Đánh giá màn hình cong Samsung CJ89 43″: tỉ lệ 32:10, nhiều cổng, màu sắc rất tốt
Dòng màn hình cong CJ89 được Samsung hướng đến đối tượng người dùng là game thủ và là một trong số ít những chiếc màn hình cong với kích thước lớn và tỉ lệ siêu rộng trên thị trường màn hình chơi game hiện tại bởi thông thường kích thước màn hình cong chỉ quanh quẩn dưới 40″, thường là 34″. Vì vậy kích thước 43″ thật sự khiến chiếc màn hình cong này trở nên khổng lồ trên bàn.
Thiết kế của chiếc màn hình CJ89 43″ chỉ đơn thuần là thu nhỏ kích cỡ của phiên bản 49″ lần trước. Dù được quảng cáo là màn hình chơi game nhưng nó không mang đặc điểm gaming cho lắm, tổng thể khá thô nhưng chắc chắn. Anh em có thể thấy phần màn hình rất dày, cong vòng và được lắp trên một chân đế chữ Y đơn giản.
Cả 3 thành phần gồm đế chữ Y, tháp và màn hình đều tháo rời, khi anh em mua về phải tự ráp với tổng cộng là 6 con ốc cỡ khác nhau. Thiết kế màn hình rời với tháp giúp chúng ta có thể tháo treo màn hình trên giá VESA.
Phần tháp thiết kế rỗng một phần bên trong để chúng ta luồng dây. Toàn bộ dây cắm có thể được ẩn sau lớp vỏ này thay vì luồng ra sau hay bò lổm ngổm trên mặt bàn. Mình rất thích thiết kế này dù chân đế tổng thể không đẹp, chỉ đáp ứng được yêu cầu chịu lực.
Ở mặt sau của tháp còn có giá treo tai nghe, đây có lẽ là tính năng tiện ích duy nhất đáp ứng nhu cầu của game thủ.
Riêng phần ngàm kết nối với màn hình thì nó mang lại độ linh hoạt tối đa với một chiếc màn hình cong khi cho phép nó ngửa lên xuống trong một góc từ -2 đến 17 độ, xoay quanh trục trong góc -15 đến 15 độ và ray trượt trong phần tháp cho phép điều chỉnh độ cao màn hình trong khoảng 12 cm. Màn hình cong và siêu rộng thành ra chúng ta không cần nó phải dựng đứng lên làm gì. Quan trọng là thiết kế xoay quanh trục sẽ giúp chúng ta đặt màn hình các không gian hẹp cũng như thiết lập nhiều màn hình cong với nhau thuận tiện hơn.
Mặt sau của màn hình có hệ thống khe tản nhiệt cũng như hàng tá cổng kết nối được đặt ẩn sau một tấm ốp dài. Các cổng trình xuất bao gồm HDMI, DisplayPort, 3 x USB-C (2 cổng hỗ trợ trình xuất DisplayPort qua USB-C 1 cổng USB 3.0 vào), 2 x USB 2.0 (USB-A) dành cho bàn phím, chuột, USB 3.0 (USB-A) tốc độ cao và jack âm thanh mic 3,5 mm. Như vậy với 2 cổng USB-C hỗ trợ trình xuất thì anh em có thể gắn điện thoại, máy tính bảng để trình xuất nhanh mà không cần tìm cáp chuyển sang HDMI hay DisplayPort. Ngoài ra với các dòng máy tính có hỗ trợ trình xuất qua USB-C thì anh em cũng có thể khai thác cổng này với 1 sợi cáp duy nhất nhưng đáng tiếc là nó không hỗ trợ sạc công suất cao cho laptop, chỉ đủ để sạc điện thoại.
Cụm nút điều khiển đơn giản với 3 nút chỉnh nhanh các chức năng gồm Source (chuyển nguồn trình xuất), nút kích hoạt tính năng PIP (Picture In Picture), nút chuyển Switch USB (dùng chung phím, chuột giữa 2 máy tính) và một nút D-Pad có chức năng là nút nguồn, mở menu và điều chỉnh nhanh các thông số như độ sáng, tương phản … PIP là một tính năng thú vị khi nó cho phép bạn dùng CJ89 như 2 màn hình độc lập, hỗ trợ 2 nguồn phát cùng lúc chẳng hạn như vừa máy bàn vừa laptop nhưng điều đáng tiếc là mình không test được tính năng này, có thể do vấn đề tỉ lệ.
Menu OSD của chiếc màn hình này rất đơn giản và nó không có nhiều chế độ hỗ trợ cho game, thay vào đó giống màn hình văn phòng hơn. Trong menu này chúng ta có thể chỉnh độ sáng, tương phản, nhiệt độ màu với 5 mức thiết lập sẵn, gamma với 3 mức cùng một số tính năng như bảo vệ mắt (lọc ánh sáng xanh).
Video đang HOT
Màn hình còn tích hợp hệ thống 4 loa, mỗi loa công suất 5 W cho âm thanh đầu ra rất lớn. Hệ thống loa này khá ấn tượng bởi nó đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của mình như xem phim, chơi game nhưng nghe nhạc thì không hay bởi dàn loa này có dải mid rất tốt, treble tạm đượng nhưng bass lại rất thiếu. Thành ra với phim ảnh hay nhạc kiểu EDM thì thiếu bass sẽ khiến trải nghiệm giảm đi, thiếu lôi cuốn.
Về thông số, chiếc màn hình này dùng tấm nền VA (Vertical Alignment). Tấm nền VA là giải pháp thường thấy trên màn hình cong chơi game bởi nó vừa có thể mang lại tốc độ quét cao hơn với chi phí thấp hơn IPS, vừa không bị khuyết góc nhìn như TN, vừa có những ưu điểm như độ tương phản rất cao, màu sắc tươi. Dù vậy, một nhược điểm của tấm nền VA đó là thời gian đáp ứng lâu, trên màn hình CJ89 là 5 ms GtG (Grey-to-Grey) thay vì 1 ms như TN hay IPS. Thông số chi tiết như sau:
Kích thước thật: 43,4″
Tấm nền: VA
Độ phân giải: 3840 x 1200 px
Tỉ lệ: 32:10
Độ sáng tối đa: 300 cd/m2 (nit)
Độ tương phản tĩnh: 3000:1
Tần số quét: 120 Hz
Thời gian đáp ứng; 5 ms GtG
Góc nhìn: 178 độ các phía.
Cong 1800R – anh em lắp một loạt các màn hình CJ89 43″ thành một hình tròn thì bán kính của hình tròn này là 1800 mm hay 1,8 m, tương tự 3000R thì bán kính là 3 m. Như vậy có thể hình dung độ cong 1800R rất lớn tỉ lệ siêu rộng 32:10 thì nó gần như bao trọn trường nhìn của bạn. Với kích thước 43″ thì mình thấy nó phù hợp hơn khi dùng trên bàn làm việc bởi anh em chỉ cần ngồi ở cự ly cách khoảng 1 sải tay là đủ cảm nhận được tầm nhìn hút mắt, kích thước lớn hơn thì phải ngồi xa hơn.
Tỉ lệ rộng khiến cho độ phân giải của màn hình cũng khá đặc biệt với 3840 x 1200 px, mật độ điểm ảnh khoảng 92 ppi – một mật độ không lớn. Ở cự ly quan sát như mình nói ở trên thì anh em sẽ khó thấy điểm răng cưa nhưng ở cự ly gần sẽ thấy rỗ rõ ràng bởi độ phân giải này vấn khá thấp với kích thước 43″. Anh em dùng màn hình 35″ 4K là đã thấy rỗ, nói gì 43″ mà chưa tới 4K . Vì vậy đây rõ ràng là một hạn chế của CJ89 và nó sẽ khó mà chiều lòng những ai có nhu cầu làm đồ hoạ cao cấp, cần độ chi tiết cao, chưa nói đến độ bao phủ các dải màu cũng như độ chính xác màu.
Mình đo nhanh bằng Spyder4Elite thì tấm nền VA của CJ89 lại có chất lượng rất tốt, tốt hơn kỳ vọng của mình. Độ bao phủ các dải màu là 99% sRGB, 75% NTSC và 77% AdobeRGB. Như vậy với độ bao phủ dải màu này thì CJ89 có thể đáp ứng tốt nhu cầu làm việc với hình ảnh, biên tập phim cũng như đáp ứng tốt nhu cầu giải trí với phim ảnh và game.
Độ chính xác màu của CJ89 cũng rất tốt với Delta-E trung bình dưới 2. Hầu hết các màu sắc chính trong dải 32 màu sắc đều dưới 2, riêng màu xanh dương gần 4 (tỉ lệ 3.54). Nhìn qua chất màu trước khi cân chỉnh thì có thể thấy ngay CJ89 hơi xanh. Điều may mắn là trong menu OSD, bạn có thể chỉnh lại màu xanh với thang màu RGB đơn giản.
