Đào tạo Sư phạm tràn lan: Trường chất lượng… chịu thiệt
Ngành Sư phạm mở tràn lan, ngay cả các trường không có chuyên môn Sư phạm cũng “chen chân” đào tạo giáo viên. Và tồn tại nghịch lý, sinh viên ở trường Sư phạm chất lượng lại thiệt thòi khi xin việc vì… thua ở tấm bằng.
Đó là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Trường ĐH Sư phạm (SP) TPHCM vào sáng 10/4 để chuẩn bị cho công cuộc “Đổi mới toàn diện giáo dục”.
Thiệt vì… yêu cầu chất lượng cao
Nhiều đại biểu cùng đặt ra vấn đề rất ngược đời hiện nay là cho dù được đánh giá cao nhưng do khâu đánh kiểm định chất lượng của Trường ĐH SP TPHCM chặt nên tỷ lệ SV tốt nghiệp loại Giỏi rất ít, mà chủ yếu là loại Khá, Trung bình khá. Trong khi tại các trường SP tỉnh hay các trường có đào tạo SP chất lượng kém hơn nhiều nhưng lại nhiều SV tốt nghiêp bằng Giỏi.
Khi thi tuyển về các Sở Giáo dục, SV từ trường chất lượng sẽ thiệt thòi hơn khi tính tổng điểm. Thế nên có thực tế, SV được đào tạo chất lượng từ các trường có thâm niên, chuyên môn, đầu vào cao lại khó được tuyển vì thua ở tấm bằng.
Sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM rất khó để đạt được bằng loại Giỏi.
Ông Lưu Thành Công – đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long chỉ thẳng SV tốt nghiệp SP từ các trường ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh… chất lượng kém nhưng lại rất nhiều bằng loại Giỏi nên khi thi tuyển có nhiều lợi thế hơn SV đầu vào cao, được đào tạo chất lượng từ ĐH SP TPHCM.
“Tôi từng trực tiếp làm việc, có đợt SV ngành SP của ĐH Đồng Tháp 30 em thì chỉ có 2 bằng Khá, còn lại là bằng Giỏi. Còn trong nhóm ĐH SP TPHCM chỉ có duy nhất một em bằng Giỏi. Chưa kể các em học trường khác, ra lấy chứng chỉ SP loại Giỏi rất nhiều. Chúng tôi đã phải bàn đến phương án SV ĐH SP khi thi tuyển sẽ được cộng thêm 10 điểm trong tổng điểm tuyển”, ông Công cho hay.
Trong năm học 2011 – 2012, có 2.269 SV hệ chính quy ĐH SP TPHCM tốt nghiệp, trong đó chỉ có 126 SV tốt nghiệp loại Giỏi. Con số trên 70% tổng số SV tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đào tạo được đánh giá cao. Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn khi SV ra trường không có việc làm, không được phân công cho dù trường đã thực hiện công tác tìm hiểu, khảo sát nhu cầu từ các địa phương khu vực phía Nam rất kỹ lưỡng thông qua các Sở Giáo dục.
Video đang HOT
Đại diện Phòng đào tạo của Trường ĐH SP TPHCM cho hay, nếu xét nhu cầu ở khu vực phía Nam chỉ tiêu tuyển sinh hiện tại trường chưa đáp ứng được yêu cầu cho đội ngũ GV. SV của trường gặp khó khăn vì phần lớn tốt nghiệp Trung bình, hay Trung bình khá khi mà các nơi khác thì toàn bằng Giỏi, Khá.
“Điểm chuẩn vào trường nhiều ngành trên 20 điểm, nơi khác chỉ 13 điểm là đỗ thì kiểu gì chất lượng SV của trường cũng hơn hẳn. Nhưng yêu cầu chất lượng của trường rất cao, không hạ đánh giá nên SV ra trường bằng kém hơn SV nơi khác. Có năm cả khoa Toán, đầu vào cao nhưng không em nào tốt nghiệp loại Giỏi. Chúng tôi từng đưa ra vấn đề này nhưng vì chất lượng, đào tào chuyện sâu và thương hiệu nên trường kiên quyết đảm bảo việc đánh giá đúng”, đại diện này cho hay.
Người này cũng chỉ ra nguyên nhân hiện việc đào tạo ngành SP đang tràn lan, nhiều trường không thuộc lĩnh vực SP, trường dân lập cũng đào tạo GV. Chưa kể một số trường ở địa phương mới đầu xin mở ngành chỉ để đạo tạo nhân lực cho địa phương nhưng chỉ một hai năm sau là nới rộng tuyển sinh trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.
