Dạy xác suất và thống kê cho học sinh: Linh hoạt trong thực hiện
Kiến thức xác suất, thống kê dành cho học sinh lớp 2 sẽ là những bài toán đơn giản, nhẹ nhàng, được giáo viên dạy học qua trải nghiệm, các trò chơi… để cho các em thấy được học toán rất gần gũi với cuộc sống.
Do đó, đòi hỏi cách thực hiện linh hoạt, sáng tạo để đạt hiệu quả trong giáo dục học sinh.
Giáo viên cần linh hoạt để thực hiện hiệu quả triển khai chương trình mới. Ảnh: T.G
Hiểu đúng về môn học
Có con theo học tại Trường Tiểu học Thái Văn Lung, quận Thủ Đức, TPHCM, chị Trần Thị Liên Hương cho biết: Khi tiếp nhận thông tin học sinh học kiến thức xác suất, thống kê từ năm lớp 2, ban đầu chị rất lo lắng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, chị lại rất ủng hộ đổi mới này.
Theo chị Liên Hương, trên thực tế, hằng ngày, học sinh vẫn vận dụng kiến thức liên quan bộ môn này trong những trò chơi như chơi ô ăn quan, chơi xúc xắc hay qua những đối thoại thường ngày với cha mẹ, kiểu như: Gia đình mình có bao nhiêu người, bao nhiêu nam, nữ; số bút chì mà con có; số sticker mà con nhận được; ngày mai, cả nhà đi ăn tiệc nếu mẹ đi làm về sớm; nếu con bị ướt do mưa, nhiều khả năng con sẽ bị cảm lạnh…
Chị Liên Hương bày tỏ, kiến thức đời thường là thế, nhưng khi trở thành môn học, phụ huynh cũng mong chương trình sẽ nhẹ nhàng, phù hợp với từng độ tuổi, vừa học vừa chơi, để giúp trẻ tư duy tốt hơn, thấy được các bài toán gần gũi với đời sống, từ đó yêu thích môn học hơn.
Với các em lớp 2, học những khái niệm cơ bản của xác suất như “chắc chắn” hay “không chắc chắn”. Ví dụ, trời đang mưa khi ra ngoài trời thì chắn chắn bị ướt hay 100% bị ướt. Xác suất chỉ trả lời những câu hỏi đó chứ không phải là những bài tính toán to tát như lớp 11. Đồng thời, không chỉ học ở lớp 2, mà lớp 3, 4 và các bậc học cao hơn cũng phải có tính liên tục, không làm đứt mạch mà học sinh lĩnh hội.
TS Phạm Sỹ Nam
Liên quan đến việc dạy xác suất, thống kê cho HS lớp 2, tại Hội thảo Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam, TS Phạm Sỹ Nam, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, thành viên Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới môn Toán, chia sẻ: “Nhiều người cho rằng đây là những nội dung khó, trừu tượng, lý do vì chương trình hiện hành xác suất chỉ được dạy vào năm lớp 11, còn thống kê được học rải rác từ tiểu học, lớp 7, lớp 10. Với chương trình mới, xác suất và thống kê sẽ được dạy từ lớp 2. Điều này không có nghĩa là lôi chương trình từ lớp 11 để dạy cho lớp 2 mà đó là tên của mạch kiến thức. Có những kiến thức đòi hỏi một tiến trình dạy cũng như có quá trình để học sinh trải nghiệm”.
Chương trình phải làm sao khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ban soạn thảo cũng đã tính toán đến việc do điều kiện cơ sở vật chất của các trường ở các địa phương cũng không đồng đều, vì vậy tính mở của chương trình cũng phải ưu tiên hơn.
Video đang HOT
khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ảnh minh họa
Vận dụng linh hoạt trong từng bài giảng
Ủng hộ việc đưa nội dung kiến thức của xác suất, thống kê vào dạy bắt đầu cho học sinh lớp 2, ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng: Đây là sự đổi mới phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Theo thầy Sơn, nghe thông tin trong chương trình môn Toán các em lớp 2 sẽ học xác suất, thống kê, quả thật nhiều phụ huynh ban đầu rất lo lắng, nhưng khi được giải thích, trao đổi, họ yên tâm hơn.
Trên thực tế, ngay khi còn bé, chính ông bà, bố mẹ và những người xung quanh đã tập cho trẻ biết đếm số thành viên trong gia đình, bao nhiêu nam? Bao nhiêu nữ? Ai là người lớn tuổi nhất? Lớn hơn một chút các con đã biết đếm số bạn trong lớp, đã hiểu được: Nếu trời mưa, thì có thể không được đi công viên chơi; hay xem dự báo thời tiết để mang dù tránh bị ướt…
Ở chương trình hiện hành, học sinh cũng đã học về xác suất, thống kê. Ví dụ chương trình Toán lớp 4, bài làm quen với biểu đồ. Các em đã nhìn hình để thống kê bao nhiêu hình tam giác, hình vuông? Lớp nào tham gia nhiều môn thể thao nhất? Tuy nhiên, nó chưa có tính liên thông, chưa có phân bổ về thời lượng ra sao, yêu cầu về nội dung, kiến thức cụ thể từng khối như thế nào.
Vì vậy, “việc đưa kiến thức xác suất, thống kê vào từ lớp 2 liên thông đến lớp 12 là điều phù hợp và không quá khó khăn để các giáo viên tiếp cận. Quan trọng là bản thân người thầy vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình để các em thấy môn học này gần gũi với cuộc sống. Có thể qua hoạt động học trải nghiệm, qua việc vừa học, vừa chơi các trò chơi, qua dự án học tập đơn giản để truyền tải kiến thức cho các em…”, thầy Sơn cho biết.
Đồng quan điểm trên, thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng: Trên nền tảng cơ bản của nội dung kiến thức của từng bộ môn, khi chương trình mới áp dụng, giáo viên sẽ chủ động vận dụng linh hoạt để giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng. Không chỉ có Toán học mà các bộ môn khác, kiến thức về xác suất, thống kê cũng được thể hiện trong những tình huống, bài học cụ thể mà các em cần được trang bị tư duy xác suất, thống kê để giải quyết.
Nhắc đến xác suất, thống kê nhiều người cứ nghĩ đến những bài toán khó, ở bậc học cao người học mới có khả năng tiếp nhận… nhưng thực tế, đó là những bài toán rất đơn giản, những ví dụ hết sức đời thường hoàn toàn có thể đưa vào cho học sinh cấp tiểu học. Quan trọng là thiết kế nội dung phù hợp, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên thật chu đáo, và các giáo viên chủ động trong tiếp cận chương trình để linh hoạt thực hiện.
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Ở Mỹ, học trò học xác suất thống kê từ lớp 1
Xin thưa rằng, ở Mỹ các em học sinh được học xác suất thống kê từ lớp 1.
LTS: Trước những bàn luận xôn xao về việc đưa xác suất thống kê vào chương trình lớp 2 ở Việt Nam, cô Thu Hồng - Thạc sỹ Giáo dục, giáo viên Trường New Life Academy of Excellence bang Georgia, Hoa Kỳ đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Xin thưa rằng, ở Mỹ các em học sinh được học xác suất thống kê từ lớp 1.
Và chủ đề data (làm việc với con số, số liệu) là chủ đề bắt buộc phải có của bất cứ quý học nào. Tại Mỹ, năm học được chia thành 4 quý (quarter), mỗi quý dài 9 tuần.
Ở bất cứ học khu nào, tiểu bang nào, dù trường chọn dùng bất cứ sách giáo khoa của công ty nào thì cứ đến cuối mỗi quý học, sẽ có phần Data and Graphing (làm việc với số liệu và bảng biểu). Khối lớp hay cấp lớp nào đều như vậy.
Ở Mỹ, khi làm việc với số liệu, ở lứa tuổi lớp nhỏ bậc tiểu học (lower elementary - lớp MG -1-2), các em học về thống kê (data, working with data) là chính.
Khi đến kỳ cuối lớp 3 và ở những khối lớn bậc tiểu học (lớp 4-5), khái niệm xác suất (probability) mới được giới thiệu và giảng dạy kỹ.
Một số trang khảo sát dùng cho Math center và những trang sách trong phần Data and Graphing của lớp 1 ở Mỹ theo giáo trình My Math của McGrawHill.
Vậy khi các bạn nhỏ lớp mẫu giáo1-2 học về thống kê thì học những gì?
Xin lấy cụ thể tiêu chuẩn (standard) và sách giáo khoa của lớp 1 để trả lời cụ thể các em sẽ:
1. Trình bày, sắp xếp và diễn giải số liệu lên tới 3 loại dữ liệu khác nhau (represent, organize, and interpret data up to three categories):
1a. Biết cách thống kê/ghi lại, đếm số lượng của từng dữ liệu, sử dụng tally marks (vạch thẳng). Cứ mỗi 1 vạch tương đương 1 điểm dữ liệu. Ví dụ có 5 người thích ăn kem thì có 5 tally marks, 4 người thích ăn bánh thì có 4 tally marks...
1b. Biểu đồ hình cột: nhìn bảng biểu có tally marks để vẽ ra, diễn giải số liệu thành biểu đồ hình cột. Mỗi 1 điểm dữ liệu tương đương/là 1 thanh trong cột. 5 tally marks tương đương 5 thanh trong cột. Nếu có khảo sát nhiều hơn 1 loại dữ liệu thì có nhiều hơn 1 cột.
1c. Biểu đồ hình ảnh: tương tự như biểu đồ hình cột nhưng mỗi 1 tally tương đương với một hình vẽ. Ví dụ có 5 tally cho 5 người thích ăn kem thì có 5 hình vẽ cốc kem ...
2. Hỏi và trả lời về:
2a. Tổng số của tất cả các loại dữ liệu (tổng cộng bao nhiêu người tham gia trả lời, bao nhiêu người thích ăn kem và bánh, bao nhiêu người vừa có anh vừa có chị...).
2b. Tổng số của từng loại dữ liệu (tổng cộng bao nhiêu người thích ăn kem, bao nhiêu người có anh trai...).
2c. Số hiệu/khác biệt của các loại dữ liệu khác nhau: số người thích ăn kem nhiều hơn bao nhiêu số người thích ăn bánh, số người có anh trai ít hơn số người có chị gái là bao nhiêu...
2d. Suy luận, so sánh, làm việc với các dữ liệu để trả lời: nhiều người thích ăn kem hơn hay nhiều người thích ăn bánh hơn...
Càng lên lớp cao thì các cách diễn giải, trình bày và hỏi đáp về số liệu càng phức tạp. Ví dụ: lên lớp 2, thay vì có cột được chia sẵn thành các thanh bằng nhau như lớp 1, các em phải tự vẽ lấy các thanh; lên lớp 3, điểm dữ liệu không còn là tương quan 1-1 mà là 1-2 hay 1-5, gọi là scaled graph. Ví dụ: 1 hình ảnh kem tương đương với 5 người thích món kem (chứ không phải 1 người).
Do đó, khi trả lời câu hỏi cũng sẽ khó hơn vì các em phải đọc số liệu đúng, khớp hình ảnh/biểu đồ với thông tin trong đề bài/câu hỏi.
Như mọi người có thể thấy qua những hình minh họa, việc dạy các em về thống kê và dữ liệu xoay quanh những đề tài quen thuộc hàng ngày như món ăn hay hoạt động yêu thích, gia đình bạn bè... kèm theo những minh họa sống động, nhiều màu sắc vui tươi.
Các bạn nhỏ rất thích học chủ đề này vì được hỏi han nhau, được nghe ý kiến của nhau, được làm toán và vẽ...
Bài và ảnh: Thu Hồng
Theo giaoduc.net
Nhiều quốc gia đưa toán xác suất thống kê vào dạy học từ tiểu học Theo thây Ha Đinh Manh thi kiên thưc toan xac suât thông kê đa đươc đưa vao chương trinh tiêu hoc tư lâu nên không co gi phai lo lăng. Viêc kiến thức xác suất, thống kê sẽ được đưa vào dạy từ lớp 2 khiên nhiêu phu huynh hoc sinh lo lăng vi cho răng se kho tiêp thu đối với con...