Đất mua chưa trả hết tiền đã đem ‘cắm’ ngân hàng
Chi 50 tỷ đồng mua 16.154m2 đất nhưng khi mới trả được 22 tỷ đồng, người mua đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đem thế chấp ngân hàng.
Từ đó nảy sinh tranh chấp giữa người bán và người mua, kéo dài nhiều năm. Vụ việc đã được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP. Vũng Tàu và phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chưa lấy hết tiền bán đất, dính ngay tranh chấp
Ông Trịnh Văn Hậu (SN 1974, trú tại phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết trước đây ông là chủ khu đất rộng 16.154m2 tại 888/1 đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tháng 7/2014, ông Hậu ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên cho vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung – bà Trịnh Thị Lan với giá 50 tỷ đồng. Ông Trung và bà Lan trả trước 22 tỷ đồng, số tiền 28 tỷ đồng còn thiếu sẽ trả vào ngày 11/1/2015.
Đến hẹn, do ông Trung – bà Lan không thanh toán số tiền còn thiếu như thỏa thuận nên ông Hậu yêu cầu hủy hợp đồng. Ông Trung – bà Lan hứa hẹn sẽ thanh toán đầy đủ số tiền còn thiếu và đề nghị không hủy hợp đồng chuyển nhượng.
Ngày 2/2/2015, hai bên cùng đến Văn phòng Thừa phát lại lập Vi bằng với nội dung: ông Trung – bà Lan phải thanh toán số tiền 28 tỷ còn thiếu chậm nhất là ngày 10/3; nếu đến hạn không thanh toán, ông Hậu có quyền hủy hợp đồng chuyển nhượng, không giao đất và ông Trung – bà Lan bị mất số tiền 22 tỷ đồng xem như mất tiền đặt cọc…
Khu đất tại 888/1 đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. (Ảnh: H.B)
Tuy nhiên, khi chưa thanh toán 28 tỷ đồng còn thiếu thì ông Trung – bà Lan đã tự ý tiến hành thủ tục đăng ký sang tên trước bạ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tiếp đó, ông Trung – bà Lan đem giấy tờ thửa đất thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Bến Thành để vay 63 tỷ đồng.
Cho rằng ông Trung – bà Lan cố tình gian dối, không thực hiện đúng thỏa thuận về chuyển nhượng cũng như cam kết tại Văn phòng Thừa phát lại, ông Hậu đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu và yêu cầu Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Bến Thành giải ngân các khoản vay liên quan đến tài sản thế chấp là khu đất 16.154m2 trên.
Video đang HOT
“Tôi không ngờ việc chuyển nhượng ngay tình của tôi bị ông Trung – bà Lan lừa dối, chưa thanh toán đủ tiền, họ sang tên giấy chứng nhận mang tên mình rồi đem thế chấp ngân hàng lấy tiền”, ông Hậu nói.
Hủy hợp đồng chuyển nhượng
Ngày 18/12/2015, Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu xử sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trịnh Văn Hậu và ông Nguyễn Vũ Trung – bà Trịnh Thị Lan.
Tòa cũng tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND TP.Vũng Tàu cấp cho ông Nguyễn Vũ Trung – bà Trịnh Thị Lan. Đồng thời, ông Hậu không phải trả lại số tiền 22 tỷ đồng đã nhận của ông Trung và bà Lan.
Ngày 14/4/2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử phúc thẩm và tiếp tục tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa hai bên và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Trung – bà Lan.
Tại phiên phúc thẩm, ông Hậu tự nguyện hoàn trả cho vợ chồng ông Trung số tiền 20 tỷ đồng (trừ 2 tỷ đồng do ông Trung – bà Lan chậm thanh toán khiến phát sinh lãi) và được tòa ghi nhận.
Ngay sau phán quyết của tòa, ông Trung – bà Lan có kháng nghị lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, ngày 4/8/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM có thông báo nêu khẳng định bản án sơ của Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu và bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên xử là có căn cứ pháp luật.
Đồng thời khẳng định không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm do đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Trung, bà Lan không đưa ra những chứng cứ, tình tiết làm thay đổi nội dung, tính chất của vụ việc.
Ngày 20/3/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cũng có thông báo khẳng định Tòa án cấp phúc thẩm xét hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết giữa các bên và ghi nhận sự tự nguyện của ông Hậu đồng ý trả lại số tiền 20 tỷ đồng cho ông Trung – bà Lan là có căn cứ. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Ông Trung – bà Lan và Lan vẫn không đồng tình với ý kiến của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan trung ương. Ngày 8/3/2019, Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị xét xử lại… Vụ việc có nguy cơ kéo dài, gây khó khăn cho người dân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng hợp pháp của họ.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu, cho biết trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định của pháp luật để đánh giá và ra bản án.
