“Đại học thông minh” sẽ đào tạo những sỹ quan cảnh sát tinh nhuệ “4.0″
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới các cơ sở giáo dục đại học, đòi hỏi một sự thích ứng mạnh mẽ với công nghệ số. Nói cách khác, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi những mô hình giáo dục đại học thông minh, để tạo ra những đột phá về phương pháp đào tạo.
Học viện CSND, cơ sở đào tạo hàng đầu trong hệ thống các trường CAND, đang tiên phong trong việc xây dựng “ nhà trường thông minh”. Để có được một “nhà trường thông minh”, đòi hỏi phải có “kỹ năng” quản lý, quản trị đại học rất mới.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm – nguyên Giám đốc Học viện CSND về vấn đề này.
Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm
PV: Giáo sư có thể cho biết những nét độc đáo của mô hình “đại học thông minh” đang được triển khai hiệu quả tại Học viện CSND?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Đối với các học viện, trường CAND, trong đó có Học viện CSND, phát triển “mô hình trường đại học 4.0″ là một xu hướng tất yếu.
Trong những năm gần đây, Học viện CSND đã đề ra định hướng xây dựng Học viện CSND thông minh với các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, xây dựng Học viện CSND điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử. Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập.
Hiện tại, Học viện đã triển khai mạng LAN 22 phân hệ phần mềm phục vụ quản lý, đào tạo theo các lĩnh vực khác nhau. Một số đơn vị như: Khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Khoa Kỹ thuật hình sự; Khoa Cảnh sát giao thông; Khoa Cảnh sát môi trường; Bộ môn Toán – Tin học; Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học,… đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ như: Kỹ thuật số, kỹ thuật mô phỏng, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điện tử viễn thông, kỹ thuật hóa sinh… để phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo Cảnh sát. Từ năm 2013, Học viện đã tổ chức đào tạo trực tuyến E-learnling.
Thứ ba, chúng tôi đã xây dựng thành công giảng đường thông minh và thứ tư, xây dựng và đưa vào hoạt động thư viện điện tử.
PV: Thưa Trung tướng, giảng đường thông minh đòi hỏi một sự đầu tư lớn và sẽ phục vụ việc đào tạo những sỹ quan cảnh sát thời “4.0″ như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Giảng đường thông minh dành riêng cho các trường đại học gồm 2 phần chính: Phần cứng là giảng đường tương tác với trang thiết bị hiện đại; phần nội dung gồm xây dựng bài giảng bằng các phần mềm chuyên dụng và tập huấn cho giảng viên, học viên làm quen với mô hình dạy và học mới.
Học viện CSND đã trang bị bảng tương tác thông minh cho 100% phòng học của nhà trường. Học viện đã đầu tư trang bị các phòng bắn súng mô phỏng tự động hiện đại.
Đã hoàn thiện xây dựng khu huấn luyện thực hành, trong đó xây dựng các phòng bắn súng mô phỏng, phòng lái ôtô, lái tàu thủy mô phỏng, các phòng điều tra, khám nghiệm hiện trường mô phỏng và nhiều các phòng học có sử dụng các công nghệ mô phỏng, công nghệ ảo, công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ số, công nghệ hóa sinh… để phục vụ đào tạo sỹ quan cảnh sát tinh nhuệ trong thời “4.0″
PV: Dù phương pháp đào tạo đã có sự ứng dụng của công nghệ, nhưng đổi mới con người vẫn là khâu quan trọng nhất. Trong mô hình “đại học 4.0″, trình độ “quản trị đại học” của nhà quản lý cũng buộc phải thay đổi. Với kinh nghiệm quản lý của hơn 9 năm làm Giám đốc một cơ sở đào tạo có quy mô lớn nhất trong lực lượng CAND, Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm “quản trị” của mình?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Tôi cho rằng, một mô hình quản trị đại học tối ưu là giám đốc học viện, hiệu trưởng đại học phải giỏi cả quản trị và giỏi chuyên môn. Ở đây có “quản trị đại học về đào tạo và nghiên cứu khoa học”, đó là xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tài liệu dạy học và phương pháp giảng dạy đạt chuẩn quốc tế, sát với thực tiễn đất nước; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Đồng thời phải “quản trị đại học về cơ sở vật chất”, đó là đại học đẹp và hiện đại tầm quốc tế. Các mô hình làng đại học, nhà trường – công viên – trung tâm văn hóa mà các đại học thế giới đã xây dựng là các mẫu hình về hướng quản trị đại học này.
