Dạy học ra sao khi chính thức áp dụng học trực tuyến?
Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành Thông tư Quy chế đào tạo trình độ ĐH, trong đó có nội dung dạy học trực tuyến.
Một buổi dạy học trực tuyến của giảng viên một trường cao đẳng trong những ngày sinh viên nghỉ học do dịch Covid-19 – NVCC
Trong năm 2021, Bộ cũng sẽ ban hành Dự thảo Thông tư quản lý dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông. Khi hình thức dạy học trực tuyến chính thức đưa vào quy chế, thông tư, các trường ĐH, phổ thông sẽ triển khai ra sao?
Đào tạo trực tuyến ngay trong điều kiện bình thường
Dự thảo lúc lấy ý kiến có đề cập nội dung quan trọng liên quan việc sắp xếp sinh viên vào học và tổ chức hoạt động giảng dạy. Theo đó, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành của Bộ, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo. Cán bộ một trường ĐH cho biết trong bản dự thảo được chỉnh sửa mới nhất, các trường được phép tổ chức dạy học trực tuyến tối đa 30% số tín chỉ.
Như vậy, khi quy chế này được ban hành chính thức, các trường có thể triển khai hoạt động dạy học trực tuyến ngay trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, tùy theo các trường hoạt động dạy học này sẽ được triển khai ở mức độ khác nhau.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết sau một thời gian dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh, hiện nhà trường đã có sự chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết cho hoạt động này. Bên cạnh yếu tố đội ngũ và cơ sở vật chất, quan trọng nhất phải kể đến là việc ban hành quy định đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến của trường.
“Dù quy chế của Bộ có thể cho phép áp dụng tối đa 30% chương trình nhưng quy định của trường con số tối đa này chỉ 20%. Đặc biệt, hình thức trực tuyến chỉ sử dụng trong hoạt động dạy học, không dùng cho việc kiểm tra, đánh giá”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, trực tuyến là một trong số các phương pháp dạy học kết hợp được chuẩn bị sẵn để sử dụng trong trường hợp cần thiết hoặc khi quy chế của Bộ chính thức ban hành.
Dạy trực tuyến từ 20 – 30%
PGS- TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết sau một thời gian áp dụng hình thức trực tuyến thì thấy rằng, đây không phải là giải pháp tình thế được sử dụng trong điều kiện dịch bệnh mà trở thành xu thế trong thời gian tới. Khi có sự chuẩn bị tốt các điều kiện cho hình thức dạy học này, các trường không rơi vào tình huống bối rối mà hoàn toàn có thể chủ động trong mọi tình huống.
“Trường có đề xuất sử dụng hình thức trực tuyến cho tối đa 30% chương trình đào tạo, còn lại là giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, quy chế chính thức của Bộ ra sao, trường sẽ thực hiện theo đúng quy định”, ông Hải thông tin.
Cũng theo lãnh đạo này, dù hiện tại trường không dạy học trực tuyến nhưng đang tiếp tục củng cố, chuẩn bị tốt hơn các điều kiện. Trong đó, có việc thành lập một trung tâm đào tạo trực tuyến để hỗ trợ giảng viên trong việc soạn bài, kỹ năng giảng bài… “Dạy học trực tuyến là một trong 2 khâu then chốt trường đẩy mạnh trong năm 2021. Trong đó có kế hoạch cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm dạy ở trường tiên tiến nước ngoài khi điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn”, ông Hải cho hay.
Dạy học trực tuyến là một trong 2 khâu then chốt trường đẩy mạnh trong năm 2021
Video đang HOT
PGS-TS Trần Hoàng Hải (quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM)
PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho rằng hình thức dạy học trực tuyến chỉ có tính chất hỗ trợ dạy học hiệu quả hơn, không thể thay thế hoàn toàn việc dạy học trên lớp. Do vậy, nếu quy chế quy định, các trường có thể triển khai ở mức độ khác nhau với tối đa 20% số tín chỉ chương trình. Hình thức này có thể sử dụng trong các môn chung có tính chất lý thuyết, các môn chuyên ngành và cơ sở ngành cần thiết dạy học trên lớp để đảm bảo chất lượng hơn.
Theo ông Hùng, khung chương trình hiện nay mỗi môn trung bình 30 tiết. Với các môn học này, khi lên lớp giảng viên thường yêu cầu người học đọc trước tài liệu và thời gian trên lớp chủ yếu để thuyết trình, thảo luận, làm bài tập mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nền tảng trực tuyến hiện nay còn nhiều khó khăn để dạy học theo hình thức trên.
Bậc phổ thông chỉ nên xem là cơ sở
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), với tư cách là người quản lý trường học, ông rất ủng hộ thông tư về quản lý dạy học trực tuyến vì đó là nền tảng để thực hiện công nghệ 4.0, số hóa trong giáo dục.
“Chúng ta cần phải chuyển đổi vì tình hình thực tế của nhân loại đang có quá nhiều thách thức. Đó là đại dịch Covid-19, động đất, sóng thần… Nếu không áp dụng công nghệ, việc học có thể bị gián đoạn khi có thiên tai, địch họa. Việc số hóa trong giáo dục sẽ tiết kiệm được công sức của thầy cô, khai thác trí tuệ nhân loại, tạo ra kho dữ liệu phong phú, kết nối dữ liệu giữa các tỉnh thành, giữa nước ta với thế giới”, ông Phú nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Phú, cần phải có cách triển khai đồng bộ. “Hiện nay, chúng ta không tránh khỏi việc triển khai dạy trực tuyến không đồng bộ giữa các tỉnh, thành với nhau. Ngay cả ở TP.HCM, mọi thứ cũng không đồng bộ giữa các quận huyện. Vì vậy, khi triển khai thông tư thì cần quyết tâm rót kinh phí để đồng bộ cơ sở hạ tầng của các đơn vị trường học, phương tiện dạy học cho thầy cô”, ông Phú kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), cho rằng thông tư sẽ là cơ sở để áp dụng việc dạy học trực tuyến trong những trường hợp cần thiết. Ông Hoàng đưa ra trường hợp như một số vận động viên còn học phổ thông nhưng đi thi đấu nước ngoài, một số học sinh ở xã đảo xa cần học trực tuyến một số môn học, một số em tự kỷ không thuận lợi với tiếp xúc cộng đồng… Khi thiên tai, địch họa, dịch bệnh, trường học cũng có cơ sở để dạy học trực tuyến.
“Tuy nhiên, thông tư này nên là cơ sở để khi cần thiết áp dụng chứ không nên xem là giải pháp giảng dạy trong bậc học phổ thông. Lứa tuổi học sinh phổ thông, giáo dục nên là rèn luyện kỹ năng, hình thành nhân cách… Giáo dục phải qua nhiều hoạt động khác chứ không chỉ có thầy giảng, trò nghe, đọc tài liệu… Quá trình giáo dục hoàn chỉnh là học sinh đến trường lớp, tiếp xúc trực tiếp, cảm nhận con người, điều chỉnh hành vi, thái độ… Dạy học trực tuyến thiên về truyền thụ kiến thức cho học sinh, không thể đầy đủ mọi quá trình của giáo dục được. Vì tâm sinh lý của học sinh phổ thông khác với sinh viên, những người có thể tiếp nhận học trực tuyến dễ dàng hơn”, ông Hoàng nhận định.
Ý kiến
Khó áp dụng với các học phần thực hành
Từ đợt dịch vừa qua, tôi thấy việc học trực tuyến đã không còn quá xa lạ và rất cần thiết trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, tôi là sinh viên ngành công nghệ sinh học, việc học trực tuyến khó mà áp dụng với một số học phần cần thực hành, thao tác ở phòng thí nghiệm. Tôi nghĩ cũng cân nhắc chọn xem môn nào trực tuyến được, môn nào không.
Bùi Lâm Thủy Tiên (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Cần chuẩn bị nền tảng công nghệ
Tôi ủng hộ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, đòi hỏi nhà trường phải chuẩn bị những nền tảng công nghệ để dạy sao cho tốt nhất, tránh sử dụng các phần mềm, nền tảng không uy tín khiến bị mất thông tin cá nhân của thầy và trò. Phần còn lại, tôi chỉ mong học trực tuyến các môn lý thuyết cơ bản thôi, những môn cần thảo luận, chuyên sâu, định lượng và vận hành hệ thống thì tôi nghĩ học trực tiếp tại lớp, phòng thí nghiệm sẽ tốt hơn.
