Đánh giá Nexus 5: Máy siêu mượt, màn hình đẹp
Thiết kế không thực sự đẹp mắt nhưng độ mượt và sự ổn định khi chạy các ứng dụng của Nexus 5 xứng đáng xếp hàng đầu trong số các sản phẩm chạy Android hiện nay.
So với Nexus 4, chiếc Nexus thế hệ thứ 5 rõ ràng không tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ bằng. Tuy nhiên, nếu xét về trải nghiệm, đây xứng đáng là một trong những smartphone đáng lựa chọn nhất nếu bạn là tín đồ của hệ điều hành Android.
Trải nghiệm
Sau Nexus 7, Nexus 5 là sản phẩm cầm tay thứ 2 được Google tung ra thị trường trong năm nay. Điều đầu tiên người dùng có thể cảm nhận khi sử dụng sản phẩm này là nó mượt hơn bất cứ thiết bị chạy Android nào khác.
Ngoài các thao tác vuốt và trượt, tốc độ đóng/mở ứng dụng, lướt web hay truy cập game của máy đều nhanh hơn so với những smartphone Android được xem là bom tấn hiện nay. Có thể, do là một sản phẩm của Google nên dù cùng được tích hợp chip Snapdragon 800 và RAM 2 GB (giống nhiều smartphone cao cấp hiện nay), Nexus 5 có khả năng tối ưu hóa phần cứng tốt hơn so với đối thủ. Cũng có thể do sử dụng phiên bản Android gốc nhẹ nhàng hơn nên khả năng xử lý của máy ưu việt hơn. Một khả năng nữa chính là việc máy đang chạy hệ điều hành Android 4.4 KitKat – nền tảng được cho là tối ưu hóa phần cứng rất tốt.
Chất lượng màn hình là một điểm đáng khen tiếp theo của Nexus 5. Ngoài G2 của LG thì Nexus 5 gần như không có đối thủ nếu so sánh về chất lượng hiển thị. Tích hợp màn hình 4,95 inch Full HD, dùng tấm nền công nghệ in-cell của LG, có cảm giác như nội dung của máy hiển thị nổi hẳn trên bề mặt màn hình. Kết quả là, text hoặc icon trên máy hiển thị rõ nét và thật hơn, góc nhìn cũng gần như không bị biến màu ngay cả khi bạn nghiêng máy một góc rất lớn. Không những vậy, khả năng hiển thị ngoài trời của Nexus 5 cũng đặc biệt xuất sắc.
Video đang HOT
Nếu thường xuyên sử dụng smartphone như một thiết bị đa phương tiện (lướt web, xem phim, kiểm tra mail, đọc sách), chất lượng màn hình là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Về điểm này, Nexus 5 xứng đáng nhận điểm tuyệt đối. Tuy nhiên, có cảm giác như màn hình này vẫn chưa nổi bật bằng LG G2. Có thể, thiết kế viền màn hình siêu mỏng của G2 tạo hiệu ứng thị giác tốt hơn, giúp người dùng có cảm giác nội dung của máy nổi hơn.
Giao diện Android gốc
Không phải ai cũng thích giao diện Android gốc, bởi họ sẽ mất đi nhiều tùy biến, tinh chỉnh lý thú trên một chiếc smartphone cao cấp (chẳng hạn các tính năng Smart của Samsung hay Knock của LG G2).
Bù lại, người dùng sẽ có cơ hội trải nghiệm một giao diện đơn giản, dễ sử dụng và đặc biệt tối ưu cho các dịch vụ của Google (như Gmail, Google …). Giao diện Android 4.4 trên Nexus 5 cho cảm giác sạch, đơn giản và phẳng – hơi giống với iOS 7 của Apple. Kéo thanh thông báo xuống, bạn phải có thêm một thao tác nữa mới có thể truy cập vào hệ thống cài đặt nhanh của máy, bao gồm những tùy chỉnh cơ bản như độ sáng màn hình, Wi-Fi, vị trí, thời lượng pin hoặc profile trên Google .