Trở lại câu chuyện của Học viện CSND. Đúng như bạn nói, tất cả phải bắt đầu từ đổi mới con người. Trong rất nhiều năm và cho đến nay, trong các chủ đề năm học của Học viện CSND đều xác định lấy “Xây dựng đảng làm đột phá trung tâm”, trong đó coi trọng đặc biệt việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học với 3 hướng: Xây dựng các giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học đầu đàn; đào tạo các giảng viên và cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ và đào tạo giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học nữ.
Video đang HOT
Ngoài số cán bộ nằm trong định hướng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, toàn bộ các cán bộ có nguyện vọng đi học đều được giải quyết.
Ở Học viện CSND, từ năm 2010 chúng tôi đã cho treo khẩu hiệu “Lãnh đạo phải gương mẫu đi đầu” trong nhà trường. Tôi cho rằng, trong quản trị đại học thì mấu chốt nhất vẫn là lựa chọn, phát triển đội ngũ quản lý, quản trị giỏi.
Các thành công của Học viện CSND hôm nay là nhờ chúng tôi đã có được một đội ngũ các thầy cô giáo trong Ban giám đốc Học viện, lãnh đạo các Khoa, Bộ môn, Trung tâm nghiên cứu khoa học ngoài giỏi chuyên môn còn giỏi quản trị và rất thông thạo tin học. Mô hình Học viện CSND thông minh đã hình thành và phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực cơ bản này.
Đến nay Học viện CSND đã có 16 Giáo sư, 65 Phó Giáo sư, 250 tiến sĩ, hơn 400 thạc sĩ, hơn 200 giảng viên chính. Trong số này có 5 nữ phó giáo sư và 50 nữ tiến sĩ. Phần lớn các trưởng Khoa, giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học của Học viện do các cán bộ 7x, 8x đảm nhiệm. Nhà trường có hơn 50 giảng viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh các chương trình nghiệp vụ Công an.
Thực hành tại “giảng đường thực tế” giúp sinh viên Học viện CSND học được nhiều kỹ năng ứng xử với nhân dân, rèn kỹ năng nghề nghiệp.
PV: Và đến hôm nay, đâu là điều Giáo sư tâm đắc nhất về quản trị đại học tại Học viện CSND?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Năm 2018, Học viện CSND tròn 50 năm thành lập. Nhìn lại chúng tôi có 3 điều tâm đắc: Về quản trị nguồn nhân lực: Học viện đã có một đội ngũ quản lý giáo dục, các giảng viên giỏi chuyên môn có trình độ chuyên môn cao đạt tầm khu vực và cũng không thua kém nhiều trường Công an, cảnh sát lớn của thế giới và khu vực.
Về quản trị đào tạo và nghiên cứu khoa học: Học viện đã có các chương trình đào tạo, tài liệu dạy học và phương pháp giảng dạy chuẩn quốc tế, có nhiều công bố khoa học tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Về quản trị cơ sở vật chất: Với khuôn viên gần 20 ha, Học viện CSND Việt Nam có thể tự hào là một đại học đẹp và hiện đại.
Phương thức quản trị của tôi là làm mọi cách để phát huy được tính năng động sáng tạo của mọi cán bộ nhà trường. Giám đốc ngoài việc tự mình đề xuất ra các công việc lớn cần phân cấp tối đa cho lãnh đạo cấp dưới. Nhưng tất cả mọi việc ở đơn vị phải báo cáo lại để Giám đốc biết. Với phương thức quản trị này, Học viện CSND không có mâu thuẫn và mất đoàn kết nội bộ.
PV: Trong điều kiện khuôn viên các học viện, đại học nước ta đều chật hẹp, kinh phí eo hẹp. Vậy làm thế nào để có một nhà trường đẹp và hiện đại như Giáo sư nói?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Tôi đã nghiên cứu mô hình đào tạo ở thế giới và thực tiễn ở Học viện CSND cho thấy, ngoài sự đầu tư, chăm lo của Nhà nước cần thiết phải xã hội hóa, huy động sức mạnh của các cựu sinh viên, sinh viên, gia đình, các doanh nghiệp…trong xây dựng nhà trường.