“Các chứng cứ trong vụ kiện đã được xem xét, đánh giá khách quan, vô tư và phù hợp với thực tế diễn biến của vụ án”, ông Sơn nói.
Được biết, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Hậu đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho ông Trịnh Minh Cường. Ông Cường đã làm các thủ tục tách thửa và được UBND TP.Vũng Tàu đã cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cố tình gây khó khăn, kéo dài thời gian xử lý dứt điểm vụ án
Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Thị Hoa – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo bà Hoa, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một hợp đồng song vụ, nghĩa là hai bên phải có quyền và nghĩa vụ song song với nhau, bên bán giao đất, bên mua giao tiền.
Nhưng khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình là thanh toán đủ tiền tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Trịnh Văn Hậu và chưa nhận bàn giao thửa đất từ ông Hậu mà ông Trung – bà Lan đã tự ý làm thủ tục sang tên trước bạ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Bến Thành là không đúng quy định của pháp luật.
Vụ án đã được xem xét, giải quyết đúng pháp luật qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và cấp có thẩm quyền giám đốc là văn bản của Tòa án Nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM nhưng phía ông Trung – bà Lan vẫn đề nghị xem xét khi không có chứng cứ nào mới cũng như không có căn cứ pháp lý để xem xét lại bản án là cố tình gây khó khăn, kéo dài thời gian xử lý dứt điểm vụ án, làm tồn đọng án quá hạn.
Việc các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đơn yêu cầu của ông Trung – bà Lan để họ có lý do cố tình kéo dài hồ sơ vụ án gây khó khăn cho ông Hậu và những người dân nhận chuyển nhượng thửa đất này. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng hợp pháp của họ.
HÒA BÌNH
Theo VTC
Lừa đảo quan điện thoại: Đã cảnh báo mà vẫn sập bẫy
Những ngày qua, nhiều người dân tại TPHCM đã bị bọn lừa đảo liên tục tấn công qua điện thoại với mật độ dày đặc.
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại hiện đang diễn ra tuy thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mất cảnh giác sập bẫy mất trắng hàng tỷ đồng. Đa số các vụ lừa đảo, các băng nhóm đều giả danh lực lượng chức năng rồi liên tục khủng bố tinh thần, hăm dọa người dân, sau đó yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạn.
Ảnh minh họa
Liên tục những cuộc điện thoại từ các đối tượng lạ mặt gọi đến người dân dụ dỗ, sau đó hăm dọa khủng bố tinh thần, mới đây lúc 9h ngày 10/10, bà Đ.T.A.T, ngụ phường 6, quận 5 nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên bưu điện và báo cho bà T. có bưu phẩm từ ngân hàng ngoài Đà Nẵng gửi vào, bên trong có giấy báo nợ ngân hàng.
Sau đó, một người khác tự xưng là Trung úy Lê Thạnh Nam, công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng báo cho bà T. biết vừa bắt 1 đối tượng mua bán ma túy và đối tượng này khai nhận có chuyển tiền vào tài khoản của bà T. nên yêu cầu nạn nhân chuyển hết số tiền trong tài khoản cá nhân vào tài khoản ngân hàng SCB số 12659380001 của Khưu Văn Khang để kiểm tra, sau đó trả lại. Tin lời, vào lúc 13h30 cùng ngày, bà T. đến 4 ngân hàng trên địa bàn quận 5 chuyển nhiều đợt với số tiền 550 triệu đồng.
Cách nhà bà T không xa, trước đó ngày 20/9, ông H.C.T, ngụ phường 7, quận 5 cũng bị đối tượng chưa rõ lai lịch tự xưng là trung úy Lâm Thành Trung, công tác tại phòng PC45 Công an Thành phố Hà Nội thông báo ông T. đang nợ tiền ngân hàng và liên quan đến một vụ rửa tiền. Thanh niên này yêu cầu ông T chuyển tiền vào tài khoản 101214849296544 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (chủ tài khoản tên Phạm Văn Nam) để kiểm tra làm rõ. Mặc dù có hơi thắc mắc nhưng băng nhóm lừa đảo liên tục cắt cử nhiều đối tượng điện thoại đánh vào tâm lý, đồng thời đe dọa khủng bố tinh thần...
