Đâu là chìa khóa cho nguồn ‘cung’ tuyển dụng giáo viên
Quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho ngành Giáo dục là tin vui trước thềm năm học mới.
Một giờ học làm quen với tiếng Việt của cô và trò Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: TG
Thực tế cho thấy, thời gian qua không ít địa phương luôn trong tình trạng tuyển không đủ giáo viên so với chỉ tiêu được giao. Đây là câu chuyện dài bởi dù có tổ chức nhiều đợt tuyển dụng giáo viên nhưng không đáp ứng được vì nguồn tuyển thiếu cả “lượng và chất”.
Thiếu giáo viên mầm non, tiểu học
Kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2021 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức có 1.955 chỉ tiêu; trong đó, 1.363 chỉ tiêu giáo viên tiểu học và mầm non nhưng chỉ có 1.092 người trúng tuyển. Năm 2020, Quảng Nam cũng chỉ tuyển được 1.200 giáo viên so với 1.783 chỉ tiêu cho các cấp học và bậc học. Số chỉ tiêu tuyển thiếu chủ yếu là giáo viên tiểu học và mầm non.
Tình trạng tuyển giáo viên không đủ chỉ tiêu được giao xảy ra ngay với các địa phương ở đồng bằng chứ chưa nói đến miền núi. Như thị xã Điện Bàn, năm 2021 thiếu 300 giáo viên tiểu học nhưng khi tổ chức thi tuyển chỉ có 90 ứng viên dự thi và 70 người trúng tuyển.
Thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) năm 2021 có nhu cầu tuyển dụng 249 giáo viên, trong đó bậc mầm non có 61 chỉ tiêu, tiểu học 109 chỉ tiêu và 79 chỉ tiêu THCS. Thế nhưng, chỉ có 49 ứng viên có hồ sơ dự thi được vào vòng 2, cấp tiểu học chỉ có 35 hồ sơ. Kết quả, năm học 2021 – 2022, Đức Phổ thiếu gần 90 giáo viên tiểu học, trong đó bao gồm cả giáo viên dạy các môn văn hóa và Tin học.
Ông Phan Bường – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đức Phổ – cho biết: “Nhiều vị trí tuyển dụng không có ứng viên tham gia như Mỹ thuật, Tổng phụ trách Đội ở cấp tiểu học, giáo viên môn Công nghệ, Tin học cấp THCS”.
Tính cả cấp tiểu học và THCS, năm học 2021 – 2022, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) thiếu 65 giáo viên, trong khi chỉ tuyển dụng được 40 người. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu – cho biết: Chỉ có 22/40 giáo viên đến nhận nhiệm sở sau khi trúng tuyển. Số còn lại, đã trúng tuyển ở các địa phương khác. Để chuẩn bị cho năm học 2022 – 2023, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị tăng 659 chỉ tiêu số lượng người làm việc; trong đó, Sở GD&ĐT đề nghị tăng 34 chỉ tiêu; UBND các quận, huyện đề nghị tăng 625 chỉ tiêu.
Video đang HOT
Hoạt động ngoại khóa Rung chuông vàng của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Nguồn tuyển hẹp
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, ngoài giải pháp bố trí dạy tăng tiết, phân công giáo viên dạy liên trường, liên môn, nhiều địa phương đã chấp nhận giải pháp “hạ chuẩn” trình độ đào tạo theo quy định để ký hợp đồng. Một số trường học ký hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu hoặc điều động giáo viên THCS xuống dạy tiểu học để tháo gỡ khó khăn.
Theo ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên hiện nay, không phải là không được giao đủ chỉ tiêu biên chế, mà là nguồn tuyển không đáp ứng đủ nhu cầu. Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học có thay đổi so với trước đây. Cụ thể, giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng sư phạm và giáo viên tiểu học phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Do đó, tạo độ “hẫng” nhất định trong công tác tuyển dụng.
Nhìn nhận tình trạng trên, ông Phan Bường cho rằng, việc tuyển không đủ giáo viên so với chỉ tiêu được giao sẽ là câu chuyện dài vì dù có tổ chức nhiều đợt tuyển dụng đi nữa thì cũng không lấy đâu ra nguồn. “Những giáo sinh sư phạm không đủ chuẩn đào tạo ít nhất cũng phải có một khoảng thời gian học nâng chuẩn thì mới đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Mà địa phương nào cũng thiếu giáo viên nên “cung” không đáp ứng được “cầu”.
Thậm chí, tìm giáo viên để ký hợp đồng cũng khó. Lãnh đạo các trường cũng đến nhiều địa phương lân cận như huyện Ba Tơ và tỉnh Bình Định để tìm nguồn giáo viên đủ chuẩn ký hợp đồng dạy học, nhưng cũng chỉ vài trường hợp có thể đến với địa phương”, ông Bường phân tích.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển viên chức ngành Giáo dục năm 2022, các phòng chức năng của thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã đến một số trường đại học đào tạo sư phạm để tham khảo số liệu thí sinh tốt nghiệp. Theo đó, Trường Đại học Quảng Nam có khoảng 200 sinh viên.
Một số trường đại học lân cận như Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành học mầm non và sư phạm chưa đến 100 sinh viên/trường. Con số trên quá ít so với nhu cầu tuyển dụng của các địa phương nói chung, đặc biệt là giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học và dạy tổ hợp theo chương trình mới.
Từ bất cập trong công tác tuyển dụng và đào tạo, một số cán bộ quản lý nhận xét, trong khi các trường đại học sư phạm đang cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo lộ trình hằng năm mà Bộ GD&ĐT đưa ra, cùng với việc học sinh phổ thông ít chọn theo học ngành sư phạm mầm non và tiểu học nên nguồn tuyển giáo viên sẽ rất hạn hẹp. Chưa kể ở bậc mầm non và tiểu học, các trường công lập cũng phải cạnh tranh với hệ thống trường tư thục ngày càng có nhiều chế độ đãi ngộ cho giáo viên, từ lương thưởng tới điều kiện làm việc.
Các bộ, ngành Trung ương đưa ra giải pháp chung để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là cần thiết nhưng chưa đủ. Các địa phương cần đẩy mạnh đặt hàng với trường sư phạm để đào tạo theo địa chỉ, đáp ứng yêu cầu khi triển khai Chương trình GDPT mới, góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển. Điều này cũng đồng thời giảm tỷ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp sau khi ra trường.
Ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút trước năm học mới
Ngoài tu sửa cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị đồ dùng dạy - học, mua sắm sách giáo khoa, các địa phương đang gấp rút lên kế hoạch tuyển dụng giáo viên để kịp cho năm học mới.
Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải châu, TP Đà Nẵng) cắt tỉa cây xanh trước khi bước vào năm học mới.
Ưu tiên thu hút nhân tài
Năm học 2022 - 2023, Quảng Ngãi ưu tiên 16 trong số 164 chỉ tiêu của bậc trung học phổ thông để tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định 140 của Chính phủ. Số giáo viên này được ưu tiên bố trí công tác tại Trường THPT chuyên Lê Khiết. UBND các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ngãi cũng ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút theo Nghị định này.
Ông Phan Bường - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đức Phổ - cho biết: "Kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2022, thị xã Đức Phổ có 217 chỉ tiêu, trong đó cần 123 giáo viên tiểu học và 53 giáo viên bậc học mầm non. Địa phương sẽ ưu tiên tuyển dụng theo chính sách thu hút. Những vị trí việc làm nào không có hồ sơ xét tuyển theo Nghị định 140 thì mới tổ chức thi tuyển".
Sở GD&ĐT Quảng Nam vừa tuyển dụng 7 ứng viên theo Nghị định 140. Đây là những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc từ các Trường ĐH Sư phạm của ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng. Ngoài ra, những ứng viên này đều đã từng đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố khi còn là học sinh THPT.
Năm học 2022 - 2023, Quảng Nam tăng 10.536 học sinh, tăng 309 lớp ở tất cả cấp học, tương đương với tăng 741 biên chế. Trong đó, cấp mầm non là 390 biên chế, tiểu học 20 biên chế, cấp tiểu học và THCS 91 biên chế, cấp THCS là 198 biên chế, THPT: 42 biên chế. Cộng với số biên chế bị thiếu do không tuyển đủ chỉ tiêu của những năm trước và số giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác, nhu cầu tuyển dụng của Quảng Nam năm 2022 là 1.626 chỉ tiêu.