Gần 40 công trình văn hóa, trung tâm huấn luyện thực hành, trang bị bảng tương tác thông minh, bục giảng thông minh…trị giá hàng trăm tỷ đồng đã được nhà trường huy động từ nguồn xã hội hóa.
Tôi rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước đưa các trường đại học, bệnh viên từ nội thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ra ngoại thành hoặc ngoại tỉnh. Rất tiếc cho đến nay chưa có nhiều chuyển biến của chủ trương này.
PV: Trong điều kiện xây dựng đại học thông minh của Học viện CSND, vai trò thực hành và huấn luyện nghề nghiệp thể hiện thế nào, thưa Giáo sư?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Giảng đường thực hành của chúng tôi có hai loại. Một “giảng đường” ở ngoài thực tế. Hết năm thứ nhất sinh viên có 1 tháng thực hành chính trị – xã hội ” 3 cùng” với nhân dân; hết năm thứ hai có 2 tháng thực tập nghiệp vụ cơ bản và hết năm thứ ba có 6 tháng thực tập tốt nghiệp.
Ngoài ra tùy bài học, môn học mà sinh viên được đưa tới các đơn vị chiến đấu để học tập, thực hành.
Còn trong nhà trường, chúng tôi cũng thành lập 1 Trung tâm huấn luyện thực hành rộng gần 5ha. Tại đây có mô hình máy bay chống khủng bố, sân vận động, khu huấn luyện Cảnh sát vũ trang và gần 20 phòng, khu huấn luyện các chuyên ngành như: mô hình chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo, Công an phường, ngân hàng, siêu thị, nhà nghỉ, quán karaoke, phòng bắn súng mô phỏng, phòng lái xe ô tô, tàu thủy, phòng thí nghiệm ký thuật hình sự, phòng thí nghiệm môi trường, mô hình trại giam và các phòng trại giam, nhà tạm giữ, phòng khám nghiệm hiện trường, phòng hỏi cung, các phòng thực nghiệm trinh sát…. Sinh viên sau mỗi môn học đến đây học tập, thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.
PV: Giáo sư có mong muốn gì đối với giáo dục đại học Việt Nam và với Học viện CSND, nơi ông có gần một thập kỷ gắn bó?
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Là người tâm huyết với công tác giáo dục đào tạo, tôi luôn mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều “làng đại học” đúng nghĩa, nhiều đại học quốc gia, khu vực đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực.
Học viện CSND Việt Nam sẽ trở thành một Trung tâm đào tạo Cảnh sát của thế giới và khu vực như lời căn dặn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà trường tháng 5 năm 2018 vừa qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nhật Hồng (thực hiện)
Theo Dân trí
10 điểm mới: Môn Tin học trong Chương trình GDPT mới
PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học - chia sẻ 10 điểm mới nổi bật của Chương trình mới môn Tin học so với chương trình hiện hành.
Cơ sở vật chất góp phần quan trọng để đưa Tin học ứng dụng vào trường học
Vai trò, vị trí mới
Trong Chương trình mới, GD Tin học có vai trò quan trọng trong chuẩn bị cho HS khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, sáng tạo tri thức trong thời đại cách mạng công nghiệp. Công nghệ số là nền tảng tạo phương thức sản xuất thông minh mang tính toàn cầu hóa; là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.
Tin học được xác định là môn bắt buộc có phân hóa ở cấp tiểu học và THCS. Ở THPT, Tin học là môn phân hóa theo 2 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Ở chương trình hiện hành môn Tin học không phân hóa nên mọi HS phải học những nội dung giống nhau bất kể năng khiếu và sở thích khác nhau.
Phát triển năng lực và có tính mở
Chương trình Tin học hiện hành được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung, nặng về lí thuyết, hàn lâm. Chương trình mới được xây dựng theo tiếp cận phát triển năng lực với mục tiêu chính là nhằm hình thành, phát triển năng lực tin học - một trong các năng lực đặc thù đã được xác định trong Chương trình tổng thể. Chương trình có tính mở với các chủ đề tùy chọn (ở tiểu học, THCS) và phân hóa (ở THPT) dành cho các đối tượng HS với khả năng, sở thích khác nhau.
