Đại học Luật TP HCM: Bổ nhiệm GS, PGS là đúng luật
Trước khi trường đại học bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì cá nhân đó phải được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Việc ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau thì mới đây trên một trang mạng lại xuất hiện thông tin hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM tự phong GS cho mình.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP HCM, khẳng định không nên nhầm lẫn giữa cách làm của hai trường, hai cách làm này hoàn toàn khác nhau về bản chất.
- Vậy hiện có các cách bổ nhiệm chức danh GS, PGS nào, thưa bà?
- Chung quy hiện có hai mô hình bổ nhiệm chức danh GS, PGS đang được áp dụng ở Việt Nam và ở nước ngoài. Mô hình 1 có một hội đồng cấp quốc gia xem xét chứng nhận những người đủ điều kiện làm GS, PGS; sau đó các trường ĐH sẽ lựa chọn bổ nhiệm những người này vào chức danh GS, PGS của trường mình. Đây cũng là mô hình Việt Nam đang áp dụng. Mô hình 2 thì hoàn toàn do trường ĐH tự quyết định, ví dụ như ở Mỹ.
Tại thời điểm này, văn bản pháp luật điều chỉnh việc công nhận đủ tiêu chuẩn và bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh PGS, GS ở Việt Nam là Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg). Vì vậy, dù có ủng hộ cái mới, ủng hộ việc nghiên cứu để sau này giao quyền tự chủ bổ nhiệm GS cho các trường thì ở thời điểm hiện nay trường ĐH nào tự quy định để tự công nhận và tự bổ nhiệm GS, PGS là làm sai quy định của pháp luật.
- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc trao quyền tự bổ nhiệm GS, PGS cho các trường ĐH là phù hợp xu thế đổi mới, bà có ý kiến gì?
- Tôi nghĩ cần tách bạch hai vấn đề: Nhu cầu đổi mới cách thức bổ nhiệm GS, PGS và quy định đang có hiệu lực pháp luật về bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Các ý kiến vừa qua thường nhìn vấn đề dưới một góc độ nào đó của nhu cầu đổi mới bổ nhiệm GS và kinh nghiệm ở nước ngoài chứ vẫn chưa phân tích kỹ quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Việc bổ nhiệm GS, PGS hiện nay cần đổi mới nhưng không thể vì vậy mà làm sai luật. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.
Nếu nói về nhu cầu đổi mới, cần trao quyền công nhận và bổ nhiệm GS cho các trường thì tôi cũng ủng hộ khi có các điều kiện chín muồi, mà tôi nghĩ cần thêm một thời gian nữa. Khi nào các trường ĐH của Việt Nam đã phát triển ở trình độ nhất định, có sự tự chủ gần như hoàn toàn, có chất lượng được nâng cao, có nhiều trường đạt trình độ quốc tế và có cơ chế tốt bảo vệ quyền lợi của người học… thì nên quy định trao quyền tự chủ công nhận và bổ nhiệm GS cho các trường ĐH thay cho cách làm hiện nay.
Video đang HOT
Còn xét dưới góc độ pháp luật hiện hành thì rõ ràng việc ĐH Tôn Đức Thắng tự cho mình quyền quyết định công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là không đúng pháp luật về bổ nhiệm chức danh GS, PGS; cũng không đúng Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng về đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Tôn Đức Thắng trong giai đoạn 2015-2017.
Tôi nghĩ họ đã hiểu không đầy đủ và chưa chính xác nguyên tắc công dân được làm những gì mà luật không cấm. Cần lưu ý rằng ĐH Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp công lập; hành vi ra quyết định công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là một hành vi hành chính và hơn nữa cũng cần phải hiểu cho đúng thế nào là luật không cấm thì được làm.
- Gần đây, một trang mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM đã ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS cho mình, bà có thể nói rõ hơn về những “nghi vấn” này?
- Thông tin sai lệch này gây hiểu lầm, làm cho một số người tưởng rằng việc hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM bổ nhiệm GS vào thời điểm năm 2012 cũng giống như cách làm của ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay.
