Danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới xoay chuyển sau gần 30 năm
Nhật Bản từng dẫn đầu danh sách 500 công ty có doanh thu lớn nhất thế giới, nhưng sau gần 30 năm, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.
Tesla được đưa vào danh sách Global 500 cách đây 3 năm, và đã vươn lên vị trí thứ 152, xếp trên 3/4 số doanh nghiệp Nhật Bản trong danh sách này. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 1995, khi tạp chí Fortune (Mỹ) lần đầu công bố danh sách thường niên Global 500 của thời hiện đại, xếp hạng 500 công ty lớn nhất thế giới theo doanh thu, công ty đứng đầu danh sách khi đó là Mitsubishi (Nhật Bản). Fortune cho biết, với 176 tỷ USD, doanh thu của Mitsubishi còn lớn hơn AT&T, Dupont, Citicorp và Procter & Gamble cộng lại.
Trong top 10 còn có 5 công ty khác của Nhật Bản, gồm Mitsui, Itochu, Sumitomo, Marubeni và Nissho Iwai (sau này là Sojitz). Nhật Bản là nước đóng góp nhiều đại diện thứ hai trong danh sách Global 500, với 149 công ty. Đứng đầu là Mỹ với 151. Dù vậy, các công ty Nhật Bản trong top 500 có tổng doanh thu lớn nhất thế giới, vượt cả Mỹ và châu Âu.
Nhưng sau 28 năm, tình hình trở nên hoàn toàn khác. Theo danh sách công bố đầu tháng này, Nhật Bản năm nay có 41 đại diện trong Global 500, thấp hơn nhiều Mỹ và Trung Quốc đại lục, với lần lượt 136 công ty và 135 công ty.
Các công ty Nhật Bản trong danh sách cũng chỉ có tổng doanh thu 2.800 tỷ USD năm ngoái, tương đương 6,8% toàn cầu. Tỷ lệ này của Mỹ là 31,8% và Trung Quốc là 27,5%.
Toyota Motor là công ty Nhật Bản lớn nhất trong danh sách, xếp thứ 19 với 274 tỷ USD doanh thu. Còn Mitsubishi đã lùi xuống vị trí 45 với 159 tỷ USD.
Video đang HOT
Fortune cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến Nhật Bản từ đất nước thống trị Global 500 cách đây gần 30 năm lại tụt dốc mạnh đến vậy. Đó là đồng yen yếu, ít công ty mang tính đột phá và sự nổi lên của Trung Quốc. Đây cũng chính là các thách thức mà kinh tế Nhật Bản nói chung đang phải đối mặt.
Năm 1995, Trung Quốc chỉ có ba đại diện vào top 500. Nhưng hiện tại, nước này đã có 135, thay thế rất nhiều đại diện Nhật Bản. Thậm chí, doanh nghiệp Trung Quốc hiện còn lấn sân nhiều lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản. Trong năm nay, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Một phần là do lĩnh vực xe điện bùng nổ, với các doanh nghiệp như hãng xe BYD và hãng pin Contemporary Amperex Technology.
Bên cạnh đó, đồng yen giảm 20% giá trị so với USD trong một năm qua, từ 112 yen/USD xuống 135 yen/USD, khiến doanh thu quy đổi sang USD của các công ty Nhật Bản cũng thấp hơn. Doanh thu của Toyota Motor năm 2022 sẽ tương đương 331 tỷ USD nếu quy đổi theo tỷ giá năm 2021, đưa công ty này vào top 10.
Vấn đề lớn hơn cả là kinh tế Nhật Bản đã trì trệ suốt thời gian dài, khiến cơ hội tăng trưởng cho các công ty lâu năm và các startup ngày càng ít. Thập kỷ qua, GDP Nhật Bản chỉ tăng 5,3%. Trong khi đó, Mỹ tăng 23% và Trung Quốc đại lục tăng 83%.
Nhà kinh tế tại Oxford Economics, Norihiro Yamaguchi, cho rằng các công ty Nhật Bản đã bỏ lỡ đợt bùng nổ công nghệ, nếu so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ hay Trung Quốc. Ông cho rằng nguyên nhân là ở nền văn hóa đầu tư thận trọng. Các công ty Nhật Bản có xu hướng tập trung cắt giảm chi phí/nhân sự, thay vì tăng doanh thu hoặc mở mảng kinh doanh mới.
Nhật Bản cũng chưa có công ty nào trong nhóm Big Tech, như Alphabet, Microsoft, Alibaba hay Tencent. Nhà nghiên cứu tại Chatham House, Vasuki Shastry, nhận thấy, không như Trung Quốc, Nhật Bản chưa chứng kiến sự trỗi dậy của lớp doanh nhân mới như Jack Ma của Alibaba hay Pony Ma của Tencent. Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân là “việc cải cách cấu trúc và kinh tế đình trệ không tạo ra được động cơ cho đột phá.
Ông Yamaguchi cho rằng một số công ty Nhật Bản đã ở trong danh sách của Fortune hàng chục năm, nhưng đại diện mới gần như vắng bóng. Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc có nhiều cái tên mới nổi. Tesla là một ví dụ. Hãng xe điện này được đưa vào danh sách Global 500 cách đây 3 năm, và đã vươn lên vị trí thứ 152, xếp trên 3/4 số doanh nghiệp Nhật Bản trong danh sách này.
