Đánh thuế 45% tài sản “bất minh”: Bộ trưởng Bộ Tư Pháp nói gì?
Trả lời chất vấn của các ĐBQH về vấn quy định đánh thuế 45% với tài sản “bất minh” của quan chức đang gây tranh cãi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ông là thành viên Chính phủ nên sẽ tuân theo ý kiến của Chính phủ.
Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn của các ĐBQH
Trả lời chất vấn của các ĐBQH tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sáng 19.3, về việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức vừa được bổ sung tại dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “ Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án luật khó. Tới bây giờ dự án Luật đã được xem xét trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau. Về phía Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định từ trước, sau này soạn thảo Luật Bộ cũng được mời tham gia.
Việc xử lý tài sản tham nhũng là vấn đề chúng ta đang thảo luận. Có ý kiến trình lên là tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc thì đánh thuế. Tôi là thành viên của Chính phủ thì tuân thủ ý kiến của Chính Phủ.
Song tôi xin có ý kiến bổ sung, theo công ước Liêp Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng thì những gì chứng minh được là ổn, không chứng minh được thì tịch thu, xử lý hình sự. Riêng Trung Quốc thì xử lý hình sự ngay.
Riêng Việt Nam làm ngay như thế không được. Nên quan điểm của Bộ là với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì tố tụng, đưa ra tòa xem xét, giống tài sản bị chiếm hữu không có căn cứ”.
Trước đó, trao đổi với Dân Việt về việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức, TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức.
Video đang HOT
“Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức”.
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cuối năm 2017 vừa qua, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen.
Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn vướng ngang, vướng dọc. Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện, thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần.
Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có “tài sản khủng” thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể”, TS. Lê Thanh Vân nói.
Cũng theo TS. Lê Thanh Vân, việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu.
Xét về bản chất, việc kê khai không trung thực có thể có hai khả năng: Khả năng thứ nhất, là người kê khai muốn che dấu thu nhập, tài sản để không làm gia tăng trong hồ sơ của mình, nhằm né tránh sự soi xét khi có cơ hội thăng tiến; hoặc cũng có thể thu nhập, tài sản ấy chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, hay chưa đóng thuế. Khả năng thứ hai là che dấu thu nhập, tài sản ấy vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật mà chưa bị phát hiện.
Rõ ràng, nếu có đủ căn cứ xác định bản chất của việc kê khai như trên, với khả năng thứ nhất thì việc truy thu thuế (chứ không nên đánh thuế như đề xuất 45%) là hoàn toàn đúng và có thể xử lý kỷ luật hành chính vì hành vi thiếu trung thực.
Khả năng thứ hai, việc đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.
Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn…) đều bị coi là đồng phạm.
Theo Danviet
Tháo gỡ "điểm gây tắc nghẽn" trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế
Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp sắp được Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ký kết kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ "điểm gây tắc nghẽn" trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: T.K)
Tại cuộc họp về dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp chiều qua (13/12), bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, nhiều vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp chưa được kịp thời thông tin, phối hợp giải quyết đã làm hạn chế hiệu quả hoạt động, chưa đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng nói chung, đặc biệt là hoạt động chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian vừa qua.
"Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; thậm chí còn bị cho là gây tắc nghẽn một số vụ án"- bà Yến nói.
Chính vì thế, Điều 6 dự thảo Quy chế quy định phối hợp trong công tác giám định tư pháp đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của mỗi cơ quan phối hợp.
Theo đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ ngành cơ quan tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định và tổ chức họp liên ngành giải quyết vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp. Chậm nhất là 5 ngày làm việc trước khi tổ chức họp liên ngành, cơ quan chủ trì phải gửi giấy mời, các tài liệu liên quan đến cơ quan nghiên cứu hoặc cử cán bộ tham gia.
Trường hợp các đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan phối hợp không thống nhất được hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp thì phải báo cáo ngay lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để thống nhất ý kiến.
Định kỳ 6 tháng và hằng năm, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao tổ chức họp giao ban lãnh đạo để thông tin, trao đổi và thống nhất ý kiến về các vấn đề giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.
VKSND Tối cao chỉ đạo thực hiện việc thống kê về giám định tư pháp trong giai đoạn truy tố vụ án hình sự trong hệ thống viện kiểm sát các cấp và chịu trách nhiệm đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao trên phạm vi toàn quốc và cung cấp cho Bộ Tư pháp phục vụ quản lý giám định tư pháp.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định yêu cầu giám định tư pháp hiện nay rất lớn nhưng ngân sách và thiết bị phục vụ công tác giám định hết sức khó khăn.
"Tới đây có những vụ án triển khai chưa biết biện pháp kết luận giám định bằng cách nào. Có những vụ án chúng tôi trưng cầu giám định 3 tháng rưỡi mới có trả lời"- ông Ngọc dẫn ra khó khăn.
Trước những góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, VKSND Tối cao, bà Đỗ Hoàng Yến hứa sẽ tiến hành rà soát lại dự thảo quy chế này. "Hiện nay đang thiếu quy trình, quy chuẩn nhưng quy trình, quy chuẩn trong các lĩnh vực như xây dựng, tài chính, ngân hàng, y tế, công thương, thuế, dược, tài nguyên- môi trường là không có. Các cơ quan thiếu quy trình, quy chuẩn không nằm trong phạm vi của quy chế này. Quy chế này không giải quyết được tất cả các vấn đề, chỉ tập trung vào một số thôi"- bà Yến lý giải.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị rà soát toàn bộ quy chế một cách kỹ lưỡng để tránh sự trùng lắp với các thông tư do các bộ ngành đang làm. "Cố gắng để ký thông qua quy chế này vào cuối tháng 12/2017 hoặc đầu tháng 1/2018 thì rất tốt để giải quyết công việc"- ông Long nhấn mạnh.
Thế Kha
Theo Dantri
Người bị oan sai có yêu cầu mới được xin lỗi là vô lý! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc VKSND Tối cao đặt ra vấn đề, khi phát hiện vụ việc oan sai, công khai xin lỗi là trách nhiệm phải làm, không thể phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Thủy - Vụ...