Dạy thêm, học thêm: Hiểu thế nào cho đúng?
Trước vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan một số ý kiến cho rằng cần đưa hoạt động dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy điều này liệu có khả thi?
Chạy theo “Phong trào”
Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm không chỉ trở thành gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đối với nhiều gia đình mà vấn đề học thêm quá đà còn chiếm hết thời gian vui chơi hay tham gia các hoạt động khác, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề “ nóng” trong giáo dục.
Một phụ huynh có con học lớp 9 trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, một tuần 3 buổi, cứ mỗi buổi chiều sau giờ làm là chị lại cuống cuồng phóng xe qua các cung đường ùn tắc ở Thủ đô để nhà đưa đón con kịp giờ ở các lớp học thêm.
Cũng theo lời phụ huynh này, để chuẩn bị cho con thi vào các trường điểm, trường chuyên, đa số phụ huynh ở lớp con chị đều không ngại đầu tư thời gian, tiền bạc với mong muốn con được điểm cao.
Ở các cấp học dưới, tình trạng dạy thêm, học thêm cũng tràn lan không chỉ khiến phụ huynh mà ngay cả con trẻ cũng mệt nhoài. Tình trạng học sinh khi tới lớp học thêm ngủ gục hay không thể tập trung do mệt mỏi không hiếm.
Nhiều phụ huynh khi được hỏi cho biết các em mệt mỏi với việc phải chạy xô từ lớp học thêm này tới lớp học thêm khác. Tuy nhiên, nếu không như vậy thì con em họ sẽ khó chuyển cấp thành công.
Bày tỏ quan điểm về việc dạy thêm, một số phụ huynh cho rằng dù không muốn nhưng họ vẫn phải “chạy” bởi cả xã hội như vậy, nếu không theo sẽ trở thành lạc hậu.
Không chỉ xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của phụ huynh mà một số trường học hiện nay cũng “ép” trẻ học thêm dưới hình thức “tự nguyện” học ở “câu lạc bộ”.
Một phụ huynh có con học lớp 1, một trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh rất bức xúc vì nhà trường “ép” cả học sinh lớp 1 học thêm.
Cụ thể, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đưa ra tờ cam kết các khoản thu chi tự nguyện để phụ huynh đăng ký. Trong đó, có một nội dung ghi rất chung chung là Câu lạc bộ ngoài giờ học chính thức trong ngày khối 3, 4, 5, mức phí 240.000 đồng/học sinh/tháng;
Câu lạc bộ ngoài giờ học chính thức trong ngày đối với học sinh lớp 1, 2, mức phí 300.000 đồng/tháng/học sinh.
Với số tiền đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh ký thỏa thuận mức chi 75% cho giáo viên đứng lớp, chi quản lý 15% và 15% còn lại cho điện, cơ sở vật chất.
Video đang HOT
Điều đáng nói Câu lạc bộ ngoài giờ học được chính giáo viên chủ nhiệm đứng lớp dạy kiến thức Toán, Tiếng việt từ 4 giờ 30 đến khoảng 5 giờ 15 phút mỗi ngày ngay tại lớp học.
Phụ huynh này bức xúc vì nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với tiểu học nhưng vẫn phải dạy thêm 1 tiết ngoài giờ ngay tại trường với từng đó kiến thức.
Làm sao để quản?
Trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Hưng Yên mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.
Trước đó, năm 2019 và 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua nhưng vì nhiều lý do mà đề xuất này bất thành.
Bình luận về ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo một số chuyên gia cho hay đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống.
Theo đó, Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa. Nhà trường, thày cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán.
Chưa kể, Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm, học thêm theo chuyên gia cần nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng.
Đồng thời từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm.
Chia sẻ thêm với các bậc phụ huynh, chuyên gia nói rằng cần tỉnh táo lựa chọn các lớp học thêm cho con. Theo đó, nếu môn học nào trẻ bị hổng kiến thức thì nhờ cô giáo phụ đạo thêm, tránh trường hợp cho con đi học thêm theo phong trào, theo sở thích của con hoặc vì “ngại cô”.
