Đánh giá sức mạnh quân sự Triều Tiên
Nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể sử dụng pháo, rocket để tấn công thủ đô Seoul của Hàn Quốc cùng khoảng 26.000 quân Mỹ tại đó. Nhật Bản cũng nằm gọn trong tầm bắn tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên.
Triều Tiên từng thực hiện cuộc tấn công chiếm ưu thế tuyệt đối xuống phía nam cách đây 60 năm và liên tục đe dọa tấn công Hàn Quốc trong những ngày gần đây. Nhưng liệu ngày nay Triều Tiên có còn ưu thế quân sự như xưa?
Theo giới chuyên gia, quân đội Triều Tiên suy yếu do kinh tế yếu kém, thiếu hụt nhiên liệu kinh niên. Không có sự hỗ trợ của Liên Xô, Triều Tiên không không còn phụ tùng cho các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Rút cục, Triều Tiên không phải là đối thủ của Mỹ và Hàn Quốc – bộ đôi liên minh có vũ khí và không lực vượt trội.
Nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí truyền thống như pháo, rocket để tấn công thủ đô Seoul của Hàn Quốc cùng khoảng 26.000 quân Mỹ đồn trú tại đó. Nhật Bản cách đó chưa đầy 1.000 km cũng nằm gọn trong tầm bắn tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên.
Đáng lo ngại hơn là kho tên lửa tầm xa Scud, vũ khí hóa học và sinh học của Triều Tiên. Các tác nhân hóa học có thể được bắn đi từ pháo tầm xa, dàn phóng đa rocket, tên lửa đạn đạo, máy bay và tàu chiến. Bình Nhưỡng được cho là đang sở hữu vi khuẩn bệnh than, khí độc sarin, phosgene…
Ngoài ra, Triều Tiên có ít nhất hai quả bom hạt nhân, theo tình báo Mỹ. “Đó chỉ là con số ước tính khiêm tốn. Họ có đủ nguyên liệu để tạo ra ít nhất hai quả bom, và có lẽ là bốn quả”, nhà phân tích quân sự Mỹ Anthony Cordesman nói.
Nhiều vũ khí truyền thống
Về con số đơn thuần, quân đội Triều Tiên trông rất hùng mạnh, lớn hơn nhiều so với Hàn Quốc cả về nhân sự và thiết bị. Triều Tiên có 1,2 triệu quân (không tính 7,7 triệu quân dự bị), so với con số 640.000 của Hàn Quốc.
Ngày 8/3, thăm đơn vị quân đội Triều Tiên trên đảo Jangjae, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dùng ống nhòm nhìn về lãnh thổ Hàn Quốc. (Nguồn: KCNA)
Tuy nhiên, năng lực của Triều Tiên không thật sự nằm ở số lượng, vì nước này đã bỏ rơi vũ khí, khí tài truyền thống do thiếu tài nguyên. Thay vào đó, Bình Nhưỡng tập trung phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, theo các chuyên gia.
“Quân sự truyền thống rất tốn kém đối với Triều Tiên, nhanh chóng trở thành một trận chiến tiền bạc mà nước này không thể chiến thắng”, ông Shin In-kyun, Giám đốc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, một liên minh các chuyên gia quốc phòng có trụ sở ở Seoul, nhận định.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tuyên bố về chính sách quốc phòng của Hàn Quốc hồi tháng 12/2012 có đoạn: Lực lượng pháo binh tiền tuyến của Triều Tiên có thể bắn “bất ngờ với quy mô lớn” nhằm vào Seoul, cách khu phi quân sự phân cách hai miền chỉ có 50km.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên có khoảng 12.000 khẩu pháo, trong đó nhiều khẩu được bố trí gần biên giới. Nước này có ít nhất 1.000 quả tên lửa các loại, trong đó có nhiều tên lửa tầm trung, một số có thể bay xa hơn 3.000 km, tới cả lãnh thổ Guam và vùng Alaska thuộc Mỹ. Tên lửa Musudan của Triều Tiên có tầm bắn 3.000-4.000km, còn tên lửa Taepodong-2 có tầm bắn 6.000km.
Năng lực tàu ngầm của Triều Tiên cũng đáng kể, với số lượng ước tính 92 chiếc. Năm 2020, một tàu ngầm của Triều Tiên được cho là đã bắn ngư lôi đánh đắm chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên phủ nhận cáo buộc nước này đứng đằng sau vụ tấn công chết người này.
