Đại sứ Australia giả vờ ngã xe để dạy học
Tham dự buổi dạy sơ cứu tại trường THCS Tương Giang, Bắc Ninh, Đại sứ Australia Hugh Borrowman đóng vai người bị thương nặng do lái xe không đội mũ bảo hiểm.
Mới đây, Đại sứ Australia nhập vai người tham gia giao thông, nghe điện thoại khi đi xe máy. Những động tác vui nhộn của ông khiến nhiều học sinh hứng thú.
Giả vờ bị thương nặng vì gặp tai nạn khi không đội mũ bảo hiểm, ngài đại sứ đang được các chuyên gia sơ cứu. Xung quanh, học sinh chăm chú theo dõi.
Đại sứ Hugh Borrowman cho biết, ông rất vui khi cùng các tình nguyện viên của Australia tham gia khóa học, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của người khác và xe cứu thương, những kỹ thuật sơ cứu đúng cách có thể cứu sống nhiều người. Học sinh tham dự buổi học được trang bị những kỹ năng cơ bản về sơ cứu người gặp nạn.
Sau phần hướng dẫn minh họa, học sinh thực hành đặt nạn nhân bất tỉnh đúng tư thế an toàn và băng bó vết thương hở.
Video đang HOT
Đại sứ Borrowman và Giám đốc Điều hành của tổ chức St John Ambulance, ông Tony Ahern, chụp ảnh chung với học sinh sau buổi học. Việc sơ cứu kịp thời có thể cứu sống nhiều người gặp tai nạn giao thông. Đó là lý do các tình nguyện viên từ Australia hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dạy kỹ năng này cho học sinh.
Theo Zing
Dạy con tại nhà: Được và mất
Home school (dạy học tại nhà) là hình thức mới tại Việt Nam. Theo chia sẻ của những người trong cuộc, họ từng bị coi là dở hơi khi quyết định không cho con đến trường.
Một số ý kiến cho rằng, home school ở Việt Nam dành cho những trẻ khó hòa nhập cộng đồng và gia đình có điều kiện. Tuy nhiên, những người trong cuộc cho rằng, điều này không đúng.
Theo phụ huynh, home school ra đời khi bố mẹ và các con có mục tiêu khác với trường học, nên lựa chọn một hình thức phù hợp hơn.
Học qua video, chương trình nước ngoài
Gia đình chị Phan Ngọc Diệp, anh Đào Huy Quang (Hà Nội) đang thực hiện hình thức dạy học tại nhà với 3 con là Đào Minh Quang (11 tuổi), Đào Diệp My (9 tuổi) và Đào Duy Quang (6 tuổi). Hai con đầu của anh chị đang học chương trình lớp 4, con út học chương trình lớp 1. Tất cả đều không đến trường.
Vợ chồng chị Diệp, anh Quang từng sống tại nước ngoài. Khả năng tiếng Anh tốt, chị Diệp có thời gian làm cho một tổ chức phi chính phủ. Anh Quang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, hay dự thi nhiều nơi nên hiểu cảnh chạy đua thành tích ở mỗi cấp học.
Cộng thêm tính chất công việc luôn thay đổi, tôn trọng cá tính các con, anh chị quyết định dạy ba đứa ở nhà để có môi trường giáo dục thoải mái nhất.
Chị Diệp hướng dẫn con theo chương trình học tại nhà. Ảnh: Anh Tuấn.
Sau hai năm tự chuẩn bị tài liệu, từ năm học này, chị Diệp dùng chương trình home school của Mỹ bằng hình thức học qua video, sau đó tự làm bài tập. Các bài giảng có độ dài từ 15-30 phút, thời gian học mỗi môn 30-45 phút.
Quan điểm của anh Quang và chị Diệp là hướng con trở thành người có ích cho xã hội, thậm chí có thể không vào đại học. Tuy nhiên, nếu con cố gắng, cha mẹ sẽ tạo điều kiện cho các cháu du học, khi đó sẽ hoàn thành bài thi chuẩn hóa quốc tế.
Dạy ở nhà giúp gia đình chị Diệp tôn trọng nhu cầu học của từng trẻ. Với bé Đào Minh Quang, hai mẹ con có thể dành cả ngày để tìm hiểu về địa lý Việt Nam. Một ngày khác rong ruổi xe máy, xe buýt khắp nơi để tìm hiểu vị trí các quận, huyện, đường phố của Hà Nội. Những chuyến thực tế này tất nhiên ở trường học không có.
Còn bé Đào Diệp My (9 tuổi) luôn muốn học bài thật nhanh để được làm các hoạt động sáng tạo, thủ công, vẽ... My chia sẻ, việc học ở trường kéo dài đến chiều, không có thời gian để làm những việc yêu thích. Học ở nhà, các bé có nhiều thời gian cho ngoại khóa.
"Tôi nghĩ home school có thể sẽ không phù hợp mọi gia đình, nhưng với riêng chúng tôi, đây là giải pháp tốt", chị Diệp chia sẻ.
Do tính chất công việc, vợ chồng chị Phạm Thiên Hương (Hà Nội) cũng áp dụng mô hình dạy học ở nhà cho hai con gái 4 tuổi và 6 tuổi. Với bé 6 tuổi, chị cho đến trường học bình thường như những đứa trẻ khác, đồng thời, vẫn áp dụng một phần chương trình home school của Abeka (Mỹ).
