Dấu ấn sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học ở Thừa Thiên Huế
Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học toàn quốc năm 2020 – 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có bốn dự án dự thi; trong đó, có một giải nhất, hai giải ba và một giải tư.
Thành quả này đánh dấu sự trưởng thành, ngày càng lớn mạnh của học sinh vùng đất Cố đô Huế trong hoạt động nghiên cứu KHKT ở trường học.
Sản phẩm bảo vệ môi trường của học sinh Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế) tham gia trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
Dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của hai em Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) đã đoạt Giải nhất tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức. Đây là một trong bảy dự án được ban tổ chức chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế thời gian tới.
Dành bảy tháng lên ý tưởng, tìm kiếm các bài toán, thiết kế một số trò chơi vận dụng kiến thức môn toán…, hai em Khoa và Châu đã thiết kế một hệ thống bài tập hình học (lớp 8 và 9) bằng Scratch. Các bài toán được thiết kế dưới dạng câu chuyện trực quan sinh động, khơi gợi sự hứng thú của học sinh với phân môn hình học, giúp củng cố kiến thức môn học, nhất là hình học, vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán nhanh, chính xác… Huỳnh Đăng Khoa chia sẻ: “Em thấy nhiều bạn tỏ ra chán nản môn toán, thấy nó tẻ nhạt, vì thế em và Châu đã nghĩ ra ý tưởng làm gì đó để toán học “mềm mại” hơn”.
Trong khi đó, dự án “Thiết bị kiểm tra và giám sát sức khỏe thông minh phòng chống Covid-19 theo công nghệ IOT và diệt khuẩn NANO” của em Lê Ngọc Thanh Mai, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã giành giải cao tại cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia. Sản phẩm giúp phát hiện, nhắc nhở người không đeo khẩu trang, rửa tay, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, đo nồng độ ô-xy trong máu mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người kiểm tra sức khỏe. Cô giáo Nguyễn Thị Thương Huyền (Trường THCS Nguyễn Tri Phương), cùng nghiên cứu với học sinh Thanh Mai chia sẻ: “Mai rất chịu khó học hỏi, biết lắng nghe lại có khả năng thẩm thấu vấn đề nhanh, đó chính là tố chất của người làm khoa học”.
Đánh giá về bốn dự án tham gia của học sinh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Tân cho rằng, các sản phẩm thể hiện ý tưởng mới mẻ của học sinh, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện tăng cường các hoạt động về giáo dục môi trường, phòng, chống Covid-19 và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Các đề tài gắn đến đời sống hằng ngày nếu được đưa vào thực tiễn sẽ rất khả thi, giúp các doanh nghiệp có hướng đi, đổi mới phương thức trong cách quản lý.
Hưởng ứng cuộc thi quốc gia, ngay từ năm học 2009 – 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Không chỉ các trường ở TP Huế mà các địa phương vùng sâu, miền núi điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khó khăn cũng hưởng ứng tích cực, rộng khắp của học sinh toàn tỉnh.
Video đang HOT
“Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ” tại Trường THCS Phong Hòa (huyện Phong Điền) được thành lập cách đây vài năm, là một trong số những nhân tố nổi bật qua phong trào hưởng ứng cuộc thi KHKT. Thầy giáo Nguyễn Văn Khuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Các em đăng ký tham gia khá đông, đơn giản là đam mê nghiên cứu khoa học, muốn khám phá những gì đang diễn ra chung quanh bởi phòng thực hành thường thiếu trang thiết bị. Từ những cô cậu khá rụt rè, các em chủ động đề xuất đề tài, xây dựng định hướng nghiên cứu, thu thập, xử lý dữ liệu… gắn với thực tiễn và phù hợp điều kiện nghiên cứu trong trường học.
Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Tân cho biết thêm: Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học thật sự là một sân chơi khoa học, trí tuệ hết sức bổ ích, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh và giáo viên đam mê khoa học. Đối với học sinh, sản phẩm dự thi KHKT là sự cụ thể hóa xu hướng “học đi đôi với hành”, là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhân rộng các mô hình, giải pháp khoa học, công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao phục vụ nhu cầu thiết thực trong học tập và đời sống. Đáng nói, sản phẩm của các em có thể ứng dụng với giá thành thấp, phù hợp túi tiền khách hàng. Từ các đề tài nghiên cứu khoa học trong nhà trường, nhiều nhóm học sinh ở Thừa Thiên Huế đã tập làm dự án khởi nghiệp.
2 học sinh ở Thanh Hóa đoạt Giải Triển vọng tại Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021
Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2020-2021 tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây, tỉnh Thanh Hóa vinh dự có 2 Dự án đoạt giải.
Ngô Khánh Huyền và Nguyễn Nhật Minh tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2020-2021. (Ảnh do cô giáo Nguyễn Thị Hường cung cấp).
Trong đó, Dự án "Quy trình tách Nano hóa hoạt chất Zerumbone từ cây Bonbo ở Thanh Hóa, để hỗ trợ điều trị ung thư ở người và phát triển kinh tế - xã hội" thuộc lĩnh vực y học chuyển dịch của em Ngô Khánh Huyền (học sinh lớp 9A4, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa) và em Nguyễn Nhật Minh (học sinh lớp 8G, Trường THCS Trần Mai Ninh,TP Thanh Hóa), do giáo viên Nguyễn Thị Hường, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi hướng dẫn, đoạt Giải Triển vọng.
Trở về từ cuộc thi, Ngô Khánh Huyền và Nguyễn Nhật Minh cùng cô giáo Nguyễn Thị Hường đã nhận được nhiều lời chúc mừng và động viên từ gia đình, thầy cô giáo và bạn bè.
Khánh Huyền và Nhật Minh là hai học sinh đại diện cho các bạn học sinh THCS trải qua các kỳ thi cấp trường, thành phố, cấp tỉnh để vinh dự tham gia kỳ thi cấp Quốc gia.
Ngô Khánh Huyền và Nguyễn Nhật Minh cùng cô giáo Nguyễn Thị Hường tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2020-2021. (Ảnh do cô giáo Nguyễn Thị Hường cung cấp).
Nguyễn Nhật Minh cho biết: Em rất vui khi đoạt giải. Các em sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án và mong muốn dự án được áp dụng vào thực tế để giúp các bệnh nhân ung thư cũng như phát triển kinh tế từ loại cây Bon bo. Nhật Minh bật mí: "Em và Khánh Huyền là hai anh em họ. Bởi vậy hai em tuy học khác trường nhưng có chung đam mê, sở thích nghiên cứu khoa học nên cả hai đã cùng thực hiện dự án".
Cây Bon bo thuộc chi Riềng, họ Gừng mọc hoang ở khắp nơi, chịu đất ẩm ướt - mát, sống ở bìa rừng, ven suối, đất núi rậm. Ở Thanh Hóa, cây Bon bo là loại cây phổ biến được mọc hoang nhiều ở các huyện miền núi. Ảnh: Khánh Huyền cung cấp.
Gặp Ngô Khánh Huyền khi em vừa kết thúc buổi học chiều tại trường, được em chia sẻ: "Dự án được em và Nhật Minh thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Hường. Xuất phát từ thực tế là một lần vô tình thấy trong đáy bình ngâm rượu cây Bon bo của bố có rất nhiều tinh thể màu vàng đục, một câu hỏi đặt ra cho chúng em là liệu chất kết tinh này có tác dụng gì đến sức khỏe con người mà lại có nhiều trong cây này. Nếu nghiên cứu được chất này sẽ đem lại giá trị gì trong khoa học và trong thực tế".
Em Ngô Khánh Huyền và Nguyễn Nhật Minh tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2020-2021.(Ảnh do cô giáo Chu Thị Hường cung cấp).
"Bố em cũng là một nhà nghiên cứu khoa học đang công tác tại Trường Đại học Hồng Đức. Bố cho biết cây Bon bo thuộc chi riềng, họ gừng mọc hoang ở khắp nơi. Ở Thanh Hóa, Bon bo mọc hoang ở các huyện miền núi, được người dân sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong dân gian như tiêu độc, kích thích tiêu hóa, ăn ngon ngủ tốt. Dưới sự cố vấn của bố, chúng em bắt đầu lên ý tưởng và nghiên cứu về loại cây này cũng như thực hiện Dự án", Khánh Huyền thú vị chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hường là cô giáo chủ nhiệm lớp 9A4 của em Ngô Khánh Huyền và đồng hành cùng em thực hiện dự án. Ảnh: Ngọc Huấn
Nói về hai học trò Ngô Khánh Huyền và Nguyễn Nhật Minh, cô Nguyễn Thị Hường, Giáo viên chủ nhiệm của Khánh Huyền và đồng thời hướng dẫn các em thực hiện dự án cho biết, cô rất vinh dự khi được đồng hành cùng hai em thực hiện dự án.
Đây là một đề tài không mới, trước đó đã có nhiều người thực hiện, nhưng điểm mới của đề tài là đã phát hiện một hoạt chất có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư với khối lượng tương đối lớn 0,0063% so với trọng lượng tươi từ cây Bon bo ở Thanh Hóa, quy trình tách, kết tinh tinh thể lại đơn giản. Khi phối hợp các phương pháp phổ hiện đại và các tài liệu đã xác định chính xác cấu trúc hóa học của hoạt chất có tên là zerumbone. Đây là hoạt chất có khả năng ức chế chất sinh ung thư thông qua giảm tín hiệu viêm.
3 cô trò đồng hành cùng nhau thực hiện Dự với mong muốn từ giá trị khoa học và kinh tế của cây Bon bo sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra giải pháp trồng và thương mại hóa sản phẩm zerumbone cũng như chế phẩm nano zerumbone trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và giảm nghèo ở khu vực miền núi Thanh Hóa, tạo môi trường xanh bền vững. (Ảnh do Khánh Huyền cung cấp).
"Khi thực hiện dự án, cô trò đã thử nghiệm trên tế bào nuôi cấy dạng 2D cho thấy zerumbone chứa trong liposome tăng hiệu quả sử dụng thuốc cho tế bào ung thư hơn. Từ các kết quả nghiên cứu và tìm hiểu giá trị thị trường của zerumbone, có thể khẳng định giá trị khoa học và giá trị kinh tế của cây Bon bo ở Thanh Hóa, giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra giải pháp trồng và thương mại hóa sản phẩm zerumbone cũng như chế phẩm nano zerumbone trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và giảm nghèo ở khu vực miền núi Thanh Hóa, tạo môi trường xanh bền vững", cô Nguyễn Thị Hường chia sẻ.
Mặc dù dự án chỉ giành Giải Triển vọng nhưng là niềm vui đối với 3 cô trò. Đây sẽ là động lực để Khánh Huyền và Nhật Minh tiếp tục chinh phục và thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Cô Chu Thị Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (ngoài cùng bên trái) luôn đồng hành cùng cô trò tại cuộc thi. (Ảnh do Khánh Huyền cung cấp).
Nhật xét về học sinh của mình, cô Chu Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Ngô Khánh Huyền - Lớp trưởng lớp 9A4 là học sinh chăm ngoan, năng động, nhiệt tình trong các hoạt động của trường, của lớp, nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Quá trình cô trò thực hiện Dự án và tham gia Cuộc thi đã nhận được sự cổ vũ, động viên của thầy cô giáo và các bạn học sinh nhà trường.
"Thành tích của cô trò lần này sẽ góp thêm tinh thần, khuyến khích học sinh của nhà trường nếu có ý tưởng, có niềm đam mê hãy cứ thỏa chí nghiên cứu, khám phá và mạnh dạn thực hiện. Ở đó, luôn có sự đồng hành, cổ vũ của các thầy cô giáo", cô Chu Thị Hường chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học của học sinh tầm vóc thật hay bị thổi phồng? Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh tốn thời gian, tiền bạc nếu chỉ lấy thành tích, nhận bằng khen, không ứng dụng được thì nên xem xét lại. Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế có 91 dự án...