Cùng năm 2010, Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm bốn binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Một chuyên gia quân sự nói rằng, Triều Tiên có thể cẩn thận hơn trước khi lại tấn công như vậy, vì Hàn Quốc đã thề đáp trả mạnh mẽ nếu lại có tình huống tương tự.
Tấn công kiểu khó hiểu
“Xét về mặt thực tế, mối đe dọa lớn nhất đến từ Triều Tiên là loại tấn công gây hỗn độn đến mức tối đa ở Hàn Quốc, nhưng loại tấn công này khó truy được ai là chủ mưu nên khó trả đũa Bình Nhưỡng ngay lập tức”, tướng lục quân đã nghỉ hưu Song Young-keun, từng lãnh đạo lực lượng tình báo quân đội Hàn Quốc, nhận định.
Binh sĩ Triều Tiên tập trận cuối tháng 3. (Nguồn: AFP)
Tấn công vào mạng máy tính hoặc hệ thống liên lạc và dịch vụ hạ tầng thiết yếu ở Hàn Quốc có thể đem lại hiệu quả tương tự hành động quân sự trên chiến trường”, ông Song nói.
Theo các nhà phân tích, trừ pháo và tên lửa, ở những hạng mục khác, Triều Tiên xếp sau Hàn Quốc. Nhiều binh sĩ Triều Tiên được huấn luyện sơ sài, phải lao động cực nhọc để có đủ nguồn lực cho đơn vị mình.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, không quân Triều Tiên có hơn 820 máy bay chiến đấu phản lực, nhưng không có đủ nhiên liệu để bay xa hoặc tiến hành các cuộc tập trận cần thiết để duy trì tính hiệu quả trong chiến đấu. Hàn Quốc có 460 máy bay phản lực.
Theo Seoul, Triều Tiên có 4.200 xe tăng, còn Hàn Quốc chỉ có 2.400 xe tăng, nhưng thuộc loại hiện đại hơn và được bảo dưỡng tốt hơn. Về năng lực vũ khí hạt nhân, các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên phải mất vài năm nữa mới đủ tấn công đất liền Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân.
Lực lượng rocket Triều Tiên diễn tập. (Nguồn: KCNA)
Cốt lõi quân sự phi truyền thống của Triều Tiên là kho nguyên liệu đủ để chế tạo 6-8 vũ khí hạt nhân và 2.500-5.000 tấn vũ khí hóa học và sinh học có thể quét sạch một thành phố công nghiệp cỡ trung bình, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Triều Tiên tuyên bố đã phát triển vũ khí hạt nhân có kích thước nhỏ gọn (để có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa), trong khi việc phóng tên lửa tầm xa Unha-3 hồi tháng 12/2012 chứng tỏ nước này đạt được tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa liên lục địa.
“Nhưng để một hệ thống vũ khí có thể hoạt động được, nó cần phải được sản xuất ra và được triển khai. Tôi nghĩ, Unha-3 chưa đạt đến mức ấy”, ông Shin In-kyun nói. Tướng về hưu Song Young-keun cũng cho rằng, Triều Tiên chưa làm được việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
Theo 24h
Đằng sau những lời đe dọa của Triều Tiên
Gần đây Triều Tiên liên tục đưa ra lời đe dọa tấn công. Chưa biết Triều Tiên sẽ tiến xa tới mức nào, nhưng những lời đe dọa hùng hồn đã thực sự khiến Mỹ và đồng minh lo ngại
Tung video mô phỏng quá trình nã tên lửa vào Nhà Trắng và tòa nhà quốc hội Mỹ, đe dọa sẽ tấn công căn cứ của Mỹ tại Thái Bình Dương, đơn phương rút khỏi hiệp định đình chiến khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao..., Triều Tiên liên tục đe dọa sau vụ phóng tên lửa tầm xa và vụ thử hạt nhân hồi tháng 2.
Vậy thực chất sau những lời đe dọa này là gì? Dưới đây là những điều Mỹ và các đồng minh đang phải cân nhắc:
Trò chơi nội bộ
Khá nhiều phân tích của Mỹ và Hàn Quốc cho rằng những hành động của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un là nhằm củng cố quyền lực.
