Đặc sản Sài Gòn nhìn như miếng thịt mỡ, du khách ăn vào lại tấm tắc khen ngon
Du khách đến Sài Gòn ăn thử món bột chiên trứng đều công nhận đây là một món ăn gây nghiện.
Trong số những món ăn vặt nổi tiếng ở Sài Gòn, bột chiên tuy không phải món ăn cầu kỳ nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Bằng chứng là mỗi độ tan tầm, đi ngang một xe bột chiên bất kỳ đều thấy chỗ ấy tụ tập khá đông, có người đợi mua mang về, có người ngồi ăn tại chỗ trên những chiếc ghế nhựa đỏ, xanh bình dị.
Những xe bột chiên trứng luôn có một sức hấp dẫn không thể chối từ. (Ảnh minh họa)
Nhiều du khách từ nơi khác đến đây, nhìn lướt qua đĩa bột chiên không khỏi giật mình. Món gì mà lạ, nhìn như những miếng mỡ lợn thái mỏng, nhưng lại chiên cùng với trứng, có cảm giác rất mỡ màng và ngấy.
Không ít người nhầm lẫn rằng đây là những miếng thịt mỡ. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, khi gọi một phần ăn thử, người ta mới bất ngờ, hóa ra miếng thịt mỡ ấy lại là hỗn hợp bột gạo pha bột năng được hấp chín từ trước, cắt thành từng miếng vuông vức rồi đem chiên cùng với trứng. Vậy nên mới có tên gọi là bột chiên.
Nghe tên thì đơn giản nhưng muốn bột chiên ngon thì người chủ quán cũng phải có nhiều kinh nghiệm. Tay nghề phải cao mới chiên được những miếng bột vàng ruộm, hơi xém nhưng không cháy cạnh, bên ngoài ăn giòn còn bên trong thì mềm, dẻo.
Trứng gà phải được rải cho khéo, phủ kín đều bề mặt bột, tạo thành một khối liên kết vừa đủ để miếng bột không bị rơi ra ngoài khi người bán múc ra đĩa.
Video đang HOT
Người bán phải đảo liên tục để miếng bột vàng đều các mặt và không bị cháy cạnh. (Ảnh: Thảo Lê)
Trứng gà đóng vai trò là chất keo kết dính và cũng gia tăng độ béo ngậy cho món ăn. (Ảnh minh họa)
Bột được chiên ngập dầu nên vừa ngậy vừa bùi, hương thơm của hành và trứng xộc lên mũi kích thích vị giác vô cùng. Nhưng nếu chỉ có mỗi bột chiên với trứng thì món này cũng không quá thú vị. Phải có lý do gì đó thì mới khiến người ta vui cũng muốn ăn, buồn cũng muốn ăn mà lắm hôm không biết ăn gì thì lại càng muốn ghé một quán bột chiên.
Bột chiên có gì mà khiến người Sài Gòn mê mẩn đến vậy? (Ảnh minh họa)
Câu trả lời nằm ở phần đu đủ, cà rốt bào sợi ăn kèm và chén nước chấm được làm theo công thức “thần thánh”. Đu đủ, cà rốt có vị ngọt nhè nhẹ, ăn vào thấy thanh mát cả người. Dù chỉ là món ăn kèm nhưng 2 loại củ, quả này lại đóng vai trò cân bằng mùi vị, giúp thực khách đỡ ngán sau khi ăn những miếng bột chiên béo ngậy.
Ăn bột chiên thì phải kèm với đu đủ, cà rốt bào sợi. (Ảnh minh họa)
Phần nước chấm được pha từ nước tương, giấm, đường và ớt. Hỗn hợp này được đun sôi cho sánh lại rồi mới mang đi bán cho khách. Công thức chung là vậy nhưng không phải chỗ nào cũng làm ra hương vị đậm đà nhưng không gắt, chua chua thanh thanh lại có chút tê tê của ớt. Muốn ngon thì chủ quán phải có bí quyết riêng.
