Đào tạo giáo viên, kiến thức thôi chưa đủ!
Hiện nay mức lương giáo viên vừa tốt nghiệp ĐH vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng trong khi sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng và cả phần học phí.
Bao giờ chế độ đãi ngộ của nhà giáo phản ánh đúng sức lao động với nghề, không bình quân cào bằng thì đó sẽ là lúc quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trở nên lỗi thời.
Cần quan tâm tương xứng đối với ngành sư phạm.
Quan tâm tới “đầu vào”
Từ ngày 15/11/2020, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Với nhiều gia đình, đây là một mức hỗ trợ “khủng”. Bởi trong bối cảnh các trường đại học đẩy mạnh tự chủ với mức học phí rậm rịch tăng từ vài triệu đến vài chục triệu một kỳ học thì việc sinh viên sư phạm đi học không những không mất tiền, còn được hỗ trợ có điều kiện tiền sinh hoạt hàng tháng thì quá là ưu đãi. Tuy chưa đủ sức hấp dẫn để mọi thí sinh đổ xô vào sư phạm song với những thay đổi tích cực về chính sách dành cho sinh viên sư phạm của Nghị định 116 chắc chắn đã và đang có những tác động tới người học.
Trên thực tế, thống kê của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, các thí sinh là thủ khoa cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đầu quân vào trường. Lý do không hẳn là vì những ưu đãi với ngành học này mà phần lớn xuất phát từ sự đam mê, yêu thích công việc này của các thí sinh.
Những chính sách tích cực nhằm khuyến khích học sinh giỏi chọn ngành sư phạm rõ ràng đem đến một góc nhìn khác đối với nghề nghiệp được ví là “cao quý nhất trong những nghề cao quý” này. Đó là sự coi trọng xứng đáng dành cho những người thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, đó mới là sự khởi đầu. Còn cả một hành trình dài trước mặt nếu muốn gắn bó với nghề.
Nhưng vẫn khó “đầu ra”
Video đang HOT
Theo phân tích của các chuyên gia, khó khăn sinh viên sư phạm phải đối mặt sau khi ra trường rất nhiều. Mà trước hết, đó là tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực được đào tạo.
Một lựa chọn được nhiều cử nhân cân nhắc đó là tìm kiếm cơ hội làm giáo viên hợp đồng ở một trường nào đó chờ đợt thi tuyển công chức. Nhưng chỉ tiêu chỉ có một mà hàng chục người “ngấp nghé”. Trong đó, có những giáo viên đã công tác trong ngành đến cả chục năm cạnh tranh với những cử nhân sư phạm vừa tốt nghiệp. Một bài toán thực sự khó giải với nhiều địa phương.
Ngay cả chính sách trải thảm đỏ cho các thủ khoa đang được áp dụng cũng cho thấy, trong khi nhiều ngành nghề vắng bóng các thủ khoa đầu quân thì với sinh viên sư phạm đây là một cơ hội tuyệt vời. Nhưng như phân tích của ông Hà Thanh Quốc- Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam thì tiêu chí của Nghị định 140 là quá cao khi áp dụng đối với ngành sư phạm. “Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc mỗi trường chỉ có vài người. Đó là chưa kể có thêm tiêu chí giải Ba học sinh giỏi tỉnh hay giải Khuyến khích quốc gia trở lên”- ông Quốc nhận xét.
Trong khi đó, tại Hà Nội, từ tháng 5/2020, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị bổ sung biên chế giáo viên tiểu học và THCS để tuyển dụng dứt điểm số giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015 của TP Hà Nội.
Qua rà soát của Sở Nội vụ, hiện có 2.028 trường hợp giáo viên hợp đồng đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách theo tinh thần công văn số 5387 ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ (mầm non 841, tiểu học 380, THCS 807). Tuy nhiên, câu chuyện đến nay vẫn chưa ngã ngũ và nhiều giáo viên hợp đồng đã không thể chờ đợi tiếp tục nên đã làm đơn xin nghỉ. Có trường hợp giáo viên 20 năm dạy hợp đồng cũng xin nghỉ, không thể chờ xét tuyển đặc cách vì quá mệt mỏi và áp lực…
Những ưu đãi đối với người học ngành sư phạm là chủ trương, quan điểm đúng đắn và rất cần phát huy. Nhưng cần hơn nữa là câu chuyện đầu ra của ngành sư phạm bao giờ rộng mở để những cử nhân sư phạm không phải xếp bằng ĐH lại để đi làm việc khác? Cung cầu bao giờ mới gặp nhau để sinh viên sư phạm không còn cảnh thất nghiệp hoặc dạy hợp đồng theo tiết, theo tháng, không có quyền lợi như giáo viên biên chế hoặc được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đó là chưa kể, nếu không được tuyển dụng vào ngành sư phạm, sinh viên sư phạm lấy tiền đâu mà bồi hoàn?
Hiện đã có Nghị định về việc UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của pháp luật để tuyển dụng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Như vậy, nếu các địa phương có sự phối hợp tốt với trường sư phạm về nhu cầu thực tế của địa phương để đặt hàng thì sẽ tạo ra những thuận lợi cho cả người học và sự chủ động trong tuyển dụng của địa phương. Ngân sách nhà nước sẽ không bị lãng phí, sinh viên ra trường không phải sống trong cảnh thất nghiệp và rơi vào cảnh phải bồi hoàn học phí và chi phí hỗ trợ.
Đãi ngộ cần tương xứng
Nhắc lại mức đãi ngộ hiện nay, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm- người sáng lập Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng lương giáo viên vừa tốt nghiệp ĐH vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này nếu sống ở thành phố với nhà cửa sẵn có thì cũng có thể “cầm cự” được. Nhưng nếu phải đi thuê nhà thì thực sự khó khăn.
“Bất cập về tiền lương, đãi ngộ cho giáo viên không thể giải quyết trong một sớm một chiều nhưng chắc chắn muốn hút người tài vào sư phạm, một trong những việc cần giải quyết đó là bài toán việc làm và cơ chế lương, thưởng”- ông Lâm nói.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng chỉ ra một thực tế là với mức hỗ trợ 36,3 triệu đồng/năm cùng mức học phí tạm tính khoảng 20 triệu đồng/năm thì trong 4 năm học, sinh viên sư phạm được hỗ trợ khoảng 225 triệu đồng. Với số tiền trên, ông Hồng cho rằng sinh viên nhiều ngành khác tốt nghiệp rồi đi làm có thể trả hết trong vòng 2 – 3 năm nhưng với sinh viên sư phạm tốt nghiệp đi dạy thì chừng đó thời gian chắc chắn không trả hết. Như vậy, thu nhập sau khi tốt nghiệp mới là yếu tố quyết định chứ không phải là hỗ trợ ban đầu.
Bộ GDĐT cho biết, thực hiện lộ trình xây dựng chính sách tiền lương mới theo nhiệm vụ Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân, cào bằng. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngoài được hưởng lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp theo ngành nghề, ưu đãi đặc thù cũng phải được bảo đảm.
Nghịch lý người 'quay lưng' người ao ước vào ĐH Sư phạm Hà Nội
Mặc dù một số học sinh 'quay lưng' với ngành sư phạm vì lo lắng tình trạng thừa giáo viên cục bộ, nhưng nhiều học sinh giỏi giành giải quốc gia, quốc tế lại muốn đầu quân vào ĐH Sư phạm. Vì sao vậy?
TS. Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Bí Thư Đoàn Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: "Hiện nay trường ĐH Sư phạm Hà Nội là cái nôi đào tạo giáo viên tất cả các môn học trong hệ thống các trường phổ thông, cán bộ giảng dạy các trường ĐH, CĐ.
Thế mạnh sinh viên sư phạm là các em được đào tạo cả hai mục tiêu trở thành thầy cô tương lai ở các cấp bậc và thành các nhà nghiên cứu, tạo nên những bản sắc của sinh viên sư phạm. Ngoài ra ĐH Sư phạm còn được biết đến là nơi đào tạo giáo viên chất lượng".
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có sức hút với học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế. (ảnh minh họa)
Trong nhiều năm qua trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhất là khoa Toán Tin "chiêu mộ" được nhiều thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, GS. TSKH Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán Tin - Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết, học sinh yêu thích toán và coi nó như niềm đam mê thì tất nhiên sẽ phải chọn trường ĐH dạy Toán đủ điều kiện để nâng bước các bạn trở thành người làm toán "tử tế".
"Ở Hà Nội hiện chỉ có 2 cơ sở đào tạo về Toán, trong đó có khoa Toán Tin ĐH Sư phạm và khoa Toán Tin của ĐH Quốc gia. Các trường khác không dạy Toán mà dạy ứng dụng Toán vào khoa học máy tính, tin học... Cho nên với học sinh giỏi toán muốn coi toán là nghề nghiệp thì chỉ có 1 trong 2 nơi tôi vừa kể.
Điều này lí giải được rằng vì sao khoa Toán Tin vẫn có sức hút với những học sinh giỏi quốc tế. Tôi là người đầu tiên giành giải quốc tế vào khoa Toán Tin trường ĐH Sư phạm. Đây cũng là niềm vui, niềm tự hào, chứng minh uy tín cũng như khả năng đào tạo nổi trội của ĐH Sư phạm Hà Nội được xã hội thừa nhận.
Chúng tôi tự thấy rằng trách nhiệm của mình là thỏa mãn ước mơ trở thành nhà nghiên cứu Toán của học sinh giỏi Toán".
Hiện nay đào tạo cử nhân sư phạm Toán tại trường ĐH Sư phạm có 2 hệ: Đào tạo bằng tiếng Việt và đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
"Nếu học hệ đào tạo bằng tiếng Anh, sau khi ra trường các em có khả năng giảng dạy môn toán hoàn toàn bằng tiếng Anh. Năm nay chúng tôi có khoảng 170 chỉ tiêu đào tạo toán bằng tiếng Việt và 50 chỉ tiêu đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhà trường tuyển thẳng 50% còn lại là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp.
Trong số những sinh viên được tuyển vào hệ cử nhân sư phạm Toán sẽ có kỳ thi chọn ra 15-20 sinh viên tài năng hay còn gọi là lớp chất lượng cao (CLC). Sinh viên lớp CLC có nhiều ưu thế và ưu đãi.
Sinh viên thường học 136 tín chỉ nhưng sinh viên lớp CLC học 146 tín chỉ, thêm một số môn học chuyên ngành Toán. Chương trình 2 bên về tên môn giống nhau nhưng chiều sâu của chương trình khác nhau một cách rõ rệt từ năm thứ nhất. Những giảng viên tốt nhất, học hàm GS hoặc PGS có các thành quả nghiên cứu khoa học mới được phân công giảng dạy lớp CLC.
Hiện nay, khoa Toán có quan hệ hợp tác quốc tế rất lớn nên nhận được học bổng của các trường ĐH hàng đầu thế giới về học thạc sĩ, tiến sĩ và tất nhiên các ứng viên được chọn từ các lớp CLC.
Cơ hội việc làm của sinh viên khoa Toán lớp CLC đa phần làm cán bộ giảng dạy của chính khoa, là lực lượng nòng cốt của Viện Toán học", GS. TSKH Đỗ Đức Thái cho hay.
Được biết, hiện nay trường ĐH Sư phạm Hà Nội có gần 40 ngành tuyển sinh, có 14 ngành ngoài sư phạm như Quản lý giáo dục, Tâm lý giáo dục, Công tác xã hội, Công nghệ thông tin,... Các ngành sư phạm như Toán, Văn, Lý, Sinh là những ngành đào tạo truyền thống.
"Sinh viên tốt nghiệp khoa Tâm lý giáo dục, Công tác xã hội có thể làm các công việc liên quan đến hỗ trợ tư vấn tâm lý về tâm lý học trường học. Đây là ngành đang thu hút sự quan tâm của mọi người khi ngày càng nhiều học sinh cần được hỗ trợ tư vấn các vấn đề tâm lý.
Công tác xã hội là ngành rất phát triển hiện nay, cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở liên quan đến công tác xã hội ở trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội. Xã hội đang có nhu cầu lớn về nhân lực ngành này", TS. Đinh Minh Hằng cho hay.
Thiếu nguồn tuyển, có nên hạ chuẩn đào tạo giáo viên? Thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, vừa qua, có địa phương đã đề xuất Bộ GD&ĐT hạ chuẩn đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, các trường sư phạm đều cho rằng tình trạng thiếu nguồn tuyển hiện nay không phải do chuẩn đào tạo cao hay thấp mà là do chính sách đãi ngộ chưa thu hút được nhân lực đến...