Lê Hồng Phước (sinh viên ngành dược Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Giáo dục - đào tạo 2020: Vượt bão bằng công nghệ
Theo thống kê, khoảng gần 80% học sinh (HS) Việt Nam đã học trực tuyến, 240 cơ sở đào tạo đại học đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến theo các mức độ khác nhau.
Việt Nam xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch. Thành công này là cơ sở để Bộ GDĐT khởi động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục với kỳ vọng, 10 năm tới Việt Nam sẽ có một thế hệ công dân số.
Dạy và học trực tuyến là hình thức phổ biến trong năm 2020.
Bứt phá dạy học trực tuyến
Hàng triệu HS, sinh viên của Việt Nam đã trải qua một "kỳ nghỉ hè" dài nhất trong lịch sử, kéo dài từ khoảng đầu tháng 2 đến hết tháng 4 năm 2020. Để đảm bảo an toàn trước cơn bão Covid-19, hầu hết các trường học từ khối mầm non đến phổ thông, đại học, cao đẳng đều đóng cửa.
Trong một vài tuần đầu tiên, việc dạy và học của thầy và trò chủ yếu là ôn tập bài cũ bằng các hình thức giao bài qua phiếu ôn tập. Dần dần, thông qua việc thành lập các nhóm trao đổi trên zalo, facebook và nhiều ứng dụng công nghệ khác, việc tương tác trực tiếp giữa cô và trò trở nên thuận lợi hơn.
Ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, việc nhà trường dạy học qua mạng trong mùa dịch bệnh Covid-19 chủ yếu theo 2 hình thức chính: Giáo viên (GV) gửi clip bài giảng lên Youtube, rồi gửi link cho HS tự học, kiểm tra kiến thức bằng các bài tập và tổ chức lớp học trực tuyến qua các ứng dụng theo kiểu cuộc gọi video nhiều người với khung giờ cố định.
Trong đó, đối với cách dạy theo phương thức gửi kho bài giảng cho HS sẽ phù hợp với HS nhỏ tuổi, khả năng sử dụng thiết bị công nghệ chưa thật thành thạo và chủ động. Đối với HS lớp lớn hơn, việc tổ chức những lớp học trực tuyến theo cách thứ hai là phổ biến tuy nhiên cũng xuất hiện những lo ngại về việc bảo mật của các hệ thống này nên Bộ GDĐT đã đề nghị các địa phương, các trường cần tăng cường đảm bảo an toàn, tập huấn kiến thức và kỹ năng sử dụng internet trong quá trình học trực tuyến.
Tuy nhiên, dạy học trực tuyến (DHTT) khác với hình thức trực tiếp nên có nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện. Ngoài khó khăn về trang thiết bị, còn những khó khăn về mặt công nghệ đòi hỏi GV phải chủ động khắc phục. Chẳng hạn, phần mềm học trực tuyến đa điểm ZOOM chỉ cho dùng 40 phút.
Theo phân tích của TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), việc ZOOM chặn thời gian dùng là 40 phút là hợp lý, rất sư phạm. Bởi về nguyên tắc người học không thể ngồi nghe quá lâu. Do đó, GV phải chuẩn bị bài vở, giáo án cho thật chuẩn. Lên lớp online còn phải chuẩn hơn gấp bội lần lên lớp bình thường.
Nhờ việc DHTT, dạy học qua truyền hình... nên dù không đến trường trong một thời gian nhưng việc học của thầy và trò hầu như không bị gián đoạn. Tại Hà Nội, nhiều trường đã tổ chức kết thúc năm học từ đầu tháng 6 như kế hoạch năm học ban đầu chưa xảy ra dịch bệnh. Trong khi đó, theo ấn định muộn nhất của Bộ GDĐT vào ngày 15/7.
Đây là những thành công bước đầu của việc DHTT ở Việt Nam. Dù vẫn còn khá mới mẻ song qua thời gian, cả GV, HS và phụ huynh đã dần thích ứng với môi trường học tập số - điều cần thiết trong thời đại hiện nay khi việc học không bị giới hạn bởi không gian, thời gian...
