Đắk Nông: “Nhốt” loài thú ham ăn tre nứa ở trong nhà, trai Đắk Nông nuôi không kịp để bán
Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Xuân Thành, ở khối 2, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã chọn nuôi dúi là mô hình khởi nghiệp.
Đến nay, mô hình nuôi loài dúi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có địa chỉ tiêu thụ dúi thịt ổn định đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Thành.
Qua tìm hiểu thông tin trên báo chí và tham quan một số mô hình nuôi dúi, năm 2017, anh Nguyễn Xuân Thành, ở khối 2, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bỏ vốn hơn 15 triệu đồng mua dúi giống về nuôi.
Anh Thành xây chuồng dúi theo hình thức ô vuông 50 cm x 50 cm bằng gạch men, bảo đảm độ trơn để dúi không leo ra ngoài được.
Anh Thành, ở khối 2, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) chăm sóc đàn dúi con mới được tách riêng
Chuồng nuôi dúi được xây ngay trong hiên nhà, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào, lại thuận tiện cho việc chăm sóc dúi ban ngày lẫn ban đêm. Từ 15 cặp dúi giống ban đầu, anh Thành đã cho chúng phối giống sinh sản để nhân rộng số lượng đàn.
Dúi là loài thú gặm nhấm, thức ăn của chúng là thân tre nứa, hạt ngô, thân mía, cỏ voi…Những loại này có trong tự nhiên, nên gia đình anh tận dụng để giảm chi phí.
Nhờ hiểu được tập tính của loài dúi nên gia đình anh không mất nhiều công chăm sóc, chi phí lại thấp. Thêm vào đó, đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước nên khá sạch sẽ.
Anh Thành cho biết, so với các vật nuôi khác thì con dúi thuần rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Quá trình sinh trưởng, dúi con nuôi được 6 đến 7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối, sinh sản.
Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi đẻ là 45 ngày. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ để nuôi dúi con thành dúi thịt.
Video đang HOT
Sau 3 tháng chăn nuôi, dúi có thể xuất bán được. Mỗi năm dúi mẹ đẻ 3 – 4 lứa, mỗi lứa đẻ từ 2 – 5 con. Để dúi phát triển tốt, anh Thành phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại.
Theo anh Thành, mùa hè nên phun sương, có thêm quạt điện để làm mát cho đàn dúi nuôi, mùa đông thì chuồng trại nuôi dúi phải bảo đảm kín gió.
Anh Thành, ở khối 2, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) che đậy tránh gió lùa vào chuồng dúi vào ban đêm.
Hiện nay, khu chăn nuôi dúi rộng khoảng 100m2 của gia đình anh Thành duy trì thường xuyên hơn 300 con dúi.
Không gian thoáng mát, sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi hôi từ hàng trăm con dúi. Thịt dúi được coi là đặc sản, được nhiều người ưa thích nên giá tương đối cao, ổn định.
Giá bán dúi thịt là 650.000 đồng/kg, giá bán dúi giống từ 1 – 2 triệu đồng/cặp. Thị trường đầu ra dúi thịt, dúi giống chủ yếu ở địa phương và các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ…
Mỗi tháng, anh Thành có thu nhập thường xuyên từ 20 – 40 triệu đồng nhờ mô hình nuôi dúi sau khi trừ chi phí.
Theo anh Thành, mặc dù kỹ thuật nuôi dúi khá đơn giản nhưng cần phải thực sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian chăm sóc, theo dõi thường xuyên.
Đặc biệt là việc tách đàn dúi con, ghép đôi dúi bố mẹ phải phù hợp, tránh làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Thức ăn trong chuồng dúi cũng phải bảo đảm liên tục để phù hợp với đặc tính của loài dúi.
Chuồng nuôi dúi cũng phải khô ráo, không ẩm ướt, tránh mắc bệnh tiêu chảy cho đàn dúi. Người nuôi dúi cần thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải và thức ăn cũ thừa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Trong quá trình nuôi dúi, chăm sóc dúi, người nuôi cần chú ý 2 loại bệnh thường gặp ở loài dúi là bệnh đường ruột và bệnh hô hấp…
Nhờ chăm sóc tốt nên đàn dúi phát triển nhanh, dúi thịt đạt trọng lượng 1 – 2 kg được anh Thành xuất bán…
Không chỉ “mát tay” trong chăn nuôi núi, anh Thành còn luôn nhiệt tình trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi, cung cấp dúi giống cho những hộ có nhu cầu.
Hậu Giang: Nuôi chồn hương mặt nhọ ham ăn cháo cá, cứ bán 1 con lời 3 triệu đồng
Khu vực chuồng nuôi chồn hương nằm phía sau căn nhà được ông Tạo thiết kế thoáng mát. Ông Tạo kể hơn 3 năm trước, sau khi đi tham quan các mô hình làm ăn trong và ngoài tỉnh về ông quyết định chọn chồn hương làm vật nuôi chính để cải thiện kinh tế gia đình.
Đến tham quan khu nuôi chồn hương của gia đình ông Nguyễn Văn Tạo, ấp 6 xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì giữa nơi đất chật, người đông mà ông lại xây dựng được mô hình nuôi chồn hương khép kín, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định.
Một cặp chồn hương được nuôi nhốt trong trang trại nuôi chồn hương của gia đình ông Nguyễn Văn Tạo, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
"Lúc đó, tôi dùng 15 triệu đồng tích góp của gia đình mua 2 cặp chồn hương về làm giống. Gần 1 năm sau chúng sinh sản được 4 con chồn con, tôi để lại làm giống để nhân rộng đàn", ông Tạo nói.
Chồn hương dễ nuôi, không cần diện tích đất lớn, thức ăn đơn giản. Sau vài lứa chồn sinh sản, ông Tạo đã nắm vững kỹ thuật nuôi chồn hương nên dành 40 m2 phía sau nhà để làm chuồng.
Cứ thế, sau khi bán được vài lứa chồn con, chồn thịt ông có vốn cộng với 20 triệu đồng tiếp tục mua thêm giống chồn hương về nuôi để tăng nhanh số lượng đàn.
Hằng ngày ông cho chồn hương ăn chuối chín, cháo cá. Thỉnh thoảng thì mua thêm đầu gà, vịt, cá nấu chín cho chồn ăn để lớn nhanh.
Ông Tạo cho biết chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt. Trong quá trình nuôi chồn hương phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên.
Định kỳ mỗi tháng xổ giun cho chồn hương một lần để chồn háu ăn, mau lớn. Vào mùa nắng nóng phải thường xuyên tưới nước làm mát mái chuồng trại.
Ngoài ra, theo ông Tạo, chồn hương rất thích bóng tối và thường hay ăn vào ban đêm. Do đó, nếu chuồng sáng quá thì chồn sẽ bị đau mắt.
Chồn hương nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết. Người nuôi chồn hương nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô.
Có một vấn đề quan trọng trong quá trình nuôi chồn hương là chồn ăn nhiều loại thức ăn nên phải chú ý bảo đảm cho hệ thống tiêu hóa luôn ổn định mới không bệnh, lớn nhanh.
Do đó, ông Tạo thường xuyên cho chồn sử dụng men tiêu hóa để cho hệ thống tiêu hóa chúng mạnh, ăn nhiều và mau lớn.
Trong quá trình nuôi chồn hương cần theo dõi thời điểm chồn lên giống để tiến hành phối giống làm sao bảo đảm mỗi lần phối đều đạt giúp chúng sinh sản liên tục sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tạo cho biết thêm chi phí các khoản như thức ăn, công chăm sóc mỗi con chồn hương hết khoảng 120.000 đồng/tháng (chưa kể con giống).
Sau 5 tháng nuôi, chồn hương nặng từ 3,5 - 4 kg/con và có thể xuất bán với giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, như vậy mỗi con lời khoảng 3 triệu đồng.
Thời gian qua, mỗi năm ông Tạo còn xuất bán khoảng 5 - 6 cặp chồn hương giống với giá 6 triệu đồng/cặp, đồng thời xuất bán khoảng 50 con chồn hương thịt, thu về trên 145 triệu đồng.Điểm nuôi chồn hương của ông Tạo đã được Chi cục Kiểm lâm huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cấp phép đồng thời ông cũng lập sổ theo dõi gây nuôi động vật rừng thông thường rất chặt chẽ.
Trai Đắk Nông khoe giò hoa lan rừng Phi điệp tím "khủng", dân mạng sốt rần rần Tháng 5 về là dịp những giò phong lan rừng Phi điệp tím của chàng trai Phạm Đức Triều, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông nở tím cả thềm nhà. Đặc biệt, vẻ đẹp mê mẩn của giò lan rừng Phi điệp tím "khủng" với những suối hoa tím rịm tuôn dài, toả hương thơm ngát đã gây thương nhớ...