Chương trình không đưa ra ràng buộc về chủng loại thiết bị hay phần mềm, không phân biệt phần mềm nguồn mở hay phần mềm thương mại nhằm tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo vận dụng linh hoạt tùy theo điều kiện. Đề xuất phân phối tỷ lệ % thời lượng cho mỗi chủ đề chính trong chương trình chỉ có tính tham khảo chứ không bắt buộc cứng, tùy cơ sở GD xác định cụ thể.
Ba mạch kiến thức hòa quyện
Để hình thành và phát triển 5 thành phần năng lực tin học, Chương trình môn Tin học mới xác định 3 mạch kiến thức là: Học vấn số hóa phổ thông (DL). Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và Khoa học máy tính (CS). Ngoài việc tiếp tục coi trọng các mạch kiến thức ICT và DL như trong chương trình hiện hành, Chương trình mới chú trọng phát triển mạch kiến thức CS hơn trước.
Tư duy thuật toán và lập trình
Trong chương trình hiện hành, nội dung lập trình nói riêng và thuật toán nói chung chủ yếu được dạy tập trung ở lớp 8 và lớp 11 theo cách tiếp cận hàn lâm, nặng về học ngôn ngữ lập trình (Pascal), làm cho HS khó tiếp thu và không hiệu quả.
Nội dung thuật toán và lập trình trong Chương trình mới theo cách tiếp cận mới, trải rộng trong cả 3 cấp học. Ở tiểu học, THCS, việc sử dụng các ngôn ngữ lập trình trực quan hiện đại phù hợp với lứa tuổi này (ví dụ như Scratch), gây được hứng thú học tập cho HS và động viên các em khám phá cách điều khiển máy tính theo ý tưởng của mình. Nội dung thuật toán, cấu trúc dữ liệu và lập trình... là các nội dung cơ bản của Khoa học máy tính giúp hình thành, phát triển tư duy máy tính, được chọn lọc để thích hợp với tư duy HS phổ thông. Không đưa vào chương trình kiến thức hàn lâm, tránh gây quá tải. Chương trình hoàn toàn không nhằm mục tiêu đào tạo lập trình viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo trong khám phá khoa học kỹ thuật
Thực hành, trải nghiệm sáng tạo
Khắc phục điểm yếu là thiếu sự vận dụng kiến thức vào thực tế của chương trình hiện hành, Chương trình mới khuyến khích dạy học thông qua các dự án, bài tập để giải quyết vấn đề thực tế. Chương trình mới xác định việc dạy và học Tin học nhằm giúp HS tạo ra được các sản phẩm số của cá nhân, của nhóm, khuyến khích áp dụng máy tính để phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tế.
GD đạo đức pháp luật và văn hóa trong thế giới số
Chương trình hiện hành được xây dựng khi các mạng xã hội chưa ra đời, ảnh hưởng và tác động của Internet lên xã hội trên các khía cạnh đạo đức pháp luật và văn hóa còn chưa bộc lộ mạnh mẽ, bởi vậy môn Tin học hiện hành chưa quan tâm đúng mức tới các khía cạnh đó. Thông qua chủ đề "Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số" (là 1 trong 7 chủ đề lớn, xuyên suốt cả 3 cấp học), Chương trình mới hình thành, rèn luyện cho HS phẩm chất, năng lực ứng xử có đạo đức, văn hóa, tuân thủ pháp luật khi tham gia thế giới số.
Định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp
Chương trình hiện hành mới chỉ dừng ở mức truyền thụ những kiến thức kĩ năng tin học cơ bản mà chưa chú trọng đúng mức tới việc định hướng nghề tin học cho HS. Thông qua chủ đề "Hướng nghiệp với tin học" (là 1 trong 7 chủ đề lớn, xuyên suốt từ lớp 8 - 12), Chương trình mới hướng dẫn những HS có khả năng, yêu thích tin học, lựa chọn ngành nghề phù hợp với ưa thích, sở trường bản thân và cơ hội việc làm trong tương lai, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số và toàn cầu hóa.
GD STEM, bình đẳng giới, tài chính và dân số
Khoa học máy tính giúp hiệu chỉnh nội dung và đẩy mạnh GD STEM, phát huy sáng tạo của HS tạo ra sản phẩm có hàm lượng ICT với yếu tố thông minh và có tính nghệ thuật cao. Tư duy máy tính đề cao cách học tập tự tìm hiểu và sáng tạo, đặt người học vào vị thế của một nhà phát minh, phát hiện và giải quyết vấn đề trên cơ sở các kiến thức liên môn, liên ngành...
Chương trình Tin học thông qua một số chủ đề học tập, thông qua quá trình tự làm ra sản phẩm để góp phần hình thành, phát triển phẩm chất năng lực chung và năng lực đặc thù môn học, GD hướng nghiệp, khởi nghiệp, GD STEM mới, GD bình đẳng giới và GD tài chính, GD dân số và sức khỏe... Các nội dung này được quan tâm, chú ý hơn so với chương trình hiện hành là một điểm mới góp phần GD HS toàn diện hơn đáp ứng nhu cầu trong thời đại CMCN 4.0.
Khai thác chương trình của các nước tiên tiến
Chương trình mới trên cơ sở kháo cứu Chương trình Tin học của các nước có nền GD tiên tiến như Anh, Mỹ, Singapore... đã: Khai thác kết quả nghiên cứu phát triển Chương trình Tin học; khai thác các định hướng, cách tiếp cận trong xây dựng chương trình một cách có cấu trúc, hệ thống, logic chặt chẽ, có sự phân tích khoa học bài bản; chọn lọc, ứng dụng những vấn đề cần hướng dẫn cho giáo viên dạy học, đánh giá kết quả GD; khai thác có chọn lọc một số nội dung mới phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là về mạch kiến thức khoa học máy tính; tiếp thu và áp dụng cách tiếp cận mới về dạy học thuật toán và lập trình; đưa nội dung về GD đạo đức, pháp luật, ứng xử có văn hóa trong môi trường số thành một chủ đề xuyên suốt các cấp học.
Cập nhật một số chủ đề của CMCN 4.0
Chương trình môn Tin học đã đưa vào chủ đề "Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin" là một trong các mạch kiến thức, kĩ năng cốt yếu xuyên suốt các cấp học. Để tăng cường tính hiện đại, ứng dụng cao, ngoài chủ đề "Học máy và khoa học dữ liệu...", còn có chuyên đề về phân tích dữ liệu với phần mềm EXCEL vận dụng kiến thức và công cụ của Toán học thống kê.
Ngày nay, các tài nguyên mạng như năng lực tính toán, băng thông, cấu hình thiết bị... đều có thể được cung cấp dưới dạng các dịch vụ mà người dùng có thể truy cập từ một nhà cung cấp nào đó mà không cần phải có các kiến thức kinh nghiệm về công nghệ số cũng như các cơ sở hạ tầng. Khái niệm "Điện toán đám mây" trong chương trình giúp HS sơ bộ hiểu biết về vấn đề nêu trên.
Máy tính và thiết bị (ví dụ robot) hiện đã có thể bắt chước cách nhận thức, xử lí và giải quyết vấn đề giống như con người nói riêng và các sinh vật thông minh nói chung. Con người viết, cài đặt các chương trình để máy tính, các thiết bị có được khả năng thông minh đó. Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực và đối tượng nghiên cứu của ngành Khoa học máy tính là cơ sở nền tảng giúp con người thực hiện ý tưởng thông minh hóa nêu trên. Để bước đầu giúp HS biết về khái niệm nền tảng này của CMCN 4.0, ở THPT có một số chủ đề mới giới thiệu cho HS về trí tuệ nhân tạo, học máy, robot GD...
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói học để thành người hạnh phúc và tự do Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng mục đích cao nhất của việc học là học để trở thành người hạnh phúc, học để trở thành người tự do. Trong suốt 3 giờ đồng hồ của buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" thầy và trò trường Trung học Phổ thông Nhị Chiểu (huyện Kinh Môn, tỉnh...