (HS) khá cũ kỹ, lại bố trí ghế ngồi dày đặc, và có cả trường hợp xe mang thiết kế tải hàng được hoán cải. Thế mà, những chiếc xe ấy vẫn vô tư đi lại trên đường.
Video đang HOT
Đáng sợ hơn, giữa năm ngoái, trong bài viết Gần 200.000 xe “hết đát” không biết ở đâu mà Báo Thanh Niên đăng giữa năm 2018, có cả trường hợp xe hết niên hạn sử dụng được đưa về một số tỉnh, thành chuyển đổi thành… xe đưa đón HS hằng ngày. Báo chí cũng đã phản ánh những thực trạng tương tự, có nơi lực lượng chức năng xử phạt cả trăm xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được dùng để chở HS.
Thực trạng xe không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định được dùng để đưa rước HS đâu chỉ xảy ra tại các tỉnh, thành nhỏ mà xảy ra ở cả các đô thị lớn. Điển hình như trong vụ học sinh Trường Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, thì như Thanh Niên đã thông tin: Chiếc xe liên quan chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Một trường “quốc tế” mà dùng phương tiện chưa có phù hiệu xe kinh doanh để đưa rước HS, thì khó có thể hình dung được mặt bằng chung về độ an toàn của các dịch vụ đưa rước HS có mức phí thấp hơn.
Tất nhiên, phụ huynh không nhiều người biết xe còn hạn sử dụng hay không, xe có phù hiệu hay không… Nhưng nhà trường, đơn vị tổ chức vận chuyển, cơ quan hữu trách phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát. Chưa dừng lại ở đó, một chiếc xe chỉ toàn chở trẻ em thì đòi hỏi nên có các biện pháp vận hành phù hợp, kết hợp cùng sự tham gia của người hỗ trợ mà ở đây có thể là bảo mẫu. Chẳng phải tự nhiên mà ở nhiều nước phát triển, tiêu chuẩn hoạt động của những chiếc xe như vậy, bao gồm cả người lái, được đòi hỏi rất khắt khe.
Chính vì thế, đừng để đến khi xảy ra những vụ việc đau lòng như trên, thì cơ quan chức năng mới tiến hành rà soát, xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Đã đến lúc, việc kiểm soát chất lượng ô tô đưa rước HS cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và chặt chẽ. Nếu không, chẳng khác nào chúng ta đang dễ dãi với tính mạng con trẻ.
Theo Thanh niên
Xe đưa, đón học sinh dịch vụ tiện ích
Đi qua các cổng trường học vào mỗi giờ cao điểm mới thấy "ngán ngẩm" cảnh lộn xộn, ùn tắc giao thông. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra vào khung giờ cao điểm từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút và từ 16 giờ đến 16 giờ 30 phút hàng ngày. Ô tô đậu 2 bên lề đường, xe máy dựng tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, xe đi ngược, xuôi, "vô tư" quay đầu khi đường đang chật chội; nhiều phụ huynh vội vã hướng về phía cổng trường tìm con...
Trên địa bàn TP Thanh Hóa, chỉ tính riêng khối mầm non đã có 57 trường với khoảng hơn 23.000 học sinh, trong đó có 15 trường mầm non tư thục. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn phương tiện đưa, đón trẻ vào mỗi giờ cao điểm, nhất là các trường nằm ở khu vực nội thành, thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc cục bộ. Trước thực trạng trên và nắm bắt được nhu cầu của các bậc phụ huynh, nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa đã triển khai mô hình đưa, đón trẻ bằng xe ô tô. Với giá thành hợp lý, dịch vụ này đã phát huy hiệu quả cao. Phụ huynh không phải đưa, đón con; học sinh được đưa đón tận nơi.
Xe đưa, đón học sinh tại Trường Mầm non Họa Mi.
Chị Phan Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi cho biết: Dịch vụ đưa, đón trẻ đã được nhà trường triển khai gần 10 năm nay, với 2 xe ô tô 16 chỗ đưa, đón học sinh hằng ngày. Hiện nay, trường có khoảng 30 học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ này thường xuyên, xa nhất là các cháu ở thị trấn Rừng Thông, Tào Xuyên hay ở cuối phường Đông Vệ. Vào những ngày trời mưa hoặc có việc bận, nhiều phụ huynh còn gọi điện, đăng ký đưa, đón các cháu đột xuất. Để bảo đảm an toàn, các lái xe của nhà trường không chỉ phải có đầy đủ bằng cấp theo quy định mà còn là người nhiệt tình, có trách nhiệm. Nhà trường phân công 1 giáo viên đi kèm để quản lý và giao, nhận trẻ. Gia đình hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vì các cháu được đi học đúng giờ, an toàn và có thêm thời gian vui chơi với các bạn. Các cô giáo chỉ đồng ý trả trẻ cho đúng người theo đăng ký với trường, có sổ theo dõi ký nhận rõ ràng...
Chị Hiền nhận xét: Đây là dịch vụ khá tiện ích với nhiều gia đình, hỗ trợ các phụ huynh có công việc bận rộn. Với mức phí chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/km tùy thuộc vào số km đăng ký, nhà trường chủ yếu hướng đến các đối tượng là trẻ ở xa có nhu cầu học tập tại trường, chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Điều đặc biệt là nhiều cháu cảm thấy thích thú khi sử dụng dịch vụ này, hơn nữa khi so sánh với các trẻ cùng lứa tuổi, trẻ được đi học bằng xe đưa đón có tính tự giác tốt hơn.
Trường Mầm non Vườn Mặt Trời cũng là một trong những trường tư thục được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Trường có 3 xe đưa, đón học sinh với 3 lái xe là nhân viên của nhà trường. Chị Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vườn Mặt Trời, cho biết: Các lái xe đưa, đón trẻ được nhà trường tuyển chọn khá kỹ, không chỉ là lái xe có nghề, còn phải là người thân thiện, hiểu tâm lý trẻ lứa tuổi mầm non nên được các cháu yêu quý. Hiện tại, xe đưa, đón học sinh của nhà trường có nhiệm vụ đưa, đón hơn 60 học sinh đang theo học tại nhà trường, xa nhất là các cháu ở khu vực Quảng Xương. Có những trẻ nhà chỉ cách trường khoảng 1 km nhưng phụ huynh vẫn lựa chọn, đăng ký dịch vụ xe đưa, đón cho con đến trường để tạo tính tự lập sớm cho con. Tuy nhiên, do nhà trường chỉ có 3 xe đưa, đón học sinh nên chưa đáp ứng hết được nhu cầu.
Dịch vụ xe đưa, đón học sinh không chỉ được tổ chức tại các trường mầm non tư thục mà còn được tổ chức tự phát tại một số khu phố trên địa bàn TP Thanh Hóa khi nhu cầu của các phụ huynh tăng cao. Anh Nguyễn Tất Hải, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cho biết: Gia đình anh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Đông Thọ. Do 2 vợ chồng đều là công nhân, thường xuyên phải tăng ca, về muộn nên việc đưa, đón con khá chật vật khi phải nhờ người quen, bà con, thậm chí có hôm phải dặn cháu ngồi trong phòng bảo vệ nhà trường để chờ bố, mẹ tan ca về đón. Thế nhưng, từ khi biết có dịch vụ đưa, đón một nhóm học sinh sống trong khu phố, anh đã đăng ký cho con sử dụng dịch vụ với chi phí 400 nghìn đồng/tháng. Lái xe là người quen biết, tính cách cẩn thận và nhiệt tình nên gia đình anh và một số gia đình xung quanh rất yên tâm gửi gắm việc đưa, đón con.
Mô hình đưa, đón học sinh là một trong những giải pháp tiến bộ, đã được thực hiện từ lâu tại nhiều nước trên thế giới bởi sự an toàn và tiện ích. Việc các trường học bố trí phương tiện đưa, đón học sinh sẽ hỗ trợ nhiều gia đình trong đưa, đón trẻ, giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân, đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tình trạng ùn tắc nơi cổng trường. Tiện ích là vậy, nhưng để nhân rộng là điều không dễ dàng. Trên địa bàn thành phố, dịch vụ này chỉ tập trung ở một số trường tư thục hoặc hoạt động tự phát. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu vẫn là các trường chưa đủ năng lực tài chính cũng như sắp xếp được nhân lực để tổ chức dịch vụ xe đưa, đón. Nếu phát huy và nhân rộng mô hình tiện ích này, sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cổng trường vào giờ cao điểm, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố.
Bài Và Ảnh: Minh Hiền
Theo baothanhhoa.vn
Các trường học ở Hà Tĩnh siết chặt quy trình quản lý, đưa đón học sinh Sau sự việc một học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe bus của Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội), các trường học trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã đồng loạt siết chặt quy trình quản lý học sinh, đặc biệt là các trường có sử dụng dịch vụ đưa đón trẻ bằng xe...