Đau đầu tìm chỗ cho con ngày hè
Kỳ nghỉ hè là niềm mong ước của nhiều học sinh, trẻ em sau những ngày dài học tập. Thế nhưng, mong ước đó không phải em nào cũng có được bởi hoàn cảnh, thời gian của phụ huynh.
Tham gia lớp học kỹ năng ngoại khóa giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp, hiểu biết cuộc sống bên ngoài Ảnh: ctv
Mong kỳ nghỉ hè của con thật ngắn!
Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ phường An Phú Đông, quận 12 (TPHCM) có con gần 2 tuổi, hiện đang đi học ở một trường tư thục gần nhà. Chị chỉ mong sao cho kỳ nghỉ hè của con mình thật ngắn. Theo chị Hằng, công việc của chị rất bận rộn, đi làm xa nên hôm nào cũng 7 giờ sáng đã ra khỏi nhà, đến 6h30 chiều mới trở về. Việc đưa đón con đi học đều do chồng chị đảm trách. Tuy nhiên, chồng chị lại thường xuyên đi công tác nên chị cũng phải căng mình ra lo cho con.
“Mới đây, nhà trường thông báo tổng kết năm học, sau đó các con nghỉ hè. Đúng đợt chồng đi công tác, thế là mình phải xin công ty nghỉ mấy ngày để ở nhà chăm con”, chị Hằng kể.
Chị Phạm Thị Anh, một nhân viên văn phòng ở quận Thủ Đức (TPHCM) lại đang “đau đầu” tìm chỗ học cho con trong dịp hè. Con chị học ở một trường mầm non công lập trên địa bàn nên thời gian nghỉ hè rất dài. Theo chị Anh, mặc dù Sở GD&ĐT TPHCM có thông báo mở lớp phục vụ hè cho trẻ thời gian từ 17/6-16/8 song không biết trường có mở hay không, bởi còn tùy thuộc vào nguyện vọng của giáo viên và điều kiện của trường. “Trước tình hình đó, mình phải hỏi dò một số trường tư bên ngoài nhưng đến nay vẫn chưa có trường nhận. Bản thân các trường tư cũng đông học sinh lắm”, chị Anh nói.
Anh Nguyễn Quang Thanh buộc phải chọn giải pháp gửi con ở một nhà trẻ nhỏ ngay trong chung cư ở quận Bình Tân, TPHCM, nơi mình đang ở. Nguyên do là trường của con nghỉ đến hết hè, vợ chồng anh Thanh cũng không tìm được giải pháp nào tốt hơn. Anh Thanh tự nhận mình vẫn còn may mắn khi còn có chỗ để gửi con.
Trẻ em Hà Nội được dạy bơi trong mùa hè Ảnh: HỒNG VĨNH
Cho con về quê, trải nghiệm thực tế
Đối với những em có độ tuổi lớn hơn, gia đình khấm khá thì hè đến là dịp để trải nghiệm cuộc sống. Anh Nguyễn Quốc Hùng, quê Quảng Nam, ngụ quận Tân Phú (TPHCM) chọn cách cho con về quê ở với ông bà nội, đến hết hè đón con vào học. Theo anh Hùng, con anh năm nay lên lớp 3, khi trường vừa cho nghỉ hè là anh cũng thu xếp công việc để xin nghỉ 5 ngày đưa con về quê làm quen rồi gửi lại cho ông bà nội chăm. “Về quê thấy không khí trong lành, nhiều cây cối, vật nuôi nên con rất thích, khác với trong tranh ảnh con học thường ngày. Con nít trong nhà nhiều nên cháu cũng nhanh hoà nhập. Tôi thấy đó lại là một cách hay chứ không như những năm trước phải năn nỉ ông bà vào chăm, rồi cho con đi học thêm đến khi hết hè”, anh Hùng nói.
Cũng theo anh Hùng, đến nay con anh đã ở với ông bà hơn 2 tuần, khỏe mạnh, vui vẻ, ham chơi với các anh em trong nhà nên anh cũng yên tâm hơn nhiều.