“Việc phụ huynh đưa con em mình đến nhiều lớp ôn luyện với lịch học dày đặc, thậm chí một môn học với nhiều thầy cô sẽ không hiệu quả, khiến các con căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tác dụng ngược là các con sẽ sợ học, dẫn đến tâm lý muốn buông xuôi”, chuyên gia nêu quan điểm.
Không nên cấm dạy thêm, nhưng ai "làm tiền" ép trò học thêm phải xử lý nặng
Hoạt động dạy thêm phải hướng đến sự phát triển hài hòa của trẻ về trí tuệ, tình cảm và các phẩm chất tâm sinh lý khác.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Quốc hội tháng 11/2021, dạy thêm, học thêm là một trong 3 vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, bên cạnh câu chuyện dạy trực tuyến và chất lượng sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, các tỉnh đã có văn bản riêng về việc dạy thêm, học thêm. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát thêm nội dung này để xử lý phù hợp hơn.
Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến từ nhà giáo, chuyên gia giáo dục.
Thay vì cấm nên quản lý thật chặt chẽ
Liên quan đến đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hoá học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng: "Học thêm, dạy thêm là nhu cầu chính đáng của xã hội, bởi chương trình đào tạo ở trường không thể cá nhân hoá. Hơn nữa, học sinh học kém cần bổ sung kiến thức, những bạn học lực tốt nên có chương trình riêng để bồi dưỡng, phát huy năng lực".
Cũng theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên có chuyên môn tốt, khả năng giảng dạy, truyền cảm hứng cho học sinh, cũng cần môi trường để phát huy sở trường.
Dạy thêm là một ngành nghề và bình đẳng như bao ngành nghề khác trong xã hội. Ở Việt Nam, việc cho trẻ học IELTS, thậm chí học võ, học đàn, học vẽ ở trung tâm... tất cả đều là học thêm nhưng lại được mọi người chào đón, trong khi học thêm các môn văn hoá, một số cá nhân lại có cái nhìn phân biệt, điều này là không công bằng.
Thầy Ngọc bày tỏ, Bộ cần làm rõ hơn quy định giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang đứng lớp và có chế tài với những thầy cô vi phạm, còn học thêm, dạy thêm tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của người dạy và người học thì hoạt động này không nên cấm.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, học thêm, dạy thêm tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của người dạy và người học thì hoạt động này không nên cấm. (Ảnh: NVCC)
Nói về kiến nghị của Bộ, thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ: "Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất này. Bổ sung giáo dục vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, chuyên môn của giáo viên mà các trung tâm dạy thêm cũng sẽ đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Thay vì cấm dạy thêm, hãy quản lý thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, cơ chế tiền lương hiện tại vẫn chưa thỏa đáng, đời sống giáo viên cần được quan tâm hơn nữa. Khi nào giáo viên yên tâm sống được với nghề thì họ sẽ không còn coi dạy thêm như một cách để mưu sinh".
Cần giải quyết căn nguyên của vấn đề dạy thêm, học thêm
Cùng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, bên cạnh các quy định mang tính kỹ thuật, cần giải quyết căn nguyên của vấn đề dạy thêm, học thêm.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: NVCC)
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, có 4 nguyên nhân cơ bản của dạy thêm, học thêm.
Đầu tiên là yếu tố kinh tế. Hiện nay, thu nhập các gia đình được cải thiện nhờ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong hơn 2 thập kỷ qua. Mỗi gia đình có từ một đến hai con nên muốn đầu tư nhiều hơn cho con cái. Mặt khác, chi phí cho cuộc sống nơi đô thị đắt đỏ trong khi đồng lương giáo viên không tăng tương ứng.
Tiếp theo là yếu tố văn hóa. Tình trạng ganh đua điểm số vẫn phổ biến ở cả phụ huynh và giáo viên bộ môn.
Ngoài ra, học thêm, dạy thêm còn chịu ảnh hưởng từ các vấn đề xã hội. Điển hình là tư duy bằng cấp đã ăn sâu, thành thói quen khó bỏ, ai cũng muốn cho con cái, học trò mình được vào các trường đại học tốt... để có cơ hội việc làm cao, lương tốt trong thị trường lao động khá cạnh tranh.
Nguyên nhân nữa là trong giáo dục vẫn còn chạy đua thành tích, kiểm tra đánh giá thiếu chuẩn mực, công tác tư vấn hướng nghiệp làm chưa tốt... Bên cạnh đó, dù đã giảm tải, chương trình phổ thông vẫn còn nhiều phần chưa hợp lý, quá tải, thiếu kết nối với chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy hiện tượng dạy thêm và học thêm diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh những chính sách kinh tế vĩ mô, chế độ lương, phụ cấp làm thêm do phụ đạo học sinh yếu kém, truyền thông đến mọi người, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai một số biện pháp sau:
Thứ nhất, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, áp dụng mô hình quản lý theo nhà trường để tăng cường giám sát hoạt động dạy thêm và học thêm không chính đáng; giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, trưởng phòng giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân và chủ tịch uỷ ban nhân dân về những tiêu cực trong dạy thêm và học thêm trên địa bàn của mình quản lý.
Thứ hai, tổ chức học hai buổi một ngày cho học sinh ở những đô thị lớn dạy thêm diễn ra phổ biến. Với những học sinh yếu kém, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo thêm thì Nhà nước phải chi trả phần việc làm thêm giờ cho giáo viên dựa vào hợp đồng công việc.
Thứ ba, tiếp tục xem xét tinh giản chương trình và đi kèm là bồi dưỡng năng lực sư phạm, kỹ năng thi kiểm tra đánh giá và phải đổi mới thi kiểm tra đánh giá, đảm bảo tính khách quan trong đo lường và đánh giá giáo dục.
Thứ tư, cần có quy hoạch và xây dựng chính sách phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Những giáo viên yếu kém về chuyên môn, không có khả năng phát triển và những giáo viên vi phạm đạo đức "ép buộc" học sinh học thêm vô lối cần có biện pháp kỷ luật hoặc sa thải.
Thứ năm, nên tổ chức việc dạy thêm học thêm có trật tự, có tổ chức và quản lý và trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, miễn sao ở địa phương có năng lực quản lý và tổ chức thực hiện tốt.
Tất cả việc dạy thêm học thêm đều phải hướng đến sự phát triển hài hòa của trẻ về trí tuệ, tình cảm và các phẩm chất tâm sinh lý khác. Nghiêm cấm hành vi vì chỉ tiêu thành tích để ép học sinh học thêm, cũng như cấm giáo viên "làm tiền" bằng cách ép buộc cha mẹ học sinh và học sinh phải học thêm mới cho điểm cao.
Cuối cùng, cái gốc văn hóa ganh đua thành tích học tập của con cái ở một bộ phận phụ huynh và ngay cả giáo viên cũng cần thay đổi và nhìn thấy lợi ích chính đáng của con mình là những phẩm chất trí tuệ, tình thương yêu, đạo đức và các giá trị lành mạnh mà trẻ nhận được từ giáo dục.
"Hơn ai hết phụ huynh cần thông cảm và thấu hiểu con cái, không nên ép học đến mức quá tải gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ mà có thể còn để lại những hệ quả không mong muốn.
Phương pháp giáo dục tốt nhất là tự học và tự trưởng thành. Học thêm chỉ là biện pháp nhất thời hướng đến mục tiêu dạy để có điểm thi tốt nhưng hiệu quả mang lại không lâu dài trong quá trình học đại học hoặc sau này khi ra làm việc thực tế.
Có nhiều em nhà nghèo, ở vùng khó khăn nhưng biết cách tự học, được thầy cô tâm huyết, nghiệp vụ giỏi giúp đỡ... ngoài việc các em thi đạt kết quả cao thì còn sở hữu khả năng làm việc với tư duy độc lập tốt, có năng lực học tập suốt đời", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Học thêm, dạy thêm 'biết rồi khổ lắm'! Với một lượng kiến thức tương đối ở trường, học sinh 'hấp thụ' đủ đã tương đối 'mệt'. Song trước áp lực thành tích, thi cử và cả 'bầu trời' tương lai phía trước, nhiều gia đình vẫn phải đưa con đi học thêm. Chưa khi nào, cái sự học chiếm quá nhiều thời gian, công sức của phụ huynh như bây giờ!...