Đang tham quan Hà Nội, nam du khách người Nhật đột ngột mất ý thức, hôn mê
Khoảng 8 giờ sáng ngày 17/2, khi đang dạo bước ngắm cảnh sắc Hà Nội, nam du khách 60 tuổi người Nhật Bản đột ngột mất ý thức, hôn mê ngay trên đường.
Ngay lập tức, BV được đưa vào BV Việt Pháp cấp cứu với chẩn đoán ban đầu nghi là tai biến mạch não. Tuy nhiên, trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và hệ mạch máu vùng nền cổ bác sĩ phát hiện một nguy cơ trầm trọng hơn, có hình ảnh nghi lóc động mạch chủ.
Các bác sĩ cũng không thể bắt được mạch, bệnh nhân thiếu máu rõ ở tay và chân phải.
Xác định là biến cố tim mạch phức tạp, các bác sĩ trực của bệnh viện Việt Pháp đã hội chẩn gấp trực tuyến với PGS.TSNguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhân qua nguy kịch sau ca mổ cấp cứu.
PGS Ước cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán là lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp. Tình trạng lóc mạch nuôi não khiến bệnh nhân thiếu máu nuôi não và tay phải; lóc vào mạch nuôi chân phải gây thiếu máu chi rất nặng.
Video đang HOT
“Bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn khá nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao, với nguy cơ chắc chắn tử vong ngay nếu không được phẫu thuật kịp thời”, PGS Ước nói.
Trong khi đó, một ca phẫu thuật dù rất khó khăn, nguy cơ rủi ro cao nhưng có thể mang lại vài phần trăm cơ may sống sót cho bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân được chuyển sang BV Việt Đức để thực hiện ca đại phẫu đầy rủi ro nhưng không thể không thực hiện để tìm cơ hội sống cho người bệnh.
Tại BV Việt Đức, mọi công tác cho cuộc đại phẫu được chuẩn bị khẩn trương. Vợ bệnh nhân gọi từ Nhật Bản đồng ý cuộc phẫu thuật. Hai đơn vị tổ chức tour du lịch của Việt Nam, Nhật Bản cũng đã đồng ý, thông báo cho sứ quán Nhật về ca bệnh đặc biệt. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, mọi hồ sơ pháp lý hoàn thiện, bệnh nhân sang phòng mổ cấp cứu.
Theo TS.BS Vũ Ngọc Tú (BV Việt Đức), dù tại BV đã có kinh nghiệm hơn 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạch chủ loại A trong gần 10 năm qua, nhưng chưa từng có trường hợp nào lại diễn biến nặng và phức tạp như bệnh nhân này.
Các bác sĩ căng não trải qua ca phẫu thuật gần 10 giờ đồng hồ, với hầu hết các kĩ thuật khó và phức tạp nhất của phẫu thuật tim hở, như: hạ thân nhiệt sâu (xuống 24 độ C), ngừng tuần hoàn tạm thời nửa người dưới, cấp máu não chọn lọc cả hai bên, sửa van động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ lên bằng mạch nhân tạo, tưới máu chi chọn lọc rồi lấy huyết khối động mạch và mở cân cho chân phải để cố bảo tồn chi.
“Quá trình phẫu thuật đã phải rất nỗ lực với nhiều kỹ thuật khó, với bệnh nhân này, hồi sức cũng sẽ vô cùng nặng nề, với nhiều phương tiện hồi sức hiện đại. May mắn, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần qua từng ngày. Tới nay tri giác bệnh nhân đã cải thiện, có thể nhận biết người thân, chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt, và đã được ngừng thở máy hỗ trợ, rút ống nội khí quả”, PGS Ước cho biết.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi, nếu không có các biến chứng nhiễm trùng hoặc suy tạng khác, thì bệnh nhân có thể được ra viện trong 2 tới 3 tuần nữa.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Cảnh báo khi sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn không đúng cách
Tùy tiện uống An cung ngưu hoàng hoàn khi bị đột quỵ là hết sức nguy hiểm. Đó là cảnh báo của các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hằng Đỗ
TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người Việt Nam khi thấy người thân trong gia đình nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ thường cho uống ngay viên An Cung ngưu hoàng hoàn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh. Bởi lẽ, khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt.
"Việc uống nước còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến việc nuốt viên thuốc, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở cho người bệnh khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn", TS Chi nói.
TS. Chi khuyến cáo, khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
Được biết, thời gian vừa qua Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca đột quỵ, đặc biệt trong số đó có nhiều ca nặng, không còn khả năng cứu chữa do để lỡ thời gian vàng điều trị. Do vậy chuyên gia khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức về bệnh này để có ứng xử hợp lý.
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu chia sẻ, có 3 dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ. Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội.
Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi cấp cứu 115. Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để nếu bệnh nhân bị nôn đờm dãi, thức ăn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh); mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh.
Bệnh nhân bị đột quỵ thường ảnh hưởng nhiều tới hô hấp. Do đó việc tiếp theo, người nhà phải dùng chiếc khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh ra ngoài.
Nếu người bệnh bị co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để chắn ngang miệng bệnh nhân. Việc quấn vải quanh đũa để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi.
PGS. Tôn lưu ý, các biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột quỵ.
Theo baohaiquan
Phải làm gì khi bạn nhậu bất tỉnh vì say? Hy vọng rằng bạn không bao giờ rơi vào tình trạng sợ hãi khi một người bạn trong cuộc nhậu bất tỉnh vì say xỉn. Thường thì một đêm nhậu say sẽ chỉ kết thúc bằng một buổi sáng nôn nao khó chịu. Nhưng cách nhìn nhận chung của xã hội đối với rượu bia có thể khiến những nguy cơ tiềm ẩn...