Dạy thêm, học thêm: Vẫn băn khoăn cấm hay không cấm, thanh tra ra sao?
Công tác thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2019-2020 sẽ tập trung vào các vấn đề như: Sai phạm trong tổ chức dạy thêm, học thêm; thu – chi đầu năm học; hồ sơ, sổ sách trong nhà trường…
Tuy nhiên hiện nay, câu chuyện học thêm, dạy thêm có cấm hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, vậy việc thanh tra phải tiến hành ra sao?
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT tham mưu GĐ Sở GD&ĐT triển khai công tác thanh tra năm học phù hợp với thực tế của địa phương. Trước mắt, cần tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, thu – chi đầu năm học; hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn trường học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, với vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay mỗi địa phương lại có những cách quản lý khác nhau. Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản quy định dạy thêm học thêm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, không dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học; hoạt động dạy thêm, học thêm không áp dụng cho học sinh lớp 6, lớp 10 mới tuyển sinh trong khoảng thời gian trước khi khai giảng năm học mới. Nội dung dạy thêm phải cụ thể hóa trong hồ sơ xin cấp phép dạy thêm, học thêm bao gồm: Phân phối chương trình dạy thêm có nội dung chi tiết cùng xét duyệt của lãnh đạo nhà trường; Giáo án dạy thêm của giáo viên; Sổ theo dõi tiến trình, nhận xét về chất lượng bài dạy của giáo viên và kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh trong suốt quá trình học.
Công tác thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2019-2020 sẽ tập trung vào các vấn đề như: Sai phạm trong tổ chức dạy thêm, học thêm; thu – chi đầu năm học. Ảnh minh họa
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường, giáo viên dạy thêm không xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn. Số giờ học thêm trong ngày không vượt quá số giờ học chính khóa và không vượt quá 5 buổi/ tuần. Ngoài ra, Hà Nội cũng quy định rõ, không được tổ chức thi, kiểm tra học sinh đầu năm để xếp lớp học thêm. Giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào nguyện vọng học thêm của học sinh theo từng môn học và kết quả xếp loại học lực cuối năm hoặc cuối kỳ để xếp nhóm báo cáo hiệu trưởng bố trí, sắp xếp các lớp học thêm đảm bảo học sinh trong cùng một lớp có học lực tương đương nhau.
Trước nay, việc dạy thêm được cấp phép theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký và ban hành Quyết định 2499 về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012, quy định về dạy thêm, học thêm.
Video đang HOT
Theo Quyết định này các điều hết hiệu lực của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm gồm Điều 6, 8, 9,10, 11, 12, 13 và 14. Cụ thể, các Điều hết hiệu lực trong Thông tư 17 gồm: Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (Điều 6); Yêu cầu đối với người dạy thêm (Điều 8); Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 9); Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm (Điều 10); Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 11); Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 12); Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 13); Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 14).
Như vậy, với Quyết định 2499, cả nước sẽ ngừng cấp phép dạy thêm. Tuy nhiên, Quyết định 2499 mới ban hành ngày 26-8-2019, trong khi đó nêu các Điều 6,8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 hết hiệu lực từ 1-7-2016. Vậy những đơn vị được cấp phép trong khoảng thời gian từ 2-7-2016 tới ngày 25-8-2019 sẽ được xử lý ra sao?
Sở GD&ĐT TP HCM ban hành văn bản 3515 về việc thực hiện Quyết định 2499 của Bộ GD&ĐT. Theo đó việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng theo quy định tại Điều 3, 4 của Thông tư 17. Cụ thể, Điều 3 quy định về nguyên tắc dạy thêm, Điều 4 quy định về các trường hợp không được dạy thêm. Sở GD&ĐT TP ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn từ ngày ban hành văn bản (30-9-2019). Riêng các trường hợp đã được tổ chức cấp phép dạy thêm, học thêm (cả trong thời gian từ 2-7-2016 tới ngày 25-8-2019) vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Đến thời điểm hiện tại, tranh cãi về việc có nên tổ chức học thêm hay không vẫn chưa ngã ngũ. Một bên ý kiến cho rằng: Học sinh đã phải học quá nhiều thời gian trên lớp, việc học thêm, dạy thêm là không cần thiết, tránh tiêu cực phát sinh như việc: Chỉ ôn luyện bài kiểm tra cho học sinh đi học thêm. Ý kiến khác cho hay: Dạy thêm, học thêm thực sự là nhu cầu chính đáng của một bộ phận học sinh và phụ huynh. GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Thời gian học tập trên lớp có hạn với số lượng học sinh khá đông nên không thể yêu cầu vừa kèm cặp cho học sinh yếu khá hơn, vừa dạy kiến thức nâng cao cho học sinh khá giỏi. Cũng tương tự như việc giao bài tập về nhà cần phù hợp với lứa tuổi nhận thức và trình độ của học sinh.