Trong số này, có 1.425 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên các cấp học và 201 nhân viên trường học. Riêng thị xã Điện Bàn và huyện Nam Trà My sẽ tổ chức tuyển dụng riêng nên không tính vào chỉ tiêu của tỉnh. Điểm mới của kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2022 tại Quảng Nam là chỉ tiêu tuyển dụng được xác định đến từng trường với bậc THPT.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung và không cắt giảm số lượng người làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo để đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 102 của Chính phủ "Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp".
Bàn giao điểm trường xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) được sửa chữa từ nguồn xã hội hóa.
Rà soát các điều kiện tổ chức bán trú
Sau 2 năm học không tổ chức bán trú do thời gian học sinh đi học trực tiếp tại trường rất ngắn và thực hiện yêu cầu phòng - chống dịch, các trường tiểu học ở Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thiện các điều kiện phục vụ bán trú.
Cô Ông Thị Thái Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: "Chúng tôi liên lạc lại với 41 quản sinh thì chỉ có 21 người đồng ý quay trở lại làm việc. Vì học sinh khối lớp Một và cả lớp Hai đều chưa quen với tổ chức bán trú, nền nếp ăn, ngủ chưa có nên sẽ ưu tiên số quản sinh có kinh nghiệm cho hai khối lớp này. Số quản sinh thiếu hụt còn lại, nhà trường vẫn đang tìm nguồn tuyển nhưng vẫn chưa đủ. Chưa kể còn phải mất một thời gian tập huấn, khám sức khỏe... cho đội ngũ này. Đây là một áp lực trong công tác tổ chức bán trú".
Sau 2 năm không sử dụng đến, số vật dụng phục vụ bán trú như xoong nồi, khay ăn, khăn ăn... đã hư hỏng và thất thoát nhiều. Cô Thái Hằng cho biết: "Không lên kế hoạch mua sắm ngay thì không kịp, nhưng nếu bổ sung thì lại chưa biết phải dùng nguồn nào để chi trả, cũng chưa biết giá dịch vụ sẽ xây dựng như thế nào để cân đối mua sắm".
Tại Trường Tiểu học Núi Thành, các dụng cụ nhà bếp bị hư hỏng khá nhiều sau một thời gian dài không sử dụng đến (nồi niêu bị rỉ rét, oxy hóa nên gần như không sử dụng lại được). Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường, vật dụng cá nhân của học sinh như tô, thìa, khăn ăn... phải mua sắm mới hoàn toàn.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hải Vân đã khảo sát nhu cầu đăng ký bán trú của phụ huynh để thuận tiện trong công tác xếp lớp. Số đồ dùng phục vụ bán trú cũng được rà soát lại để kịp thời mua sắm bổ sung. Tuy nhiên, phải sau khai giảng thì mới có thể tiến hành mua sắm được. "Với số quản sinh, do số lượng học sinh bán trú của nhà trường khoảng 300 học sinh nên giáo viên kiêm luôn công việc của quản sinh. Vì vậy, nhà trường không gặp khó khăn với đội ngũ này", đại diện nhà trường thông tin.
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết: "Với chủ trương trang bị một lần cho các lớp mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh khối lớp 3 sẽ mượn sách giáo khoa từ thư viện dùng chung. Số sách này được UBND huyện sử dụng ngân sách để mua sắm. Với khối lớp 4 - 5, các em có khoản tiền hỗ trợ đồ dùng học tập theo chính sách của Nhà nước nên nhà trường vận động phụ huynh dùng khoản này để mua sắm. Với khối 1 - 2, thư viện nhà trường đã có nguồn sách trang bị theo tủ sách dùng chung của những năm trước nên chỉ phải mua bổ sung cho số sách bị hư hỏng, rách nát.
Hà Nội: Chủ động các giải pháp thực hiện chương trình lớp 10 mới Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động thực hiện các giải pháp để thực hiện tốt ngay từ năm đầu tiên. Ảnh minh họa Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai...