Đang chữa ung thư tuyến giáp có nên tiêm vaccine Covid-19?
Ông Long, 45 tuổi, nhận thông báo tiêm vaccine Covid-19 song đắn đo vì đang uống thuốc điều trị ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật ba năm trước.
Sau phẫu thuật, ông được bác sĩ chỉ định dùng thuốc levothyroxine 100 mcg. Hiện sức khỏe của ông ổn định, muốn tiêm vaccine sớm song e ngại đang dùng thuốc hormone tuyến giáp thay thế.
PGS. TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân ung thư thuộc nhóm nhạy cảm với Covid-19 do có hệ miễn dịch yếu. Người bệnh được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, đã được phẫu thuật vẫn nên tiêm vaccine phòng Covid-19 và duy trì uống levothyroxine theo liều đang dùng mà không phải dừng thuốc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương, bệnh nhân cần xét nghiệm để kiểm tra hiện tại đã đạt bình giáp hay chưa. Nếu bạn đang suy giáp hoặc cường giáp, bác sĩ sẽ điều trị liều hormone tuyến giáp.
“Nhiều người bệnh ung thư nhờ tư vấn về tiêm vaccine phòng Covid 19. Họ đã điều trị ổn định ung thư hoặc đang xạ trị, hóa trị, điều trị đích, nội tiết…, phản hồi sau tiêm chủng cũng không xảy ra vấn đề gì quá đặc biệt”, bác sĩ Phương nói. Do đó, người bệnh ung thư cần trao đổi với bác sĩ điều trị cũng như bác sĩ khám sàng lọc để tiêm chủng hiệu quả và an toàn.
Bác sĩ Lâm Quốc Trung, Phó trưởng khoa Hóa trị ung thư Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết levothyroxine là một hormone tuyến giáp tổng hợp, thường được điều trị trong bệnh lý về tuyến giáp không thuộc các nhóm thuốc nhằm trong danh mục hạn chế tiêm vaccine Covid-19.
Tất cả khuyến cáo trên thế giới đều đề nghị bệnh nhân ung thư nên được tiêm phòng ngay khi có thể nếu không có chống chỉ định, giúp giảm nhẹ triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Trong đó, bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang xạ trị và hóa trị thuộc nhóm thận trọng tiêm chủng, cần sàng lọc kỹ, theo ” Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ” của Bộ Y tế, ngày 10/8.
Bộ Y Tế đề nghị trì hoãn tiêm chủng với người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Người đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết), tuy nhiên không áp dụng với vaccine Sputnik V. Họ thuộc nhóm người cần thận trọng tiêm chủng.
Đối tượng thận trọng tiêm chủng là người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền, bệnh mạn tính; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; Phụ nữ mang thai trên 13 tuần; Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống gồm nhiệt độ dưới 35,5 độ C và trên 37,5 độ C, mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, nhịp thở trên 25 lần/phút…
“Do đó, với người đã điều trị ung thư ổn định, sức khỏe bình thường, để tiêm vaccine phòng Covid-19 chỉ cần tuân thủ hướng dẫn chung cho mọi người là đủ”, bác sĩ nói.
Ngoài ra, trước tiêm phòng vaccine Covid-19, bạn cần trả lời các câu hỏi sàng lọc. Bác sĩ sẽ thăm khám sàng lọc trước tiêm và đưa ra quyết định tiêm chủng cho bạn. Sau tiêm, người bệnh cần được theo dõi sát sao để phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng phụ, nếu có.
Video đang HOT
Những người không nên tiêm vaccine Covid-19 của Moderna
Hơn 2 triệu liều Covid-19 của Moderna vừa đến Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vaccine này có hiệu quả không đổi trước một số biến chủng nCoV mới.
Ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine Spikevax (tên khác là Moderna) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây là vaccine Covid-19 thứ 5 được phê duyệt tại Việt Nam, sau AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (SAGE) đã đưa ra những khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vaccine Covid-19 Moderna (mRNA-1273) ở nhóm người dân trên 18 tuổi.
Ai nên tiêm phòng trước?
Cũng như các vaccine Covid-19 khác, chuyên gia của WHO khuyến những quốc gia trên thế giới phân loại người được tiêm thành hai cấp độ - ưu tiên cao và nhóm còn lại.
Do nguồn cung cấp vaccine còn khan hiếm, các nước nên ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người lớn tuổi. Khi đã có nhiều vaccine hơn, các nhóm ưu tiên bổ sung nên được tiêm chủng, đặc biệt là những người dễ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc có bệnh lý nền.
Người dân tại TP.HCM tiêm vaccine Covid-19 trong chiến dịch lớn nhất lịch sử của thành phố. Ảnh: Chí Hùng.
Theo WHO, những người trong nhóm có nguy cơ nhập viện, mắc bệnh nặng khi nhiễm nCoV cũng nên được xem xét tiêm vaccine Covid-19 của Moderna sớm. Nhóm này gồm người bị bệnh phổi mạn tính, tim nghiêm trọng, béo phì nặng, tiểu đường, bệnh gan và nhiễm HIV.
Người bị suy giảm miễn dịch cũng nên được xem xét tiêm vaccine. Ngoài ra, theo các chuyên gia của WHO, người từng mắc Covid-19 vẫn nên tiêm vaccine. Tuy nhiên, trường hợp này có thể hoãn tiêm trong 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm nCoV.
Vaccine của Moderna được đánh giá có hiệu quả với phụ nữ đang cho con bú tương tự những trường hợp khác. Do đó, WHO khuyến cáo người đang nuôi con bằng sữa mẹ có thể tiêm phòng, không cần dừng cho con bú sau tiêm.
Phụ nữ có được tiêm vaccine của Moderna?
WHO khuyên phụ nữ mang thai vẫn nên sử dụng vaccine Covid-19 nếu lợi ích bảo vệ của nó lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra. Trước khi quyết định tiêm hay không, các bà mẹ cần được tư vấn kỹ, cung cấp các thông tin về rủi ro khi mắc Covid-19 trong thai kỳ, lợi ích của tiêm chủng.
Các vấn đề như có nên hoãn mang thai, bỏ thai vì tiêm vaccine được nhóm chuyên gia WHO khẳng định là không nên.
Ngoài ra, nhóm SAGE khuyến cáo 4 nhóm người sau đây không nên tiêm vaccine Covid-19:
- Người có phản ứng dị ứng nặng sau khi tiêm liều đầu tiên của vaccine mRNA-1273.
- Người đã có phản ứng dị ứng nặng với bất kỳ thành phần của vaccine này.
- Người cao tuổi, sức khỏe rất yếu có tuổi thọ dự kiến dưới 3 tháng nên xem xét.
- Những người dưới 18 tuổi trong khi chờ kết quả của các nghiên cứu sâu hơn.
Phụ nữ mang thai được phép tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, họ cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ. Ảnh: CNBC.
Hiệu quả
SAGE khuyến cáo sử dụng vaccine Moderna mRNA-1273 đủ hai liều (100 g, mỗi liều 0,5 ml), cách nhau 28 ngày. Trong trường hợp cần thiết, thời gian giữa hai liều có thể cách nhau đến 42 ngày.
Trong trường hợp nguồn vaccine khan hiếm, các quốc gia có thể trì hoãn việc tiêm mũi thứ 2 cho người dân đến 12 tuần để đạt tỷ lệ bao phủ liều đầu tiên cao hơn.
Theo nhóm chuyên gia, người dân nên tuân thủ việc tiêm đủ 2 liều vaccine và cùng một loại để đạt hiệu quả tốt nhất.
Vaccine Covid-19 của Moderna đã được chứng minh có hiệu quả 94,1% trong việc bảo vệ người dân khỏi bị lây nhiễm nCoV. Vaccine có hiệu lực sau 14 ngày tiêm mũi đầu tiên.
Vaccine có an toàn không?
Ngày 30/4, WHO thêm vaccine Covid-19 của Moderna vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Điều đó, có nghĩa loại vaccine này đã được hội đồng thẩm định của WHO đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, những vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp được ưu tiên để cung cấp cho chương trình COVAX.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đánh giá kỹ dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine Moderna và cho phép sử dụng trên toàn châu Âu.
SAGE khuyến cáo người dân sau khi được tiêm cần ở lại điểm chủng ít nhất 15 phút. Bất kỳ ai gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau tiêm liều đầu tiên không được tiêm mũi thứ 2.
Máy bay chở vaccine Moderna do Mỹ viện trợ hạ cánh tại Việt Nam vào sáng 10/7. Ảnh: UNICEF Việt Nam.
Vaccine có hiệu quả với biến chủng mới?
Dựa trên các nghiên cứu hiện có, tài liệu của WHO cho biết biến chủng nCoV mới như Alpha (B.1.1.7) và Beta (501Y.V2 hay B.1.351), không làm thay đổi hiệu quả vaccine của Moderna. Do đó, đến thời điểm này, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi dịch bệnh.
Các phát hiện mới, được công bố vào tuần cuối tháng 6 trên tạp chí Nature , bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những người đã được tiêm vaccine mRNA chống Covid-19 có thể không cần dùng thêm thuốc tăng cường miễn dịch, với điều kiện virus SARS-CoV-2 và các biến thể không phát triển đến mức kháng những loại vaccine hiện tại.
Đối với những người bệnh Covid-19 đã hồi phục và sau đó được tiêm vaccine, họ có thể không cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch ngay cả khi virus có thêm biến thể mới.
Không có loại vaccine Covid-19 nào có thể bảo vệ 100% người tiêm khỏi virus. Vì vậy, WHO khuyến cáo ngay cả khi đã được tiêm chủng, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách.
Hỏi nhanh về Covid-19: F0 nằm sấp có tác dụng gì? Tôi đọc báo thấy F0 được khuyến cáo nằm sấp. Vậy khi nào thì F0 cần nằm sấp, và nằm sấp có tác dụng gì? (Công Tài, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh minh họa: Shutterstock - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phú , Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM): Nếu cho người mắc Covid-19 nằm sấp, phần sau của phổi mở ra,...