Đáng ra năm nay sẽ là năm “ăn nên làm ra” của thị trường PC, nếu không có virus corona
Đáng ra năm 2020 sẽ là một năm mang đến nhiều tin tốt cho thị trường máy tính cá nhân (PC).
Trong bối cảnh Windows 7 chính thức bị ngừng hỗ trợ, Microsoft, Intel và các đối tác phần cứng đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng doanh số PC trong năm nay. Dù cho đó có thể chỉ là một sự cải thiện nhỏ. Năm nay cũng là một năm đầy tiềm năng của những sản phẩm mới. Những tiến bộ công nghệ dự kiến sẽ được công bố trong năm 2020 mang đến những khả năng mới cho máy tính cá nhân hiện đại, hoàn tất cuộc cách mạng PC hai trong một đã được khởi phát từ lâu (nhưng chưa bao giờ đến được thành công).
Và rồi đột nhiên, virus corona xuất hiện, xen vào giữa mọi kế hoạch.
Sự gián đoạn trong chu kỳ
Phóng viên trang tin Digital Trends đã có cuộc trao đổi với Malini Paul, Giám đốc nghiên cứu của IDC về mảng Thiết bị Điện toán Tiêu dùng để tìm hiểu thêm về tác động của virus corona chủng mới đối với ngành công nghiệp.
“ Thông tin cập nhật mới của chúng tôi cho thấy tổng chi tiêu cho máy tính cá nhân (PC) sẽ sụt giảm 6%, so với mức tăng trưởng 7% trong năm 2019,” cô cho biết về các dự báo mới nhất của công ty. “Mặc dù một phần nguyên nhân đến từ cách chúng ta so sánh với sự tăng trưởng vượt bậc của năm 2019, nhưng đa số lý do vẫn nằm ở virus corona.”
Sự khác biệt giữa hai con số lên đến 13% cho thấy sự gián đoạn rất lớn đối với một ngành công nghiệp vốn đã phải “chật vật” để duy trì tăng trưởng trong suốt gần một thập niên vừa qua. Paul đã cẩn thận trong việc phân biệt giữa doanh số PC và hệ sinh thái của các dịch vụ, phần mềm và thiết bị xoay quanh PC. Có rất nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy các sản phẩm như điện thoại thông minh sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng trong nửa cuối năm 2020, đặc biệt là nhờ sự xuất hiện của công nghệ 5G.
Thay vào đó, chính doanh số PC mới là thứ đang kìm hãm đà phát triển chung của toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ.
Video đang HOT
Windows 7 kết thúc vòng đời được kỳ vọng sẽ đem đến cú hích cho thị trường PC năm 2020.
Cho đến đầu năm 2020, Windows 7 vẫn là hệ điều hành phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau Windows 10. Các tập đoàn, doanh nghiệp và một số người tiêu dùng đã cố gắng trì hoãn việc nâng cấp càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, Paul cho biết các nhà phân tích không kỳ vọng về việc doanh số PC sẽ tăng đột biến trong năm 2020. Người tiêu dùng và các tập đoàn lớn đã dần thay thế các thiết bị Windows 7 cũ của họ bằng các máy tính Windows 10 mới suốt từ năm 2017.
Thay vào đó, sự tăng trưởng trong thị trường PC được dự kiến đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB), vì họ thường là những tổ chức cuối cùng “chịu” nâng cấp phần cứng. Tuy nhiên giờ đây, đến lượt virus corona lại đang cản trở điều đó.
“Lúc đầu, đà suy giảm còn nhẹ. Giờ đây, phải gọi đó là sự lao dốc.”
“ Chúng tôi đã mong đợi một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 đến từ khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng bây giờ, với tình hình dịch bệnh do virus corona gây ra và tác động của nó trên các khía cạnh chính trị và kinh tế, chúng tôi không còn có thể mong đợi sự tăng trưởng đó“, ông Paul cho biết. “ Nếu nền kinh tế đang bị ảnh hưởng, chính những doanh nghiệp này sẽ phải chịu trận.”
Hồi đầu năm, IDC đã dự đoán sự sụt giảm 4,6% về doanh số PC vào năm 2020. Với sự xuất hiện của virus corona, dự đoán đó đã được điều chỉnh xuống còn 7,1%. Theo lời Paul, “Lúc đầu, đà suy giảm còn nhẹ. Giờ đây, phải gọi đó là sự lao dốc.”
Sự sụt giảm đó thoạt nghe có vẻ không tệ lắm, nhưng thực tế là chúng ta mới chỉ cảm nhận được ảnh hưởng bước đầu của đại dịch mà thôi.
Chúng ta sẽ còn ở trong tình trạng này bao lâu nữa?
Paul đã dẫn chứng về đại dịch SARS năm xưa để so sánh với virus corna của hôm nay. Virus gây bệnh SARS hồi đó đã làm dấy lên sự lo ngại trên toàn cầu vào năm 2003, khi một ổ dịch lan rộng khắp châu Á, sau đó bắt đầu lây lan ra toàn cầu. “ Hiện tại đây cũng là một tình huống tương tự như vậy“, Paul so sánh SARS với virus corona chủng mới, hiện cũng đã được gọi với cái tên SARS-CoV-2, tức là virus SARS-CoV thế hệ thứ hai. “ Dịch bệnh đã bùng phát ở 26 quốc gia và có 8.100 trường hợp được phát hiện nhiễm bệnh. Tác động ước tính đối với toàn bộ ngành công nghiệp là 1 tỷ USD chỉ trong [khu vực châu Á - Thái Bình Dương], bao gồm cả Nhật Bản.” Đây mới chỉ là số liệu được cập nhật đến thời điểm bài phỏng vấn của Digital Trends được thực hiện. Trên thực tế, tính đến 2h40 ngày 13/3/2020 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới đã ghi nhận 134.918 ca nhiễm Covid-19 tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4.989 trường hợp đã tử vong.
Tuy nhiên, Paul cũng nhấn mạnh SARS nguyên bản không tồn tại lâu. Dịch bệnh bùng phát vào quý II năm 2003 và thị trường đã hồi phục được vào cuối năm đó. Ngay cả trong trường hợp SARS và corona virus chủng mới hiện nay có cùng mức độ nghiêm trọng, thì tác động lên thị trường PC của năm 2020 cũng vẫn nặng nề hơn. Ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân hiện nay thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu từ Trung Quốc.
Ngay cả nếu virus corona bỗng nhiên “biến mất” một cách thần kỳ trong ngày hôm nay, chúng ta vẫn sẽ không thể phục hồi được những tổn thất cho tới đầu năm 2021
“ Thật khó để xác định thời điểm virus corona sẽ lắng xuống trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lan truyền mạnh ở các nước bên ngoài Trung Quốc. Nếu mọi thứ trở lại bình thường, việc sản xuất trở lại 100% công suất – ngay cả trong trường hợp đó, sẽ mất ít nhất hai quý nữa mới phục hồi được, để có thể giải quyết tất cả những vấn đề tồn đọng. Điều đó không dễ chút nào. Bạn cần phải khởi động lại toàn bộ hệ thống quy trình sản xuất.”
IDC dự đoán rằng ngay cả khi virus corona được khống chế hoàn toàn ngay trong ngày hôm nay, thị trường PC cũng sẽ không thể phục hồi được cho đến năm 2021. Tuy nhiên, virus corona chủng mới diễn biến nghiêm trọng hơn nhiều so với SARS năm xưa. Dịch SARS năm 2003 chỉ có 8.098 trường hợp nhiễm được xác nhận và 774 trường hợp tử vong. Trong khi đó virus corona đã gây ra hơn 134.000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và gần 5.000 trường hợp tử vong cho đến nay. Số lượng các trường hợp nhiễm virus ở châu Âu và Hoa Kỳ đang tăng mạnh khiến nhiều công ty buộc nhân viên phải làm việc tại nhà.
Những công nghệ mới khó tìm được đường đến với người tiêu dùng do ảnh hưởng của Covid-19.
Sản xuất và phân phối là các yếu tố chính hạn chế sự tăng trưởng. Ngay cả khi sản phẩm đã sẵn sàng để lên kệ tại các cửa hàng từ đầu năm, nhưng chúng vẫn có thể bị trì hoãn vì các vấn đề hậu cần quốc tế.
“ Ngay cả những nguồn cung cấp hết sức cơ bản như hộp đựng cũng là các nhân tố hạn chế chuỗi cung ứng,” Paul cho biết. “ Từ phương diện sản xuất, chúng ta có thể thấy tác động tới các lô hàng có thể sẽ xảy ra cho đến hết tháng 3 hoặc tháng 4.”
Thị trường PC sẽ mất đà?
Việc nâng cấp các hệ thống máy tính lên Windows 10 sẽ không bao giờ có thể là “cứu cánh” đối với thị trường PC. Đó chỉ là sự cải thiện tạm thời – không hơn. Tuy nhiên, năm 2020 cũng chứa đầy những hy vọng về những sự cải tiến mới đối với các sản phẩm PC. Trước đó, năm nay được kỳ vọng sẽ là năm của những mẫu laptop 2 màn hình, chẳng hạn như Surface Neo và ThinkPad X1 Fold. Các thiết bị này cũng sẽ là những thiết bị đầu tiên được trang bị Windows 10X, thế hệ hệ điều hành tiếp theo từ Microsoft.
Năm nay đúng ra cũng sẽ là năm của những mẫu card đồ hoạ rời đầu tiên đến từ Intel, mang đến đối thủ cạnh tranh thứ ba trên thị trường card đồ hoạ. Trong khi đó, AMD thì hy vọng có thể chống lại sự thống trị của Intel trên thị trường laptop. Những con chip Ryzen 4000 mới được công bố tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ngay trước khi virus corona bùng phát bắt đầu hiện diện tại các chuỗi cung ứng. Chúng ta vẫn đang chờ xem sự trình làng của những mẫu CPU này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Những sự phát triển nêu trên có thể thổi một làn gió mới vào thị trường máy tính cá nhân. Giờ đây, một vài trong số đó (thậm chí là tất cả) đều đang bị trì hoãn, khiến cho các nhà sản xuất “mất đà” ngay từ khi sản phẩm của họ còn chưa từng được xuất hiện trên thị trường. Thành công của những sản phẩm này phụ thuộc vào nhận thức của công chúng; do đó nếu việc ra mắt những sản phẩm mới này bị trì hoãn hoặc không chỉn chu có thể sẽ làm giảm sự phấn khích của họ. Cuối cùng, toàn bộ ngành công nghiệp có thể sẽ “lâm nguy” – một nguy cơ chưa thấy hồi kết.
Theo VN Review
Vừa mới "lên đỉnh" nhưng thị trường PC có thể lại tuột dốc trong năm 2020 vì Coronavirus
Sau gần một thập kỷ không tăng trưởng thì ngành PC cũng có tiến triển khả quan trong năm 2019. Tuy nhiên, theo dự báo của trang Canalys thì trong trường hợp tốt nhất thì thị trường PC năm 2020 vẫn sẽ sụt giảm khoảng 3,4 % doanh số các bạn ạ.
Bản báo cáo được Canalys tung ra vào ngày 20/2, dựa trên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như các hãng sản xuất linh kiện, ODM, OEM, các chuỗi cung ứng, đối tác, các nhà bán lẻ và các hãng phần mềm. Không chỉ vậy, bản báo cáo này còn đưa ra hai kịch bản, một xấu nhất và một tệ nhất dựa trên tình hình lây lan của Coronavirus tại Trung Quốc và các nước Châu Á. Canalys sẽ giả định khoảng thời gian để Trung Quốc trở lại sản xuất cũng như các nước khác ngăn chặn và kiểm soát bệnh dịch như thế nào để đưa ra dự đoán.
Hiện nay, các hãng sản xuất linh kiện tại Vũ Hán và các tỉnh lân cận đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà máy không thể trở lại làm việc full công suất vì thiếu nhân công cũng như các điều luật để bảo đảm môi trường làm việc của Trung Quốc nhằm hạn chế nguy cơ lây lan virus khiến các nhà máy không đủ điều kiện để quay trở lại hoạt động. Dù các nhà máy của Foxconn, Quanta, Compal và Wistron đã hoạt động lại một phần nhưng tình trạng thiếu hụt linh kiện vẫn có thể xảy ra. Các hãng bán lẻ và đối tác của những công ty này cũng sẽ không có linh kiện và phải đợi đến 14 tuần, lâu gấp 3 lần bình thường để nhận được hàng.
Thị trường PC lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng từ cưới quý 2/2020. Khi đó, lượng linh kiện PC dự trữ từ năm 2019 bắt đầu cạn kiệt còn các nhà máy tại Trung Quốc thì vẫn chưa thể hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, quý 2 là thời điểm tựa trường tại Mỹ, khi học sinh, sinh viên cần mua laptop hoặc PC để phục vụ cho năm học mới. Nhu cầu cao mà nguồn cung thiếu thì hiển nhiên giá của linh kiện sẽ tăng cao. Nhiều người thấy giá cao quá nên lại không mua và làm doanh số tụt dốc.
Nếu kịch bản tốt nhất xảy ra, toàn bộ nhà máy và các hãng sản xuất đều quay trở lại làm việc hết công suất vào tháng 4 thì chỉ có các đơn hàng trong hai quý đầu tiên bị ảnh hưởng. Thị trường PC sẽ dần phục hồi trong quý 3 và 4 nhưng tổng kết thị trường PC cuối năm 2020 vẫn sẽ sụt giảm khoảng 3,4 %.
Còn kịch bản xấu nhất xảy ra thì các hãng sẽ không thể làm việc lại cho đến hết tháng 6 và 3 quý đầu tiên của năm đều sẽ sụt giảm và thĩ trường sẽ phục hồi vào quý 4/2020. Vì vậy tổng "thiệt hại" cuối năm nay có thể lên đến 9% doanh số toàn cầu.
Tuy nhiên, Canalys vẫn tự tin dự đoán là 80% khả năng kịch bản tốt sẽ xảy ra nên chúng ta cũng không cần quá lo lắng các bạn ạ.
Theo gearvn
Microsoft phải thay đổi sự kiện lớn nhất trong năm của mình vì dịch corona virus Lại thêm một sự kiện công nghệ nữa lao đao trước dịch corona virus, lần này là sự kiện Build của Microsoft đã buộc phải chuyển sang hình thức tổ chức trực tuyến. Build là hội nghị nhà phát triển thường niên của Microsoft. Sự kiện năm nay được dự định tổ chức tại Settle vào ngày 19 đến ngày 21 tháng Ba,...