Ông H.C.T kể lại: "Nó nói qua điện thoại cả tiếng đồng hồ xong kêu mai sẽ gọi lại, sáng mai 7h30 lại gọi tiếp rồi kêu tui vào phòng riêng nói chuyện không cho ai biết. Chúng kêu tui lấy sổ ghi chép rồi yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền và nói tiền này sẽ đóng băng tạm trong 48 giờ. Bọn nó hù dọa dữ lắm. Lúc đó tui đang bệnh nên bị chúng hù tôi mụ mị không biết gì rồi chuyển tiền ở 2 ngân hàng chỗ hơn 2 tỷ, chỗ hơn 1 tỷ đồng".
Trên đây chỉ là một số vụ điển hình, đã có rất nhiều người dân bị các băng nhóm lừa đảo tấn công qua điện thoại với nhiều thủ đoạn khác nhau, như: thông báo nợ cước điện thoại, không trả sẽ bị đi tù; giả danh công an thông báo liên quan đến rửa tiền; điện thoại tung tin người thân (vợ chồng, con cái...) bị nạn, yêu cầu người nhà tới gấp đến điểm xa khu dân cư vắng người để cướp tài sản; Lừa trúng thưởng qua điện thoại; Tặng quà bị hải quan giữ, giả danh cán bộ cơ quan tố tụng, dựng lên kịch bản điều tra đường dây ma túy để lừa đảo... Số nạn nhân mỗi ngày một tăng lên, chỉ bằng thủ đoạn cũ nhưng liên tiếp tung ra nhiều "chiến thuật" mới để đánh vào sự nhẹ dạ cả tin hay lòng tham của người dân để trục lợi. Chuyện bị lừa đảo qua điện thoại đã được thông tin nhiều nhưng có người vẫn bị mắc bẫy đặc biệt là phụ nữ, người lớn tuổi.
Có nạn nhân đã mất trắng số tiền từ 1 đến hơn chục tỷ đồng chỉ sau khi nghe một cú điện thoại. Người dân cần hết sức cẩn trọng và chủ động với các tình huống chia sẻ thông tin với các đối tượng lạ mặt và yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền.
Bà Đinh Phương Chi, một người dân ngụ phường 4, quận 8, người từng bị băng nhóm lừa đảo điện thoại nhiều lần chia sẻ: "Mình cũng cảnh giác, nhưng sở dĩ mình nói chuyện lâu với tụi nó vì mình thắc mắc ai gửi bưu phẩm mà cứ điện thoại hỏi hoài. Lần này mình hỏi thử bưu phẩm đó của ai gửi cho biết tên xem, chính từ đó bọn chúng khai thác ngay. Nhiều khi chúng nói áp đảo mình không thể cưỡng lại được, nhưng tới lúc kêu chuyển tiền là mình biết chúng lừa đảo nên nhanh chóng chấm dứt liền".
Về vấn đề này, Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và Tham nhũng, Công an TPHCM cho biết, qua những vụ án vừa được khám phá nổi lên một số vụ các băng nhóm sử dụng điện thoại qua giao diện internet, giả danh các cơ quan tư pháp để hăm dọa dẫn dụ người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Ngay sau đó số tiền này nhanh chóng được chuyển vào tài khoản ở những địa phương giáp biên giới thậm chí chuyển ra nước ngoài để chiếm đoạt... Do người dân thiếu thông tin và không nắm rõ quy định pháp luật nên dễ dàng bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Thượng tá Vũ Như Hà khuyến cáo: "Khi thấy những cuộc gọi bất thường hoặc những đối tượng có những yêu cầu bất thường đánh vào lòng tham, như: trúng thưởng, nhận quà tặng, bưu phẩm, chuyển tiền... cần hết sức cảnh giác. Các cơ quan chức năng tư pháp liên hệ làm việc chỉ liên hệ trực tiếp bằng giấy mời không bao giờ liên hệ trực tiếp qua điện thoại".
Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã và đang triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật chuyên ngành. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nâng cao cảnh giác, sự hiểu biết của người dân. Trong thời gian tới người dân và doanh nghiệp cần phải hết sức cẩn trọng khi chia sẻ thông tin, nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn công nghệ cao để có sự chủ động phòng tránh một cách hiệu quả./.
Theo Vinh Quang/VOV-TPHCM
Ông Đinh La Thăng và đồng phạm còn phải thi hành án bao nhiêu tiền? Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, trong vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng đến nay đã thi hành được 521 triệu đồng án phí, bồi thường được 20 tỉ đồng cho PVN, vẫn còn 800 tỉ đồng bồi thường đang trong quá trình thi hành án. Ông Đinh La Thăng...