Dậy từ 2 giờ hái rau bí, “bà trùm” kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng
Vườn rau bí khổng lồ của chị em “bà trùm” Nguyễn Thị Lợi đã tồn tại hơn 20 năm nơi bãi giữa sông Hồng. Công việc bắt đầu từ 2h sáng đã đem lại cho chị em bà Lợi bạc triệu mỗi ngày.
Công việc hàng ngày của “bà trùm” rau bí bãi giữa sông Hồng
Cái tên “bà trùm” rau bí được nhiều người bán hàng ở chợ dân sinh quận Tây Hồ đặt cho chị em bà Nguyễn Thị Lợi và bà Nguyễn Thị Toàn quê ở Vĩnh Phúc, bởi thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề nơi bãi giữa sông Hồng.
Khi nhiều người còn say giấc nồng, bà Lợi đã hái xong mẻ rau bí non buổi sớm.
Rau bí của chị em bà Lợi đã cung cấp tới nhiều khu chợ của quận, nhất là chợ Phú Gia (phường Phú Thượng).
Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, bà Lợi cùng một số người dân từ vùng quê Vĩnh Phúc di cư về bãi giữa sông Hồng để chăn nuôi, trồng trọt. Sau này khi khởi công xây dựng cầu Nhật Tân, mọi người dần trở về quê hoặc đi nơi khác làm ăn.
Đôi tay thoăn thoắt, bà Lợi chỉ hái 1 lúc đã được hàng chục kg rau bí
Khu bãi giữa sông Hồng chỉ còn lại bà Lợi cùng vài người bám trụ lại, cư trú tạm bợ trong những túp lều không điện, không nước sạch, sống chủ yếu nhờ vào cây rau, cây ngô.
Năm 2013, bà Toàn – chị gái của bà Lợi – cũng từ Vĩnh Phúc xuống ở cùng em gái để hỗ trợ việc trồng và thu hoạch rau bí.
Làm đêm, ngủ ngày là công việc thường xuyên của người phụ nữ gốc Vĩnh Phúc này hơn 20 năm qua.
Từ 2 giờ sáng, chị em bà Nguyễn Thị Lợi thức dậy bắt đầu công việc cắt rau bí ngoài ruộng để kịp mang tới các nhà hàng đặt trước và bán tại chợ Phú Gia.
Những đêm hè giữa tháng 6/2020, trong ánh sáng mập mờ của ánh đèn pin đội đầu, bà Lợi thoăn thoắt tay cắt và tay ôm những ngọn rau bí tươi non. Chỉ một chốc lát, bà Lợi đã thu được khoảng 50kg rau bí. Với mức giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, bà Lợi thu về khoảng hơn 1 triệu đồng.
Ngoài hái rau, bà Nguyễn Thị Toàn – chị gái bà Lợi – những ngày này còn đảm nhiệm việc chăm bón rau ban ngày.
“Rau bí phải cắt đêm, khi đó những giọt sương vẫn còn đọng lại trên ngọn rau. Sáng sớm đem giao cho khách cho dù nắng nóng như mùa này rau vẫn sẽ tươi lâu, khi chế biến rau sẽ ròn và ngọt hơn” – bà Lợi bật mí.
Mỗi ngày, vườn rau của hai bà cung ứng hàng trăm kg rau bí ra thị trường. khách hàng là các quán ăn, nhà hàng trong thành phố và nhiều người dân ở quận Tây Hồ.
Kinh nghiệm của bà Lợi: “Hái rau lúc đêm, sương đọng trên ngọn và lá giúp rau tươi lâu hơn”.
“Từ sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 làm thị trường tiêu thụ rau bí giảm. Mỗi sáng, mình tôi dậy sớm cắt rau. Còn bà Toàn dậy chăm sóc cây cối. Với lại bây giờ trồng nhiều loại rau, quả nên cũng phải phân công nhau chăm mới hết được” – bà Lợi nói.
Đất bãi giữa sông Hồng nhiều phù sa, giúp rau bí lên nhanh
Cho dù có mức thu nhập ổn định, thế nhưng, cuộc sống của hai chị em “bà trùm” rau bí trên đảo vẫn thiếu thốn đủ đường vì trên đảo suốt 20 năm qua không có điện và nước sạch. Cuộc sống ở đây vẫn cứ khó khăn như những ngày đầu bà Lợi cùng dân làng xuống khai hoang.
Ngược với buổi đêm mát mẻ, ban ngày bãi giữa sông Hồng đầy nắng nóng vào những ngày tháng 6 này.
Khi được hỏi về vì sao lại bám trụ lại mảnh đất này, bà Lợi tâm sự: “Tôi cùng dân làng xuống đây đã hơn 20 năm rồi, nhờ mảnh đất này mà con cái được ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình cũng khá giả hơn, xây được nhà, mua được xe máy”.
Cũng theo bà Lợi, một phần lý do bà ở lại còn vì lưu luyến nơi này và về quê chưa biết làm gì. “Thôi thì còn sức khỏe thì còn ở lại” – bà Lợi tâm sự.
Những thung lũng ngập nắng ở Bắc Hà
Bắc Hà, một địa danh vốn cũng khá quen thuộc đối với những ai yêu thích du lịch, nhưng cũng rất mới mẻ nếu chịu khó đi xa khỏi thị trấn, khám phá những vùng đất mới.
