Đắp thuốc nam chữa ung thư, người đàn ông Hà Nội suýt mất mạng
BV Ung bướu Hà Nội đang điều trị cho bệnh nhân H.V.C 43 tuổi trú tại Ba Vì, Hà Nội mắc ung thư hạ họng và ung thư thực quản giai đoạn cuối. Đáng ngại là, bệnh nhân từng đắp thuốc nam gây biến chứng nguy hiểm.
Khói u của bệnh nhân C. khiến mặt anh lệch hẳn một bên (ảnh do BV cung cấp)
Bệnh nhân H.V.C 43 tuổi, cái tuổi mà theo anh chưa bao giờ nghĩ đến “tuổi già, bệnh tật”. Từ trước đến giờ, anh vẫn luôn tự tin về sức khỏe của mình cho đến ngày phát hiện ra một hạch nhỏ ở cổ.
“Mọi sóng gió bắt đầu ập tới. Lúc đầu hạch chỉ to bằng đốt ngón tay, sưng đau nhẹ, tôi vẫn chủ quan không đi khám. Cho tới khi hạch sưng mãi không đỡ, bị gia đình giục, giới thiệu, tôi quyết định tìm đến một thầy lang khá nổi tiếng ở gần nhà để điều trị bằng cách đắp lá. Không hiểu sao khi đó tôi vẫn “hồn nhiên” suy nghĩ “cái cục con con này thì có gì đâu mà phải lo lắng!”.
Nhưng không ngờ khối u ngày càng phát triển rất nhanh, nổi hạch xung quanh cổ thành một khối lớn, bầm tím. Mỗi ngày tôi lại cảm thấy thêm khó thở, đau đớn, ăn gì cũng nghẹn ứ ở cổ họng, người gầy rộc đi, càng đắp lá càng không hề thấy khối u có dấu hiệu thuyên giảm”, anh C. nhớ lại.
Một sáng, anh ho ra máu. Vô cùng lo lắng, anh C. lập tức đến bệnh viện đa khoa huyện khám và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Sau khi làm các xét nghiệm chụp chiếu, anh C. nghe các bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tật anh ngã khuỵu.
Video đang HOT
“Bác sĩ nghi ngờ tôi đã mắc phải ung thư giai đoạn muộn. Cú sốc tinh thần quá lớn cộng với cơn khó thở ngày càng dồn dập, tôi được chỉ định nhập viện mở khí quản cấp cứu. Những ngày chờ đợi kết quả giải phẫu bệnh trôi đi dài đằng đẵng. Mặc dù biết bệnh của mình không hề nhẹ nhưng khi biết chính xác kết quả tôi gần như bị sụp đổ, trời đất quay cuồng.
Tôi bị mắc phải một lúc hai căn bệnh ung thư quái ác: ung thư hạ họng và ung thư thực quản đều đã ở giai đoạn muộn. Tôi nghĩ bệnh của mình không còn được bao lâu nữa, những cơn đau, tức khó thở thì cứ thi nhau dày vò hàng ngày, hàng đêm. Đã đôi ba lần muốn buông tay nhưng rồi nghĩ đến gia đình, nghĩ đến tương lai còn dài và bao nhiêu công việc còn dang dở, tôi quyết định nhập viện điều trị với chút hy vọng mong manh”, anh C. bồi hồi nhớ lại.
Nói về trường hợp bệnh nhân C., BS Đinh Thị Lan Hương, Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết bệnh sau khi mở khí quản cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, khó thở, nuốt vướng, chỉ ăn được cháo loãng, hạch cổ hai bên, khuôn mặt lệch hẳn sang một bên.
Khối u bên phải của bệnh nhân có kích thước 10×10 cm chèn ép gây hẹp đường thở, đường ăn uống khiến thể trạng suy kiệt, dung nạp thuốc kém, tiên lượng xấu. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư hạ họng và ung thư thực quản giai đoạn IV.
Sau hội chẩn, các bác sĩ khoa Nội II quyết định tư vấn dinh dưỡng để cải thiện thể trạng cho bệnh nhân và điều trị hóa chất toàn thân.
Sau 1 chu kì điều trị, bệnh nhân giảm nuốt vướng, ăn được cơm nhai kỹ, tự thở tốt hơn, kích thước hạch cổ giảm xuống còn 4 cm. Sau 4 chu kì, bệnh nhân tiến triển tốt, không còn khó thở, tình trạng nuốt vướng đã cải thiện đáng kể. Bệnh nhân tăng 5 kg, đã tự ăn được cơm, hạch cổ giảm xuống chỉ còn 3 cm, chất lượng sống tốt. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị duy trì để giảm nguy cơ tái phát, kéo dài thời gian sống. Sau 4 chu kì điều trị, khối u đã nhỏ lại gần như không nhìn thấy bên ngoài.