"Trước tiên, những thứ đó là để khán giả trong nước xem", Jasper Kim, người sáng lập Nhóm nghiên cứu toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương tại Seoul, Hàn Quốc, nhận xét. "Vì nếu không có sự trợ giúp của quân đội, ông ta sẽ không thể tại vị lâu được".
Đó là nhiệm vụ khó khăn ở Triều Tiên, "nơi tuổi tác là vấn đề", khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là chỉ mới 29 tuổi.
Peter Hayes, giám đốc Viện nghiên cứu Nautilus có trụ sở ở San Francisco, nói rằng ngay trong nội bộ lãnh đại Triều Tiên cũng vẫn còn tranh cãi về tương lai trở thành cường quốc hạt nhân của đất nước, rằng Triều Tiên có thể trở thành "một nước hạt nhân được thừa nhận, được quyền chủ động trong các cuộc chơi hay không", Hayes nói.
Thông báo gần đây của Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ "cây thánh kiếm" hạt nhân khi Mỹ vẫn còn thù địch. "Đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẽ sẵn sàng từ bỏ bom hạt nhân trong những điều kiện chấp nhận được", Hayes nhận xét.
Một lính Triều Tiên đứng canh gác trước tên lửa Unha-3 trại Trung tâm vũ trụ Tangachai-ri hôm 8/4/2012. (Nguồn: CNN)
Từng đe dọa nhiều lần, nhưng lần này khác
Thông báo gần đây của lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên về cuộc tấn công vào Washington bằng vũ khí hạt nhân chính là "lời đe dọa chiến tranh trực tiếp", Jeffrey Lewis, giám đốc Đông Á của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin có trụ sở tại California (Mỹ), nhận xét.
Triều Tiên liên tục đe dọa tấn công sau vụ thử hạt nhân hôm 12/2 và gói thắt chặt trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Theo một số nhà phân tích, từ năm 1992 đến nay, Triều Tiên từng nhiều lần thách thức tấn công trong suốt 14 tuần mỗi khi tổng thống mới Hàn Quốc nhậm chức. Lần này, nữ Tổng thống Park Geun-hye vừa nhậm chức hôm 25/2, và "đồng hồ lại chạy", Victor Cha, giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á tại ĐH Georgetown University, nhận xét.
"Điều không bình thường là những hành động không thể đoán trước của thế hệ lãnh đạo mới, và chuỗi hành động khiêu khích xảy ra liên tiếp hơn bao giờ hết trong 20 năm qua", Victor Cha nói.
"Vì thế, đối với những người bình thường, có vẻ những đe dọa đó cũng chỉ là việc Triều Tiên mạnh miệng một lần nữa. Nhưng đối với những người phân tích kỹ hơn, điều đó cũng đáng lo ngại",
Mỹ đã lo lắng
Hầu hết các nhà quan sát đều nói rằng Bình Nhưỡng vẫn phải mất vài năm nữa mới đạt tới công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa. Dù các nhà khoa học Bình Nhưỡng phóng một vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng việc đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa và phóng tên lửa trúng đích phức tạp hơn nhiều, Hayes nhận xét.
Nhưng Lewis, chủ blog về kiểm soát vũ khí Arms Control Wonk, cho rằng Triều Tiên có lẽ đã cố "đốt cháy giai đoạn" bằng các vụ thử bom sớm và chế tạo đầu đạn đủ nhỏ để vừa với tên lửa. Điều đó giải thích tại sao 2 vụ phóng đầu tiên của nước này không thành công.
"Tôi nghĩ có thể họ đã có thiết kế đầu đạn hạt nhân có trọng lượng dưới 1.000kg - chưa đủ nhỏ để đưa lên tên lửa và phóng tới Mỹ, nhưng so với vài năm trước họ đã tiến gần mục đích hơn", Lewis nói.
Và dù Nhà Trắng không nói ra, Lewis cho rằng thông báo hôm 15/3 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai thêm hệ thống đánh chặn tên lửa tại Bờ Tây là tín hiệu Mỹ đề phòng tên lửa tầm xa mà Triều Tiên phô diễn trong năm 2012 là thật. Theo Lewis, thông báo của Lầu Năm Góc "chủ yếu để phô trương", nhưng cũng phản ánh lo lắng của Mỹ.
"Nếu bạn chi 1 tỷ USD để triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa, nghĩa là khoản tiền đó phải được chi đúng chỗ", Lewis nói.