Tăng thời gian đào tạo ngành Sư phạm?
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng hiện đang có sự mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Chẳng hạn để giải quyết bài toán thiếu GV, nhất là GV bậc THPT, các cở sở giáo dục đã tuyển GV từ nhiều nguồn với tiêu chuẩn có bằng ĐH và giấy chứng nhận qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ SP mà không cần phải tốt nghiệp tại trường SP. Điều này dẫn đến chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông yếu kém, đội ngũ GV được đào tạo trường các trường SP lại không được phân công.
Ông Hồng bày tỏ ý kiến, quy định cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP chung cho các trường là chưa thỏa đáng mà nên căn cứ vào chất lượng đào tạo. Thế nên rất cần quy hoạch lại mạng lưới các trường SP, không nên tổ chức đào tạo tràn lan như hiện nay mà chỉ những trường SP mới được đào tạo GV.
Thời gian thực tập nghề ít ảnh hưởng đến đến lượng đào tạo sư phạm. Trong ảnh: Sinh viên sư phạm Trường ĐH Sài Gòn thực tập tại Trường mầm non 19/5 TPHCM.
Đặc biệt, Trường ĐH SP TPHCM cũng đề xuất việc thiết kế lại chương trình đào tạo, trong đó tăng thời gian đào tạo để SV có thêm nhiều thời gian thực tập nghề nghiệp, liên kết chặt hơn nữa với các trường phổ thông. Vì thời gian thực tập nghề quá ít như hiện nay chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của SV ngành SP khi ra trường.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Thạc sĩ toán học đi bán sim điện thoại
Thạc sĩ toán học đi bán sim điện thoại, tốt nghiệp quản trị kinh doanh làm ôsin, cử nhân sư phạm chạy bàn quán cà phê... Nguồn nhân lực trình độ cao đang bị lãng phí và bán rẻ khắp nơi.
Thanh Hóa là một cái nôi hiếu học của cả nước nhưng vừa qua, con số gần 25.000 sinh viên ra trường thất nghiệp khiến nhiều người giật mình. Tình trạng này cũng đang phổ biến tại Nghệ An, Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp, Quảng Nam...
Bi đát cử nhân
Sinh ra ở vùng quê nghèo khó của một xã miền núi huyện Như Thanh - Thanh Hóa, Đỗ Thị Trang tốt nghiệp loại khá ngành báo chí tại Hà Nội trong niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng, ra trường đã 3 năm, Trang vẫn loay hoay kiếm việc. "Sau khi làm đủ mọi nghề, từ bán cà phê, nhân viên nhà hàng, quán bia, phát tờ rơi..., cuối cùng tôi đành về quê bán hàng tạp hóa giúp mẹ vì không trụ nổi ở thủ đô" - Trang cho biết. Cũng rơi vào tình cảnh khó khăn như Trang, Lê Thị Huyền (ngụ huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa), tốt nghiệp Học viện Ngân hàng với tấm bằng loại khá nhưng lại đang làm thu ngân cho một quầy tạp hóa để kiếm tiền nuôi sống bản thân và... chờ thời.
Ông Trần Phi Hùng (thị xã Châu Đốc - An Giang) buồn bã với tấm bằng ĐH của con gái ông- chị Trần Thị Mỹ Hạnh- cử nhân quản trị kinh doanh đang thất nghiệp. Ảnh: Thốt Nốt
Nỗi thất vọng, tự ti cũng hiện rõ trên mặt Trần Thị Hoa (SN 1990, ngụ huyện Quế Sơn - Quảng Nam). Tốt nghiệp loại khá Trường ĐH Luật TPHCM, Hoa nộp hồ sơ xin việc vào VKSND tỉnh Quảng Nam, MTTQ TP Đà Nẵng và gõ cửa khắp các văn phòng luật sư ở Đà Nẵng nhưng tất cả đều trả lời đã đủ người. "Người ta tuyển dụng nhân sự khá dè dặt nên cơ hội cho những cử nhân như tụi em rất ít" - Hoa than thở. Hiện Hoa đang làm thêm cho một cơ sở chế biến thủy sản, mỗi ngày được 70.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống trong lúc chờ việc đúng chuyên ngành.
