Đắk Nông: Học sinh vùng cao cảm ơn độc giả báo Dân trí vì bữa cơm trưa có thịt cá
Ba ngày sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết: “Tránh bữa trưa với muối ớt và chuột đồng cho học sinh, giáo viên lên mạng “xin” giúp đỡ”, hơn 130 học sinh của xã vùng cao Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã có bữa cơm trưa đầy đủ thịt cá, canh rau từ số tiền mà độc giả báo Dân trí ủng hộ, giúp đỡ.
Tới thời điểm hiện tại, hơn 120 triệu đồng cùng nhiều món quà của độc giả cả nước đã được trao đến những học sinh của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và THCS Quảng Hòa.
Lá thư cảm ơn độc giả báo Dân trí của học sinh Triệu Thị Phương
Em Triệu Thị Phương, nữ sinh lớp 9A, một trong 130 học sinh được nhận cơm trưa, nắn nót viết từng lời cảm ơn độc giả báo Dân trí. Bắt đầu từ tuần học này, cô học trò người Dao sẽ được ăn hai bữa trưa do các thầy cô giáo nấu. Đối với cô bé và hàng chục đứa trẻ khác đang tá túc ở những lán trại dựng quanh trường, đó là những bữa cơm đầy đủ nhất trong những ngày chúng trọ học xa nhà.
Trong thư cảm ơn gửi độc giả Dân trí, Phương tâm sự, các em đều là những học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có ước muốn là được tiếp tục đến trường, để có được tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, học lên mỗi lớp lại làm gánh nặng của cha mẹ ngày càng tăng, vì vậy ngoài giờ học, các em phải đi làm thuê, bắt cua, hái rau rừng về ăn. Nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là món quà tinh thần, chắp cánh cho những ước mơ của học trò vùng cao.
Video đang HOT
Bắt đầu từ ngày 10/12, học sinh xã Quảng Hòa sẽ được nhận cơm, được nấu từ số tiền các độc giả ủng hộ
Thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên trường THCS Quảng Hòa, người phụ trách bếp ăn tình thương cho biết, thực sự những ngày qua là những ngày hạnh phúc không chỉ đối với cá nhân thầy mà là toàn thể giáo viên, học sinh xã Quảng Hòa. Trước những tình cảm của độc giả báo Dân trí, tập thể các thầy cô giáo đều nhận thấy rằng, việc đi “xin” cơm cho học sinh là đúng đắn và sẽ tiếp tục duy trì, tất cả chỉ vì mục tiêu, “giữ chân” học trò ở lại trường.
“Đến ngày hôm nay, vẫn không có từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui, niềm hân hoan của thầy trò chúng tôi khi có những bữa cơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng được làm nên từ sự giúp đỡ của mọi người. Nhận được sự giúp đỡ to lớn của các mạnh thường quân, chúng tôi càng có niềm tin, động lực để tiếp tục công việc. Còn học sinh, các em có thêm một lý do ở lại trường, đó là học tập thật tốt để không phụ công mọi người”, thầy Trung xúc động.
Nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập cũng được gửi tặng học sinh hai trường của xã Quảng Hòa
Em Triệu Thị Phương thay mặt những học sinh của xã vùng cao Quảng Hòa gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân, độc giả báo Dân trí. “Một lần nữa, cho phép cháu thay mặt các bạn học sinh nơi đây, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cô chú. Cô chú ơi, chắc chắn chúng cháu sẽ không phụ lòng tâm huyết của cô chú !”, Phương viết cuối thư.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả độc giả báo Dân trí. Sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của mọi người đối với học sinh của xã đã giúp các em có cuộc sống ổn định hơn, qua đó thể hiện tinh thần nhân văn, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam.
Dương Phong
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Bữa ăn bán trú: Mong mỏi của phụ huynh trường nông thôn
Ở nhiều vùng nông thôn, việc đưa đón con trẻ đi lại học hành còn nhiều vất vả, tốn kém công sức và tiền bạc vì chưa có bữa ăn bán trú ở trường. Khó khăn nảy sinh từ bữa trưa của học sinh cũng gây ảnh hưởng một phần đến chất lượng giáo dục cũng như sinh hoạt gia đình.