Cần phải nói rõ như thế này: Vào năm 2012 thì quy định có hiệu lực pháp luật liên quan đến việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cũng như việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS là Quyết định số 174 và Quyết định số 20 như đã đề cập ở phần trên.
Điều 17 (trình tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS) của Quyết định số 174 (sửa đổi) quy định: Những người đã được Hội đồng Chức danh GS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục ĐH.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh GS, PGS, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục ĐH để ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS hoặc PGS cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Tôi đã được Hội đồng Chức danh GS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS trong Quyết định số 127 ngày 20/12/2012. Sau đó, theo đúng quy trình tại Điều 17 nói trên, nhà trường đã tiến hành đầy đủ thủ tục bổ nhiệm tôi vào chức danh GS và hai thầy giáo khác đạt tiêu chuẩn chức danh PGS vào chức danh PGS. Ngày 13/1/2013, với tư cách là hiệu trưởng, tôi đã ký quyết định bổ nhiệm.
Cũng xin lưu ý rằng theo đúng Điều 17 của Quyết định số 174 (sửa đổi) thì thủ trưởng cơ sở đào tạo phải ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS; cho nên việc tôi ký bổ nhiệm ba người, trong đó có tôi vào chức danh GS, PGS là hoàn toàn đúng luật như các trường ĐH khác đã làm. Tôi nghĩ dù ai ký quyết định bổ nhiệm GS, PGS thì một căn cứ pháp lý không thể thiếu là quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Hội đồng Chức danh GS nhà nước.
Không thể đánh đồng
Sự khác biệt lớn nhất với ĐH Luật TP HCM là ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm một người vào chức danh GS mà không có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS của Hội đồng Chức danh GS nhà nước.
Như vậy là không đúng pháp luật vì các quy định về công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS là áp dụng chung cho tất cả cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam; kể cả khi được thí điểm trao quyền tự chủ thì cũng không thấy có quy định nào cho phép ĐH Tôn Đức Thắng được tự quy định điều kiện GS, PGS và tự công nhận, tự bổ nhiệm GS, PGS.
Tóm lại, không thể đánh đồng việc tự bổ nhiệm GS, PGS theo cách của ĐH Tôn Đức Thắng với việc công nhận, bổ nhiệm GS, PGS của ĐH Luật TP.HCM. Hai việc này khác nhau hoàn toàn về bản chất.
GS-TSMai Hồng Quỳ,Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP HCM
Theo Nguyễn Phong/Pháp Luật TP HCM
'Sẽ chẳng ai thiệt thòi nếu có nhiều giáo sư'
GS Vũ Hà Văn - giáo sư ĐH Yale (Mỹ), cho biết, ông "ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm giáo sư. Việc này nên bắt đầu từ những trường uy tín".
Việt Nam cũng giống với nước ngoài
GS Vũ Hà Văn cho biết các nước phát triển có hai cách bổ nhiệm giáo sư. Cách thứ nhất là qua Hội đồng Nhà nước, như một số nước châu Âu, đặc biệt các nước Đông Âu cũ. Cách thứ hai là qua các Hội đồng trường, trường nào phong giáo sư trường đó, như đang làm tại Mỹ.
"Dù là hai cách khác nhau nhưng về thủ tục tương đối giống nhau. Người được đề cử trước hết phải được duyệt bởi một Hội đồng chuyên môn, hay nếu như ở trường đại học thì đó là hội đồng của khoa. Sau khi được hội đồng này duyệt rồi mới đưa lên hội đồng cao hơn, như Hội đồng Nhà nước hay Hội đồng trường".
GS Vũ Hà Văn
Theo ông Văn, với các trường hợp xét lên giáo sư, ứng viên phải có khoảng 10 lá thư của các giáo sư đầu ngành (tại các trường khác). Các thư này thường thảo luận sâu về ít nhất 2 - 3 công trình tiêu biểu của ứng viên, và là tài liệu mấu chốt nhất trong việc xét duyệt. Công trình của ứng viên nếu chỉ in ra cho đủ số, dù có trên tạp chí quốc tế, mà không có tiếng vang thì không có ý nghĩa gì lắm."Về mặt thủ tục, việc công nhận giáo sư của Việt Nam hiện nay không khác nước ngoài, tức là phải qua nhiều hội đồng. Cái khác là trong các cuộc họp hội đồng đó ta đọc và thảo luận gì" - ông Văn phân tích.
"Phương pháp này được dùng chẳng phải riêng ở Mỹ, mà rất phổ biến trên thế giới. Trường thứ hạng càng cao, sự lựa chọn những người viết thư càng khe khắt, bởi họ đem uy tín ra đảm bảo cho trình độ của người đang được xét. Thỉnh thoảng có một số trường ở châu Á cũng nhờ tôi viết những bức thư như vậy" - ông Văn cho biết.
Điểm khác biệt duy nhất
GS Vũ Hà Văn cho rằng, ở Việt Nam hiện nay việc phong danh hiệu Giáo sư được coi như một cách tôn vinh, tương tự như danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân.
"Có chỗ trái khoáy là khá đông người mang danh hiệu giáo sư không làm trong các trường đaị học hay viện nghiên cứu, thậm chí không nghiên cứu nữa. Thành ra ở Việt Nam có thói quen chỉ giới thiệu ai đó là giáo sư, chứ ít khi nói là giáo sư ở đâu. Đây là điều rất khác với quốc tế".
Ông Văn hài hước "Không đâu từ "giáo sư" xuất hiện với tuần suất cao trên các báo như ở nước ta, nhưng đáng tiếc là đa số thông tin lại không liên quan đến học thuật".
Sẽ chẳng ai thiệt thòi nếu có nhiều giáo sư
"Về lâu về dài, tôi ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm giáo sư" - ông Văn khẳng định, và cho rằng "Đẳng cấp của giáo sư đối với xã hội sẽ gián tiếp được khẳng định qua vị thế của trường họ công tác và quy trình phong cấp của họ. Còn đối với đồng nghiệp, họ chỉ có thể khẳng định đẳng cấp qua công trình".
"Việc bổ nhiệm giáo sư từ trường nên bắt đầu từ những trường tốt, uy tín nhất, và đặt một thể lệ chung minh bạch chất lượng cho việc phong hàm. Tiêu chuẩn trường đại học đưa ra để bổ nhiệm giáo sư cần được kiểm nghiệm để tránh tình trạng bộ tiêu chuẩn chỉ là vỏ bọc" - ông Văn đề xuất.
Với câu hỏi "Có nên lo rằng nếu trường nào cũng phong giáo sư thì danh hiệu đó sẽ mất giá trị?", ông Văn đưa quan điểm "Giáo sư là tên gọi của một nghề, dành cho những người chuyên nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, cũng như cầu thủ là tên gọi cho nhưng người đá bóng chuyên nghiệp. Trình độ các giáo sư có thể rất khác nhau, cũng tương tự sự khác nhau giữa các cầu thủ Barcelona và đội Vientiane. Nhìn chung, giáo sư tại các trường lớn sẽ có chất lượng cao hơn. Và đó là điều khó tránh, vì các trường này có tài lực để cạnh tranh giành những người có chuyên môn tốt nhất".
"Tôi không nghĩ sẽ có người cảm thấy thiệt thòi vì sẽ có quá nhiều người được gọi là giáo sư. Cũng như các cầu thủ Barcelona chắc không cảm thấy quá thiệt thòi khi biết rằng các cầu thủ Vientiane cũng đá bóng".
Theo Lê Huyền/Vietnamnet
Bộ GD&ĐT: 'Không thể tồn tại 2 hệ thống giáo sư' Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hải Thập cho biết như vậy trong cuộc trao đổi xung quanh việc xét, công nhận bổ nhiệm chức danh GS, PGS của ĐH Tôn Đức Thắng. - Với vai trò quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc làm của ĐH Tôn Đức Thắng? - Theo thông tin báo chí...