Đại học VN mà không ưu tiên VSTEP lại chạy theo IELTS chi phí cao là vô lý
Các trường đại học nên vì quyền lợi của người học mà ưu tiên xét chứng chỉ VSTEP thay vì bắt buộc họ phải có IELTS với chi phí cao.
Vừa qua, khi một số đơn vị tổ chức thi chứng chỉ IELTS phải hoãn thi khiến nhiều gia đình đứng ngồi không yên. Nó cho thấy, IELTS nhu cầu thi chứng chỉ này ở Việt Nam rất lớn. Đáng nói, không chỉ riêng các trường hợp đi du học cần chứng chỉ nà mà vài năm qua, chứng chỉ này được nhiều trường đại học, học viện dùng để ưu tiên xét tuyển đầu vào hoặc làm tiêu chí đầu ra.
Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi chứng chỉ tiếng Anh VSTEP của Việt Nam (tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2) tại sao không được các trường ở Việt Nam ưu tiên lựa chọn.
Nếu thi IELTS, thí sinh sẽ phải mất chi phí khoảng gần 5 triệu đồng, chưa kể tiền ôn thi không hề ít, trong khi với thi chứng chỉ VSTEP, người học chỉ mất khoảng gần 2 triệu đồng.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: với kì thi, tuyển sinh trong nước, có nhất thiết chỉ lựa chọn hay ưu tiên IELTS ở vị trí hàng đầu?
Trao đổi về vấn đề trên, ông Bùi Khánh Nguyên (chuyên gia giáo dục độc lập), người từng có nhiều năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên. (Ảnh: NVCC)
Phóng viên: Ông có đánh giá như nào về ưu điểm, nhược điểm của việc liên kết, tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam hiện nay?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Tôi nghĩ rất cần có sự hiện diện của các tổ chức phát triển giáo dục, văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam để hỗ trợ cho công tác khảo thí và giảng dạy ngoại ngữ.
Trong những năm qua, các tổ chức đó, đặc biệt là các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, trực thuộc chính phủ hoặc phi chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước, tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ của nước họ, cũng như hỗ trợ cho học sinh, sinh viên Việt Nam có nhu cầu du học.
Nhược điểm của các kỳ thi quốc tế có thể là chi phí khá lớn, do vậy người học tùy vào mục đích của mình mà lựa chọn kỳ thi quốc tế, hay kỳ thi trong nước để tiết kiệm chi phí.
Phóng viên: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 25 đơn vị đào tạo chứng chỉ tiếng Anh VSTEP, ông có đánh giá sao về chất lượng của các đơn vị này?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Tôi nghĩ chứng chỉ tiếng Anh VSTEP là một sự tiến bộ so với hệ thống chứng chỉ tiếng Anh A, B, C từng được áp dụng trước đây. Hệ thống đánh giá này dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, tương ứng với 6 bậc của Khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu (CEFR).
Trong số đơn vị được cấp phép tổ chức thi VSTEP, có một số đơn vị là các trường đại học chuyên ngữ hoặc các khoa ngôn ngữ nước ngoài, nhìn chung họ có đủ nguồn lực và trình độ để đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh.
Phần còn lại là uy tín của từng đơn vị trong việc tuân thủ các quy định tổ chức kỳ thi, bao gồm liêm chính về học thuật.
Phóng viên: Nếu so sánh về việc đánh giá năng lực thí sinh của VSTEP với IELTS, ông có nhận xét sao?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Chắc chắn là IELTS được công nhận rộng rãi hơn trên thế giới, còn VSTEP được công nhận chủ yếu ở Việt Nam.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nếu sử dụng cho các khóa học ở trong nước, thì việc thi VSTEP cũng có nhiều lợi thế về chi phí và số lượng các điểm thi cho thí sinh. Cả IELTS và VSTEP đều có thể quy đổi ra khung ngoại ngữ 6 bậc hay khung tham chiếu ngôn ngữ, nên không khó để đánh giá năng lực ngôn ngữ của thí sinh.
