Đánh giá không toàn diện, thiệt cho học sinh
Việc kiểm tra, đánh giá hiện nay chưa toàn diện đã gây thiệt thòi cho học sinh.
Cần phải thay đổi trong cách đánh giá, thi cử để học sinh có thể phát triển toàn diện
- Ảnh: Đ.N.T
Kết hợp với đánh giá của phụ huynh
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết xu hướng đánh giá học sinh (HS) của thế giới dựa theo năng lực, tức là đánh giá khả năng tiềm ẩn của HS dựa trên kết quả đầu ra ở cuối một giai đoạn học tập. Nhiều nước đã đẩy mạnh đánh giá quá trình bằng các hình thức: quan sát, phỏng vấn, hồ sơ, dự án, trình diễn thực…
Chẳng hạn ở Mỹ, để kiểm tra đánh giá mức độ tiếp nhận và cảm thụ văn học của HS về một tác phẩm nào đó, giáo viên yêu cầu HS thành lập nhóm để phân tích nội dung, nghệ thuật của tác phẩm đó và có thể lập dự án nào đó, chẳng hạn tham quan bảo tàng của nhà văn. Sau đó, HS phải viết thu hoạch, trình bày nhóm trước lớp. Với cách này, HS có quyền tự do làm bài theo hiểu biết của mình, trao đổi, tương tác với nhau, tìm hiểu từ thực tế, vận dụng nhiều kiến thức của nhiều môn học khác nhau, hợp tác nghiên cứu có thể đưa ra nhiều nhận định sáng tạo.
Video đang HOT
Hay như ở Canada việc kiểm tra đánh giá phải có sự hợp tác của phụ huynh. Theo đó, sau mỗi học kỳ, cha mẹ HS đều nhận được một bản nhận xét dành cho con em mình với 9 nội dung, như kỹ năng làm việc độc lập, năng lực sáng tạo, khả năng hợp tác với những người xung quanh, khả năng giải quyết những xung đột của cá nhân, mức độ tham gia các hoạt động tập thể của lớp… Giáo viên sẽ dùng bản nhận xét này của phụ huynh, kết hợp với bản tự đánh giá của HS cùng với nhận xét riêng của mình để cho ra bản kiểm tra đánh giá toàn diện.
Hạn chế khi xin học bổng
Trong những năm vừa qua, việc kiểm tra đánh giá tại bậc học phổ thông ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn chậm và chưa bắt kịp thế giới; công tác kiểm tra đánh giá vẫn còn nhiều yếu kém.
Các trường học hiện nay chủ yếu kiểm tra đánh giá qua bài làm kiểm tra trên giấy với 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Nhưng cả hai hình thức này mới chỉ chủ yếu chứng minh HS nắm vững kiến thức để giải một số bài tập hoặc giải thích một số hiện tượng liên quan đến những kiến thức đã học. Một số năng lực như trình bày vấn đề trước đám đông, xử lý tình huống, làm việc hợp tác, độc lập sáng tạo… rất cần trong cuộc sống nhưng khó xác định được qua cách kiểm tra đánh giá như trên.
Sự kiểm tra đánh giá như hiện nay sẽ khiến HS chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trong quá trình xin học bổng. Học bạ của HS Việt Nam chỉ thể hiện được 2 phần: học lực và hạnh kiểm. Trong khi ở nước ngoài, người ta đánh giá bằng nhiều tiêu chí như đã nói ở trên. Do vậy, sau khi hoàn thành chương trình, HS nước ngoài sẽ xin học bổng dễ hơn, trong khi HS Việt Nam cần có thời gian để tích lũy hoặc chứng minh tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, giỏi kỹ năng sống…
Theo ông Hồ Sỹ Anh, cần sử dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau, đặc biệt chuyển từ chú trọng kiến thức sang đánh giá quá trình. Ngoài ra, phải dân chủ hóa giáo dục, nghĩa là kiểm tra đánh giá phải đảm bảo công khai, công bằng, dựa vào mục tiêu đặt ra từ đầu, tôn trọng sự tự đánh giá của HS… Có như vậy HS Việt Nam mới nhiều cơ hội hòa nhập với thế giới.
Theo TNO
Chỉ số PISA: Càng giỏi càng ít hạnh phúc?
Học sinh những nước đứng đầu trong bảng xếp hạng năng lực giáo dục PISA của OECD lại là những người ít có cảm giác hạnh phúc nhất.
Ngày 3/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố chỉ số đánh giá giáo dục toàn cầu thuộc chương trình PISA nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
Kết quả khảo sát của OECD cho thấy các học sinh ở độ tuổi 15 tại Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Hong Kong được xếp hạng cao nhất trong các môn toán, khả năng đọc và nghiên cứu khoa học. Việt Nam được xếp thứ 17, cao hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh.
