Dân buôn tiết lộ chiêu trò ‘xé mác’, đẩy giá trong ngày đại hạ giá Black Friday
Black Friday hiện được cho là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm của các mặt hàng thời trang, điện máy… Thế nhưng, với không ít cửa hàng thời trang, việc giảm giá không hề thực chất, mà chỉ là chiêu trò.
Đã nghỉ kinh doanh quần áo, nhưng trước đây anh D.H.H. (Cổ Nhuế, Hà Nội) rất mong chờ tới những dịp như Black Friday. Bởi thời điểm này, người dân sẽ đổ xô đi mua đồ khuyến mại theo hiệu ứng đám đông, dù nhu cầu chưa thực sự cần thiết.
Cũng nhờ thế, anh H có thể “đẩy” đi được rất nhiều mẫu mã cũ hoặc mẫu mã không bán được. Và đặc biệt, mẫu mới cũng có thể tiêu thụ mạnh mà vẫn lãi.
Giảm giá dịp Black Friday (Ảnh minh hoạ)
Việc đẩy hàng hè, hàng cũ trong dịp giảm giá cuối năm là chuyện ai cũng hiểu. Vì đó là hàng lỗi mốt khó bán, hoặc để lâu thì sẽ bị mốc nên các cửa hàng cũng “sẵn lòng” bán rẻ. Thế nhưng với hàng mới, anh H cũng có “chiêu trò” để đánh vào tâm lý người mua hàng.
Theo đó, trước đợt khuyến mại Black Friday, anh H sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng để sửa giá gắn trên quần áo. Trong đó, các mặt hàng cũ, hàng hè sẽ được để giá giảm 50%. Còn với quần áo mới, anh H sẽ tăng giá lên rồi để vào khu vực giảm giá 10 – 20%.
“Ví dụ, cái áo phông có giá 200 nghìn đồng, tôi sửa lại giá thành 250 nghìn đồng. Sau đó, tôi giảm giá 20% thì thực chất vẫn là giá cũ”, anh H nói.
Cũng có một cửa hàng bán quần áo thời trang như anh H, chị H.A. (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang tranh thủ từng ngày để chuẩn bị cho ngày hội giảm giá Black Friday. Thậm chí, chị A còn phải treo biển giảm giá lên tới 70% để kích thích khách hàng móc hầu bao.
Tuy nhiên, việc giảm giá lên tới 70% này không phải toàn bộ hàng hoá. Mà theo chị A, đó toàn là những mẫu đã cũ, mẫu size to hoặc bán chậm. Chị A phải xả hết số hàng đó trước Tết, bởi nếu để đến năm sau rất dễ bị mốc.
“Việc giảm giá với số hàng tồn dịp Black Friday vẫn có lãi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bán hết số hàng cũ trước Tết. Vì sau tết thì sẽ không ai đi mua quần áo, chưa kể lại sắp đến mùa hè năm sau. Nếu bí quá, tôi sẽ trải bạt ra trước cửa hàng và bán thanh lý đồng giá 100 nghìn đồng”, chị A thông tin.
Đặc biệt, cũng giống anh H, chị A thừa nhận cũng đẩy giá hàng mới lên rồi mới giảm để kích thích người tiêu dùng.
Video đang HOT
Người tiêu dùng nên kiểm tra giá tại các cửa hàng trước dịp khuyến mại
Tuy nhiên, các khách hàng nữ thường để ý giá và xem trước mỗi mùa Black Friday. Nên cách đối phó với khách hàng theo chị A đó là, nhân viên sẽ giải thích với khách rằng: “Đây loại cùng kiểu nhưng chất này mặc thích hơn”. Hoặc giả vờ vào hỏi người quản lý rồi báo khách rằng, giá trước đây ghi nhầm.
Không thiếu cách để các cửa hàng có thể “qua mắt” người tiêu dùng. Nhất là khi diễn ra Black Friday, các cửa hàng sẽ chật kín khách vào mua bán. Việc “bỏ qua” một vài khách cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh thu của cửa hàng.
Vì thế, nếu có dự định đi mua hàng thời điểm này, người tiêu dùng nên dành thời gian đi xem trước và kiểm tra giá. Nếu có thể liên hệ trước thì nên đặt hàng trước, tới ngày đó chỉ việc đến mua để được hưởng ưu đãi.
Theo dân trí
Black Friday và những cái bẫy dễ sập dành cho người tiêu dùng cuồng mua sắm
Với những chiêu trò câu khách trong ngày Black Friday như sale sập sàn, giảm giá kịch trần, thanh lý toàn bộ cửa hàng hoặc mức giảm lên tới 70% đến 90% khiến nhiều tín đồ mua sắm dễ mắc bẫy.
Làm sao để tỉnh táo trong ngày hội mua sắm lớn nhất năm này, cùng tham khảo ngay các điều sau.
Black Friday là ngày hội mua sắm có xuất xứ từ Mỹ gắn liền với những mặt hàng giảm giá sốc. Sự kiện này diễn ra vào thứ sáu tuần thứ 3 của tháng 11 hàng năm. Và năm nay, Black Friday rơi vào thứ Sáu, ngày 29/11.
Với những quốc giá có ngành bán lẻ phát triển, Black Friday chính là ngày hội mua sắm được người tiêu dùng mong chờ nhất trong năm. Vào ngày này, họ có thể sắm được các sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng với mức giá giảm đỉnh cao tới 90% giá trị.
Ở Việt Nam, Black Friday mới rộ lên chỉ vài năm trở lại đây nhưng lại được rất đông người hưởng ứng.
Những lời quảng cáo quá đà
Vào ngày Black Friday, để cạnh tranh các hãng bán lẻ, đặc biệt là các địa chỉ online thường đưa ra những bảng giảm giá khủng, băng - rôn đỏ chói gây ấn tượng mạnh để khách hàng chú ý. Các chương trình giảm giá không chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày mà có thể kéo dài tới cả tuần trời.
Các thương hiệu giảm giá đa dạng từ cửa hàng thời trang, giày dép, điện máy, mỹ phẩm với những lời mời chào như mua một tặng một, sale sập sàn, khuyến mại khủng, giảm giá kịch trần. Nhiều tín đồ mua sắm cho biết những ngày này cửa hàng thường khách rất đông. Do đó bạn nên tranh thủ đi sớm để mua được hàng đẹp và chất lượng lại vừa được thoải mái lựa chọn, nhiều size .
Tuy nhiên nhiều người tiêu dùng cũng chỉ ra thắc mắc, dù các mặt hàng giảm giá khủng nhưng mức giá niêm yết của sản phẩm sau giảm vẫn khá cao. Nhiều người cho biết, họ đã tham khảo giá sản phẩm từ trước và cảm thấy mức giá sau giảm của cửa hàng đưa ra là không hợp lý. Thậm chí một số sản phẩm còn có giá tương tự như khi chưa giảm.
Đặc biệt, tình trang trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ bán những ngày Black Friday cũng không phải là hiếm. Người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận xem xét từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm trước khi thanh toán. Vì hàng mua ngày Black Friday thường sẽ không được đổi trả và bảo hành.
Theo nhiều người tiêu dùng cho biết, kinh nghiệm của họ là những hàng giảm giá khủng từ 70% cho tới 90% thường là những hàng lưu kho, chất lượng sản phẩm có thể là tốt nhưng không thời trang. Một số mẫu còn quá lỗi thời và không thể sử dụng được. Chị em nên cân nhắc khi mua những sản phẩm kiểu này. Thông thường hàng mới sẽ chỉ có mức giảm từ 10% cho tới 20% mà thôi.
Ngoài giá thành sản phẩm, hiện nay người tiêu dùng có xu hướng thích mua đồ điện tử vào ngày Black Friday. Nếu muốn mua sản phẩm trong ngành này hãy lưu ý tới thời hạn bảo hành. Nhiều trường hợp nhanh tay nhanh mắt mà kém để ý khiến khi mua hàng về mới ngớ người vì đã hết hạn bảo hành. Mang đến cửa hàng thì được thông báo là không đổi trả. Khiến những người tiêu dùng trót mua phải mặt hàng công nghệ giá rẻ kém chất lượng không biết kêu ai.
Lời khuyên: Nên chọn những sản phẩm có thời hạn bảo hành tối thiểu là 6 tháng, đồng thời kiểm tra kỹ ngoại hình, tính năng trước khi mua.
Theo các chuyên gia, ngày hội mua sắm Black Friday thực ra không phải là ngày vàng mua sắm mà nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng. Nó chỉ là dịp để các hãng bán lẻ thu hồi vốn hoặc tăng doanh số của mình trong những ngày cuối năm theo cách thông minh và tỉnh táo.
Chính vì thế, bạn cần giữ cho mình sự sáng suốt khi đứng trước mức giảm giá khủng từ các cửa hàng đặc biệt là các shop online. Đối với sản phẩm giảm giá là hàng thời trang cần xem kỹ các lỗi như sờn rách, lỗi đường may, màu sắc. Với hàng điện tự cần nói "không" với các sản phẩm bị móp, hoặc từng bị lỗi phần cứng. Tương tự, mua mỹ phẩm giảm giá cần đặc biệt chú ý hạn sử dụng trên bao bì, bao bì không bị nhàu nát hoặc dính nước.
Tưởng rẻ mà hóa đắt
Trước sự kiện giảm giá Black Friday diễn ra, các siêu thị, cửa hàng đều căng biển giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, cũng xảy ra tình trạng khách hàng kém hào hứng mua sắm trong ngày này bởi người mua phát hiện họ không nhận được khuyến mại nhiều như trong quảng cáo đã đưa ra.
Nhiều chương trình quảng cáo rầm rộ trước ngày Black Friday của các nhãn hàng tạo cảm giác cho người tiêu dùng suy nghĩ các hãng bán lẻ sẽ giảm giá xuống mức thấp nhất. Và tại Việt Nam, phong trào Black Friday cũng được coi là cơ hội trong năm để bán hàng thu lợi nhuận lớn.
Điều này thể hiện rõ qua các báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp. Như số lượng khách đến AEON Việt Nam vào dịp Black Friday đã liên tục tăng hơn 140% vào năm 2016 và 150% vào năm 2017 so với năm trước đó. Nhiều cửa hàng luôn kín khách mua từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ tối. Thậm chí phải tăng cường thêm nhân viên bán hàng để phục vụ khách".
Các mặt hàng bán từ thực phẩm, gia dụng, điện máy, thời trang đều giảm từ 50% cho tới 90% để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, theo nhiều người tiêu dùng họ đã không quá tin tưởng đến điều này nữa. Chị Như Lan (Hàng Buồm, Hà Nội) chia sẻ, chị mua một chiếc váy len thương hiệu đình đám trong ngày Back Friday với mức giá giảm đến 30%. Tuy nhiên chỉ giặt qua 1 lần là đã bị hỏng. Từ kí ức đó, năm nay Back Friday chị Lan không còn hào hứng nữa. Bởi tưởng rẻ hóa ra lại thành đắt.
Cũng theo chia sẻ của nhiều khách hàng, năm ngoái Back Friday họ nhận thấy đa phần các cửa hàng giảm giá hay khuyến mại chỉ những mặt hàng thời trang đã lỗi mốt.
Quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm
Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương, những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng ứng sự kiện như Black Friday rất tích cực, đánh dấu một trong những sự kiện mua sắm, giảm giá lớn trong năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong và sau ngày Black Friday thì quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm. Điển hình trong việc nhiều người mua phải hàng hóa, dịch vụ với giá cao nhưng chất lượng kém. Bị lừa mua hàng bởi những thông tin có tính dụ dỗ, thổi phồng, chế độ bảo hành không được như cam kết.
Lời khuyên: Đứng trước tình trạng này cũng như chuẩn bị bước vào mùa mua sắm, khuyến mại, giảm giá lớn nhất trong năm người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi thực hiện giao dịch. Người tiêu dùng nên đánh giá, kiểm tra thật kĩ các thông số kĩ thuật, thông tin sản phẩm do doanh nghiệp công bố để tránh mắc bẫy giá cả.
Nhiều cửa hàng thời trang ở Hà Nội đã chạy đà cho ngày mua sắm Black Friday bằng việc treo biển giảm giá mạnh tới 80% các sản phẩm
Theo VN Review
'Bí mật đen tối' khách mua hàng Black Friday cần biết Được biết đến là đợt khuyến mãi khủng nhất năm với những món hàng có thể được giảm giá lên tới 80%, song đằng sau món hàng giảm giá dịp Black Friday là những "bí mật đen tối" mà ít khách ngờ tới. Mỗi năm chỉ diễn ra một lần vào đúng ngày thứ 6 sau Lễ Tạ Ơn (tháng 11), Black Friday...