"Cần chuyển đổi toàn bộ các trường ĐH thành "quốc gia" số thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất, bởi vì để đào tạo nhân lực về chuyển đổi số thì phải để họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Pháp lý hóa dạy học trực tuyến
Để chuẩn hóa việc DHTT, ngày 11/8, Bộ GDĐT đã công bố lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức DHTT đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo dự thảo thông tư, việc DHTT phải đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kĩ năng của GV, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của HS. Đặc biệt, không tạo ra áp lực đối với GV và HS trong việc tổ chức thực hiện DHTT.
Việc công nhận kết quả DHTT phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của HS và theo các quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại HS. Trong đó, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của HS được thực hiện trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; đánh giá định kỳ kết quả học tập của HS được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định.
Có 3 hình thức tổ chức DHTT. Thứ nhất, DHTT hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, GV có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn HS tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.
Thứ hai, DHTT thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. GV giao cho HS một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi HS ở trường. Thứ ba, DHTT thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi HS không thể đến trường.
Liên quan đến những vấn đề về trang thiết bị chưa đồng bộ, đào tạo GV và HS sử dụng công nghệ,... TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GDĐT cho biết, dựa trên yêu cầu giáo dục cụ thể và kế hoạch dạy học - trong đó có DHTT - các trường phải chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm dạy học phù hợp, tập huấn cho GV, cho HS sử dụng phần mềm dạy học.
"Quan điểm của Bộ GDĐT là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn bị các điều kiện áp dụng DHTT là nhiệm vụ thường xuyên của năm học, bắt buộc các cơ sở giáo dục chú ý thực hiện từ năm học tới" - TS Thái Văn Tài nói. Với riêng các vùng khó khăn, TS Thái Văn Tài cho rằng sẽ chuẩn bị dần dần, thực hiện ở mức độ phù hợp với thực tế.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết, tới đây, khi Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc ban hành Thông tư này sẽ công nhận phương thức DHTT và quy định việc quản lý tổ chức DHTT đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Đối với khối đại học, đại diện Bộ GDĐT cho biết Bộ đang xây dựng quy chế cho phép đào tạo trực tuyến kết hợp đào tạo trực tiếp ở các trường. Trong đó, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ là một trong những phương thức đào tạo phổ biến trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội để khẳng định chất lượng làm nên thương hiệu của nhà trường bởi khi triển khai đào tạo trực tuyến, đối tượng sinh viên sẽ rộng khắp không chỉ trong mà có thể ở nước ngoài.
Kỳ vọng chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, không phải đến giờ ngành GDĐT mới nghĩ đến công cuộc chuyển đổi số mà đã thực hiện ở các mức độ khác nhau và dịch Covid-19 xảy ra đã tạo áp lực để "test" khả năng, thích ứng chuyển đổi số của ngành GDĐT.
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Với quy mô hơn 53 nghìn cơ sở GDĐT, 24 triệu HS, sinh viên và 1,4 triệu GV, ngành GDĐT xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận chuyển đổi số, đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội, để Việt Nam sớm có một thế hệ công dân toàn cầu. Hiện với lợi thế dân số trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin tốt, cùng với việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam, đây sẽ là cơ hội tốt để tiếp cận và ứng dụng thành công các công nghệ mới.
Cần sớm có những giải pháp đồng bộ, cũng như chính sách phù hợp cho các cơ sở đào tạo có thể chuyển đổi sang mô hình đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm khai thác tối đa ưu điểm của hình thức đào tạo này. Làm sao để DHTT tới đây sẽ được coi là một phần quan trọng của hoạt động dạy - học, chứ không chỉ là giải pháp tình thế.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết cần tập trung vào 4 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GDĐT; Thứ hai, phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Thứ ba, xây dựng và triển khai khung năng lực số cho HS phổ thông; Thứ tư, phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Năm học mới, sinh viên còn phải học trực tuyến? Nhiều trường đại học đã chính thức bước vào năm học mới. Sinh viên sẽ học tập ra sao trong năm học này, đặc biệt là tân sinh viên trúng tuyển khóa mới và những người đến từ vùng dịch Covid-19? Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM trong lớp học giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 - HÀ ÁNH Theo dự thảo...