Tuy nhiên, có một thực tế được các chuyên gia giáo dục trên thế giới chỉ ra là học sinh ở những nơi được đánh giá cao về chỉ số PISA lại thiếu đi một yếu tố vô cùng quan trọng, đó chính là chỉ số hạnh phúc.
Ở Thượng Hải, nơi được OECD đánh giá cao nhất, chỉ có 2/3 số học sinh có cảm giác mình thuộc về trường học, so với 81% ở Mỹ và mức trung bình 80% trên toàn cầu. Ngoài ra, chỉ có 77% học sinh Thượng Hải tin rằng các học sinh khác quý mến mình, trong khi chỉ số trung bình của OECD là 90%.
Ở Mỹ, có đến 88% số học sinh cho biết các em có thể kết bạn dễ dàng, và 86% học sinh nói rằng các em không cảm thấy xa lạ giữa các bạn học, mặc dù học sinh Mỹ chỉ được xếp thứ 36 về khả năng toán học trong số 65 quốc gia tham gia đánh giá, và các khả năng khác cũng chỉ tương đương mức trung bình của OECD.
Học sinh Hàn Quốc được xếp thứ 5 trong bảng đánh giá của OECD về toán học, thứ 7 về khoa học, thế nhưng lại xếp chót bảng về mức độ hạnh phúc ở trường học. Hệ thống giáo dục khắc nghiệt ở Hàn Quốc đòi hỏi học sinh phải học gần 20 giờ một ngày, khiến các em phải chịu áp lực triền miên.
Góc học tập của một học sinh ở Hàn Quốc
Theo các chuyên gia giáo dục, "nỗi ám ảnh giáo dục" của quốc gia này buộc cha mẹ phải chi tới 70% thu nhập của gia đình để đầu tư vào việc học cho con cái. Hậu quả của chính sách đầu tư quá nhiều vào việc học của con là những khoản nợ ngày càng chất chồng, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ sinh đẻ thấp và tỉ lệ tự tử cao ở Hàn Quốc.
Những học sinh hạnh phúc nhất thế giới là ở Indonesia và Peru, hai nước nằm ở vị trí chót bảng trong bảng xếp hạng giáo dục PISA của OECD. Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc OECD chỉ đánh giá năng lực của học sinh mà bỏ qua chỉ số hạnh phúc là một sai lầm.
Trong một bài viết trên tờ The Nation hồi năm ngoái, chuyên gia Susan Engel đặt ra câu hỏi: "Thay vì tính toán xem một học sinh có thể giải được bao nhiêu bài toán trong vòng 30 mút, tại sao chúng ta không đo đếm những thứ giá trị hơn, chẳng hạn như chỉ số hạnh phúc?"
Theo bà Engel, các trường học đang ép buộc học sinh "dành rất nhiều thời gian để tiếp thu thông tin và luyện tập kỹ năng thay vì tạo ra công việc", và các nhà giáo dục cũng đang kéo dài thời gian học ở trường để "học sinh có thể giành nhiều thời gian vào việc học hơn." Bà Engel cho rằng cách làm này có thể đem lại kết quả khả quan trong các bài kiểm tra nhưng lại không hề tốt chút nào cho học sinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những học sinh hạnh phúc và thỏa mãn hơn với cuộc sống là những người có khả năng ứng phó tốt hơn với các tình huống xã hội, một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sau này. Những học sinh hạnh phúc sẽ có thể học tốt hơn, đạt điểm cao hơn, có mối quan hệ tốt đẹp hơn với thầy cô, và thích tham gia vào các hoạt động trong lớp và ngoại khóa hơn.
Giáo sư David Hough, chuyên gia giáo dục tại Đại học Missouri, Mỹ đã gọi hạnh phúc là "yếu tố dễ bị bỏ qua nhất" trong tất cả các cuộc đánh giá. Bởi vậy ông cho rằng các nhà giáo dục thay vì quá chú trọng vào các chỉ số về năng lực của học sinh, hãy nên quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố vô cùng quan trọng khác như mức độ hạnh phúc và hài lòng của các em.
Theo Quartz
Học sinh TQ giỏi nhất thế giới: Có gian lận? Trung Quốc đã đánh đồng giữa kết quả khảo sát học sinh Thượng Hải với năng lực chung của học sinh trên toàn quốc. Sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố chỉ số đánh giá giáo dục toàn cầu thuộc chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) về khả năng toán học, đọc và...