Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong học sinh trung học
Với mục tiêu đổi mới cách dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, từ năm học 2011 – 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và hằng năm tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật (KH, KT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.
Khi tham dự các cuộc thi, triển lãm sáng tạo khoa học của khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam đạt nhiều giải thưởng, huy chương.
Học sinh Hoàng Việt Phúc (người thứ năm từ trái qua), Trường THPT chuyên Lào Cai nhận Giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021.
Thời gian qua, ngành GD và ĐT tỉnh Lào Cai chú trọng hoạt động nghiên cứu KH, KT dành cho học sinh trung học. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Lào Cai Đỗ Minh Tâm, ngay từ đầu năm học, các phòng GD và ĐT, các trường THPT đã triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh. Một số đơn vị đã phát triển mạnh phong trào nghiên cứu khoa học cho học sinh, đưa hoạt động này trở thành hoạt động quan trọng trong đổi mới giáo dục. Nhiều câu lạc bộ nghiên cứu khoa học được hình thành và phát triển, gắn với hoạt động của câu lạc bộ giáo dục STEM. Các hoạt động thi KH, KT cấp trường, cấp huyện diễn ra sôi nổi, tạo sân chơi trí tuệ và cơ hội giao lưu cho học sinh trung học. Năm học 2020 – 2021, hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh trung học tại tỉnh Lào Cai đã góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh và trở thành phong trào mạnh mẽ trong các trường trung học. Điển hình như: Phòng GD và ĐT huyện Bảo Yên, Văn Bàn, TP Lào Cai; Trường THPT số 1 Bảo Yên, số 1 Bảo Thắng, số 2 Bảo Yên, THPT chuyên, số 1 Văn Bàn, số 3 Lào Cai… Nhiều dự án dự thi của học sinh xuất phát từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc… Đặc biệt, một số dự án có tính thời sự nhằm góp phần phòng, chống dịch Covid-19; khắc phục khó khăn trong học tập trực tuyến…
Thầy giáo Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai cho biết, liên tiếp trong các năm từ 2019 đến 2021, trường là đơn vị đứng đầu toàn quốc về số giải dự thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia với hai giải nhất và hai giải nhì. Đặc biệt, năm 2021 dự án nghiên cứu “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT” của hai học sinh Hoàng Việt Phúc và Vũ Phương Mai được chọn là một trong bảy dự án của Việt Nam tham dự Hội thi KH, KT quốc tế năm 2021 tại Mỹ bằng hình thức trực tuyến và đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. Để có được những kết quả nêu trên, nhà trường luôn coi hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và cha, mẹ học sinh tầm quan trọng và lợi ích của học sinh khi tham gia vào nghiên cứu khoa học. Mục đích không chỉ là các giải thưởng nhận được qua các cuộc thi, mà thông qua hoạt động này, học sinh được học tập, trải nghiệm và trưởng thành hơn về khả năng tư duy, phản biện, kỹ năng làm việc theo nhóm, viết báo cáo, trình bày, thuyết trình.
Học sinh Hoàng Việt Phúc, Trường THPT chuyên Lào Cai cho biết, dự án “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT” đoạt giải đặc biệt tại Hội thi KH, KT quốc tế năm 2021 được nhóm nghiên cứu hướng tới trong xu thế phát triển trường học thông minh và hội nhập quốc tế. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu, xóa mọi ranh giới địa lý, những bất lợi về thời gian, địa điểm học và chi phí cho đào tạo. Việc học tập trực tuyến đã đặt ra yêu cầu thay đổi và thích ứng từ phía người học và đó cũng là động lực để nhóm triển khai dự án nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, để đổi mới cách dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, từ năm học 2011 – 2012, Bộ GD và ĐT đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức thường niên cuộc thi KH, KT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Cuộc thi đã thu hút hàng nghìn học sinh của các tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở các cấp. Liên tục tám năm qua, từ năm 2012 đến nay, đoàn học sinh Việt Nam dự thi KH, KT cấp quốc tế đều đạt giải. Kết quả này đã khẳng định vị thế và khả năng nghiên cứu KH, KT của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Đây cũng là hoạt động góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; thực hiện giáo dục tích hợp: Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp… đối với hoạt động nghiên cứu KH, KT của học sinh.
Video đang HOT
Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh: Nhiều kỳ vọng, không ít băn khoăn
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội sau cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 (diễn ra từ ngày 25 đến ngày 27-3-2021) là những băn khoăn về chất lượng và tính thực chất của các dự án.
Có hay không nên duy trì cuộc thi và chế độ ưu tiên cho học sinh đoạt giải là nghi ngại của nhiều người. Một cuộc thi đã được đặt khá nhiều kỳ vọng, nay lại có không ít băn khoăn.
Màn giới thiệu của các đội thi tại cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020-2021.
Kỳ vọng thay đổi cách dạy, cách học
Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên cả nước từ năm học 2011-2012, hằng năm thu hút hàng nghìn học sinh tham gia tranh tài ở cuộc thi các cấp.
Tháng 11-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành "Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông". Ban đầu, mỗi đơn vị được gửi không quá 6 dự án dự thi cấp quốc gia.
Từ năm học 2019-2020, Bộ chỉ cho phép mỗi đơn vị gửi tối đa 2 dự án, trừ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai được gửi tối đa 4 dự án. Liên tục trong 8 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2019), học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc tế đều đoạt giải. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh Việt Nam không thể dự thi.
Năm nay, cuộc thi khoa học, kỹ thuật tiếp tục được triển khai với mục đích khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, tăng cường vận dụng kiến thức được học để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Cuộc thi cũng nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc khích lệ giáo viên đổi mới phương pháp dạy nhằm rèn cho học sinh kỹ năng, thói quen vận dụng kiến thức được nhà trường coi trọng từ nhiều năm nay. Việc phát động cuộc thi khoa học, kỹ thuật đã góp phần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy, học, tạo thêm động lực cho học sinh thi đua.
Thế nhưng, khi cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020-2021 khép lại, dư luận đã đặt khá nhiều câu hỏi và sự nghi ngại về tính thực chất của dự án giành giải Nhất: "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình). Lý do bởi năm 2019, một dự án tương tự của học sinh trường này đã giành giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh, giải Nhì cấp quốc gia. Cả hai dự án có cùng giáo viên hướng dẫn.
Đây không phải lần đầu tiên cuộc thi để lại những băn khoăn. Năm 2019, một số phụ huynh học sinh cho rằng, 5 trong số 15 giải Nhất cấp quốc gia có ý tưởng, giải pháp trùng lắp với kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.
Cuộc thi khoa học, kỹ thuật giúp học sinh tăng năng lực ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. (Nguồn internet)
Tránh bệnh thành tích
Một trong những nguyên nhân khiến cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh mất dần ý nghĩa là do bệnh thành tích và những hệ lụy từ quyền lợi dành cho học sinh đoạt giải. Theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3-5-2019 ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh trung học cơ sở đoạt giải cấp quốc gia, quốc tế cuộc thi khoa học, kỹ thuật được tuyển thẳng vào trung học phổ thông.
Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng sư phạm cũng có quy định học sinh trung học phổ thông đoạt giải Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi này được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng. Từ thực tế triển khai, đã có không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, không nên duy trì cuộc thi, hoặc bỏ chế độ ưu tiên tuyển thẳng đối với các học sinh đoạt giải.
Là địa phương có học sinh đoạt giải Ba cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) Phạm Gia Hữu cho rằng, thời gian qua, cùng với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và tổ chức dạy học, học sinh đã có chuyển biến rõ về nhận thức và hành động trong học tập, thi cử.
Vì vậy, giải pháp khắc phục những hạn chế đang khiến dư luận bức xúc là điều chỉnh tiêu chí để bảo đảm phạm vi, lĩnh vực và nội dung kiến thức, kỹ năng học sinh vận dụng nằm trong chương trình đã học... Phòng tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát các nhà trường tổ chức dạy, học, đánh giá thực chất; đẩy mạnh việc dạy học theo dự án và các hoạt động trải nghiệm...
Ủng hộ việc tổ chức cuộc thi, song ông Trần Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn học sinh được thử sức và trải nghiệm với việc nghiên cứu khoa học một cách thực chất, các nhà trường không nên đặt áp lực về thành tích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, việc duy trì cuộc thi là cần thiết, nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, thấy được ý nghĩa của việc học khi giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Vấn đề cần xem xét lại là làm thế nào để tránh bệnh thành tích.
"Mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải bảo đảm sự minh bạch, thực chất trong quá trình triển khai cuộc thi nói riêng và những hoạt động giáo dục nói chung, tránh bệnh thành tích. Giáo viên có thể khơi gợi, hỗ trợ để học sinh triển khai ý tưởng, nhưng tuyệt đối không làm thay học sinh và phải coi trọng sự trung thực, đúng với khả năng.
Để bảo đảm chất lượng "đầu vào", trước khi tuyển thẳng các học sinh đoạt giải, các trường đại học cũng cần thẩm định chất lượng và sự phù hợp của dự án đối với ngành đào tạo. Cha mẹ học sinh cũng không nên đặt áp lực về thành tích mà làm thay con, khiến cho quá trình giáo dục không thực chất, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của học sinh", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Học sinh Lào Cai duy trì thành tích cao tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia Từ ngày 25-27/3/2021, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2020 - 2021 đã kết thúc thành công tại Thừa Thiên Huế Đoàn Lào...