Biến đổi khí hậu là cú sốc siêu lớn tiếp theo đối với kinh tế toàn cầu
Theo nhận định của tổ chức tư vấn Chatham House (Anh), biến đổi khí hậu là cú sốc tiếp theo đối với nền kinh tế toàn cầu và các thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh khi những bất lợi liên quan đến nắng nóng gây thiệt hại lớn.
Công nhân làm mát dưới trời nắng nóng ở Sevilla, Tây Ban Nha, ngày 17/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang Business Insider, Chatham House đã cảnh báo về một loạt thảm họa có thể xảy ra khi khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, lạm phát lương thực có thể tăng lên khi mùa màng thất bát do nhiệt độ cao hơn. Các bệnh phát triển mạnh trong môi trường nóng, như Ebola và bệnh thủy đậu, cũng có thể lây lan khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Các lĩnh vực phụ thuộc vào carbon cũng có thể sụp đổ khi các chính phủ thắt chặt quy định về lượng phát thải carbon. Những tác động đó có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế thông qua các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Báo cáo của Chatham House cho biết đầu tư bất động sản ở những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, như Miami ở Mỹ, Thượng Hải ở Trung Quốc và Amsterdam ở Hà Lan, cũng có thể bị ảnh hưởng và một số hoạt động thị trường có thể bị đóng cửa ở những khu vực này.
Điều đó đã xảy ra trong thị trường bảo hiểm, khi công ty State Farm và Allstate gần đây đã quyết định ngừng bán hợp đồng bảo hiểm tài sản và thương vong cho khách hàng mới ở California (Mỹ), một phần do thiên tai.
Ông Creon Butler, Giám đốc chương trình tài chính và kinh tế toàn cầu của Chatham House, cho biết: "Diễn biến của biến đổi khí hậu tùy theo quá trình giảm phát thải toàn cầu hiện nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như các đợt nắng nóng chưa từng có mà Nam Âu, Mỹ và Trung Quốc phải hứng chịu trong tuần này, sẽ trở nên thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn. Hậu quả kinh tế và tài chính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng rất rõ ràng, đặc biệt là do chi tiêu để thích ứng với những gì sắp xảy ra đang thiếu nghiêm trọng".
Theo ông Butler, điều đó có thể chưa được tính tới vào lúc này vì quan điểm quá lạc quan cho rằng công nghệ sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng nóng lên toàn cầu. Hơn nữa, các thị trường có xu hướng quan tâm tới các vấn đề cấp bách hơn như lạm phát so với các vấn đề phức tạp và dài hạn như biến đổi khí hậu.
Cháy rừng tại Loutraki, Hy Lạp, ngày 17/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Tổ chức Chatham House dự báo các thị trường có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh mạnh do biến đổi khí hậu trong vòng 5 năm tới.
Ông Butler cho biết: "Bất kể lý do nào giúp thị trường bình tĩnh trước rủi ro khí hậu như hiện nay, thì khả năng điều chỉnh mạnh ngày càng có thể xảy ra. Càng trì hoãn lâu, khả năng xảy ra càng rõ nét và càng có nhiều tác nhân tiềm ẩn xuất hiện. Không còn có thể tranh cãi rằng đây là những điều rất không chắc chắn hoặc xa vời. Trong nhiều trường hợp, có những điều hiện nay là không thể tránh khỏi, ngay cả khi các chính sách giảm thiểu thiệt hại được đẩy nhanh một cách triệt để".
Các chuyên gia khác cũng từng cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa siêu lớn - một phần của nhóm các tác nhân đang kéo chậm nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, ngày 25/7, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã đưa ra đánh giá, rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong tháng 7 này.
Khách du lịch thăm quan Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trong thời tiết nắng nóng gay gắt, ngày 8/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Từ đầu tháng 7 đến nay, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân ở nhiều nước trên thế giới. Nền nhiệt ở Trung Quốc, Mỹ và Nam Âu đã phá vỡ mức kỷ lục, gây ra nhiều vụ cháy rừng, thiếu thốn nước sinh hoạt và gia tăng trường hợp nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Theo nhóm nhà khoa học thuộc World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, những hiện tường thời tiết trên sẽ "hiếm khi xảy ra" nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tại buổi họp báo, nhà khoa học Izidine Pinto của Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan, một trong số các tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: "Nhiệt độ tại châu Âu và Bắc Mỹ sẽ không thể cao như vậy nếu không do tác động của biến đổi khí hậu".
Các nhà khoa học ước tính sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tăng thêm lần lượt là 2,5 độ C, 2 độ C và 1 độ C. Ngoài những tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nắng nóng đã gây thiệt hại quy mô lớn đối với mùa màng và chăn nuôi, trong đó phải kể đến các vụ mùa ngô và đậu nành ở Mỹ, chăn nuôi gia súc ở Mexico, sản lượng thu hoạch dầu oliu ở Nam Âu và vụ mùa bông ở Trung Quốc.
Chuyên gia ADB: Tiêu dùng dè dặt kìm hãm đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc Theo ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thái độ thận trọng của người tiêu dùng Trung Quốc là một yếu tố đang kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 10/7/2023. Ảnh:...