Binh lính Triều Tiên diễu binh hôm 15/4/2012. (Nguồn: CNN)
Hạt nhân không phải mọi thứ
Ngoài hạt nhân, Triều Tiên còn có rất nhiều thiết bị quân sự truyền thống, như tên lửa đạn đạo tầm trung có thể vươn tới mục tiêu cách xa hàng trăm dặm, hàng ngàn súng thần công, bệ phóng tên lửa và xe tăng đang tập trung gần khu phi quân sự chia cắt 2 miền. Seoul hoàn toàn nằm trong tầm ngắn của những thiết bị này, và Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ biến thủ đô của miền nam thành "biển lửa".
Nếu Triều Tiên tấn công, hàng chục ngàn người dân ở Seoul sẽ thiệt mạng trước khi Hàn Quốc và Mỹ có thể đáp trả, Hayes nói. Nhưng điều đó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới - mang lại hậu quả nặng nề cho miền Bắc vốn nghèo nàn trong nhiều năm qua.
"Họ chỉ có thể áp ứng nhiên liệu sử dụng trong 30 ngày và không có khả năng tái nạp nhiên liệu. Vì thế, họ chỉ có thể thực hiện một cuộc chiến ngắn ngày trước khi trở nên trắng tay", Hayes nhận xét.
Bình Nhưỡng đang triển khai lực lượng sát khu vực phi quân sự "là bởi vì họ yếu", theo Hayes.
Ngoài ra, vẫn còn một số chiến trường khác ở đâu đó. Khi mạng internet của hàng nghìn máy tính của một số ngân hàng và đài truyền hình Hàn Quốc bị đánh sập hôm thứ 4 vừa qua, nhiều người nghĩ ngay đến thủ phạm là Triều Tiên. Hàn Quốc cáo buộc miền Bắc trước đây nhiều lần tấn công tin tặc, như vụ tấn công vào ngân hàng và cơ quan báo chí năm 2010 và 2012. Adam Segal, chuyên gia an ninh mạng đang làm việc cho Hội đồng ngoại giao của Mỹ, nói rằng vụ tấn công lần này giống các vụ trước đây.
Rồi sao?
Nhiều năm nay, Bình Nhưỡng vẫn muốn đạt được thỏa thuận cắt giảm hạt nhân và tên lửa để đối lấy trợ cấp kinh tế. Nhưng quá trình đàm phán tiến tới những thỏa thuận này thất bại khi Triều Tiên thực hiện thử hạt nhân và phóng tên lửa. Cuộc đàm phán 6 bên gồm Triều Tiên, các nước hàng xóm ở châu Á và Mỹ thất bại vào năm 2007. Nỗ lực phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng khiến Mỹ hủy kế hoạch đổi hàng trăm nghìn tấn lương thực lấy sự nhượng bộ của Triều Tiên.
"Tôi nghĩ vấn đề hiện nay là khó có thể khiến họ ngồi lại với nhau sau hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, nhất là trong quá trình áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc", Cha nói.
"Họ không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng họ cũng muốn ăn bánh. Và chính sách của Mỹ trong 1/4 thế kỷ qua là chỉ thương lượng nếu sẵn lòng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là mấu chốt, là điểm nghẽn của vấn đề".
Mỹ đang phối hợp với Hàn Quốc triển khai cuộc tập trận chung trong bối cảnh Triều Tiên liên tục đe dọa. Điều này làm gợi nhớ tới những ngày tồi tệ nhất trong thời Chiến tranh Lạnh, và theo Hayes, những đe dọa của Bình Nhưỡng là "khôn ngoan về mặt chiến thuật nhưng thật dở về chiến lược".
Cả Hayes và Lewis đều cho rằng Mỹ còn rất ít để mất trong việc tiếp tục với Triều Tiên.
"Chúng ta làm những điều có thể để phòng thủ, và nếu Triều Tiên muốn mặc cả, thì hãy chuẩn bị cho điều đó", Lewis nói.
Theo 24h
Mỹ: 1 năm nữa Iran chế được bom hạt nhân Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa trả lời với một kênh truyền hình Israel rằng Iran "chỉ còn khoảng 1 năm nữa" là chế tạo được vũ khí hạt nhân. Trong buổi phỏng vấn với Kênh 2, ông Obama từ chối nói về khả năng có hành động quân sự. Chương trình hạt nhân của Iran dự kiến sẽ là chủ đề chính...