Khi có thông báo mới, đèn màu đặt ở cạnh dưới (chính giữa, bên dưới màn hình) sẽ nhấp nháy rất dễ quan sát. Giống như một số sản phẩm Android gần đây, 3 nút điều hướng cảm ứng của máy bao gồm Home, Back và nút đa nhiệm cũng được đặt luôn bên trong màn hình. Có một điểm trừ là các icon trên Nexus 5 được thiết kế không thực sự đẹp mắt.
Thiết kế
Nexus 5 không phải là một sản phẩm xuất sắc về thiết kế. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của sản phẩm này chính là phần nắp lưng làm bằng một loại nhựa nhám khá độc đáo. Thiết kế này giúp máy không bám bẩn, không bám vân tay và hạn chế trơn trượt.
Model này có các cạnh bo tròn, tạo cảm giác hơi cong. Có vẻ như, từ thế hệ của Galaxy Nexus, các mẫu Nexus về sau sẽ càng thẳng hơn và khó cầm trên tay hơn. Nếu như Galaxy Nexus cho cảm giác rất dễ chịu khi cầm thì đến Nexus 5, cảm giác này không còn nữa. Các cạnh bên của máy được thiết kế vuông vức, tạo cảm giác cấn tay. Các nút bấm vật lý cũng được thiết kế không hợp lý khi nút nguồn/khóa màn hình được đặt gần sát trên đỉnh máy (cạnh phải) khiến người dùng rất khó để với tới khi đang sử dụng. Trong khi đó, nút tăng giảm âm lượng lại được đưa sang cạnh trái, dễ bấm nhưng lại không quen thuộc.
Cụm camera to và ít cách điệu cũng tạo cảm giác khá vô duyên cho mặt sau của máy. Trong khi đó, cổng kết nối microUSB của máy được thiết kế khá nhỏ. Người dùng sẽ gặp chút khó khăn khi cắm cáp vào máy qua cổng này.
Camera và thời lượng pin
Nhiều báo nước ngoài đánh giá đây là 2 yếu tố thảm họa của Nexus 5. Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn xấu như vậy.
Có vẻ như bản cập nhật Android 4.4.1 (bây giờ là 4.4.2) đã giúp khắc phục đáng kể chất lượng camera của Nexus 5. Camera này cho chất lượng ảnh khá tốt (so với các sản phẩm camera 8 megapixel khác), giao diện đơn giản và khả năng tùy chỉnh sáng tạo. Bấm vào nút tùy chỉnh trên camera của máy, một bánh xe sẽ hiện ra, cho phép bạn tùy chỉnh nhanh EV, các chế độ phơi sáng, tính năng HDR, chụp đếm thời gian…
Tuy nhiên, có thể khẳng định tốc độ chụp của Nexus 5 thua xa các sản phẩm như iPhone 5S, các mẫu Galaxy cao cấp hay LG G2. Nếu chụp trong nhà, camera của máy có hiện tượng hơi ám vàng (chế độ tự động).
Trong khi đó, pin của Nexus 5 có phần gây thất vọng. Dùng màn hình độ nét cao, chip xử lý mạnh nhưng pin của máy có dung lượng chỉ 2.300 mAh. Qua thử nghiệm lướt web liên tục bằng Wi-Fi, độ sáng màn hình 50%, máy chỉ trụ được khoảng 4 tiếng, thấp hơn khá nhiều so với nhiều smartphone cao cấp hiện nay. Khi đọc sách hoặc chơi game, pin của Nexus 5 cũng sụt rất nhanh.
Xét một cách tổng thể, Nexus 5 tỏ ra hơi “đuối” cho một ngày sử dụng nếu bạn có nhu cầu dùng smartphone cao.
Đối thủ
Với mức giá chính hãng 12 triệu đồng, đối thủ chính của Nexus 5 chính là người anh em LG G2 (bản 16 GB), HTC One (bản 16 GB) hoặc chiếc Xperia Z từ Sony. Lợi thế lớn nhất của model này chính là khả năng vận hành mượt mà hơn hẳn so với các đối thủ, chất lượng màn hình tốt và khả năng cập nhật nhanh nhất các phiên bản Android mới.
Trong khi đó, nhược điểm của máy là thiết kế không gây ấn tượng mạnh, camera chất lượng trung bình và pin khá yếu.
Theo VNE