Như vậy, công tác thanh tra dạy thêm, học thêm sẽ bao gồm việc giám sát hoạt động dạy thêm của cán bộ, giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; công khai danh sách giáo viên, học sinh tham gia dạy thêm, học thêm trong nhà trường lên website của đơn vị; cả việc thanh tra công tác thu chi, tiền dạy thêm, học thêm tuân thủ theo Quyết định 22, thực hiện thanh quyết toán tiền học thêm theo đúng quy định hiện hành.
Để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về các dấu hiệu tiêu cực trong lĩnh vực GD&ĐT năm học 2019-2020, trong đó có công tác thu, chi và dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng 0888.996.970 và địa chỉ email: sogiaoduc@hanoiedu.vn.
Theo ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019-2020 Hà Nội sẽ tập trung rà soát tình hình, bám sát nhiệm vụ năm học để xây dựng kế hoạch thanh tra trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thanh tra, kiểm tra những vấn đề nóng, phức tạp, vấn đề dư luận quan tâm.
T.Fan
Theo PLXH
Bến Tre: Vẫn còn tình trạng tổ chức, quản lý dạy học thêm chưa đúng quy định
Qua thanh tra dạy thêm, học thêm đầu năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT cho thấy, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đúng theo quy định.
Ảnh minh họa/internet.
Sở GD&ĐT Bến Tre vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Văn bản cho biết: Thời gian gần đây, tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, của chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh trong phối hợp quản lý, kiểm tra; góp phần ngăn ngừa những sai phạm về dạy thêm, học thêm.
Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm theo quy định.
Tuy nhiên, qua thanh tra dạy thêm, học thêm đầu năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT cho thấy, công tác tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đúng theo quy định, như:
Xếp lớp học thêm theo lớp học chính khóa; học sinh trong cùng nhóm lớp học thêm có xếp loại học lực không tương đương nhau; giáo viên dạy thêm trực tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh sau đó gửi đơn xin phép hiệu trưởng dạy thêm số học sinh đó;
Số học sinh giữa các nhóm, lớp học thêm có sự chênh lệch nhiều dẫn đến số tiền thu giữa các học sinh học thêm trong cùng một khối lớp cũng khác nhau; thu tiền dạy thêm chưa thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh; phân công giáo viên dạy thêm trong nhà trường vượt quá số tiết quy định;
Tổ chứcd ạy thêm, học thêm trong nhà trường năm học 2019-2020 có tăng về quy mô lớp, học sinh, giáo viên tham gia dạy thêm và mức phí thu tiền học thêm thay đổi nhưng chưa xin chủ trương phê duyệt của cấp quản lý.
Trước những thực trạng trên, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, các trung tâm GDNN-GDTX, lãnh đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường tự kiểm tra, bổ sung và khắc phục tất cả những hạn chế nêu trên đúng quy định; thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2019.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường để chấn chỉnh những sai phạm, xử lý nghiêm nếu vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.
Kiểm điểm trách nhiệm đối với thủ trưởng nếu tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường không đúng quy định, có giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm và xem đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại công chức, xét các danh hiệu thi đua cuối năm.
Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục thanh tra công tác tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm trong thời gian tới và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quv định về dạy thêm, học thêm.
Hải Bình
Theo GDTĐ
Băn khoăn chuyện dạy thêm, học thêm... Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện quy định mới về tổ chức dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa Theo văn bản này, thành phố sẽ ngưng tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép mới đối với tổ chức dạy thêm, học thêm. Trường hợp các tổ chức,...