Dạy học theo CTGDPT mới: Để học trò không “lỗi nhịp”
Từ thực tiễn triển khai CTSGK giáo dục phổ thông mới với lớp 1, các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, để học sinh (HS) bắt nhịp, giáo viên (GV) cần đổi mới phương pháp dạy học và cách kiểm tra, đánh giá.
Giáo viên cần tổ chức học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá.
Giáo viên cần thay đổi
Sau 1 học kỳ dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1, cô Phạm Thị Bé – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai) nhận thấy: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực của HS.
Do đó, mục tiêu chương trình được xác định bởi một hệ thống phát triển phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm). Và 3 nhóm năng lực: Tự chủ – tự học; giải quyết vấn đề – sáng tạo; giao tiếp – hợp tác. Từ các phẩm chất, năng lực đó mới xác định nội dung giáo dục, phương pháp hình thức giáo dục và kiểm tra đánh giá.
Từ những phân tích nêu trên, cô Bé cho rằng: Mấu chốt của vấn đề là GV cần thay đổi phương pháp dạy học và cách kiểm tra đánh giá HS. Theo đó, GV không nên bó buộc với các ngữ liệu trong sách giáo khoa và cũng không nên dập khuôn, “công thức” trong cách kiểm tra, đánh giá. Qua đó, giúp các em hứng khởi học tập và không bị “lỗi nhịp” với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan trọng hơn là giúp các em không chỉ biết được gì, mà còn làm được gì.
Từ kinh nghiệm của bản thân, cô Chu Thị Minh Thảo – GV Trường tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Nội) cho rằng: Để HS thích nghi và bắt nhịp với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, GV cần thay đổi phương pháp dạy học và cách kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, đánh giá, xếp loại HS tiểu học áp dụng cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Cụ thể, GV coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS; giúp các em phát huy tốt nhất khả năng, năng lực của mình; kịp thời, công bằng, khách quan. Không nên so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ học sinh.
Việc đánh giá HS được thực hiện theo quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét.
Cùng với GV, HS và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá HS tiểu học. “Với cách đánh giá như vậy, điểm số là một phần của kết quả học tập và rèn luyện. Quan trọng hơn là đánh giá được năng lực của HS thông qua quá trình học tập. Việc đánh giá như vậy sẽ góp phần thay đổi quá trình dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, tôn trọng khả năng của mỗi học sinh” – cô Thảo chia sẻ.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình).
Thoát ngữ liệu SGK
Video đang HOT
Dưới góc độ của nhà quản lý, thầy Nguyễn Trọng Ngoạn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nêu quan điểm: Để HS bắt nhịp với Chương trình phổ thông 2018, GV cần phát huy quyền chủ động, sáng tạo, tự chủ của mình.
Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, GV phải luôn đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức quá trình dạy học phù hợp với tiến trình nhận thức, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng HS; đồng thời kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp với ngoài giờ chính khoá và hoạt động thực hành trải nghiệm, ứng dụng kiến thức toán học vào thực tiễn; linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Mặt khác, khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học.
Cũng theo thầy Ngoạn, SGK mới có kênh hình, kênh chữ được sắp xếp khoa học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi HS lớp 1. Các bài học được sắp xếp theo từng chủ đề tích hợp các vấn đề trong cuộc sống, có những gợi ý mở, tạo thuận lợi cho giáo GV tổ chức hoạt động dạy – học và định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Đặc biệt, phiên bản điện tử của SGK, giúp GV tiết kiệm thời gian soạn giáo án.
Các video sinh động của SGK điện tử giúp HS hứng thú hơn với bài học. Trên cơ sở đó, GV cần không ngừng đổi mới, sáng tạo; sử dụng thành thạo công nghệ thông tin (CNTT), biết ứng dụng và khai thác hiệu quả CNTT vào giảng dạy; biết đăng nhập vào Cloudbook để lấy hình ảnh minh họa, video để có những giờ dạy sinh động, giúp HS nắm được mục tiêu của bài học.
Dù Chương trình giáo dục, SGK giáo dục phổ thông chưa triển khai đến THPT, nhưng cô Bùi Thị Ngọc Lan – GV Ngữ văn Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) đã chuẩn bị tâm thế, chủ động đón nhận. Cô chủ động đổi mới kiểm tra, đánh giá bằng cách đưa ngữ liệu nằm ngoài SGK vào đề kiểm tra định kỳ, thường xuyên.
“Chúng tôi đã xây dựng ma trận đề kiểm tra một cách khoa học, bảo đảm các cấp độ tư duy: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng thấp – Vận dụng cao” – cô Lan cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Mặc dù chất lượng tuyển sinh đầu vào còn hạn chế, nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, điểm trung bình môn Ngữ văn của Trường THPT Hoàng Cầu đạt 7,48, cao hơn nhiều so với toàn quốc và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, tỉ lệ HS đạt trên 5 điểm của bộ môn Ngữ văn là 100%. “Chúng tôi thực hiện đúng phương châm: Không để HS nào bị bỏ lại phía sau” – cô Lan quả quyết.
Một tiết học của cô – trò Trường THPT Hoàng Cầu.
