Đánh giá Xiaomi Mi Note 10 Lite: cắt giảm camera nhưng không mất đi sự hấp dẫn
Camera là thứ gần như bị cắt giảm duy nhất đáng chú ý trên Mi Note 10 Lite nhưng như vậy là chưa đủ để khiến chiếc máy này không còn sự hấp dẫn.
Chúng ta vẫn có một chiếc máy đẹp, hiệu năng tốt và mức giá giảm cũng xứng đáng
Mi Note 10 là điện thoại đầu tiên được ra mắt với camera 108MP, điều này đem đến tiếng vang lớn cho dòng máy này ở thời điểm ra mắt vì vậy mỗi khi nhắc đến Mi Note 10 bạn sẽ liên tưởng tới một hệ thống camera rất chất lượng, đứng thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của DxOMark, nhưng giá bán của Mi Note 10 ở thời điểm này vẫn khá cao, có thể coi là cận cao cấp với những mẫu như Mi 10 hay Mi 10 Pro. Điều này sẽ ngăn cản những người dùng muốn tìm một chiếc máy vẫn có sự cao cấp ở mức giá tầm trung nên Xiaomi đã ra mắt phiên bản Mi Note 10 Lite. Đây là minh chứng cho việc Mi Note 10 không chỉ có mỗi hệ thống camera tốt mà những trang bị khác cũng tuyệt vời.
Thiết kế
Về thiết kế, rõ ràng Mi Note 10 Lite gần như giống Mi Note 10 hoàn toàn, đặc biệt là ở mặt trước với màn hình giọt nước, ở thời điểm ra mắt, màn hình giọt nước vẫn chưa phải thiết kế quá lỗi thời nên cũng có thể chấp nhận được. Máy vẫn có màn hình cong tràn 2 cạnh, đây là trang bị mà những mẫu máy tầm trung khác sẽ ao ước bởi chúng hầu hết chỉ có màn 2.5D. Nhưng trang bị này cũng sẽ khiến nhiều người không thích do dễ bị chạm nhầm, đặc biệt khi xoay ngang xem video, không ít lần mình bị chạm nhầm và thành ra tua nhanh video.
Việc cầm nắm màn hình cong cũng rất khó khăn nhưng bù lại phải công nhận màn hình cong vẫn mang lại vẻ đẹp tuyệt đối cho Mi Note 10 Lite. Mặt sau có sự thay đổi về camera nên cách bố trí ống kính cũng làm lại, không còn một ống kính nằm hẳn ra ngoài như Mi Note 10 nữa mà gom chung vào 1 cụm duy nhất, vẫn có sự hầm hố ở đây. Cách hoàn thiện mặt lưng y hệt Mi Note 10 nên không có gì phải nói về độ bóng bẩy nữa, cả 2 mặt đều bảo vệ bởi kính Gorilla Glass 5.
Một thứ mà hầu hết những smartphone khác đã loại bỏ đó là cổng hồng ngoại để điều khiển chung nhiều thiết bị trong nhà vẫn có trên Mi Note 10 Lite, một trang bị rất đáng giá trong thời kì smarthome như thế này.
Mi Note 10 Lite có kích thước 157,8 x 74,2 x 9,7mm, hoàn toàn giống với Mi Note 10 nhưng nhẹ hơn 4g, ở mức 204g, máy cầm khá nặng, tương đương iPhone 11.
Màn hình
Lite là một bản sao của Mi Note 10 nên có cùng màn hình AMOLED 6,47 inch đẹp mắt, viền màn hình cũng không bị dày hơn. Chất lượng hiển thị giữ nguyên với độ chân thực cao, độ sáng cao nhất là 600 nit kèm hơn Mi 10 (850 nit) nhưng hiển thị vẫn rất ổn. deltaE (độ lệch màu) trung bình là 1.6, khá đáng khen cho mẫu máy trong phân khúc này. Màn hình của Mi Note 10 Lite có khả năng hỗ trợ HDR10, đây cũng là một điểm cộng.
Màn hình này còn có cảm biến vân tay phía dưới, trải nghiệm khá quen thuộc, không có gì phải phàn nàn, nếu muốn tốc độ mở khóa nhanh hơn nữa bạn có thể chọn mở khóa bằng khuôn mặt. Đáng tiếc chúng ta không có màn hình tần số quét cao.
Một tính năng mình rất thích đó là Always On Display khi bạn có thể tùy chọn nhiều hình có sẵn khác nhau hoặc tự cài ảnh của mình hay thêm văn bản kèm theo ánh sáng viền đem tới sự cá nhân hóa cao, trải nghiệm sử dụng không bị nhàm chán.
Máy cũng có chế độ Dark Mode được cải thiện hơn so với Mi 10, từ hình nền, biểu tượng, phông chữ,… đều được làm hoàn thiện hơn. Mi Note 10 Lite được trang bị một loa đơn ở phía dưới, giống như Mi Note 10, chất lượng ở mức khá tương đương với Galaxy A71.
Camera
Hệ thống camera chính trên Mi Note 10 Lite đã bị rút gọn so với các đàn anh cao cấp. Cảm biến chính là 64MP thay vì 108MP, ống kính góc rộng hạ từ 20MP xuống 8MP, 2 camera còn lại được giữ nguyên là ống kính chụp xóa phông 5MP và chụp macro 2MP.
Giao diện camera và tính năng đều giống nhau, có chế độ chụp đêm, chụp 2x, chụp macro, quay video slow motion, AI, hiển thị vùng nét, … Điều này đem đến chất lượng ảnh chụp đủ sáng từ Mi Note 10 Lite thực sự tốt, ảnh rất chi tiết, độ nhiễu gần như không có, màu sắc chân thực và dải tương phản động khá rộng. Nếu muốn màu tươi hơn để đăng luôn lên mạng xã hội có thể bật AI.
Ảnh chụp góc rộng.
Chất lượng từ ống kính 64MP cũng rất tốt, khi zoom lên vẫn thấy rõ chi tiết, cắt giảm gần một nửa độ phân giải dường như không phải vấn đề khi sự khác biệt là không nhiều hơn nữa dung lượng ảnh lại được giảm đáng kể, khoảng 30MB cho một bức ảnh.
Mi Note 10 Lite có thể không có camera tele nhưng vẫn có tùy chọn chụp 2x kỹ thuật số đi kèm với ống kính góc rộng như vậy là bạn đã có đủ combo cơ bản để đi du lịch. Ảnh chụp góc rộng có độ phân giải tương đối thấp nhưng chi tiết đều ổn và màu sắc ấm hơn một chút so với camera chính.
Chuyển sang chụp thiếu sáng, đây là điểm yếu của Mi Note 10 Lite, hình ảnh thường bị nhòe, không rõ chi tiết, nhiều nhiều mặc dù màu sắc vẫn nên dành một lời khen. Chế độ ban đêm giúp kéo lại một chút chi tiết, nhiễu hạt và kiểm soát vùng sáng tốt hơn. Máy không có chế độ ban đêm dành cho camera góc rộng.
Chế độ chân dung hoạt động khá tốt trên Mi Note 10 Lite, phát hiện chủ thể chính xác, màu da lên đẹp. Ngoài ra ngay trong phần chỉnh sửa có tính năng tự động chỉnh lại dành cho những ai lười hậu kỳ.
Ảnh macro chỉ 2MP nên chất lượng không quá cao.
Mi Note 10 Lite quay video lên tới 4K ở tốc độ 30 khung hình / giây với camera chính và 1080p ở tốc độ 30 khung hình / giây với góc rộng. Chất lượng video cao, clip 4K (bitrate 42Mbps) rất chi tiết và màu nhìn rất tự nhiên nhưng có hiện tượng nháy khung hình, điều này có thể khắc phục bằng cách giảm độ phân giải xuống.
Hiệu năng
Cấu hình không bị thay đổi ngoại trừ từng phiên bản bộ nhớ có thể khác nhau, phiên bản thử nghiệm ở đây có Snapdragon 730G, 6GB RAM (giống như Mi Note 10). Trong bài kiểm tra GeekBench 5.1 (lõi đơn), Note 10 Lite nằm dưới Galaxy A71 và trên Redmi Note 8 Pro, GeekBench 5.1 (đa lõi) thì dưới Mi 9T và trên Redmi K30. Với điểm AnTuTu, Mi Note 10 Lite nằm dưới Redmi Note 9S và trên Oppo Reno3 Pro.
Mi Note 10 Lite không gây ấn tượng ở hiệu năng nhưng máy vẫn có thể chơi ổn những tựa game nặng ở mức setting hợp lý, điểm cộng là nhiệt độ rất mát mẻ khi chơi.
Thời lượng pin
Mi Note 10 Lite có pin 5.260mAh, dung lượng tương đương với Mi Note 10 trong khi những đối thủ như Galaxy A71 có pin 4.500mAh, Realme 6 Pro chỉ là 4.300mAh. Mi Note 10 Lite có thể lướt web liên tục trong hơn 12 giờ, xem video 21 giờ liên tục, đây đều là những con số rất ấn tượng, minh chứng cho việc bạn có thể sử dụng chiếc máy này lên tới 2 ngày.
Hơn nữa, với củ sạc 30W đi kèm nên máy chỉ mất 1 giờ 14 phút để sạc đầy, 30 phút máy đã có 53%, điều này rất quan trọng với những smartphone pin lớn. Một điểm cần lưu ý đó là máy không hỗ trợ sạc không dây.
Kết luận
Ưu điểm
Màn hình AMOLED sáng, kích thước lớn, hỗ trợ HDR10, màu sắc chân thực.
Thời lượng pin tuyệt vời, sạc nhanh.
Chất lượng chụp hình đẩy đủ áng sáng tốt, chống rung video tuyệt vời.
MIUI với những tính năng cá nhân hóa hay ho, cập nhật nhanh.
Vẫn có cổng âm thanh 3.5mm và cổng hồng ngoại.
Nhược điểm
Không có camera tele.
Ảnh chụp thiếu sáng chất lượng giảm đáng kể.
Camera selfie không quá xuất sắc, nhất là về khả năng làm đẹp.
Không có khe cắm microSD.
Đánh giá chi tiết camera Xiaomi Mi 10 Pro, soán ngôi đầu bảng DXOMark từ Huawei
Với việc vượt qua các bài test của DXOMark cùng điểm số ấn tượng, Xiaomi Mi 10 Pro đã chính thức là thiết bị di động đầu bảng trong hạng mục camera cho tới thời điểm hiện tại.
Xiaomi vừa qua đã giới thiệu ra với thế giới chiếc chiếc điện thoại cao cấp nhất của mình là Mi 10 Pro. Chiếc máy này được trang bị các thông số kỹ thuật cao cấp nhất hiện nay bao gồm chipset Snapdragon 865 mới của Qualcomm, màn hình 6,67 inch với độ phân giải FHD , 12GB Ram. Thông số về máy ảnh của chiếc flagship từ Xiaomi khá giống với Mi CC9 Pro ra mắt năm ngoái bao gồm:
- Camera chính: 108MP với cảm biến 1/1.33-inch, tiêu cự 25mm, f/1.69, chống rung OIS
- Camera tele tiêu cự 50mm: 12MP, f/2
- Camera tele tiêu cự 94mm: 8MP, f/2, chống rung OIS
- Camera góc siêu rộng: 20MP, 16mm, f/2.2
Và mới đây, các chuyên gia từ DXOMark đã có cơ hội trải nghiệm và đưa ra các đánh giá về chất lượng của cụm camera trên Mi 10 Pro qua 1600 bức ảnh chụp được và hơn 2 giờ quay video trong nhiều môi trường khác nhau.
Đánh giá tổng quát
Xiaomi Mi 10 Pro đã đạt được điểm số rất ấn tượng với 124 điểm, điều này khiến nó trở thành chiếc máy dẫn đầu trong bảng xếp hạng chất lượng ảnh trên camera điện thoại của DXOMark. Nhờ con chip Snapdragon 865 mới mạnh mẽ hơn mà hiệu năng quay video trên thiết bị cũng cho ra kết quả khá nổi bật với 104 điểm.
Khả năng chụp ảnh
Xiaomi đã cải thiện được dải nhạy sáng khá nhiều so với các thiết bị trước đây vì vậy mà khả năng xử lý ảnh có độ tương phản cao và xử lý HDR rất tốt trong những điều kiện ánh sáng khắc nghiệt. Kết quả có thể thấy được trong hình ảnh bên trên, Mi 10 Pro cho thấy dải nhạy sáng tốt hơn so với Mate 30 Pro 5G và iPhone 11 Pro Max, đặc biệt là ở vùng ánh sáng gắt trong khung hình Mi 10 Pro đã xử lý rất tốt và có độ chi tiết rõ rệt hơn.
Với ảnh chụp trong môi trường thuận lợi, Mi 10 Pro xử lý cân bằng trắng rất tốt, Huawei Mate 30 Pro 5G cho màu sắc rực hơn còn iPhone 11 Pro Max thì màu sắc cho ra tự nhiên.
Ảnh phía trên có thể thấy rằng Mi 10 Pro đã dễ dàng ghi điểm với khả năng lấy lại chi tiết xuất sắc và tái tạo được vùng tối rất tốt. So với CC9 Pro Premium Edition thì có thể thấy được sự khác biệt. Trong các điều kiện ánh sáng yếu này, Mi 10 Pro xử lý tương phản thấp tốt nhất.
Thử với điều kiện chụp trong nhà, Mi 10 Pro xử lý noise rất ổn, khi crop lên vẫn giữ được nhiều chi tiết.
Qua các thử nghiệm, DXOMark thấy rằng khả năng lấy nét của Mi 10 Pro tương tự như CC9 Pro Premium Edition, lấy nét luôn chính xác và nhanh chóng.
Ống kính góc rộng của Mi 10 Pro với tiêu cự 16mm rất phù hợp với chụp ảnh phong cảnh và kiến trúc. Tiêu cự này tương đương với iPhone 11 Pro Max, rộng hơn so với Huawei Mate 30 Pro. Chất lượng hình ảnh thể hiện từ ống kính này rất tốt, với độ chi tiết cao và dải nhạy sáng rộng thì DXOMark đã đánh giá đây là camera góc rộng tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Giống như CC9 Pro Premium Edition, Mi 10 Pro đi kèm với cụm camera zoom kép, nhưng hiệu suất đã được cải thiện hơn nữa. Ảnh cho ra có độ chi tiết tốt hơn so với người tiền nhiệm, cân bằng trắng cũng khá chính xác.
Ảnh chụp chân dung Mi 10 Pro khá ổn, tuy nhiên viền tóc vẫn chưa xử lý được hiệu quả cũng như độ tương phản hơi mạnh khiến cho màu da người thể hiện chưa thực sự chính xác.
Chụp đêm lại là một điểm mạnh vượt trội nữa của Mi 10 Pro, hình ảnh cho ra đủ sáng nhưng vẫn giữ lại được chi tiết tốt và xử lý noise hiệu quả. Điều này lại giúp Xiaomi đứng đầu trong hạng mục chụp đêm cho đến thời điểm hiện tại. Tuy vậy nhưng DXOMark cũng phát hiện ra một số sai lệch trong ảnh do bị đẩy độ tương phản lên khiến màu sắc một số vùng bị thay đổi không chính xác.
Khả năng quay video
Ở hạng mục quay video, Xiaomi Mi 10 Pro là thiết bị xếp hạng cao nhất. Chế độ quay 4K thậm chí còn tốt hơn so với CC9 Pro Premium Edition, với độ chi tiết được cải thiện và chống rung hiệu quả hơn khá rõ rệt. Màu sắc cho ra cũng dễ chịu và tương phản tốt trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Bên cạnh đó, hệ thống lấy nét cũng làm việc hiệu quả, chính xác và nhanh chóng.
Tổng kết
Qua những bài thử nghiệm từ Mi 10 Pro mà Xiaomi đã củng cố lại danh tiếng của hãng trong hạng mục camera di động sau màn trình diễn xuất sắc của Mi CC9 Pro Premium Edition vào cuối năm ngoái. Nhờ sự kết hợp giữa những tinh chỉnh trong thuật toán và được tăng cường bởi bộ xử lý Snapdragon 865 mà hiệu suất của camera được cải thiện khá rõ rệt. Điều này cũng đã khiến các chuyên gia từ DXOMark phải thừa nhận rằng đây là lựa chọn hàng đầu cho bất kỳ người đam mê chụp ảnh hoặc quay phim di động nào.
Theo FPT Shop
Camera chiến: So sánh smartphone quay video 8K với máy quay phim Hollywood chuyên nghiệp 10 năm tuổi Hai chiếc smartphone được sử dụng trong bài test là Galaxy S20 Ultra và Xiaomi Mi 10 Pro. Khả năng quay video trên smartphone trong một vài năm trở lại đây đã ngày càng trở nên "bá đạo" hơn. Khi mà các tính năng trên camera phone đang dần trở nên bão hòa thì cuộc đua về "số chấm" cũng đã quay trở...