Đau đầu chọn sách giáo khoa lớp 1
Sau một thời gian tiến hành thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố danh mục 32 đầu sách giáo khoa đã được phê duyệt đưa vào giảng dạy ở các trường học, chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bước tiếp theo sẽ là khâu chọn sách áp dụng dạy ở các trường.
Ngày 30-11 vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông bằng cách bỏ phiếu kín. Và câu chuyện ai được quyền chọn sách giáo khoa, chọn sách như thế nào cho phù hợp lại dấy lên những băn khoăn.
Ai chọn, chọn cho ai?
Đã một thời gian dài ở nước ta, sách giáo khoa các cấp là tài liệu học cố định duy nhất và thống nhất. Chúng ta đã quen với việc một bộ sách giáo khoa được học qua nhiều thế hệ học sinh, ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Anh chị học xong để sách lại cho các em, học sinh vùng này góp sách giáo khoa tặng học sinh vùng khác đã trở thành thông lệ. Bởi thế, sách giáo khoa được áp dụng đồng loạt, yêu cầu phải dạy đúng, đủ nội dung.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sẽ thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách”. Trong thời gian từ nay đến trước ngày 1-7-2020, khi Luật Giáo dục chưa có hiệu lực, việc chọn sách giáo khoa lớp 1 sẽ giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông (nhà trường) theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Như vậy, hiệu trưởng các trường tiểu học cùng tập thể giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh sẽ là người được quyết định việc sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 trong năm học 2020-2021 tới đây.
Một số sách giáo khoa lớp 1 mới đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo phê duyệt.
Sau ngày 1-7-2020, khi Luật Giáo dục bắt đầu có hiệu lực, nhiệm vụ chọn sách giáo khoa sẽ do các ủy ban nhân dân tỉnh đảm nhiệm. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị kĩ cho lộ trình thực hiện việc thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới, nên đã “đá quả bóng chọn lựa” sang cho các nhà trường ngay trong lần đầu tiên còn nhiều mới mẻ này.
Ở chiều ngược lại, có nhiều ý kiến cho rằng việc giao cho các nhà trường chủ động chọn lựa sách giáo khoa là hợp lý vì nhà trường là nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.
Cụ thể, hiệu trưởng các trường sẽ đứng ra thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Hội đồng này bao gồm hiệu trưởng và các cấp phó lãnh đạo trường, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện ban cha mẹ học sinh. Trong đó, hiệu trưởng sẽ là chủ tịch hội đồng. Theo dự thảo thông tư hướng dẫn, số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của mỗi trường sẽ họp thảo luận, trên cơ sở đề xuất của các tổ trưởng chuyên môn, dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí chọn sách giáo khoa. Việc quyết định sách giáo khoa sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín. Trong đó, sách giáo khoa được chọn phải có trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn. Thế nhưng, đặt ra tình huống nếu tất cả các sách giáo khoa đều không đạt được trên 50% thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn thì phải làm thế nào? Lúc này ai sẽ là người quyết định và quyết định như thế nào nếu các sách giáo khoa được đánh giá ngang nhau?
Về lý thuyết, 32 đầu sách giáo khoa thuộc 8 môn học đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt đều đạt chất lượng và giá trị áp dụng như nhau. Mỗi cuốn sách đều có những ưu điểm riêng, các nhà trường có quyền lựa chọn sách nào phù hợp với mặt bằng trình độ của học sinh, phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền. Như vậy, mỗi trường có thể chọn lựa các sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác nhau ở các môn học khác nhau. Điều này giúp cho giáo viên chủ động chọn lựa sách giáo khoa và áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, linh hoạt.
Phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu khi chọn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), việc giao cho các trường chọn sách giáo khoa chỉ thực hiện trong năm học 2020-2021 theo quy định tại Nghị quyết 88/NQ-QH. Sau thời điểm 1-7-2020, việc chọn sách giáo khoa sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục 2019 tại điểm c khoản 1 Điều 32: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn”.
Câu chuyện “ai chọn sách giáo khoa” vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Có con năm tới vào lớp 1, chị Bùi Quỳnh Chi ở quận Cầu Giấy thắc mắc rằng, nếu năm nay trường chọn sách này, sang năm ủy ban nhân dân tỉnh chọn sách khác, thì học sinh và phụ huynh sẽ xoay xở thế nào?
Cũng theo chị Chi thì việc để nhà trường, trong đó chủ yếu là giáo viên, có thêm thành phần cha mẹ học sinh chọn sách giáo khoa là cần thiết. Việc giáo viên dạy học sinh, hiểu bộ sách nào hợp với học sinh nhất sẽ khiến phụ huynh yên tâm hơn trước những thay đổi có tính quyết định này.
Video đang HOT
Về phía các nhà trường, trước nhiệm vụ chọn sách đã được “chỉ định” cụ thể, đều thấy khá bất ngờ. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tây Hồ cho rằng, việc giao cho giáo viên chọn sách là hợp lý. Tuy nhiên, để đánh giá xem sách được chọn có phù hợp không cần có thời gian. Do vậy, giáo viên sẽ gặp nhiều áp lực khi chọn sách. Vì vậy, các nhà trường và giáo viên đều muốn được tiếp cận sớm các văn bản quy định, nắm rõ việc chọn sẽ tiến hành ra sao vì thời gian từ nay đến khi năm học mới bắt đầu không còn bao lâu nữa.
Chọn sách giáo khoa thế nào?
Để chọn được sách giáo khoa phù hợp thì các nhà trường và các giáo viên phải được tiếp cận tất cả 32 đầu sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt. Vì vậy, việc đầu tiên là các trường học phải có đủ 32 đầu sách giáo khoa trong tủ sách dùng chung của nhà trường, giáo viên phải đọc hết 32 đầu sách đó để có cơ sở so sánh, chọn lựa.
Đi kèm với sách giáo khoa, phải có sách giáo viên hướng dẫn việc dạy các bài học cụ thể. Các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên giỏi sẽ tập trung tìm hiểu và nắm thật chi tiết nội dung, mục tiêu chương trình, để khi được tiếp cận với sách giáo khoa mới thì áp dụng ngay, tránh trường hợp chờ có sách mới bắt tay vào tìm hiểu, lúc đó sẽ thấy bỡ ngỡ.
Sau này, khi đã lựa chọn chính thức đưa vào giảng dạy, các đầu sách giáo khoa khác vẫn có ý nghĩa tham khảo cho giáo viên. Chủ trương là thế nhưng thực tế chi phí để in sách mẫu, sách giáo viên không hề nhỏ nên liệu các đơn vị xuất bản có sẵn sàng đầu tư kinh phí cấp sách giáo khoa mẫu đến tận tay giáo viên, phụ huynh và nhà trường không?
Nhu cầu sách giáo khoa đầu năm học là rất lớn, các bậc phụ huynh phải xếp hàng mua sách giáo khoa cho con em mình.
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì in sách mẫu thì nên công bố chế bản sách giáo khoa mẫu lên mạng Internet để nhà trường, giáo viên, phụ huynh tiếp cận trước khi quyết định chọn sách. Nhưng để thực hiện được điều này không đơn giản vì việc công bố chế bản sách giáo khoa sẽ còn tuân thủ đến các quy định pháp luật khác như quyền sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản nên sẽ khó thực hiện.
Việc mỗi trường được phép lựa chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp sẽ dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh có thể thành lập hàng trăm hội đồng thì quản lý thế nào, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh liệu có bị “vênh lệch” đang là những vấn đề nóng được đặt ra trong những ngày qua.
Trao đổi với phóng viên An ninh thế giới về việc này, ông Phạm Quang Huân – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Bộ đã chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa thì chương trình mới là quy định cứng, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu học. Và 32 đầu sách giáo khoa lớp 1 được hội đồng thẩm định thông qua tức là đều phù hợp, bám sát chương trình”.
Tiến tới, việc kiểm tra đánh giá cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng phát triển năng lực chứ không kiểm tra nội dung trong sách giáo khoa. Đề kiểm tra đánh giá phải bám sát các mục tiêu cụ thể, các chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình cũng như mạch logic trong chương trình mà không nghiêng về sách giáo khoa nào cả. Vì vậy theo ông Phạm Quang Huân, giáo viên đừng băn khoăn về việc dữ liệu giữa các sách giáo khoa có sự khác nhau.
Ở nhiều nước phát triển khác, khi sách giáo khoa chỉ là một trong nhiều tài liệu dạy học, phục vụ mục tiêu tự học của học sinh thì mỗi trường có thể lựa chọn các sách giáo khoa khác nhau hoặc nhiều sách giáo khoa cho học sinh tham khảo. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tham khảo các sách giáo khoa và các nguồn tài liệu khác để làm cho bài giảng thêm phong phú, tạo hứng thú cho học sinh.
Các bản mẫu sách giáo khoa mới được trưng bày trong một sự kiện.
Để áp dụng được sách giáo khoa mới đưa vào giảng dạy đồng loạt, công tác tập huấn giáo viên là vô cùng quan trọng. Và việc tập huấn phải được tính toán, thực hiện như thế nào khi số lượng sách lựa chọn giảng dạy thì đa dạng, trong khi thời gian tập huấn không có nhiều? Nhiều phụ huynh băn khoăn rằng, sự thay đổi về nội dung sách giáo khoa kéo theo kĩ thuật in ấn, chất lượng màu sắc, hình ảnh phải đảm bảo, liệu giá sách giáo khoa năm học tới có tăng?
Và với tình trạng khi các nhà xuất bản vừa biên soạn, vừa in ấn và phát hành như hiện nay thì liệu những băn khoăn về việc có hay không việc “vận động hành lang” để định hướng các trường chọn sách liệu có căn cứ? Khi có quá nhiều băn khoăn trong việc chọn sách giáo khoa chưa được xử lý rốt ráo, dư luận quay trở lại câu chuyện Bộ GD-ĐT đã từng lên kế hoạch biên soạn một bộ sách giáo khoa với kinh phí không hề nhỏ nhưng đến nay lại thay bằng phương án tổ chức việc biên soạn sách giáo khoa theo phương án xã hội hóa. Liệu rằng, năm học mới này, sách giáo khoa lớp 1 đã được chọn đúng hay chưa?
Danh mục sách giáo khoa lớp 1 đã được Bộ GD-ĐT công bố quyết định phê duyệt sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông gồm 32 đầu sách giáo khoa của 8 môn học. Cụ thể: Có 5 đầu sách giáo khoa Tiếng Việt; 5 đầu sách giáo khoa Toán; 5 đầu sách giáo khoa Đạo đức; 3 đầu sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội; 1 đầu sách giáo khoa Giáo dục thể chất; 5 đầu sách giáo khoa Âm nhạc; 5 đầu sách giáo khoa Mỹ thuật; 3 đầu sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm.
Trong số đó, 24 đầu sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam, 4 đầu sách giáo khoa của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 4 đầu sách giáo khoa của Đại học Sư phạm.
Huyền Châm
Theo cand
Lưu ý quan trọng với phụ huynh có con vào lớp 1 năm 2020, năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bắt đầu từ năm 2020, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng cho học sinh lớp 1 với một số thay đổi lớn.
Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng như sau:
Năm học 2020-2021 đối với lớp 1
Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10
Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11
Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các trường sẽ tự chọn bộ sách giáo khoa
Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, có 32 bản thảo sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐHSP TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Từ năm học 2020, các trường sẽ tự chọn SGK.
Các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK để giảng dạy bắt đầu từ năm học 2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ sách giáo khoa rồi sử dụng trong toàn tỉnh mà hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.
Dự kiến các sách giáo khoa mới sẽ có giá cao hơn so với sách hiện hành.
Các môn học ít hơn
Nếu như trước đây học sinh lớp 1 phải học đến 10 môn thì trong chương trình giáo dục mới, các em sẽ phải học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể:
Cấp Tiểu học
- Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
- Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
- Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Học sinh được giảm số môn học nhưng lại tăng tiết học. Chương trình áp dụng cho học sinh tiểu học được quy định cứng là 2.838 giờ, trong khi chương trình hiện hành học sinh học 2.353 giờ (tăng 485 giờ). Điều này được lý giải, so với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học áp dụng chương trình mới trên toàn quốc sẽ được học 2 buổi/ngày.
Trong chương trình mới, thời lượng môn giáo dục thể chất bậc tiểu học tăng lên 35 tiết so với hiện nay.
Học 2 buổi/ngày
Chương trình mới thống nhất thực hiện dạy học 02 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 07 tiết học; mỗi tiết học 35 phút; có điều kiện tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.
Ngoài ra, còn được thiết kế theo hướng mở và trao quyền chủ động cho nhà trường, cho chính giáo viên. Thầy cô giáo sẽ có quyền trong việc xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu là dạy học phát triển năng lực cho học sinh.
Những trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảm kiến thức lý thuyết
Chương trình hiện nay thiên về trang bị kiến thức, do đó chứa đựng nhiều nội dung hàn lâm, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. Chương trình mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp và giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Ngay từ lớp 1, học sinh sẽ được học về các hoạt động trải nghiệm, và đây được coi là một hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể, học sinh được học một số việc tự chăm sóc bản thân; Sắp xếp nhà cửa gọn gàng; Làm quen với bạn mới; Thiết lập mối quan hệ với hàng xóm...
Theo Helino
Nhà trường được chọn sách giáo khoa: Dễ rơi vào 'ma trận'? Việc các trường được chọn sách giáo khoa khiến không ít hiệu trưởng và giáo viên tỏ ra lo lắng. TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng không phải trường nào cũng có kỹ năng lựa chọn sách giáo khoa trong thực tế. Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư...