Đảm bảo nguồn lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Hướng tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, tất cả trường học trên địa bàn quận Bình Thủy đã tích cực chuẩn bị nhằm triển khai hiệu quả vào năm học 2020-2021.
Trường Tiểu học (TH) Trà Nóc 2 có khuôn viên rộng hơn 6.000 mét vuông được phủ xanh, thoáng đãng. Cô Lê Thị Huỳnh Giao, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có sự quan tâm đầu tư của địa phương, ngành giáo dục, nỗ lực của tập thể nhà trường và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, tạo điều kiện cho thầy trò dạy và học tốt hơn”.
Trước đây, cơ sở vật chất của trường vốn được xây dựng năm 1968 trên đường Lê Hồng Phong, phường Trà Nóc, xuống cấp nghiêm trọng, thiếu phòng học, trang thiết bị… Sau đó, trường được xây dựng mới với quy mô 35 phòng học, phòng chức năng, được đưa vào sử dụng tháng 8-2018. Đến tháng 11-2018, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, là điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình GDPT mới. Hiện tại, trường có 37 thầy cô giáo và 820 học sinh, với 100% lớp học bán trú.
Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Trà Nóc 2.
Theo Ban Giám hiệu Trường TH Trà Nóc 2, sau khi rà soát phòng học, trang thiết bị, trường quán triệt trong tất cả thầy cô về chương trình GDPT mới, đồng thời tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận đến từng phụ huynh học sinh, nhất là ở khối lớp 1. Cô Lê Thị Huỳnh Giao nói: “Trường phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho phụ huynh về chương trình GDPT mới. Tạo điều kiện cho 100% giáo viên được tập huấn chương trình mới”. Cô Đỗ Thị Ngọc Quý, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Giáo dục thể chất, cho biết: “Theo Chương trình GDPT mới, môn Giáo dục thể chất tăng từ 35 tiết lên 70 tiết. Không đơn thuần học về thể dục mà còn lồng ghép vào giáo dục kỹ năng sống, an toàn giao thông… Do đó, giáo viên phải nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn”.
Tại Trường TH Thới An Đông 1, tập thể nhà trường cũng chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới. Đó là tiếp tục duy trì, phát huy mô hình Trường học mới, cũng như nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, đưa giáo viên đi tập huấn… Cô Ngô Thị The, giáo viên dạy lớp 1 với hơn 20 năm kinh nghiệm, cho biết chương trình mới đòi hỏi cô trò tích cực, chủ động trong dạy và học, học sinh cũng được học từ trải nghiệm thực tế cuộc sống. Cô chia sẻ: “Theo chương trình mới, người thầy càng phải nỗ lực tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn để dạy học sinh tốt hơn”. Thầy Đoàn Văn Chuộng, Hiệu trưởng Trường TH Thới An Đông 1, khẳng định: “Trường đã có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện mô hình Trường học mới, tin rằng sẽ triển khai thuận lợi chương trình GDPT mới sắp tới”. Với quy mô 20 phòng học, 13 phòng chức năng và 36 cán bộ, giáo viên đạt và trên chuẩn, Trường TH Thới An Đông 1 được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2017. Hiện tại, trường có 767 học sinh đang học ở các khối lớp.
Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là hai yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới. Với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Quận ủy, HĐND, UBND quận Bình Thủy, mạng lưới trường lớp trên địa bàn quận đã được nâng cấp khang trang. Nhiều năm qua, các trường TH và THCS ở quận Bình Thủy đã tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình Trường học mới, mô hình Trường Điển hình đổi mới và tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm. Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy, cho biết: Ngành tiếp tục tham mưu địa phương để đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các trường cố gắng nỗ lực và luôn trong tâm thế sẵn sàng để chương trình GDPT mới đi vào thực tế đạt hiệu quả.
Video đang HOT
Năm học 2019-2020, quận Bình Thủy có 13/13 trường TH tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Quận có 12/13 trường TH và 6/6 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Ngành giáo dục quận tiếp tục đảm bảo chất lượng đội ngũ đáp ứng nhiệm vụ mới. Đồng thời, ngành đã phối hợp các địa phương, các phòng chuyên môn UBND quận rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhu cầu nâng cấp mở rộng, sửa chữa, đầu tư xây dựng các trường theo lộ trình giai đoạn 2020-2025.
Bài, ảnh: Ng.Ngân
Theo baocantho
Khi các em được mặc ấm, tôi cũng thấy mát lòng
Thầy Vừ Mí Pó luôn lấy bản thân là một tấm gương để giải thích cho phụ huynh học sinh hiểu được mục đích của việc cho con em đi học.
Vừ Mí Pó (sinh năm 1987), người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang trong gia đình bố mất sớm, mẹ vất vả nuôi 4 anh em ăn học.
Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi học xong chương trình phổ thông, Vừ Mí Pó đã tiếp tục theo học chuyên nghiệp tại trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang với chuyên nghành Giáo dục thể chất.
Vừ Mí Pó cho biết: "Ngay sau khi ra trường vào tháng 6 năm 2009, tôi về địa phương để có thể được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho nền giáo dục của huyện nhà. Đến tháng 01/2010 tôi được nhận quyết định vào Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Xín Cái để công tác".
Với nhiệm vụ chính của thầy Pó là giáo viên giảng dạy bộ môn thể dục và giáo viên Tổng phụ trách Đội.
Thầy Vừ Mí Pó vừa là giáo viên giảng dạy bộ môn thể dục vừa là giáo viên Tổng phụ trách Đội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Xín Cái là một trong các trường giáp biên cách xa trung tâm huyện, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu khắc nghiệt quanh năm bao phủ bởi sương mù, mùa đông thời tiết nhiều lúc nhiệt độ xuống thấp thậm chí còn đóng băng, trình độ dân trí thấp, có nhiều phong tục lạc hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của các thầy cô giáo nơi đây trong đó có thầy Vừ Mí Pó.
Qua chia sẻ được biết, mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy nhưng thầy Pó luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao từ việc giảng dạy, hướng dẫn học sinh học tập đến tổ chức các hoạt động, trò chơi, văn hóa văn nghệ để giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô.
Thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các công việc thực tế như: Rửa bát, trồng rau xanh, các hoạt động tập thể của nhà trường, phối hợp với các nghệ nhân dân gian của xã để truyền dạy các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống cho các em.
Và kêu gọi các nhà thiện nguyện, mạnh thường quân có lòng hảo tâm ủng hộ cũng như giúp đỡ các vật dụng cá nhân như: Chăn, màn, quần áo rét ... để giúp phần nào đó cho các em yên tâm học tập tại trường.
"Trong công tác vận động học sinh, tôi luôn lấy bản thân là một tấm gương để giải thích cho phụ huynh học sinh hiểu được mục đích của việc cho con em đi học, giải thích cho bà con nhân dân nắm được các loại chế độ.
Thường xuyên tổ chức các buổi lao động giúp đỡ cho các em học sinh nhà neo người để từ đó các em có nhiều thời gian tham gia các hoạt động học tập trong trường. Tích cực tuyên truyền cho các em học sinh nắm được tác hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để từ đó giảm thiểu được tình trạng các em bỏ học giữa chừng và lấy chồng, lấy vợ sớm", thầy Pó kể.
Qua chia sẻ được biết, thầy Pó là giáo viên giới thiệu là gương giáo viên tiêu biểu tham gia Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.
Thầy Vừ Mí Pó (áo vàng) thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các công việc thực tế trồng rau xanh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bằng sự nỗ lực cố gắng trong công việc, thầy Vừ Mí Pó đạt giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện các năm học 2014-2015; 2016- 2017; 2018- 2019.
Đặc biệt, về công tác Đội, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi do thầy Pó hướng dẫn như em Và Thị Say - chi đội 8A1 đạt giải nhất, em Ly Thị Dúa - chi đội 8A1 đạt giải khuyến khích cấp trung học cơ sở cuộc thi tìm hiểu về kiến thức dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể lực, phòng chống thừa cân, béo phì cho trẻ em năm 2018 do Báo Nhi Đồng và cục Y Tế dự phòng phối hợp tổ chức;
Và em Sùng Thị Dính đạt giải nhất cuộc thi tìm hiểu pháp luật cấp tỉnh năm 2014 - 2015; em Phàn Thị Lan - chi đội 9A1 đạt giải khuyến khích cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 do Bộ thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ( và đây cũng là em học sinh duy nhất của tỉnh Hà Giang đạt giải).
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Trẻ càng chạy nhảy nhiều càng tiếp thu tốt kiến thức Những đứa trẻ tham gia hoạt động thể chất có xu hướng tập trung hơn khi lắng nghe giáo viên dạy học, chúng cũng dễ tiếp thu bài vở hơn nhóm học sinh không tham gia hoạt động thể chất. Nghiên cứu này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu khai thác dữ liệu từ 12.663 học sinh trong độ tuổi...