Phần thưởng là những khung cảnh tuyệt đẹp, chỉ cần nâng máy ảnh lên, góc nào cũng cho những bức ảnh vô cùng đẹp.
Bắt đầu từ một lời "mách" của cậu chủ nhà homestay: "Chị đi vào con đường phía sau nhà em, thung lũng đẹp lắm", tôi xách chiếc balo nhỏ rảo bộ theo con đường bé xíu chỉ một chiếc xe máy đi vừa vắt lên con dốc thoai thoải phía sau.
Với những hình dung về ngõ phố của Hà Nội lâu nay đã thành thói quen, tôi tưởng tượng con đường dốc ấy sẽ dẫn lên một vài xóm núi nho nhỏ phía trên, đứng từ trên cao trông xuống thung lũng, và chỉ như thế là hết. Thế nhưng, càng đi sâu vào phía trong, khung cảnh càng mở rộng. Cứ ngọn núi này nối tiếp theo ngọn núi khác, thung lũng này chạy vào thung lũng kia, những ngọn núi và những thung lũng cứ nối vào nhau trải dài ra mãi.
Con đường nhỏ quanh co dẫn ra một khoảng không gian rộng lớn.
Hàng rào găng và cúc tần xen lẫn với cúc xuyến chi.
Một bên là vách núi đầy cây dương xỉ, một bên là ruộng ngô, thi thoảng có đoạn xen lẫn với những giàn dưa chuột, rau bí...
Cây mâm xôi đầy quả chín đỏ gọi chim rừng đến ăn.
Một cây dại ven suối.
Con đường chạy ven núi, một bên là những ruộng ngô, rau bí, dưa chuột..., một bên là những triền dốc với những mái nhà lúp xúp nổi lên giữa ruộng ngô. Nắng tràn từ đỉnh núi bên kia qua thung lũng sang lưng chừng sườn núi bên này. Thi thoảng, giữa đường lại có con suối hoặc đường ống nhỏ dẫn nước từ trên núi xuống, nước chảy qua đường trong veo không một hạt bụi.
Ven đường, hoa dại, quả cây rừng buông xòa xuống mặt người bộ hành. Bầy chim đua nhau líu ríu mổ quả trên cây mâm xôi, thấy tiếng bước chân người là đồng loạt bay vù lên cao, ngó nghiêng rồi lại từng con líu ríu đáp xuống những cành mâm xôi thấp để tiếp tục bữa tiệc dang dở.
Cây Mòn Xai, một loại hoa dại mọc rất nhiều ven đường, người Mông vẫn dùng để bó xương khi bị chấn thương.
Những ruộng ngô đan xen.
Thu hoạch một loại rau nuôi lợn.
Thi thoảng, ruộng ngô hoặc dưa chuột mở ra một quãng, chen vào những khoảnh ruộng bậc thang đang mùa lấy nước. Những ống bương chia nhau nước từ trên núi dẫn vào các khoảnh ruộng, còn lại thì chảy tràn qua đường xuống những ruộng thấp hơn. Phía ruộng thấp dưới chân núi, một gia đình người Mông đang đi thu hoạch hoa màu để tiếp tục cho vụ mùa mới. Hai đứa trẻ líu ríu chạy chơi trong nắng, đứa lớn xăng xái bẻ ngô cùng mẹ, đứa nhỏ chơi đùa với những đám cây lá được xếp bên rìa ruộng.
Ruộng ngô lẫn với những cây thông sa mộc.
Thung lũng và núi phủ một màu xanh ngắt.
Một con suối nhỏ róc rách chảy như chưa tỉnh ngủ, nước phủ lên trong veo bên trên những hòn đá trơn nhẵn xanh màu rêu. Phía bên kia con suối, một cây rừng không rõ tên chi chít những quả vàng rực trong nắng. Cảm giác như một thế giới hoàn toàn khác với ô tô, xe máy, khói bụi, chỉ cách khoảng hơn 1km ngoài kia mà thôi.
Những triền núi nối liền nhau mãi.
Những mái nhà lúp xúp dưới chân núi.
Vùng đất Bắc Hà vốn không xa lạ với du khách. Những vườn mận mùa hoa, mùa quả, chợ phiên vùng cao, đua ngựa..., đó là những đặc điểm của Bắc Hà để thu hút du khách hằng năm mỗi khi vào mùa.
Nhưng Bắc Hà còn có những nơi tuyệt đẹp khác, có khi chỉ cách thị trấn trung tâm khoảng vài km. Nơi mà cảnh sắc vừa gợi nhớ những thảo nguyên mênh mông ở Mông Cổ, vừa có nét giống rừng thông châu Âu, lại mang những đặc trưng riêng có của vùng cao Tây Bắc. Nhân mùa kích cầu du lịch trong nước, hãy xách ba lô lên và khám phá những nơi đặc biệt đó của Bắc Hà.
Bộ đội trục vớt quả bom gần cầu Long Biên Sau hơn một giờ, chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh thủ đô đã trục vớt và lai dắt quả bom dài 1,6 m dưới sông Hồng lên bãi cát trên phố Phú Viên lúc 18h45 ngày 22/6. Khoảng 17h30, hai thuyền chở 15 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô xuất phát từ quân cảng Chương Dương ra bãi cát giữa sông...