Ví dụ, thí sinh đạt trình độ B2 trong kỳ thi IELTS cũng sẽ tương đương với B2 trong kỳ thi VSTEP.
Phóng viên: Về vấn đề trên, ông có đề xuất gì để tạo sự thuận lợi cho người học đang học tập, công tác tại Việt Nam?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Tất cả các tổ chức khảo thí, kỳ thi, chứng chỉ đã được cấp phép tại Việt Nam đều cần được tôn trọng bởi cơ quan quản lý. Việc các chứng chỉ được công nhận tới đâu phụ thuộc vào uy tín của tổ chức cấp chứng chỉ.
Một tổ chức kém uy tín thì chứng chỉ được cấp ra được rất ít đơn vị công nhận và ngược lại. Do vậy, cơ quản quản lý chỉ nên đặt ra quy trình cấp phép và thẩm định. Khi các tổ chức khảo thí đã tuân thủ các quy định thì việc khẳng định chất lượng của các tổ chức này nằm ngoài thẩm quyền và không phụ thuộc vào ý chí của cơ quan quản lý.
Các trường đại học của Việt Nam nên vì quyền lợi của người học mà công nhận chứng chỉ VSTEP thay vì bắt buộc học sinh chỉ có thể sử dụng các chứng chỉ quốc tế có chi phí cao.
Ví dụ, để chứng minh năng lực tiếng Anh của sinh viên đạt trình độ B1 tiếng Anh ở một trường đại học có 10.000 sinh viên mà bắt buộc 10.000 sinh viên đó phải thi IELTS hoặc TOEFL có thể là một chính sách gây phiền toái cho nhiều sinh viên, vì có những giải pháp tối ưu hơn.
Sự không tin tưởng vào chứng chỉ nội và quá sùng bái chứng chỉ ngoại cũng cho thấy sự suy giảm niềm tin vào liêm chính học thuật tại các trường đại học trong nước.
Các chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, B, C trước đây đã đi kèm với rất nhiều sự hoài nghi về độ tin cậy, do vậy để chứng chỉ VSTEP có thể được tin tưởng bởi trường học và nhà tuyển dụng, VSTEP phải tự khẳng định được tính liêm chính học thuật của mình trước xã hội.
Phóng viên: Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, chứng chỉ IELTS chỉ nên áp dụng cho đối tượng du học, ông đánh giá sao về điều này?
Ông Bùi Khánh Nguyên: Không có một giới hạn hay quy định nào về việc sử dụng chứng chỉ IELTS như thế nào, tất cả phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của các tổ chức như trường đại học đang tuyển sinh. Tuy nhiên, để giảm bớt chi phí không cần thiết, thì với các chương trình, khóa học trong nước do các trường đại học Việt Nam tổ chức, nên sử dụng cả VSTEP bên cạnh IELTS.
Sẽ là bất hợp lý khi một trường đại học có tổ chức kỳ thi VSTEP ngay trong trường, nhưng lại buộc sinh viên phải có chứng chỉ IELTS mà không áp dụng chứng chỉ VSTEP.
Ví dụ, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội) cho phép sinh viên sử dụng chứng chỉ VSTEP cho chương trình liên kết quốc tế của trường, trong khi Học viện báo chí và tuyên truyền cũng là đơn vị tổ chức kỳ thi VSTEP nhưng yêu cầu chứng chỉ IELTS cho chương trình liên kết quốc tế của trường mà chưa chấp nhận chứng chỉ VSTEP.
Gần đây nhất, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chính thức áp dụng VSTEP cho toàn bộ các chương trình, khóa học cần đánh giá năng lực tiếng Anh, áp dụng tại 9 trường đại học thành viên. Theo tôi đây là một động thái đáng hoan nghênh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Nhiều trường đại học dùng chứng chỉ Tiếng Anh VSTEP để tuyển sinh
Trong khi kỳ thi IELTS tại Việt Nam đang bị tạm hoãn thì nhiều trường đại học quyết định sử dụng chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trong tuyển sinh.
Ảnh minh họa.
Đại học Quốc gia TP HCM mới đây đã đề nghị 9 trường thành viên công nhận chứng chỉ tiếng Anh VSTEP của Việt Nam để tuyển sinh, đào tạo và xét công nhận tốt nghiệp.
Trả lời báo chí ông Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), cho biết việc này trước mắt tạo thuận lợi cho sinh viên trong xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ. "Ngoài các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, sinh viên có thêm lựa chọn là chứng chỉ VSTEP, trong bối cảnh kỳ thi IELTS tại Việt Nam bị hoãn", ông Nam nói.
Hiện nay trong hệ thống Đại học Quốc gia TP HCM, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là đơn vị được Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP bậc 3-5.
Theo kế hoạch, nhà trường sẽ duy trì tổ chức kỳ thi tiếng Anh VSTEP bậc 3-5 hằng tháng tại cơ sở quận 1, TP HCM.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cũng dự kiến sẽ đưa Chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (VSTEP) vào tuyển sinh năm 2023.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cho hay, từ khóa tuyển sinh 2023, trường dự kiến sẽ sử dụng chứng chỉ VSTEP để ưu tiên xét tuyển.
"Trường Đại học Công nghiệp TP HCM là 1 trong 25 đơn vị được Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức thi và cấp VSTEP. Chúng tôi đánh giá VSTEP là chứng chỉ rất chất lượng, đáng tin tưởng, thậm chí độ giám sát và quy trình tổ chức chặt chẽ hơn cả một số chứng chỉ quốc tế uy tín. Tổ chức thi ngoài sự giám sát của cơ quan chức năng, công an, Bộ GD&ĐT thì còn có camera ghi lại quá trình. Do đó, nhà trường hoàn toàn tin tưởng, bài thi này phù hợp để đánh giá năng lực ngoại ngữ của các thí sinh", ông Nhân cho biết.
Trước đó, Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học năm 2022.
VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2. Bài thi này được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2014, gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết với thời gian thi gần ba tiếng.
Thang điểm cho mỗi kỹ năng của bài thi VSTEP bậc 3-5 là 10, điểm của từng kỹ năng làm tròn đến 0,5, sau đó quy ra 3 bậc tương ứng: từ 4/10 điểm đạt B1, từ 6/10 điểm đạt B2, từ 8,5/10 điểm đạt C1.
Theo danh sách Cục Quản lý chất lượng công bố hồi cuối tháng 8, cả nước có 25 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung này, trong đó có 10 trường ở Hà Nội, 8 trường ở TP HCM. Lệ phí thi VSTEP khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng một lần thi, tùy nơi tổ chức.
Theo danh sách Cục Quản lý chất lượng công bố, tính đến cuối tháng 8/2022, có tổng cộng 25 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực sáu bậc dùng cho Việt Nam (tiếng Anh):
1. Trường đại học Sư phạm TP HCM
2. Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
3. Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
4. Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng
5. Đại học Thái Nguyên
6. Trường đại học Cần Thơ
7. Trường đại học Hà Nội
8. Trường đại học Sư phạm Hà Nội
9. Trường đại học Vinh
10. Học viện An ninh nhân dân
11. Trường đại học Sài Gòn
12. Trường đại học Ngân hàng TP HCM
13. Trường đại học Trà Vinh
14. Trường đại học Văn Lang
15. Trường đại học Quy Nhơn
16. Trường đại học Tây Nguyên
17. Trường đại học Công nghiệp TP HCM
18. Học viện Báo chí và tuyên truyền
19. Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM
20. Học viện Khoa học quân sự
21. Trường đại học Thương mại
22. Học viện Cảnh sát nhân dân
23. Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM)
24. Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM
25. Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ VSTEP cho xét tuyển sinh và chuẩn đầu ra Đại học Quốc gia TPHCM vừa ban hành công văn gửi các trường thành viên về việc sử dụng chứng chỉ VSTEP trong xét kết quả đầu ra. Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM trong một giờ học. Theo đó, Đại học Quốc gia TPHCM cho phép các đơn vị thành viên và trực thuộc chủ động xem xét và công nhận...