Dạy học 2 buổi/ngày, nhiều câu hỏi chưa giải quyết
Chương trình giáo dục phổ thông mới có thay đổi lớn nhất ở cấp tiểu học là được xây dựng theo hướng bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày. Câu hỏi đặt ra nếu vẫn chỉ học 1 buổi/ngày thì ảnh hưởng thế nào?
Học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đi học vào thứ bảy do không học 2 buổi/ngày theo quy định – ẢNH: NGUYỄN LOAN
Và theo đó, các địa phương có được thu phí học buổi 2 không?…
Không đạt mục tiêu 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày
Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018 nêu rõ: “Cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần”. Sau khi ban hành chương trình, Bộ GD-ĐT từng đặt mục tiêu có 100% số học sinh (HS) lớp 1 được học 2 buổi/ngày vào năm học 2020 – 2021. Lộ trình ở các năm học tiếp theo như sau: năm học 2021 – 2022 tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% HS lớp 2; năm học 2022 – 2023 ở lớp 3; năm học 2023 – 2024 ở lớp 4; 2024 – 2025 ở lớp 5.
Nếu chưa dạy được 2 buổi/ngày ?
Trong văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1 áp dụng cho năm học 2020 – 2021, do ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ký ban hành cũng có một phần ngắn gọn hướng dẫn về nội dung và kế hoạch giáo dục đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Trong đó nêu: “Trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc, cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố, hoạt động giáo dục khác. Trong đó, ưu tiên hoạt động củng cố giúp HS hoàn thành các nội dung học tập theo mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018″.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đến năm học này, dù Bộ GD-ĐT chưa thông tin cụ thể về tỷ lệ HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày trên cả nước nhưng mục tiêu 100% là điều chưa thể thực hiện được khi nhìn vào thực tế triển khai.
Ngay ở TP.HCM, tại những quận đông dân như Q.12, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp… nhiều trường không thể đáp ứng được tiêu chí học 2 buổi/ngày của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hà Nội vì đã dồn lực cho lớp 1 nên theo Sở GD-ĐT, 100% HS lớp 1 đã được học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, Hà Nội phải chấp nhận không ít trường ở khu vực có dân số tăng cơ học quá nhanh như các quận: Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa… có sĩ số HS/lớp vượt xa so với quy định tại Điều lệ trường tiểu học (không quá 35 HS/lớp).
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu khó khăn của thủ đô là dân số tăng cơ học rất nhanh, trường lớp không đáp ứng kịp. Do vậy, sĩ số HS tiểu học không thực hiện được 35 HS/lớp theo quy định. Để học 2 buổi/ngày, Hà Nội phải “ép” sĩ số xuống dưới 50 HS/lớp. Tuy nhiên, năm học vừa qua, toàn TP vẫn có gần 1.000 lớp ở tiểu học có 55 HS/lớp trở lên, hơn 2.000 lớp có sĩ số từ 50 HS/lớp trở lên.
“Đây là một trong những khó khăn mà chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ để có chỉ đạo, quan tâm đầu tư các nguồn lực, đất đai, cơ sở vật chất cho trường lớp để có thể đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện các quy định về sĩ số HS/lớp của Điều lệ trường tiểu học”, ông Tiến đề nghị.
Dồn ép sĩ số, khó đổi mới phương pháp
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng đến năm 2020, cả nước có khoảng 80% HS tiểu học học 2 buổi/ngày. Như vậy, để triển khai chương trình mới cần lo cho gần 20% HS tiểu học còn lại.
Ông Đặng Tự Ân phân tích: “Nhìn vào tỷ lệ có vẻ như không nhiều nhưng việc bảo đảm điều kiện cho 20% HS tiểu học học 2 buổi/ngày không đơn giản. Bởi thực tế, nước ta phải mất hơn 20 năm mới có tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày như hiện nay.
Cái khó ở thành thị lại khác ở vùng nông thôn, miền núi. Trong khi đó, tình trạng sĩ số HS tăng cơ học hằng năm, trường học xuống cấp, tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp không bảo đảm, huy động đóng góp của phụ huynh, xã hội hóa khó khăn, giảm biên chế GV và thiếu quỹ đất làm trường… là những nguyên nhân chủ yếu kéo theo tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày khó có thể tăng lên, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị giảm”.
Trước tình trạng các cơ sở giáo dục phải chấp nhận dồn ép sĩ số để đảm bảo tăng tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày, ông Đặng Tự Ân cho rằng ở tiểu học sĩ số cũng là yếu tố quyết định sự thành bại của chương trình mới. Trong khi thực tế hiện nay, sĩ số các trường ở TP, thị xã, hoặc các khu công nghiệp quá cao, gấp trên 3 lần so với các nước có nền giáo dục tiên tiến (15 – 20 HS/lớp) và vượt xa so với quy định hiện hành. Điều đó đồng nghĩa với việc rất khó khăn khi đổi mới phương pháp theo hướng tổ chức hoạt động học, tăng cường tương tác cho HS.
Bắt buộc 2 buổi/ngày: Có thu phí hỗ trợ học buổi 2?
Khi chương trình mới được xây dựng theo hướng bắt buộc HS phải học 2 buổi/ngày thì câu hỏi mà nhiều ý kiến đặt ra là quy định thu tiền của người dân để chi trả cho buổi học thứ 2 có còn phù hợp nữa hay không?
Đến nay, Hà Nội vẫn cho phép thu hỗ trợ việc học 2 buổi/ngày với HS tiểu học là 100.000 đồng/tháng/HS, chưa kể phí bán trú và tiền ăn trưa (nếu có). Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến cho biết năm nay, Hà Nội vẫn phải cho phép các trường tiểu học thực hiện khoản thu hỗ trợ học buổi 2 vì nếu không sẽ rất thiệt thòi cho GV.
Ông Tiến chỉ ra rằng, chương trình mới bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày, trung bình mỗi ngày sẽ có 7 tiết học, 1 tuần là 35 tiết, cộng với công tác chủ nhiệm 2 buổi/ngày thì số lượng tiết dạy theo tuần sẽ là 41 tiết. Nếu chia theo định mức mỗi GV không dạy quá 21 tiết/tuần thì cần tới 1,8 GV/lớp.
Tuy nhiên, thông tư về định mức GV hiện nay mới chỉ có tối đa là 1,5 GV/lớp. Vậy nếu chương trình mới quy định việc dạy học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì phải xem xét lại thông tư về định mức GV/lớp với tiểu học để làm sao cho đủ đội ngũ GV dạy học 2 buổi/ngày mà không thu hỗ trợ của HS, nếu không ngân sách nhà nước sẽ phải hỗ trợ để đảm bảo định mức như hiện nay.
Tại văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1, liên quan vấn đề kinh phí, Bộ quy định: “Nhà trường phải có phương án, kế hoạch đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của nhà trường nói chung và đảm bảo thực hiện kế hoạch giáo dục nói riêng, trong đó xác định cụ thể các hoạt động được đảm bảo kinh phí từ ngân sách, sự đóng góp của cha mẹ HS và các nguồn thu hợp pháp khác. Việc quản lý thu, chi tài chính của nhà trường phải thực hiện đúng các quy định, đảm bảo công khai, minh bạch”.
Tuy nhiên, các địa phương cũng đề nghị Bộ cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm: Khi học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì đồng nghĩa với việc cả 2 buổi ấy HS tiểu học tại trường công lập phải được miễn học phí. Do vậy, địa phương nào khó khăn vì thiếu GV, thiếu cơ sở vật chất… thì ngành GD-ĐT nơi đó phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ… đảm bảo yêu cầu tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày.
Về lâu dài là không thể thu kinh phí của cha mẹ HS tiểu học để dạy học buổi 2 nữa vì như thế là không đúng tinh thần của việc miễn học phí với tiểu học đã được luật định. “Bộ chỉ có thể ban hành chương trình và hướng dẫn tổ chức thực hiện, còn đầu tư nguồn lực thì phải là trách nhiệm và sự quan tâm của các địa phương, nơi “nắm” cả việc tuyển dụng biên chế và ngân sách cho GD-ĐT”, ông Ân nhấn mạnh.
Học sinh lớp 1 học tốt chương trình, sách giáo khoa mới
Ngày 19-1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021 cấp tiểu học theo hình thức trực tuyến.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu tại hội nghị.
Giáo dục tiểu học thành phố Hà Nội hiện có 786 trường với gần 789.000 học sinh, hơn 38.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt gần 97%.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cấp tiểu học đã thực hiện nghiêm túc, hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ I năm học 2020-2021. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, nhà trường đã có nhiều biện pháp cải tiến, đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao.
Kết quả đáng chú ý nhất là các nhà trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 1. Kết thúc học kỳ I, về cơ bản, học sinh lớp 1 của thành phố Hà Nội đã đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.
Các ý kiến tham luận của một số phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường tại hội nghị đã làm rõ thêm những kết quả đạt được, song cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại. Điển hình là việc khai thác, sử dụng đồ dùng dạy học, phòng chức năng ở một số đơn vị chưa hiệu quả; công tác xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số nơi còn khó khăn, tiến độ chậm; một số trường thiếu phòng học, phòng chức năng...
Về nhiệm vụ trong học kỳ II năm học 2020-2021, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường tăng cường xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học để giãn tối đa sĩ số học sinh/lớp học, giải quyết từng bước tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị, nhà trường cần quan tâm chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022...
Học sinh lớp 1 đi học vào thứ 7 Vì học sinh quá đông, không đủ phòng, 100% học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) học một buổi/ngày nên các em phải học thêm vào thứ 7 mới đủ số buổi tối thiểu theo quy định. Sáng thứ 7, trong khi hầu hết học sinh các trường tiểu học nghỉ học, thì 100% học sinh lớp 1...