Không chỉ có độ chính xác màu cao, gamma của CJ89 cũng rất chính xác. Màn hình cho phép chỉnh 3 mức gamma, ở mức tiêu chuẩn thì gamma đo ra (màu đen) bám sát đường gamma 2.2 tiêu chuẩn (màu xanh dương). Không nhiều màn hình mình từng trải nghiệm có thang gamma tốt, nhất là màn hình chơi game.
Độ sáng màn hình đo được tối đa 300 nit, đúng như quảng cáo của Samsung, ở điều kiện văn phòng thì anh em chỉnh xuống độ sáng trên màn hình là 79% tương đương 200 nit là làm việc tốt, màu sắc cũng đạt độ chính xác cao nhất theo trải nghiệm của mình trên CJ89.
Riêng độ tương phản thì có thể nói đây là lợi thế lớn nhất của VA khi độ tương phản của nó có thể đạt đến 3000:1. Mình đo ở thiết lập tiêu chuẩn trong menu OSD với độ tương phản 75%, độ sáng 100% thì tương phản là 990:1 – 1000:1. Sắc độ đen của màn hình cũng rất tốt với tỉ lệ 0.30, giảm độ sáng xuống 0% thì tỉ lệ này còn 0.01 – gần như đen thui. Tưởng phản, sắc đen là 2 thứ mình rất thích trên tấm nền VA, IPS phải là tấm nền cao cấp mới có độ tương phản này, riêng so với OLED thì vẫn thua. Độ tương phản tốt mang lại trải nghiệm giải trí với hình ảnh và game cực tốt, nhất là khi anh em tắt hết đèn bởi sắc đen như hoà quyện với không gian tối xung quanh.
Màn hình cho phép chỉnh 5 mức nhiệt độ màu, menu OSD không nói rõ là nhiệt độ bao nhiêu, chỉ ghi là Warmer 1, 2, Cooler 1, 2. Mình để ở chế độ Normal và đo nhiệt độ màu thì white point là 7300 ở độ sáng 100%, xuống 50% là 7200. White point hay nhiệt độ màu được tính theo nhiệt độ Kelvin và cần lưu ý số càng cao càng lạnh! 7300 tức màu vẫn hơi lạnh, mức tiêu chuẩn là 6500 và để đạt độ chính xác cao hơn về màu sắc thì anh em có thể chỉnh nhiệt độ màu xuống Warmer 1 hoặc 2 để màu ấm hơn, gần với sắc trắng của giấy in hơn.
Nói về độ đồng đều độ sáng và màu sắc giữa các vùng màn hình thì ở độ sáng tối đa 100%, vùng bên trái màn hình có độ chênh lệch độ sáng thấp nhất với tỉ lệ 5 – 0 – 2% từ trên xuống. Vùng giữa độ chênh cao hơn và càng lệch phải thì màn hình sẽ tối hơn với cùng thiết lập sáng 100%. Khi chỉnh xuống độ sáng 50% thì độ lệch giảm hẳn, độ sáng ở 50% là 160 nit, vùng trái gần như không có độ chênh lệch, vùng giữa chênh theo tỉ lệ 7 – 1 – 6% từ trên xuống, vùng bên phải cũng đỡ lệch hơn với tỉ lệ 5 – 6 – 13% từ trên xuống. Như vậy với mức chênh độ sáng này thì anh em nếu làm hình ảnh hay đồ hoạ thì nên đặt cửa sổ ứng dụng ở vùng bên trái để đảm bảo những gì mình thấy đồng đều nhất.
Chênh sáng cũng chênh luôn về độ chính xác màu. Cũng ở độ sáng 100%, tỉ lệ Delta-E của màn hình ở vùng bên trái vẫn thấp nhất với tỉ lệ 0.0 – 1.3 – 1.8 từ trên xuống, vùng giữa và bên phải có tỉ lệ vẫn rất tốt, từ 2.0 đến 3.2, vùng giữa màn hình 2.2. Nếu giảm độ sáng xuống 50% thì Delta-E ít chênh hơn, đa phần các vùng đều dưới 2, vùng bên trái vẫn tốt nhất.
Như vậy với những phép đo thì mình nhận định màn hình CJ89 43″ có thể đáp ứng tốt nhu cầu làm việc với hình ảnh, biên tập phim với độ chính xác màu cao, nhiệt độ màu khá tốt và tương phản tuyệt vời. Riêng độ phân giải thấp làm mình cụt hứng nhất, hiển nhiên anh em làm đồ hoạ cũng sẽ không thích.
Cũng cần phải nói CJ89 43″ là chiếc màn hình được Samsung định hướng đến đối tượng game thủ trong khi những gì mình chia sẻ ở trên đều hướng đến đối tượng làm việc với ảnh và đồ hoạ. Nói đến game thì những gì CJ89 có tốc độ quét 120 Hz, thời gian phản hồi 5 ms nhưng điều đáng chú ý là nó không hỗ trợ các công nghệ đồng bộ khung hình như Nvidia G-Sync hay AMD FreeSync.
Mình đã thử chơi nhiều game trên chiếc màn hình này với chiếc PC chạy Core i9-9900K và GeForce RTX 2080 Ti để có thể kéo game ở độ phân giải native là 3840 x 1200 px ở khung hình trên 120 Hz. Cảm nhận của mình là CJ89 được sinh ra để chơi các tựa game cần góc quan sát rộng hay không gian quan sát lớn như game đua xe (mình thử với NFS Rivals) hay PUBG, Ghost Recon Wildlands. Nhất là với game đua xe, những tựa game mới hiện tại đều hỗ trợ nhiều độ phân giải với tỉ lệ màn hình rộng, thật sự quá sức đã khi chơi game đua xe với CJ89 bởi nó mang lại trường nhìn lớn, cảm giác như đang ngồi sau kính chắn gió và chỉ cần bộ vô lăng ngon nữa là có thể phô diễn tốc độ.
Với các game bắn nhau sinh tồn thì mình chỉ test các game góc nhìn thứ 3 như PUBG và Ghost Recon Wildlands bởi đơn giản góc nhìn này giúp bạn khai thác tốt không gian hiển thị của màn hình. Bạn có thể quan sát địch từ xa, nhất là ở vùng biên. Nếu anh em chơi game bắn nhau ở góc nhìn thứ nhất như DOOM, CS:GO thì CJ89 sẽ không lý tưởng bởi cho dù bạn có được không gian rộng trước mặt nhưng thứ bạn nhìn nhiều nhất và tập trung nhất lại là một không gian hẹp hơn ở trung tâm màn hình. Cho dù có thấy địch ở vùng biên thì bạn vẫn phải rê chuột một quãng xa để điều chỉnh hồng tâm cũng như thay đổi vùng quan sát. Tốc độ aim là thứ cần nhất để có ưu thế trong game FPS thành ra màn hình CJ89 vẫn hợp với các tựa game thế giới mở hơn. Mình không kịp test GTA hay game MOBA kiểu liên minh nhưng với trải nghiệm trước đây của mình với Liên Minh thì chơi trên màn hình quá lớn cũng không đã. Rốt cuộc màn hình cong siêu rộng như CJ89 vẫn phù hợp với game đua xe và thế giới mở góc nhìn thứ 3 hơn.
Game đua xe cũng là loại game có thể khai thác tốc độ làm tươi 120 Hz của CJ89. Tốc độ quét cao mang lại trải nghiệm chuyển động mượt và nhanh hơn so với 60 Hz truyền thống, từ đó cũng giảm thiểu tình trạng giật hình. Tuy nhiên, để khai thác được tốc độ quét này tốt nhất thì anh em cần phải có PC đủ mạnh với CPU và GPU đủ sức kéo độ phân giải 3840 x 1200 px ở tỉ lệ khung hình trên 120 fps. Với PC yếu hơn thì anh em cần phải giảm độ phân giải, giảm chất lượng đồ hoạ game nhưng lúc đó trải nghiệm không còn ngon nữa. Thêm nữa là CJ89 lại không hỗ trợ công nghệ đồng bộ khung hình nào. Mình nghĩ rằng ít nhất phải hỗ trợ AMD FreeSync – một công nghệ không tốn nhiều chi phí để tích hợp và anh em có thể dùng Radeon RX 580 hay cao hơn là RX Vega 56 để kéo game tốt nhờ khả năng đồng bộ tương thích tỉ lệ khung hình và tốc độ quét.
Thử nghiệm với UFO Test, mình nhận thấy ở chuyển độ nhanh, màn hình vẫn gặp tình trạng bóng ma kéo sau đuôi của UFO, đây là hạn chế của thời gian đáp ứng 5 ms GtG. Thực ra thời gian này còn lâu hơn, đa phần các hãng đều dùng thang GtG để lấy chỉ số tốt nhất để quảng cáo. Dù vậy phần bóng khá chìm, có lẽ Samsung đã tinh chỉnh để điểm ảnh đổi màu nhanh hơn thành ra trải nghiệm game thực tế mình vẫn không thể phát hiện phần bóng này. Samsung không tích hợp tính năng Overdrive trong menu OSD để tăng tốc độ đổi màu của điểm ảnh như hầu hết các màn hình gaming khác nên mình cho rằng CJ89 vẫn chưa được đầu tư thiên về game, nó là màn hình dùng lẫn thì đúng hơn.
Như vậy qua những trải nghiệm của mình thì anh em có thể thấy Samsung CJ89 43″ là một chiếc màn hình đa năng. Mặc dù được quảng cáo thiên về game nhưng nó thể hiện chất lượng hiển thị tốt với màu sắc, độ tương phản, độ chính xác màu cao từ đó có thể khai thác để giải trí và làm việc với phim, ảnh. Thêm vào đó không gian rộng rãi của màn hình cho phép chúng ta làm việc đa nhiệm rất tốt, nhiều cửa sổ cùng lúc mà không phải mở đi mở lại các cửa sổ vốn là một thao tác mất thời gian trên Windows. Về phần game, như mình đã nói nó chỉ phù hợp để chơi một vài dòng game và sẽ khá kén người dùng nếu mục đích chính là chơi game. Với mức giá khoảng 22 – 25 triệu đồng thì mình nghĩ CJ89 không đắt với những gì nó mang lại bởi lẽ anh em đầu tư một cái màn hình cong tầm 35″ cũng đã trên 20 triệu, có thể lên đến 30 triệu hoặc hơn tuỳ hãng. Điểm mà CJ89 thua là nó không có chất game mấy, thiết kế không đẹp mấy nhưng nói về kích cỡ, về tỉ lệ, về trang bị cổng kết nối, về chất lượng hiển thị thì nó gần như là độc nhất trên thị trường.
Theo Tinh Te
'Lác mắt' với Xperia Edge màn hình cong cạnh viền cực mỏng đầu tiên của Sony
Concept mang tới cho thiết bị của Sony một thiết kế hoàn toàn mới lạ và thực sự gây ấn tượng với người dùng.
Suốt một thời gian dài, Sony tỏ ra khá chậm chạp trong việc đi theo xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, kể từ thế hệ Xperia XZ2 và XZ3, Sony đã cho thấy họ cũng sẵn sàng phá vỡ sự bảo thủ để mang tới cho người dùng một sản phẩm hợp thời hơn với việc làm mỏng các viền cạnh trên và cạnh dưới.
Không những thế, các thông tin mới đây còn cho biết, Sony cũng đang tiến hàng để có thể sớm tung ra chiếc smartphone với màn hình tràn viền cong cạnh - có thể với tên gọi Sony Xperia Edge.
Cconcept chiếc Sony Xperia Edge màn hình tràn viền cong cạnh.
Trước thông tin này, một concept lung linh của nhà thiết kế Praween Galawatta đã đưa người dùng đến gần hơn với hình ảnh của chiếc điện thoại Sony màn hình cong cạnh.
Toàn bộ khung viền và có lẽ là mặt sau đều làm được bằng thép không gỉ mang tới cho sản phẩm sự tinh tế và đẳng cấp hoàn toàn khác. Các cạnh bên gần như không tồn tại nhờ thiết kế màn hình cong viền. Chiều dài được kéo ra nhờ sự làm mỏng của các viền cạnh, không có phím home vật lý và cạnh dưới chỉ có chỗ đủ để cho logo SONY.
Cổng kết nối USB-C.
Tuy nhiên, concept mới chỉ có mặt trước mà chưa có thiết kế mặt sau nên không biết máy sẽ có camera như thế nào và xử lý phần khóa máy ra sao. Concept Xperia Edge này gợi cho chúng ta về những chiếc Galaxy S8 và S9 của Samsung, tuy không thực sự đặc biệt nhưng cũng là ấn tượng đối với một thương hiệu như Sony.
Theo Báo Mới
Samsung đang bí mật phát triển một chiếc smartphone chơi game, ngoại hình sẽ khác biệt với dòng Galaxy? Một nguồn tin không chính thức khẳng định, đội ngũ thiết kế Samsung đang bí mật phát triển smartphone chơi game và sẽ có một sản phẩm ra mắt trong tương lai gần. Nguồn tin từ tài khoản Twitter không chính thức Samsung Mobile News khẳng định, Samsung đang bắt tay phát triển smartphone chơi game. Để hướng tới mục đích chính là...