Dạy học phân hóa
GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó Giám đốc Kĩ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) nhận định: Bất kỳ đổi mới nào cũng phải vượt qua thách thức và khó khăn. Phải xem đó là quy luật tự nhiên. Khi đã là quy luật mọi người phải phấn đấu nhưng không nên đặt họ vào trạng thái bị áp lực về tâm lý. Muốn vậy, trước hết GV phải được tạo điều kiện để tự chủ về chuyên môn, không bị đè nặng những áp lực về quản lý hành chính. Và tự chủ sáng tạo là kinh nghiệm thành công của Phần Lan.
“Giáo viên phải được tạo điều kiện để có môi trường phát triển nghề nghiệp trong tập thể sư phạm nhà trường. Đương nhiên cũng cần có động viên về tinh thần, vật chất. Kinh nghiệm các nước thành công trong giáo dục là mọi yếu tố ưu tiên được dành cho GV” – GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, GS.TS Đinh Quang Báo bày tỏ: GV cần đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, để HS nắm bắt kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là dạy học phân hóa theo đối tượng. Nghĩa là, GV phải dạy học phù hợp theo từng HS. Tiếp đến, khi dạy học, GV cần vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Tức là các em phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học. Vừa qua, HS ở nhiều trường phổ thông được giao đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp như: Nghiên cứu xử lý rác thải… và tham gia các hoạt động giáo dục STEM.
Ngoài ra, để HS khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, thầy cô không nên tạo áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau… “Nói cách khác, khi chương trình chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, GV phải đổi mới phương pháp dạy học. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay phải chuyển sang dạy học kiến thức ấy để phát triển phẩm chất năng lực của HS” – GS.TS Đinh Quang Báo trao đổi.
Cũng theo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu như trước đây, GV dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, GV phải tổ chức cho HS tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó, HS sẽ đạt được mục tiêu kép: Có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình kiến tạo nên kiến thức ấy giống với nhà khoa học. Nói theo cách ẩn dụ là: Không chỉ được ăn món ăn ngon mà còn biết tự chế biến cho mình món ăn ngon.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, để đáp ứng yêu cầu trên, đội ngũ GV đang đổi mới; nghĩa là họ đã nhận thức được điều mình cần phải đổi mới thông qua bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có kiến thức, năng lực dạy học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau 1 học kỳ triển khai CT, SGK lớp 1: Giáo viên vững tin đổi mới
Chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới vừa trải qua 1 học kỳ triển khai. Sau những bỡ ngỡ ban đầu trong quá triển khai đã ghi nhận sự thích ứng của đội ngũ GV và HS cùng những kết quả khả quan.
GV và HS Lào Cai tự tin bước vào triển khai CTGDPT mới. Ảnh: Phượng Anh
Đầy lùi khó khăn
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh - GV lớp 1 tại điểm trường Bản Khằm 1, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) chia sẻ: 100% HS dân tộc Mông, bước vào lớp 1 tiếng Việt còn hạn chế. Điều đó ảnh hưởng tới tiếp thu kiến thức và tiến trình giảng dạy trên lớp của GV.
Triển khai CT và SGK lớp 1 mới, nhà trường chọn bộ sách Cánh Diều. BGH, tổ chuyên môn đã cùng đồng hành với GV để tháo gỡ những vướng mắc ban đầu. Kết thúc học kỳ 1, khoảng 70% HS đã có thể đọc trơn, hoàn thành được yêu cầu chung của CT và SGK đề ra. 1 số HS tiếp thu chậm hơn, GV đã tăng cường hướng dẫn, kèm cặp, tìm phương pháp giảng dạy riêng giúp HS mau tiến bộ và "về đích" ở học kỳ 2.
Cô Nguyễn Thị Oanh cũng khẳng định: Hiện tại triển khai SGK lớp 1 mới với bản thân và đồng nghiệp đã thuần thục, việc thay đổi ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt không khó cũng không ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy. Kết quả của học kỳ I so với những khó khăn ban đầu mà GV, tổ chuyên môn đã tháo gỡ là đáng khích lệ. Kết quả cũng đồng thời tạo niềm tin cho GV, HS để bước vào học kỳ II".
HS nhanh chóng thích nghi với CT, SGK mới. - Ảnh: Đức Trí
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Quyên - GV lớp 1 Trường TH Kim Ngọc (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) cho biết: Ở năm đầu bước vào đổi mới, nhà trường triển khai dạy học lớp 1 với bộ SGK Cánh Diều. Với thuận lợi và khó khăn riêng trong triển khai nhưng kết thúc học kỳ 1, ở môn Tiếng Việt đa phần HS đã đọc tốt văn bản. Một số HS chậm hơn nhưng cũng đạt được yêu cầu chung của chương trình. Một số HS có độ nhớ chưa sâu không đáng lo ngại bởi GV đã lên kế hoạch rèn thêm cho các em.
Việc triển khai SGK lớp 1 mới đối với GV khi bước sang học kỳ 2 đã trôi chảy, phụ huynh HS yên tâm với đọc viết của con em mình. Do đó, việc dạy và học hiện tại gần như không còn áp lực khó, dễ mà chỉ có nỗ lực và quyết tâm về đích với kết quả tốt nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Tiến - GV lớp 1 A1 Trường PTDTBT TH Bản Phố (Bắc Hà - Lào Cai) chia sẻ: SGK năm nay hình ảnh đẹp, HS thích thú. Phần học vần không khó khăn, thách đố HS. Có bài yêu cầu dạy 3 vần, GV đã cùng BGH, tổ chuyên môn khối 1 chủ động điều chỉnh dạy mỗi âm vần 1 tiết nên HS vẫn theo kịp chương trình.
Có thể nói, so với dạy CT và SGK năm ngoái thì dạy học theo SGK mới tiến độ đọc của HS tiến bộ hơn nhiều. Trong số 19 HS của lớp chỉ còn 1-2 HS đọc trơn chậm hơn còn lại đọc trơn nhanh; tiếp thu tốt ở các môn học khác.
Cô và trò cùng nỗ lực triển khai CT, SGK lớp 1 mới. - Ảnh: Đức Trí
Vững tâm đổi mới
Sau 1 học kỳ triển khai CT và SGK mới cô Nguyễn Thị Oanh chia sẻ kinh nghiệm: Triển khai CT và SGK mới không bao giờ dễ dàng ngay từ đầu, nên GV phải chịu khó nghiên cứu bài dạy, chương trình; tích cực trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để tìm ra được phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng HS.
Ví như ở môn Tiếng Việt, một số ngữ liệu có thể phù hợp với HS ở miền này nhưng chưa hợp với HS miền kia thì GV chủ động, linh hoạt tìm thay thế bằng ngữ liệu phù hợp khác. Quá trình dạy học khó tránh vướng mắc về chuyên môn thì cần mạnh dạn trao đổi, đề xuất hỗ trợ từ tổ chuyên môn, BGH để cùng tháo gỡ kịp thời.
Cùng triển khai bộ SGK Cánh Diều nhưng đối tượng HS khác nhau nên kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Hải Quyên là: Với môn Tiếng Việt, phần vần GV cần phân tích kĩ để HS nhớ sâu thì việc đọc trơn sẽ tốt hơn. Mặt khác, sự động viên, không gây áp lực, cùng tháo gỡ với GV của Hiệu trưởng, tổ chuyên môn sẽ tạo cho GV tư tưởng thoải mái trong quá trình dạy học SGK mới...
Đội ngũ GV luôn tận tụy để HS tiến bộ trong học tập. - Ảnh: Đức Trí
"Với sự chuẩn bị kĩ càng các điều kiện triển khai từ đầu năm học, việc dạy học theo CT và SGK lớp 1 mới không khó. Quan trọng GV không ngại đổi mới, tích lũy kinh nghiệm theo từng bài học, tiết học để vận dụng hợp lý ở phần sau. Mặt khác, có sự đồng hành của phụ huynh thì chắc chắn đổi mới CT và SGK sẽ về đích" - cô Hải Quyên bày tỏ.
So sánh việc giảng dạy CT, SGK cũ và CT, SGK mới cô Nguyễn Thị Hải Quyên khẳng định: HS được tự khám phá nhiều hơn, GV chỉ là người gợi mở. Mặt khác, SGK mới in ấn cẩn thận, hình ảnh đẹp, thân thiện... đã kích thích và tạo hứng thú cho HS trong học tập.
Trên cơ sở dạy học thực tế, cô Nguyễn Thị Kim Tiến, Trường PTDTBT TH Bản Phố rút ra kinh nghiệm: "HS là người địa phương nên cần chú ý đến cách phát âm. Mặt khác, trong một số bài học GV có thể linh hoạt thay ngữ liệu bài giảng thực tế, cho các em quan sát trước sau đó kết hợp hình ảnh trong SGK thì việc dạy học thêm hiệu quả".
HS lớp 1 hào hứng trong từng tiết học. - Ảnh: Đức Trí
Theo cô Tiến, từ thực tế triển khai CT và SGK lớp 1 mới ở học kỳ 1 có thể tự tin những mục tiêu đề ra cuối năm đa số HS sẽ hoàn thành và đạt kết tốt, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục triển khai CTGDPT mới ở lớp 2.
Ông Bùi Xuân Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) bày tỏ: Trong điều kiện còn khó khăn nhất định, sự nỗ lực của địa phương và mỗi nhà trường đã giúp ngành giáo dục triển khai bước đầu hiệu quả CTGDPT mới.
Đây là tiền đề quan trọng để thời gian tới, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thực hiện CT, SGK mới từ lớp 1, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp mạng lưới trường lớp... để tiếp tục triển khai có hiệu quả CTGDPT mới tại địa phương.
Bắt nhịp chương trình SGK mới: Lạc quan với sản phẩm đầu tay Sau một học kỳ triển khai, cán bộ quản lý và giáo viên lớp 1 đã hoàn toàn thành thục và an tâm triển khai chương trình với những tiến bộ đáng ghi nhận từ học sinh và ủng hộ của phụ huynh. Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội). Kiên tâm vượt thử thách Năm học...