Để có một “essay” hoàn hảo chẳng khó tẹo nào
Essay ( bài luận) luôn được xem là một phần nặng ký để lôi cuốn hội đồng tuyển sinh khi bạn nộp đơn xin vào các trường đại học nước ngoài. Cùng nghía các bí kíp để săn được một học bổng xịn nhé!
Thấu hiểu tất tần tật những gì bạn thích
Hiểu ngành mình sắp học và có bằng chứng cho niềm đam mê là yêu cầu ngầm nhưng ghi điểm cực cao cho bộ hồ sơ của bạn.
Đối với hồ sơ xin học bổng, nhất là ở cụm các nước châu Âu, bài luận của bạn cực kỳ quan trọng. Họ đánh giá cao những ứng cử viên có nhiều trải nghiệm liên quan đến ngành học đã đăng ký. Do đó bạn phải chứng minh được những hoạt động từ trước đến giờ có hỗ trợ cho việc bạn theo học ngành yêu thích và làm quen được với môi trường văn hóa mới hay không. Ví dụ như khi bạn muốn theo học ngành IT trường đại học Frankfurt – Đức, hãy gửi kèm bản quá trình thực tập cũng như đánh giá của công ty mà bạn đã xin được việc thực tập trong thời gian qua. Còn nếu bạn muốn học Y, không chỉ đơn giản như các trường học ở Mỹ chỉ cần chứng tỏ tính cách phù hợp, mà bạn còn phải chỉ rõ ra những công tác từ thiện, hoạt động ngoại khóa liên quan cực nhiều đến bệnh viện, trạm xá hay các trung tâm y tế cộng đồng.
Nhanh, gọn và xúc tích
Mỗi trường đại học thường có yêu cầu khác nhau cho các bài luận, nhưng chung quy lại thì thường xoay quanh hai vấn đề. Một là bạn được yêu cầu mô tả lại tính cách bản thân hay một sự kiện làm thay đổi cuộc đời bạn. Hãy tập trung nhấn mạnh vào những việc là nguyên nhân dẫn bạn đến với ngành học bạn đã chọn.
Còn dạng bài luận thứ hai thường được gọi why- essay, xoay quanh câu hỏi tại sao bạn lại chọn trường này, ngành này và công thức chung cho dạng bài luận này thường là 50% học thuật, 50% đời sống. Về phần học thuật, hãy nhấn mạnh các đặc điểm của trường, điều kiện ngành học phù hợp với bản thân. Riêng mảng đời sống, hãy chia sẻ những hiểu biết bản thân về lối sống, môi trường văn hóa chung để chứng tỏ mình hoàn toàn có khả năng hòa hợp và hòa nhập tốt. Dạng bài luận này thường đòi hỏi bạn dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về trường lớp thông qua website trường hay những diễn đàn du học để có thể nắm vững những thông tin chính xác và cập nhật nhất.
Tránh những bài luận… không là của riêng bạn
Không nơi đâu mà hội đồng xét tuyển quan tâm đến con người thật của bạn như đất Mỹ. Đừng bao giờ cố gắng biến mình thành một người khác bằng cách thổi phồng quá đáng tính cách và thành tích bản thân. Vì điều mà hội đồng xét tuyển học bổng các trường chờ đợi là chính cách bạn phản ứng, hành động và thích nghi với những thay đổi thực tế, chứ không phải là khoe khoang mình tài giỏi thế nào với hy vọng có thể “qua mặt” và giành lấy một suất đi.
Ngoài ra, hãy thật sự thổi hồn vào những dòng chữ bạn viết, đừng sáo rỗng những lời chung chung kiểu như “Tôi yêu môi trường” hay “Tôi thích chinh phục khó khăn”. Hãy chia sẻ thật sự những hành động bé nhỏ bạn làm được, kiểu như hạn chế tắm lâu, tái sử dụng túi giấy, tắt đèn sau khi rời khỏi phòng…Việc đấy gây hứng thú nhiều hơn so với chuyện “đao to búa lớn” như việc nóng lên toàn cầu dẫn tới băng tan ở Bắc Cực. Chúng hoàn toàn nhạt như nước ốc, thiếu cá tính, chung chung và rõ ràng thiếu tính thuyết phục rồi.
Video đang HOT
Quan trọng là phải có một bản essay thể hiện rõ bản tính của mình nhá.
Kỹ tính và chú ý đến từng “milimet”
Teen nhà mình thường đãng trí mà gây ra những lỗi cực kỳ ngớ ngẩn như: viết sai ngữ pháp, sai chính tả, lỗi đánh máy, lỗi một đoạn font chữ nhưng bị bỏ qua. Chưa kể đến việc gõ sai tên trường, địa chỉ trường hoặc hết sức lơ mơ về ngành mà mình đang theo đuổi. Những việc này tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả xét học bổng của bạn đấy, đôi khi chỉ một chút sơ sót lại khiến mình ngã oạch thì rất chán đấy teen ạ!
Hãy trình bày mọi thứ thật rành mạch, rõ ràng, chi tiết và sạch sẽ, bạn sẽ nhận được những gì xứng đáng với công sức bỏ ra thôi. Hứa đấy!
Theo TTVN
Nhất Văn quốc gia: sách gối đầu giường là sử ký
Với Trần Anh Đức, giải nhất Văn Quốc gia 2012, tìm hiểu những con người chỉ còn trong cát bụi sẽ càng thêm yêu đất nước hơn. Sách gối đầu giường của Đức là Đại Việt sử ký toàn thư.
Văn chương và "cái giếng không đáy"
Trần Anh Đức - Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn. Trong ảnh: Anh Đức chụp chung với bạn cùng lớp 12 Chuyên Văn, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội)
Đâu là lý do bạn lựa chọn theo học môn Văn?
Mình may mắn khi sinh ra trong gia đình có truyền thống về Văn. Mẹ hiện là giáo viên dạy Văn. Bản thân mình nghĩ mình có chút năng khiếu về Văn và muốn phát triển nó, không để nó bị thui chột, chết yểu.
Ngoài sự giúp đỡ của mẹ, mình cảm nhận và tiếp thu một tác phẩm Văn chương khá nhanh cùng một trí nhớ không tồi. Tất nhiên muốn học tốt môn nào thì phải có tình yêu. Không thể cố gắng để yêu ai đó, tất cả phải xuất phát từ sự tự nguyện.
Cách bạn tìm hiểu, thấm nhuần ý từ, ngôn từ của một tác phẩm Văn học là gì?
Đầu tiên bao giờ cũng phải hiểu và nhớ. Thơ thì phải nhớ đoạn, còn với Văn là chi tiết. Mình nghĩ cũng phải có thêm năng khiếu để phát hiện những ý hay trong đó. Vì không phải chi tiết, bộ phận nào trong tác phẩm Văn học cũng giống nhau, có đoạn là điểm sáng thể hiện rõ nhất thần thái, tư tưởng của tác phẩm ấy. Để hiểu về câu chữ, biện pháp nghệ thuật,... không khó bằng hiểu nội dung của tác phẩm.
Hãy sống, trải nghiệm cuộc sống sẽ hiểu văn chương nhiều hơn. Bản thân mình thấy chưa thể hiểu hết kể cả những tác phẩm mình có sở trường viết dù rất quen thuộc. Tác phẩm văn chương là cái giếng không đáy, thật khó để chạm đến tận sâu của nó.
Cần những người dám nói thật
Sắp tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, bạn có thể chia sẻ cách học để thi tốt của mình?
Rèn luyện kiến thức môn xã hội như Văn học theo suy nghĩ thông thường và mình nghĩ có phần đúng là phải học thuộc lòng. Còn phân tích tác phẩm Văn học muốn thật hay, thật sâu sắc là vấn đề của cả cuộc đời. Nếu nói học để thi có lẽ dễ hơn nhiều. Đầu tiên là phải thuộc văn bản đã. Không thuộc thì giống như làm nông dân mà không có đất vậy.
Thứ hai phải tóm tắt ý chính của văn bản: ý lớn và ý nhỏ từ đó hệ thống lại như "cây phả hệ". Không cần phải đào sâu quá. Thi tốt nghiệp và đại học chỉ yêu cầu nhớ căn bản.
Cuối cùng là cách viết, trình bày. Viết thế nào là quá trình rèn luyện 12 năm. Không thể lúc này mới rèn được. Giờ là lúc bạn hoàn thiện nó và cách diễn đạt, bố cục phải chuẩn. Câu văn không cần cầu kỳ nhưng phải mạch lạc, trong sáng. Giám khảo - những thầy cô họ cũng là con người, cũng có cảm xúc. Bài viết sạch sẽ, mạch lạc sẽ tạo hứng thú và nhận được đánh giá cao.
Mình không luyện viết nhiều. Có lẽ nó ở trong đầu. Viết chỉ là cách chuyển tải ý nghĩ lên trang giấy. Trên lớp đã tập cho mình cách nói, diễn thuyết thật lưu loát, mạch lạc mà không cần chuẩn bị. Khi đó mình nói cũng như viết rồi.
Đó là những điều cơ bản, bạn còn muốn chia sẻ gì nữa không?