Chị Hương chia sẻ: Phần học thuật của chương trình được thiết kế rất sâu sắc để các con có nền tảng kiến thức tốt mà cách thầy cô dạy qua VCD không nhàm chán. Giáo trình có xu hướng giúp học sinh tự học, tự lập chứ không lệ thuộc người dạy.
Nhiều năm nghiên cứu phương pháp này, chị Hương cho rằng, các gia đình cần xác định rõ mục tiêu và mong muốn khi chọn home school; Cần tìm được chương trình phù hợp; Tạo môi trường thực tế, sáng tạo; Nên áp dụng mô hình của những người đã thành công trên thế giới; Tạo được cộng đồng cho con.
Dù mô hình không đến trường còn mới ở Việt Nam, nhưng không ít phụ huynh vẫn muốn tự dạy con mình từ kiến thức trong sách giáo khoa đến các kỹ năng sống. Xu hướng này đang ngày càng thu hút sự chú ý của các bà mẹ ở thành phố lớn, có điều kiện kinh tế, nhất là khi mạng Internet phát triển như hiện nay.
Là xu thế tất yếu?
Nhìn những thành công ban đầu của con khi có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, biết chơi đàn, thành thạo các kỹ năng sống... tưởng dễ dàng nhưng thực chất bố mẹ phải trải qua nhiều khó khăn. Anh Đào Huy Quang xác định, dạy con ở nhà, cha mẹ rất vất vả, như một cuộc thí nghiệm không được phép thất bại, chỉ cố gắng hạn chế tối đa những sai sót.
Ban đầu, khi quyết định cho con học tại nhà, anh Quang bị nhiều người phản đối, thậm chí cho rằng... dở hơi. Tuy nhiên, nhìn sự tiến bộ từng ngày của các con, mọi người dần ủng hộ. Điều khó khăn nhất của người vợ khi trực tiếp dạy con ở nhà là sắp xếp thời gian hợp lý. Một trong hai bố mẹ phải hy sinh sự nghiệp mới có thể chu toàn cho các con.
Theo chia sẻ của một số phụ huynh, "cái được" của home school là bố mẹ biết con giỏi và kém lĩnh vực nào để trực tiếp bồi dưỡng, cũng như khắc phục. Bố mẹ trực tiếp dạy con tất nhiên sự quan tâm phải khác. Ngoài ra, các con được thực hành nhiều hơn, có thời gian rèn kỹ năng sống với những chuyến dã ngoại của bố mẹ liên quan chủ đề bài học...
Tuy nhiên, không phải ai cũng dám hy sinh dạy con ở nhà, mà không đưa đến trường. Một trong những nguyên nhân liên quan vấn đề pháp lý.
Bà Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Nhu cầu đào tạo nhân lực - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, cho biết, những gia đình ở Việt Nam lựa chọn hình thức cho con học tại nhà là sự đột phá trong chiến lược giáo dục của gia đình.
Đây là một xu thế tất yếu trong thời đại khoa học công nghệ phát triển. Người học chỉ cần sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính.
Khi học tại nhà, con có thời gian phát triển sở thích cá nhân. Ảnh: Anh Tuấn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, với cơ chế, luật định, cũng như điều kiện phát triển xã hội ở Việt Nam, người học dễ gặp những rủi ro. Hiện chưa có văn bản cụ thể chấp nhận hình thức home school, nên có thể dẫn đến tình huống, sau thời gian dạy tại nhà, bố mẹ muốn con vào trường học thì không có văn bản chứng nhận đã tốt nghiệp cấp học.
Nữ giám đốc bày tỏ, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Việc các gia đình lựa chọn hình thức học tại nhà có nhiều nguyên nhân, trong đó gồm điều kiện gia đình và một phần mất niềm tin vào hệ giáo dục chính thống. Sự lựa chọn của họ có thể bị xem là liều lĩnh.
Theo đánh giá của bà Hà, xét về mặt tích cực, home school là xu thế tất yếu của xã hội.
"Nền giáo dục của Việt Nam cần thay đổi, các nhà quản lý phải suy nghĩ và chấp nhận những hình thức giáo dục khác nhau, đảm bảo tính đa dạng của hệ thống, và đáp ứng tốt hơn mọi nhu cầu của người học", Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Nhu cầu đào tạo nhân lực nhận định.
Theo bà Hà, để tránh được những nguy cơ hay rủi ro khi áp dụng hình thức dạy con tại nhà, gia đình cần chú điều chỉnh, và tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài xã hội với bạn bè cùng trang lứa, rèn luyện thêm các kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội.
Dù với bất kỳ lựa chọn con đường học như thế nào, trẻ đều cần một môi trường giáo dục đa dạng, phong phú, để cho trẻ phát triển các năng lực của mình và có thể hòa nhập vào thế giới trong tương lai.
Theo Zing
Bà giáo làng thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo Bà Đặng Thanh Hương (78 tuổi, ở ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vận động con cháu góp tiền thuê giáo viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở địa phương. "Mái ấm" tri thức của trẻ em nghèo Bà Hương kể, ước mơ mở lớp học tình thương này có từ lâu, nhưng vì hoàn...