“Đây là một ca bệnh nặng khi bệnh nhân mắc phải hai căn bệnh ung thư đều ở giai đoạn muộn, do bệnh nhân chủ quan không điều trị kịp thời để thể trạng suy kiệt nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Rất may hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã được ổn định”, BS Lan Hương thông tin.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh khi thấy nổi hạch ở cổ phải đi khám chuyên khoa ung bướu ngay, điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm. Người dân không nên tự ý điều trị như dùng thuốc nam sẽ đánh mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh.
Theo infonet
Dinh dưỡng trong điều trị ung thư đầu cổ và thực quản
Nói đến ung thư vùng đầu cổ là nói đến những khối u ác tính ở vùng đầu và cổ, bao gồm miệng, mũi, họng, thanh quản và các xoang.
Biểu hiện thường gặp của ung thư đầu cổ và ung thư thực quản là những vết loét khó liền, nuốt khó và nổi hạch vùng cổ.
Ung thư vùng đầu cổ có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt trên 90%, nhưng nếu ở giai đoạn tiến triển thì tiên lượng rất xấu. Ở Việt Nam, ung thư đầu cổ đứng hàng thứ 3 và ung thư thực quản đứng hàng thứ 5 trong số các loại ung thư thường gặp. Ung thư vùng đầu cổ và thực quản đặc biệt có ảnh hưởng không nhỏ tới dinh dưỡng của người bệnh. Các vấn đề về dinh dưỡng thường gặp ở người bệnh ung thư vùng đầu cổ và thực quản.
Sụt cân và suy dinh dưỡng: Sụt cân không chỉ ảnh hưởng tới tiên lượng bệnh mà còn liên quan tới giảm hoạt động chức năng và giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới liệu trình điều trị. Sụt cân trong khi xạ trị vùng đầu cổ có thể làm mất tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp này. Trong hóa trị, sụt cân còn cản trở người bệnh không nhận được liều điều trị tối ưu.
Viêm tuyến nhày, cứng hàm, khô miệng, xơ hóa thanh quản dẫn tới thay đổi mùi vị, giảm thèm ăn. Với bệnh nhân ung thư thực quản, các biểu hiện thường gồm viêm tuyến nhày, đau thực quản và nuốt khó, trong đó nuốt khó gặp phải trên 90% bệnh nhân ung thư thực quản khiến biểu hiện này trở nên đặc hiệu ở nhóm bệnh nhân này.
Sưng, đau, nhai khó, nuốt nghẹn tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt khẩu phần. Giảm hứng thú ăn uống cũng là một vấn đề ở bệnh nhân ung thư đầu cổ và thực quản. Bệnh nhân nuốt khó sau điều trị liên quan tới giảm rõ rệt chất lượng cuộc sống và tăng lo âu, hồi hộp cho người bệnh. Do đó bệnh nhân ung thư thực quản và dạ dày nên được hỗ trợ về tiết chế và chức năng ngôn ngữ trong vài tháng sau khi kết thúc điều trị và họ cũng không thể quay lại được chế độ ăn bình thường mà không cần bổ sung dinh dưỡng.
Tiêu chảy, buồn nôn và nôn: Tiêu chảy, nôn và buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp do một số loại hóa chất gây nên. Nếu không kiểm soát tốt, tiêu chảy có thể gây mất dịch, điện giải, suy dinh dưỡng và kéo dài thời gian nằm viện. Tuyến nhày đường ruột và quá trình tiêu hóa thực phẩm cũng bị ảnh hưởng, do đó ảnh hưởng tới sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở các mức độ khác nhau, làm giảm chuyển hóa năng lượng, protein và vitamin.
Một số lời khuyên dinh dưỡng: Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cung cấp chế độ ăn giàu năng lượng và protein mỗi ngày; ăn đa dạng các loại thực phẩm. Thay vì sử dụng các thực phẩm thông thường gây khó nhai, nuốt nghẹn có thể chế biến các thực phẩm dưới dạng lỏng, nhuyễn mịn như súp, sữa, sinh tố, nước ép hoa quả tươi.
Bệnh nhân cũng nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày có thể từ 6 - 8 bữa thay vì ăn 3 bữa chính để cung cấp được nhiều năng lượng hơn.
Theo kinhtedothi
Ngỡ ngàng bệnh viện xanh trong lòng Thủ đô Người dân, bệnh nhân thực sự ngỡ ngàng khi đến Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội bởi phòng ốc sạch sẽ, sang trọng như khách sạn 5 sao, không gian xanh được chăm chút tỉ mĩ, kỹ càng. Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực y tế giữa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cả công lập và tư nhân không...