Trong khi đó, một số phụ huynh khá giả hơn lại tìm đến các chương trình giáo dục ngoại khóa, như Học kỳ quân đội, các câu lạc bộ giao lưu, các chương trình du học ngắn ngày ở nước ngoài để bồi dưỡng kỹ năng sống, vốn ngoại ngữ…
Chị Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ quận 3) vừa đăng ký cho con mình một chuyến đi trải nghiệm ở Singapore trong thời gian gần 1 tháng, kinh phí vào khoảng vài ngàn đô-la Mỹ. Chị Anh cho biết, con chị học trường quốc tế nên kỹ năng giao tiếp lẫn vốn ngoại ngữ khá tốt. “Hè là dịp để cháu vui chơi nhưng ở lại thành phố thì vợ chồng tôi không có thời gian chăm lo cho con, gửi con về quê thì không yên tâm vì sông, hồ nhiều. Chuyến đi dành cho bạn trẻ nhiều lứa tuổi, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn nên tôi quyết định cho con trải nghiệm…”, chị Kim Anh chia sẻ.
Video đang HOT
“Điệp khúc buồn” những ngày hè
Hè về là lúc hàng triệu học sinh náo nức bước vào kỳ nghỉ dài sau nhiều ngày miệt mài học tập. Thế nhưng, những ngày hè lại là thời điểm chứng kiến nhiều vụ việc đuối nước thương tâm.
Vụ việc đau lòng mới nhất xảy ra vào trưa ngày 30/5 tại tỉnh Nghệ An. Sau buổi liên hoan để nghỉ hè, một nhóm học sinh lớp 8 thuộc trường THCS Trung Thành (xã Trung Thành, huyện Yên Thành) rủ nhau đến hồ thủy lợi Trại Xanh để tắm. Trong lúc cả nhóm đang tắm, có 5 em (4 nữ, 1 nam) bị trượt chân xuống khu vực nước sâu, bị đuối nước sau đó.
Trước đó, trưa 27/5, 3 nữ sinh lớp 5 (ngụ xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ra sông gần nhà tắm thì gặp nạn. Trong đó, một em may mắn bơi được vào bờ, hai nữ sinh còn lại mãi mãi ra đi.
Sáng 23/5, sau lễ tổng kết năm học, 3 học sinh lớp 6 trường THCS Thanh Thạch (Tuyên Hóa, Quảng Bình) cũng ra đi mãi mãi khi ra bờ sông Gianh chơi và bị trượt chân xuống sông. (NGÔ TÙNG)
Theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, hè là thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, giải trí sau những tháng học hành, thi cử vất vả, giúp các em lấy lại sức khỏe, học kỹ năng sống cần thiết… Do đó, để các con được những ngày nghỉ hè đúng nghĩa, cha mẹ nên cho con một giới hạn có thể và không nên áp đặt suy nghĩ, chọn chương trình thay con mà hãy để con lựa chọn, làm những việc phù hợp theo sở thích, khả năng của chính các con. “Phụ huynh không nên ép con phải học thêm văn hóa, nhất là trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1, sẽ gây tâm lý căng thẳng, chán học, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ”, TS. Thúy khuyến cáo.
NGUYỄN DŨNG
Theo Tiền Phong
Nuôi mộng vào đại học, sĩ tử Hàn Quốc chỉ dám ngủ 4 tiếng mỗi ngày
Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, các sĩ tử Hàn Quốc phải hy sinh sức khỏe, sở thích và "lao đầu" vào học từ sáng sớm tới tối khuya ở những lò luyện thi.
Như bao học sinh tại xứ kim chi, Lee Hye-yoon bắt đầu kỳ nghỉ hè vào tháng 7. Nhưng đối với cô, đây không hề là quãng thời gian để nghỉ ngơi.
Thực chất, cuộc sống của Lee còn bận rộn hơn nhiều so với thời gian ở trường. Cô gái 18 tuổi phải "vùi mặt" vào chồng bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi đại học khốc liệt vào năm học tới.
Mỗi ngày "chạy đua" học thêm của Lee bắt đầu lúc 10h và chỉ kết thúc vào 22h. Nữ sinh đăng ký học tại 3 trung tâm bồi dưỡng khác nhau, chưa kể những giờ học thêm gia sư riêng.
Thời gian rảnh rỗi vào cuối tuần dường như là khái niệm xa vời với nữ sinh cuối cấp này.
"Những người bạn của em gọi đó là cuộc chạy 'marathon' kéo dài 12 tiếng. Buổi sáng đến chiều, chúng em học trước những kiến thức của năm học tới. Khoảng thời gian từ chiếu đến tối là để dành cho học sinh có nhu cầu tham gia các lớp học nâng cao hoặc tìm cách cải thiện các môn yếu kém", Lee nói.
Trong khoảng thời gian nghỉ hè, các lò luyện thi của Hàn Quốc luôn chật cứng sĩ tử. Ảnh: Korea Times.
Theo nữ sinh, các bạn trẻ tìm đến các trung tâm luyện thi chưa hẳn là học sinh yếu kém, đơn giản là chưa đạt đến trình độ đủ để họ có thể tự tin.
"Những học sinh có thành tích nổi trội, đứng đầu lớp đều cần dành ít nhất 2 năm tại các lò luyện. Điều này đôi khi có thể không cần thiết, nhưng ai chỉ lười biếng đi một chút và không tận dụng thời gian học thêm, họ sẽ nhanh chóng bị bỏ xa", Lee đánh giá.
Zing.vn tổng hợp bài viết trên tờ Korea Times và Korea Bizwire phản ánh câu chuyện về gánh nặng thi cử ở Hàn Quốc khiến học sinh nước này không có khái niệm nghỉ ngơi. Chuyện ngủ dưới 5 tiếng một ngày trở thành việc bình thường, thậm chí phổ biến với số đông.
Học không nghỉ dù chỉ một ngày
Trước kia, học sinh Hàn Quốc bắt buộc phải làm bài tập về nhà vào kỳ nghỉ hè, đặc biệt là những em được yêu cầu học phụ đạo thêm ở trường.
Năm 2010, chính phủ nước này bãi bỏ quy định trên để giảm bớt gánh nặng học tập cho thanh thiếu niên.
Lee Hye-yoon cho biết hành động đó không đem lại kết quả tươi sáng hơn. Áp lực thi cử vẫn luôn tồn tại, thậm chí nặng nề thêm.
"Cấm nhà trường ra bài tập hè đồng nghĩa với việc học sinh đổ dồn vào các trung tâm học thêm. Em nghĩ giờ mọi bạn bè đồng trang lứa đều không có thời gian vui chơi vào kỳ nghỉ", Lee cho hay.
Kim Mi-kyung, một người mẹ có con trai đang theo học cấp 3, cho biết con mình thường không ngủ quá 5 tiếng/ngày.
"Việc học càng trở nên căng thẳng hơn khi năm học kết thúc. Ai cũng đều đi học ở trường nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chịu hy sinh thời gian để học hè. Con trai tôi thuộc học sinh top đầu lớp nhưng vẫn có nhiều đứa trẻ có điểm số vượt trội hơn. Chúng thậm chí chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng mỗi ngày", bà Kim cho biết.
Bất chấp thành tích đáng khen của cậu con trai, bà Kim vẫn tỏ vẻ lo lắng khi nhắc đến những học sinh "không chỉ học thêm ở các lò luyện mà về nhà lại tiếp tục lao đầu vào những giờ học có gia sư kèm riêng".
Cha mẹ và trung tâm luyện thi cùng lách luật
"Học sinh lên giường đi ngủ trước 22 giờ là quá sớm, khó chấp nhận được trong bối cảnh họ sẽ đối diện với kỳ thi đại học cam go trong vòng 1-2 năm tới, kể cả những em học cấp II đang nuôi mộng bước chân vào trường cấp III danh tiếng. Cha mẹ còn thường khuyến khích các hagwon giữ học sinh ở lại lâu hơn", giáo viên dạy toán tên Lee tại một hagwon (thuật ngữ chỉ các trung tâm chuyên dạy thêm ở Hàn) ở Seoul, cho hay.
Năm 2008, giới chức Seoul cấm các cơ sở giáo dục tư nhân không được phép hoạt động sau 22h. Các giáo viên chuyên ôn luyện sĩ tử cũng chịu quy định tương tự.
Mỗi ngày của các học sinh cuối cấp ở Hàn Quốc thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào đêm khuya. Ảnh: Koreaboo.
Tuy nhiên, các hagwon đã chuyển giờ mở cửa sang 9h sáng. Nhiều học viện đã "lách luật" bằng cách bí mật ký hợp đồng với các quán cà phê gần đó để có thể học qua đêm.
"Các quán cà phê học tập chi trả tiền thuê mặt bằng nên khó có thể nói mô hình kinh doanh này làm trái quy định. Cảnh sát cũng cần có bằng chứng như hợp đồng ký kết giữa 2 bên để chứng minh giáo viên và học sinh vẫn tiếp tục học sau 22h mới có thể kết luận vi phạm", người đại diện của Văn phòng Giáo dục Seoul nói.
Trên thực tế, tình hình cạnh tranh giữa các trung tâm dạy thêm ở Seoul càng gay gắt, tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư cùng sự lo lắng về việc thi cử của phụ huynh và con cái xứ Hàn.
Không chỉ ở thủ đô, hầu hết học sinh ở "đất nước củ sâm" đều chịu tình cảnh gồng gánh trên vai quá nhiều áp lực khi phải học hành nhồi nhét trong nhiều giờ liên tục.
"Các trung tâm dạy thêm lợi dụng tâm lý không thích con cái thua kém người khác của các bà mẹ. Ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, họ đã gửi lịch học cho phụ huynh. Chương trình học thường được phóng đại mức độ khó ngay từ đầu, nên học sinh thường lo sợ và không chịu bỏ buổi học thêm nào, ngay cả khi đang trong thời gian nghỉ ngơi", giáo viên Lee đánh giá.
Mệt mỏi bủa vây
Cứ 4 học sinh Hàn Quốc lại có một em không đủ thời gian rảnh để nghỉ ngơi, giải trí, theo báo cáo của tổ chức ChildFund Korea.
Kết quả trên được đưa ra từ cuộc khảo sát hơn 6.400 học sinh, tuổi 10 đến 18, dựa trên 4 yếu tố: thời gian dành cho giấc ngủ, học tập, tập thể dục và sử dụng mạng xã hội.
Kết quả cho ra tỷ lệ: Chỉ có 1/100 số người được hỏi có có khả năng cân bằng cả hai khía cạnh học tập và vui chơi.
Trong đó, 46,4% học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học, 40,4% thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ, 74,2% không tập thể dục đủ, trong khi 62,2% sử dụng mạng xã hội nhiều hơn mức khuyến cáo.
Các quan chức và chuyên gia giáo dục từng nhiều lần chỉ trích thực trạng sức mạnh thể chất đi xuống của thế hệ thanh niên Hàn Quốc và lối giảng dạy rập khuôn, tẻ nhạt vẫn tồn tại lâu năm tại quốc gia này.
Để chuẩn bị thi đại học, việc ngủ 3 tiếng mỗi ngày của học sinh được coi là chuyện bình thường. Ảnh: Koreaboo.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra 32,3 % học sinh trung học Hàn Quốc thường xuyên ngủ gật trong lớp. Nguyên nhân chính đến từ việc học sinh thường kết thúc ngày học vào tối khuya và không đủ tỉnh táo vào sáng hôm sau.
"Học sinh của chúng tôi không thể tỉnh táo trong giờ học", giáo viên tại một trường ngoại ngữ ở Suwon (tỉnh Gyeonggi) cho biết.
Theo Zing
Công chúa Charlotte dù đang nghỉ hè vẫn thích đến trường cho thấy sự khác biệt trong cách dạy con của Công nương Kate Trong khi những đứa trẻ khác còn mải mê với kỳ nghỉ hè thì Công chúa Charlotte đáng yêu của Kate Middleton lại mong cho nhanh đến tháng 9 để quay trở lại trường học. Theo Nữ công tước xứ Cambridge, Công chúa Charlotte đã không thể đợi đến đầu năm học để trở lại trường. Cô bé đang rất nóng lòng được...