Tại tỉnh An Giang, nhiều gia đình lâm vào cảnh bi đát vì đã bán đất, vay nợ cho con học ĐH. Ông Trần Phi Hùng (ngụ xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc - An Giang) lôi từ trong tủ ra tấm bằng tốt nghiệp ĐH của cô con gái Trần Thị Mỹ Hạnh. Để cho con gái có đủ tiền lên TPHCM học, ông Hùng đã cầm cố 7 công đất ruộng. Bây giờ, túng bấn quá, vợ lại bệnh nặng trong khi con gái tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh từ năm 2011 nhưng nộp đơn xin việc vào cơ quan nào ở địa phương cũng đều bị từ chối. Một trường hợp đáng thương khác là em Nguyễn Kim Tiền, tốt nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp năm học 2008-2012. Gặp chúng tôi khi đang chạy bàn cho một quán cà phê tại TP Long Xuyên - An Giang, Tiền cho biết em từng làm công nhân cho một công ty giày da nhưng phải bỏ ngang vì không đáp ứng được yêu cầu. "Em rất lo vì trong quá trình đi học, em có làm đơn xin vay vốn. Nếu sau 3 năm ra trường mà không trả được nợ thì sẽ chịu lãi suất đến 120%" - Tiền nói.
Đó mới chỉ là một trong số ít những cử nhân thất nghiệp mà chúng tôi đã gặp bởi đa số đều rời bỏ địa phương, lên các TP lớn tìm việc. Nói như cử nhân Đỗ Xuân Tùng (huyện Quảng Xương - Thanh Hóa) thì ở quê "ê chề lắm" vì bố mẹ đã đầu tư cho bao nhiêu tiền ăn học, giờ chẳng lẽ ngồi chơi, ăn bám gia đình, lại bị hàng xóm dè bỉu.
Thạc sĩ cũng xất bất xang bang
Khi gặp Lê Huy V. (quê huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa), chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi vất vả, tủi hổ của những thạc sĩ thất nghiệp. Là sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), V. từng được cử đi thi Olympic Toán quốc gia và đoạt giải khuyến khích. Vậy mà ra trường từ năm 2008, V. mang hồ sơ đi khắp nơi nhưng không nơi nào nhận. Thất vọng, V. học lên cao học và hoàn thành chương trình vào năm 2011. Cũng từ đó đến nay, thạc sĩ V. phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ làm gia sư đến bán sim điện thoại. Mới đây, V. may mắn xin được vào dạy hợp đồng ngắn hạn cho một trường cấp 3 ở một huyện miền núi với mức thù lao ít ỏi, không có bảo hiểm, trợ cấp và điều quan trọng nhất là chẳng thấy tương lai.
V. tâm sự: "Nhà có 3 anh em, bố mất từ năm em học lớp 4. Thương mẹ, em luôn cố gắng học thật giỏi. Vậy mà đã 5 năm trôi qua, em vẫn chưa lo được cho mẹ một cái gì. Gia đình lại thuộc hộ nghèo, đi học, mẹ đều vay mượn hết, giờ còn trả chưa hết nợ".
Nhiều thạc sĩ do không tìm được công việc phù hợp đã chấp nhận ở nhà làm nội trợ. Trần Liên (quê huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa), tốt nghiệp ĐH, chờ dài cổ không xin được việc nên thi cao học. Xong chương trình, kể từ ngày có bằng thạc sĩ, Liên cũng không tài nào xin được việc. Trong lúc thất nghiệp, có người đến hỏi cưới, Liên đồng ý và nay ở nhà nuôi con. Một trường hợp khác là N.T.T (SN 1985, ngụ TP Đà Nẵng), lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành ngữ văn của ĐH Huế đã gần 2 năm nay nhưng vẫn sống nhờ vào bố mẹ. T. đã gõ cửa khắp các trường ĐH, CĐ ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để xin làm giảng viên nhưng chẳng nơi nào chịu nhận.
Nghệ An ngừng thu hút cử nhân khá, giỏi
Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An vừa thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy đến đầu năm 2013, có 11.569 người đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa tìm được việc làm. Trong đó có 1 thạc sĩ, 3.047 cử nhân ĐH, 4.042 người có trình độ CĐ. Ngày 26/12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn 9328/UBND-TH gửi Sở Nội vụ; các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị về việc tạm dừng thực hiện chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi.
Theo Thốt Nốt - Minh Tuấn - Bích Vân (Người lao động)
Có nên tăng thời gian đào tạo Sư phạm? Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng ĐH Trường Sư phạm TP.HCM) cho rằng, ngành Sư phạm cần được đào tạo trong 5 năm thay vì 4 năm như hiện nay. Cũng theo ông Hồng, hiện tại Bộ GD- ĐT vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên...