Dạy Toán lớp 1 trong CTGDPT mới: Khuyến khích các hoạt động trải nghiệm
Môn Toán lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới có những điểm gì mới và cần chú ý ra sao trong quá trình dạy học – Đó là những vấn đề mà giáo viên, học sinh và cả xã hội quan tâm. PTS.TS Đỗ Tiến Đạt – Viện KHGD Việt Nam – Chủ biên SGK Toán 1 – NXB ĐHSP đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề dạy học Toán theo CTGDPT mới.
Ảnh minh họa/ INT
Những điểm mới
- Ông có thể cho biết, nội dung môn Toán lớp 1 trong CTGDPT mới có sự phân bố ra sao về thời lượng và nội dung?
- PGS. TS Đỗ Tiến Đạt: Nói một cách vắn tắt, mục tiêu dạy học Toán 1 là:
Hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu; năng lực chung và năng lực toán học ở mức độ phù hợp với HS lớp 1.
Giúp HS đạt được các yêu cầu cơ bản:
Số: Đếm, đọc, viết, so sánh, cộng, trừ các số trong phạm vi 100;
Hình: Nhận dạng (trực quan) một số hình phẳng và hình khối đơn giản;
Đo lường: Thực hành đo độ dài; đọc giờ đúng; Xem lịch (lịch tờ hàng ngày); Lắp ghép, xếp hình.
Thực hành GQVĐ: Liên quan đến ý nghĩa thực tiễn của các phép tính cộng, trừ.
Thực hành và trải nghiệm: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn hoặc các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: Các trò chơi học toán…) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức cơ bản.
Tổng thời lượng dành cho môn Toán lớp 1 là 105 tiết (so với chương trình hiện hành giảm 25%). Ước lượng thời gian (tính theo %) cho các mạch kiến thức là: Số và Phép tính khoảng 80%; Hình học và Đo lường khoảng 15%; Hoạt động thực hành và trải nghiệm khoảng 5%.
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt
- Với những nội dung và yêu cầu mới trong SGK Toán 1, phương pháp dạy học cần có sự đổi mới ra sao, thưa ông?
- Môn Toán góp phần hình thành và phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực người học. Như vậy cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng khuyến khích các hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát hiện của HS.
Video đang HOT
Vì vậy, trong soạn bài dạy học, người giáo viên (GV) nên tổ chức quá trình dạy học thông qua một chuỗi các hoạt động học tập tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh (HS), hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực toán học. Quá trình đó có thể được tổ chức theo chu trình: Trải nghiệm – Phân tích, khám phá, rút ra bài học – Thực hành, luyện tập – Vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
GV đóng vai trò then chốt
- Khi triển khai CTGDPT mới và bắt đầu ở khối lớp 1 và đặc biệt ở SGK Toán 1, những vấn đề đặt ra với nhà trường, đội ngũ CBQL, GV sẽ ra sao để đáp ứng yêu cầu?
- Từ kinh nghiệm của quá trình triển khai CT và SGK hiện hành, đối chiếu với yêu cầu của CTGDPT mới nói chung, môn Toán nói riêng, trước hết trong công tác quản lý, nhà trường cần bảo đảm các yêu cầu:
Xây dựng kế hoạch thực hiện CTGDPT mới của trường theo kế hoạch của sở GD&ĐT; phòng GD&ĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới CT, SGK GDPT; tổ chức kịp thời cho CBQL, GV nhà trường nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung CTGDPT mới, đặc biệt môn Toán lớp 1.
Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV ở từng lớp học; đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT mới; chọn cử đội ngũ GV cốt cán, đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng GV đạt hiệu quả.
Tổ chức rà soát, sửa chữa, sắp xếp để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn SGK để thực hiện CTGDPT mới…
Một CT GD hiệu quả cần phản ánh triết lý, mục tiêu giáo dục; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và kỳ vọng của các đối tượng người học. Mặt khác, một CT GD có hay đến mấy nếu không có sự tham gia tích cực của GV, HS, các CBQL, chỉ đạo của tất cả các bên liên quan, thì sẽ khó bảo đảm chất lượng.
Vì vậy, nhà trường cần tiến hành thực hiện đánh giá CBQL, GV theo chuẩn nghề nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng yêu cầu thực hiện CT, SGK GDPT mới.
SGK Toán 1 của NXB ĐH Sư phạm – PGS.TS Đỗ Tiến Đạt làm chủ biên.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học… đóng vai trò thế nào trong việc thực hiện CTGDPT mới ở bậc tiểu học nói chung và chương trình Toán lớp 1 nói riêng, theo ông?
- Phương tiện, thiết bị dạy học (TBDH) là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thực hiện nội dung giáo dục, đổi mới PPDH, giúp HS tự chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng thực hành.
CT mới sẽ áp dụng đại trà đầu tiên cho lớp 1 nên HS lớp 1 sẽ sử dụng TBDH theo CT mới, còn từ lớp 2 trở lên vẫn sử dụng theo CT hiện hành. Theo thiết kế và định hướng xây dựng danh mục TBDH của CTGDPT mới là kế thừa và sử dụng thiết bị đang có. Vì vậy, về cơ bản, TBDH không thay đổi, chỉ thay đổi cách thức sắp xếp tổ chức lại ở các phòng học bộ môn.
Ngoài ra, định hướng về cơ sở vật chất, TBDH khi thực hiện CTGDPT mới ở cấp tiểu học phải bảo đảm yêu cầu một lớp/phòng để học 2 buổi/ngày (cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 phòng/lớp để tổ chức học các môn tự chọn). Trong khi đó, các yêu cầu về phòng học bộ môn và phòng học chức năng hiện chỉ đáp ứng khoảng 70%. Về TBDH, theo báo cáo của các địa phương có thể đáp ứng trung bình 50% đối với cấp tiểu học (khoảng 50 – 60% đối với cấp THCS và THPT).
Với yêu cầu đặt ra, để thực hiện CT mới các địa phương cần phải cải tạo điều kiện, bổ sung thêm phòng học bộ môn, phòng học chức năng để phục vụ cho các môn học: Tin học, Khoa học – Công nghệ, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học (ở THCS, THPT cần đầu tư thêm các phòng học bộ môn như: Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lý…)
- Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Tiến Đạt!
Đức Trí (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Hoạt động trải nghiệm: Mối liên kết trong phát triển toàn diện
Hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới là hoạt động giáo dục bắt buộc.
Đây cũng là lần đầu tiên, hoạt động này được xây dựng chương trình một cách bài bản và song hành cùng hoạt động dạy học các môn học khác để tạo ra sự phát triển toàn diện, hài hoà cho học sinh (HS).
Học sinh tham gia trải nghiệm sẽ có cơ hội phát triển khả năng riêng của mình. Ảnh: Quy Trung
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - giảng viên cao cấp Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội - Chủ biên SGK môn HĐTN1 trong CTGDPT mới đã trao đổi xung quanh vấn đề môn học Hoạt động trải nghiệm lớp 1.
Song hành cùng hoạt động dạy học các môn học
- Trong CTGDPT mới, sách giáo khoa (SGK) môn HĐTN1 có gì khác và mới so với SGK môn HĐTN1 theo chương trình giáo dục hiện hành?
- Hoạt động trải nghiệm trong CTGDPT mới là hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong chương trình hiện hành, hoạt động này tương đương với hoạt động ngoài giờ lên lớp (ngoài giờ chính khoá) hoặc hoạt động tập thể... Và trong chương trình hiện hành không có chương trình được thiết kế đúng chuẩn của phát triển chương trình và cũng không có SGK (hoặc tài liệu giáo khoa) cho hoạt động này. Chính vì vậy, đây là lần đầu tiên, hoạt động giáo dục trong nhà trường được xây dựng chương trình một cách bài bản. Trên cơ sở của chương trình, tài liệu hỗ trợ HS và giáo viên cũng được biên soạn theo đúng quy trình viết SGK như cho các môn học.
- Với đối tượng HS vừa bước vào ngưỡng cửa đầu đời thì mục đích, yêu cầu đặt ra của việc dạy và học môn HĐTN1 là gì? Dạy học môn HĐTN1 quan trọng ra sao trong quá trình đổi mới giáo dục và giúp HS phát triển toàn diện?
- Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, không phải là môn học nên hoạt động này tập trung phát triển các kỹ năng sống, thái độ sống, phát triển các năng lực tâm lý xã hội, phẩm chất nhân cách cho HS. Chính vì vậy, hoạt động này mang tính trải nghiệm cao, HS phải tích cực tham gia các hoạt động khác nhau dưới sự hướng dẫn của GV để phát triển nhân cách của chính mình. Hoạt động trải nghiệm là mảng hoạt động giáo dục song hành cùng hoạt động dạy học các môn học để tạo ra sự phát triển toàn diện và hài hoà cho HS.
PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa
- Xin bà cho biết những nội dung cơ bản, điểm đáng chú ý, khung thời lượng trong SGK môn HĐTN1 ở CTGDPT mới?
- Với Hoạt động trải nghiệm, chương trình quy định 4 mạch nội dung hoạt động: Hoạt động hướng vào bản thân; Hoạt động hướng đến xã hội (gia đình, nhà trường và cộng đồng); Hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp (bắt đầu từ lớp 2). Như vậy, chúng ta thấy, lấy đứa trẻ làm trung tâm thì các nội dung giáo dục xoay quanh đứa trẻ: Trẻ với chính trẻ; trẻ với xã hội, trẻ với tự nhiên và trẻ với nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm là 3 tiết/tuần. Tuy nhiên, hai tiết đã dành cho Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp rồi nên chỉ còn 1 tiết để thực hiện nhiều mục tiêu khác của chương trình đưa ra và chúng tôi gọi tiết này là tiết trải nghiệm thường xuyên, được xếp thời khoá biểu 1 tiết/tuần.
GV đóng vai trò then chốt
- Bà có thể đánh giá về chất lượng dạy học môn giáo dục ngoài giờ lên lớp bậc tiểu học hiện nay? Với thực tế đó, việc triển khai môn HĐTN1 có những ưu thế và hạn chế nào? Đội ngũ GV cần được hỗ trợ, tập huấn ra sao để việc truyền thụ kiến thức đạt hiệu quả cao nhất?
- Như chúng ta thấy, xã hội chưa thực sự hài lòng với sản phẩm của giáo dục. Một trong những nguyên nhân của sự không hài lòng đó là trẻ em của chúng ta thiếu nhiều kỹ năng sống cơ bản, thiếu sự tự tin, sự sáng tạo... Và tại sao trẻ em lại thiếu những điều đó? Một phần lỗi ở hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Phụ huynh nên cùng con thực hiện các yêu cầu của hoạt động trải nghiệm được trình bày thông qua SGK hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, GV cần dặn phụ huynh chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết để các em có thể thực hiện hoạt động khi GV tổ chức trên lớp. Chắc chắn HS sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu phụ huynh và nhà trường cùng đi về một hướng.
Để khắc phục những thiếu sót ấy, chương trình Hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế nhưng việc triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng, đội ngũ giữ vai trò quyết định. Chất lượng đội ngũ luôn là yếu tố then chốt. Về nguyên tắc, tất cả giáo viên qua đào tạo sư phạm đều được phép và được quyền thực hiện tổ chức hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên để thực hiện được nhiệm vụ mới này, họ cần được bồi dưỡng một cách bài bản và nghiêm túc.
- Đội ngũ GV cần sự đổi mới ra sao trong phương pháp giảng dạy để môn HĐTN1 tránh được tình trạng lý thuyết nhiều hơn thực tế?
- Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục nên bản chất hoạt động này là thực hành, trải nghiệm, làm, thực tế. Phương pháp của nó là hoạt động và giáo dục thông qua hoạt động, thông qua tập thể, noi gương, mẫu hành vi...
Tuy nhiên để thành công trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, đạt được mục tiêu về phẩm chất và năng lực thì đây là công việc còn khó hơn cả dạy học. GV phải là một nhà thiết kế và tổ chức hoạt động, là một hoạt náo viên, một nghệ sĩ...; bên cạnh đó phải rất hiểu tâm lý, hiểu con đường thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi... Trên cơ sở đó, người GV mới thiết kế được các nhiệm vụ (bao gồm nội dung và con đường giáo dục) trúng đích là các năng lực và phẩm chất cần hình thành.
- Để HS và phụ huynh không có tâm lý môn HĐTN1 là môn học "phụ", môn học giúp HS giải trí nhiều hơn là tích lũy kiến thức, GV cần lưu ý những gì trong quá trình dạy học?
SGK HĐTN1 do PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa làm chủ biên
- Hoạt động trải nghiệm trong CTGDPT mới là hoạt động giáo dục bắt buộc, nó được sắp xếp thời khoá biểu hằng tuần và được đánh giá trên từng HS về kết quả hoạt động. Yêu cầu cần đạt của chương trình là thước đo đầu ra của mỗi lớp, mỗi cấp học. Để đạt đầu ra, HS phải được rèn luyện thường xuyên, phải được hình thành từng hành vi, thái độ cụ thể, trên cơ sở đó, trẻ mới có được kỹ năng, năng lực hay phẩm chất.
Nếu GV lơ là cả quá trình rèn luyện thì thật khó có thể hình thành kỹ năng trong thời gian ngắn. Chính vì thế, GV cần thực hiện đầy đủ hướng dẫn tổ chức hoạt động. Ngoài ra, GV phải chú ý đến cách tổ chức hoạt động sao cho mọi HS đều có cơ hội hoạt động như nhau để phát triển kỹ năng và hình thức hoạt động cần phong phú để HS có nhiều cơ hội rèn luyện khác nhau.
Hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức trong và ngoài lớp học, trong đó nhiều nội dung trẻ chỉ cần trải nghiệm trong lớp học. Quan trọng là GV lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện của lớp học và có được phương pháp tổ chức hiệu quả. Ngoài ra, thỉnh thoảng nhà trường có thể tổ chức cho HS trải nghiệm trong các môi trường bên ngoài rộng lớn hơn.
- Với môn học HĐTN, cần có sự kết hợp ra sao giữa nhà trường và gia đình để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất?
- Hoạt động trải nghiệm là loại hình cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Đặc biệt với HS lớp 1 khi các em còn chưa đọc tốt, sự tham gia của phụ huynh trong việc giúp con em mình hiểu được nhiệm vụ phải trải nghiệm ở nhà, giám sát việc làm và chia sẻ với giáo viên về các kỹ năng của con có ý nghĩa rất quan trọng để trẻ nhanh chóng làm chủ được những kỹ năng cơ bản.
Thí dụ, muốn rèn sự chăm chỉ lao động cho trẻ mà không có sự phối kết hợp với gia đình thì khó có thể hoàn thành mục tiêu này. Phụ huynh hãy tạo điều kiện để con tự phục vụ, được làm, trải nghiệm công việc nhà... Hãy kiên nhẫn với con và hãy đồng hành cùng nhà trường...
- Xin cảm ơn PGS!
Xã hội chưa thực sự hài lòng với sản phẩm của giáo dục. Một trong những nguyên nhân của sự không hài lòng đó là trẻ em của chúng ta thiếu nhiều kỹ năng sống cơ bản, thiếu sự tự tin, thiếu sự sáng tạo... Và tại sao trẻ em lại thiếu những điều đó? Một phần lỗi ở hoạt động giáo dục trong nhà trường. Để khắc phục những thiếu sót ấy, chương trình Hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế nhưng việc triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng, đội ngũ giữ vai trò quyết định.
Đức Hạnh (Thực hiện)
Theo GD&TD
Học tập thông qua trải nghiệm Tuy không còn mới lạ nhưng việc thu hút học sinh đến lớp thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế đã và đang mang lại những hiệu quả rất tích cực. Tại Trường THCS Long Phú (TX. Tân Châu), hầu như không khí luôn nhộn nhịp, dù là ngày trong tuần hay dịp cuối tuần, bởi sự góp mặt của đông...