Ảnh minh họa
Theo như tôi biết, tại một trường tiểu học của ở một xã ở tỉnh Bắc Ninh, từ trước đến nay không nấu bữa ăn bán trú cho học sinh vào buổi trưa. Vài năm gần đây, phía cha mẹ học sinh đặt vấn đề nhưng cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện nên trường chỉ đặt cơm hộp cho các em ăn trưa. Gom tất cả thì mỗi lớp được vài em, cả trường chưa được 50 hộp cơm nhưng các phụ huynh vẫn đành chấp nhận vì không có sự lựa chọn nào nữa. Nhiều phụ huynh không yên tâm về chất lượng cơm mua bên ngoài nhưng vẫn phải để con ăn trưa tại trường vì không có người đưa đón ngày vài lượt đi học.
Ở nông thôn, các trường hợp gửi con ở trường thường là có bố mẹ đi làm xa nhà, làm công nhân, nhà không có ông bà hoặc ông bà đã già. Những nhà vẫn có người để đưa đón con ngày 4 lượt đến trường thì khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Ngày mát mẻ, khô ráo thì đỡ, còn những ngày mưa gió rét hoặc nắng gắt giữa thì cả học sinh và phụ huynh đều mệt mỏi và cực nhọc.
Thường những gia đình đưa đón con đi học được như thế thì là phải có nhiều thời gian, có người rảnh rỗi và công việc an nhàn, thuận lợi để chuyên tâm vào việc chăm sóc việc học hành cho con. Cứ thế là quanh năm, suốt tháng, phải chờ xong hết cấp 1 thì các em học sinh mới tự túc đi lại một mình đến. Biết là vất vả, cực nhọc nhưng nhà nào cũng phải cố, tất cả là vì việc học hành của con cái nên dù có mệt thì ông bà, cha mẹ vẫn luôn phải cố sức.
Không ăn bán trú ở trường thì ngoài việc đưa đón đi lại vất vả cho cả phụ huynh và con em học sinh thì các việc ăn uống ngủ nghỉ ở nhà cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Việc đi lại trong thời gian ngắn giữa trưa khiến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ không có nhiều thời gian và dễ mệt mỏi cho các em, ảnh hưởng một phần đến giờ học buổi chiều. Thêm nữa, vì không có bữa ăn bán trú ở trường nên những gia đình có con nhỏ đang học tiểu học phải mất một nhân lực để đưa đón con cháu, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của gia đình. Tất cả mọi người trong gia đình đều phải chủ động sắp xếp trước với nhau để luôn có một người dành thời gian đưa đón con. Ngay tại Hà Nội, nhiều xã ngoại thành vẫn chưa có điều kiện để lập bữa ăn bán trú cho học sinh, một phần do thiếu vốn, lại chưa có chủ trương hoặc chưa được quan tâm.
Hiện nay, không chỉ ở các thành thị mà tại nông thôn, tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, người lao động phần lớn làm việc trong các doanh nghiệp hoặc buôn bán nhỏ lẻ, lao động nông nghiệp giảm mạnh và chủ yếu chỉ còn người già. Có những gia đình phải thuê người đưa đón con đi học vì không có thời gian và cũng không yên tâm khi để con tự ăn cơm hộp ở trường. Vì vậy, sự thay đổi và phát triển cũng lan rộng đến từng trường học, đến mỗi gia đình.
Xây dựng bếp ăn và duy trì bữa ăn trưa bán trú cho học sinh là điều cần nên làm, vừa tăng chất lượng giáo dục, vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế cho các gia đình tại địa phương. Đây là mong ước của nhiều phụ huynh học sinh cũng như của nhiều trường học, nhưng lại là một việc không dễ dàng, điều này cần phải được làm theo hình thức xã hội hóa giữa chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp cùng kết hợp với nhau. Làm tốt việc này cũng góp phần vào sự phát triển của giáo dục, xây dựng đời sống giáo dục văn minh, và hiện đại hóa đời sống của cư dân ở nông thôn.
Minh Minh
Theo Dân trí
Đắk Nông: Giáo viên vùng cao lên mạng xã hội "xin" cơm trưa để "giữ chân" hàng trăm học sinh Từng chứng kiến cảnh học sinh bắt chuột đồng về làm thịt, bữa trưa chỉ có cơm trắng với muối ớt rừng, những thầy cô giáo của xã vùng cao Quảng Hòa đã lên mạng xã hội kêu gọi mọi người giúp đỡ cơm trưa cho học trò. Gần 2000 suất cơm trong năm học trước và hàng ngàn suất đang triển khai...