Tất nhiên, để làm tốt nhất bạn phải đọc nhiều. SGK có nhiều văn bản lược trích, trích đoạn,... Bạn nên đọc chỉnh thể, nguyên bản tác phẩm, tác giả để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc.
Văn học rất cần những người dám nói thật. Không phải đọc rồi bê nguyên ý của ai đó khi bạn không đồng tình với quan điểm của họ. Nhưng hãy lấy đó làm tham khảo. Sự không chân thực, gượng ép, giả dối thường dễ phát hiện và chẳng ai muốn như vậy.
Đam mê Văn học, Trần Anh Đức đã lựa chọn theo đuổi nó để khả năng của mình không bị thui chột hay chết yểu
Trong cuộc sống bạn có phải là người dám nói thẳng, nói thật?
Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng mình có lẽ không phải người "mất lòng trước hơn được lòng sau". Mình rất sợ người khác mất lòng và nghĩ vẫn có thể dùng lời lẽ khéo léo để nói chính kiến để người khác nghe mình.
Ngôi trường nơi mình đang theo học là mơ ước của nhiều học sinh. Nhưng có ý kiến cho rằng Ams phần nhiều dành cho những bạn có điều kiện. Gia đình mình bố mẹ đều là công chức, cuộc sống bươn trải vất vả. Điều đó có khiến mình phải suy nghĩ không?
Đúng là ở Ams nhiều bạn gia đình khá giả, nhà giàu, thậm chí rất giàu nhưng mọi người ở đây sống không hề có khoảng cách, mình với các bạn cũng vậy. Tiền bạc, vật chất không làm nên tính cách con người. Đừng vội đánh giá ai đó bằng bộ quần áo họ mặc trên người. Có thể lấy trường hợp như bạn Nguyễn Trung Hiếu là ví dụ cho sự gắn kết nơi đây.
Muốn làm tư pháp
Ham mê Văn học như vậy, bạn có cuốn sách gối đầu giường nào không?
Tới nay, mình cũng đã có cho mình một tủ sách nho nhỏ, chắc khoảng trên dưới 100 cuốn. Mặc dù ham mê Văn học nhưng mình lại yêu thích lịch sử và nói về sự kiện lịch sử. Những con người giờ chỉ còn trong cát bụi nhưng càng tìm hiểu bạn sẽ càng thêm yêu đất nước hơn. Có vẻ hơi hàn lâm và khô khan khi cuốn sách gối đầu giường của mình là Đại Việt sử ký toàn thư.
Ngoài ra mình cũng rất thích bộ Tây du ký của Ngô Thừa Ân (Trung Quốc). Sách nói về yêu ma quỷ quái nhưng lại là hiện thân con người trên trần thế, những bài học cuộc sống được thể hiện sinh động và rất thú vị.
Bạn dành bao nhiêu thời gian lên mạng internet?
Giống như nhiều bạn, mình lên mạng nhiều, thậm chí có khi cả ngày chủ yếu để đọc các trang báo trong và ngoài nước. Tất nhiên mình cũng dùng mạng xã hội. Ngày nay thế giới "ảo" ngày càng có tác động lớn đến đời sống thực. Dẫu thế, mình vẫn không ít lần "cháy túi" vì cái cảm giác hứng thú khi được giở từng cuốn sách, ngửi mùi thơm của những trang giấy và thả hồn thật lâu bên trang sách.
Thi thoảng lật lại những cuốn đã đọc bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị mà có khi mình bỏ quên ở tác phẩm nào đó. Sách sẽ theo bạn suốt cuộc đời, ở lại cùng bạn với tư cách như người bạn vậy.
Bạn đã có định hướng gì cho tương lai của mình?
Kế hoạch của mình là thi vào trường Luật, học ngành Tư pháp. Bố mẹ thì luôn tin tưởng và ủng hộ quyết định của con mình. Đất nước ta đang trên con đường xây dựng xã hội pháp quyền. Để tạo ra xã hội hài hòa ngành Tư pháp càng phải phát triển nhanh, thậm chí đi trước đón đầu. Biết đâu sau này mình có thể soạn thảo bộ Luật hay làm gì đó đóng góp cho ngành Tư pháp.
Theo VNN
Bí quyết tạo tâm lý thoải mái cho teen trong kì thi cuối kì Mùa thi đang cận kề, nhiều teen đang chạy nước rút với hi vọng đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, đợt thi học kì này là ngay dịp Noel và Tết tây. Vì thế, nhiều teen bị xao nhãng, gây ảnh hưởng không tốt tới quá trình ôn tập. Thanh Thủy (lớp 11, THPT Ngô Tất Tố) chia sẻ: "Trường mình chuẩn bị...