Chén nước chấm thần thánh được pha chế theo công thức riêng. (Ảnh: thon.foodie)
Bột chiên là món ăn bình dân nên cách thưởng thức ngon nhất vẫn là ghé lại một quán lề đường, vừa ăn vừa nghe tiếng xèo xèo phát ra từ chiếc chảo gang của người bán, ngắm phố phường khi chiều xuống mới thấm được hết văn hóa ẩm thực đường phố của người Sài Gòn.
Vả trộn: Món ăn đậm vị quê hương, ăn một lần là nhớ mãi của vùng đất 'Thần Kinh'
Đến Huế thì không thể bỏ qua món vả trộn, món ăn dân dã nhưng mang đậm phong vị của vùng đất cố đô.
Biệt danh đất Thần Kinh của Huế bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Thần Kinh là từ ghép giữa "kinh đô" và "thần bí". Do đó, đất Thần Kinh có nghĩa là "Kinh đô thần bí".
Đến đây, du khách thường cảm thấy choáng ngợp trước nền ẩm thực cung đình cầu kỳ, công phu vừa đẹp mắt, ngon miệng lại vừa bổ dưỡng. Thế nhưng, ẩm thực Huế đa dạng, thể hiện qua rất nhiều món ăn bình dân, tuy giản dị nhưng rất tinh tế, ăn một lần nhớ một đời. Vả trộn là một trong số đó.
Vả trộn là món ăn đậm vị quê hương, ăn một lần là nhớ mãi. (Ảnh minh họa)
Trái vả và trái sung rất giống nhau về hình dáng, có vỏ xanh, thịt trắng, lòng hồng nhưng trái và lá sung có phần nhỏ hơn. Cả sung lẫn vả đều ăn được nhưng vị sung hơi chát, còn vị vả thì béo, bùi và thơm ngon hơn.
Trái vả có hình dáng gần giống trái sung nhưng thơm ngon, ít chát hơn. (Ảnh minh họa)
Trước đây, vả trộn được bày trên mâm cỗ ngày lễ, Tết. Thế nhưng bây giờ, du khách đến Huế có thể dễ dàng tìm thấy món này trong các nhà hàng sang trọng hay các quán nhậu bình dân.
Du khách có thể tìm thấy món ăn này ở nhiều quán ăn Huế. (Ảnh minh họa)
Thực tế, món đặc sản Huế này có cách chế biến đơn giản, nguyên liệu rẻ tiền. Ngoài vả, người Huế thường cho thêm tôm, thịt, hành lá, rau răm và một ít mè, đậu phộng. Tất cả các nguyên liệu được trộn đều với nhau, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bày lên đĩa.
Được kết hợp từ những nguyên liệu bình dân nhưng vả trộn lại cuốn không ngờ. (Ảnh: @eatingwithchangchang)
Món vả trộn Huế hoàn thành cho ra đĩa thường sẽ xúc cùng bánh tráng nướng giòn tan thay vì dùng muỗng như bình thường. Hương vị vả chát chát, bùi bùi cùng vị ngọt của tôm, thịt, lạc rang khiến ai lần đầu thưởng thức cũng phải bất ngờ và nhớ mãi không quên.
Ảnh: The Huế House
Vì là món bình dân nên vả trộn chỉ tốn khoảng 60.000 - 70.000 đồng (bao gồm cả tôm, thịt). Suất ăn này dành cho 4 - 5 người ăn, một mức giá hợp lý ở một thành phố du lịch như Huế.
Bó rơm bé xinh 'gây bão' MXH, hóa ra lại là món đặc sản của 'xứ nẫu' Bình Định Những bó rơm bé bé, xinh xinh này là món đặc sản mà bất cứ người con Bình Định nào cũng tự hào giới thiệu cho bạn bè gần xa. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện một bài đăng hình những bó rơm bé xinh thu hút gần 5000 lượt thích và cả nghìn bình luận. Nhìn thì lạ...