Đặc ân của thầy giáo “hot” nhất năm 2018
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã trải qua một năm bận rộn và cả những trải nghiệm chưa từng có, đến mức có lúc thầy muốn thoát ra.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc là một trong những giáo viên đã góp phần lên tiếng về sự bất thường về gian lận của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Thầy vừa trải qua một năm đầy bận rộn. Với giáo viên dạy trực tuyến, số lượng học sinh bao giờ cũng rất lớn, lượng tương tác lớn.
Học sinh từ những vấn đề nhỏ nhặt như bài tập, thủ tục giấy tờ, vấn đề liên quan đến thi THPT quốc gia, tuyển sinh… đến chuyện trường lớp, thậm chí những câu chuyện rất riêng tư về chuyện tình cảm, lựa chọn nghề nghiệp, định hướng tương lai…
Ngoài ra, năm nay sự cố gian lận thi cử ở một số địa phương “là một trải nghiệm rất đáng nhớ trong quãng đời làm nghề của tôi. Đó là một sự cố tác động về mặt tinh thần rất lớn và kéo dài trong nhiều tháng, từ khi nhận thông tin phản ánh tiêu cực cho đến khi tôi thông tin lại với xã hội, báo chí và rồi những ngày hồi hộp chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng”.
Thầy Ngọc chia sẻ “trong sự việc này, tôi vô tình trở thành một người trong cuộc”. Sự lan tỏa khủng khiếp của mạng xã hội, hơn cả những gì mà mình hình dung, đã gây sức ép, áp lực tâm lý khá nặng nề mà chính bản thân anh cũng muốn thoát ra, bởi phải “đóng vai” một người trong cuộc là rất mệt mỏi.
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Ngọc nói dư âm của vụ việc đã “nguội” bớt đi rất nhiều, nhưng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, bởi cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Có điều gì khiến anh tiếc nuối trong năm qua không?
- Trong xã hội mà sự tác động của công nghệ ngày càng lớn, đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Muốn có sự thay đổi tích cực trong công việc thì bao giờ cũng phải cân đối giữa làm việc và học tập để bổ sung. Nhưng vì công việc quá bận rộn nên năm vừa rồi tôi chưa dành được nhiều thời gian cho việc này.
Thi THPT quốc gia 2019 vẫn là “bài toán khó”
Anh có dự đoán gì về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019?
- Những gì Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh có thể nói là tương đối hợp lý. Các lỗ hổng lộ ra ở kỳ thi năm ngoái về cơ bản đã được khắc phục, và tôi hy vọng mọi việc sẽ ổn định theo hướng tốt hơn.
Tuy nhiên, bài toán rất khó với Bộ là cân đối giữa 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Điều này khiến cho đề thi còn rất nhiều diễn biến khó lường.
Khó quá như năm ngoái thì dở, nhưng nếu điều chỉnh không khéo lại quay về câu chuyện của năm 2017 là đề thi dễ quá, điểm chuẩn các trường lại cao vọt lên kéo theo nhiều xáo trộn khác. Trước mắt, nếu theo như đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT công bố thì rủi ro đó hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, một trong những thay đổi quan trọng của năm 2019 là việc xét công nhận tốt nghiệp THPT khi Bộ GD-ĐT dự kiến thay đổi tỷ lệ tính, với 70% điểm thi THPT quốc gia và 30% là kết quả học tập THPT.
Ở Việt Nam, kết quả học tập ghi trên học bạ không thực sự đáng tin cậy. Cơ chế để giám sát không chặt chẽ khiến người ta rất dễ tác động vào để con số đấy trở nên đẹp hơn. Điều chỉnh của Bộ có mục tiêu khắc phục điều đó, nhưng không thực sự triệt để.
Bởi thực tế qua học kỳ 1 vừa qua, theo phản ánh của học sinh từ nhiều địa phương khác nhau với tôi, thì tình trạng nâng điểm còn nhiều. Ví dụ, có lớp 45 học sinh, những năm trước dao động khoảng 15 học sinh giỏi thì năm nay tăng lên 35 em. Như vậy, biện pháp của Bộ có vẻ chỉ đáp ứng mong muốn chủ quan, còn kết quả thực tiễn thì vẫn có chỗ cho tiêu cực.
Tất nhiên, không thể có một tỷ lệ nào là tuyệt đối. Do đó, cần phải có biện pháp kết hợp. Một mặt thay đổi trọng số, nhưng nó cũng không phải là lâu dài.
Bởi thực ra, kết quả đánh giá quá trình mới là quan trọng, còn việc dồn tất cả mọi đánh giá 12 năm vào một kỳ thi là rất rủi ro, vì có thể có những học sinh hôm thi gặp vấn đề về tâm lý, sức khỏe nên làm bài không tốt như thực lực vốn có.
Chưa kể hiện nay, nhiều trường ĐH còn xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Nhưng để việc đánh giá quá trình trở nên tin cậy, chính xác thì cần có cơ chế giám sát.
Có điều gì khiến anh còn trăn trở không?
- Vụ gian lận thi cử năm qua khiến cho lòng tin của xã hội với kỳ thi THPT quốc gia bị ảnh hưởng nhiều.
Suốt cả một giai đoạn đầu năm học, sau khi sai phạm được công bố, tôi có cảm giác rất nhiều giáo viên, học sinh ở địa phương hơi nản, không tin vào sự công bằng của kỳ thi và suy giảm động lực trong việc dạy học.
Sau đó, Bộ công bố rất nhiều thông tin về điều chỉnh thi. Bên cạnh đó còn có sự thay đổi của các trường đại học trong công tác xét tuyển.
Với góc độ là người theo dõi kỳ thi THPT quốc gia liên tục và lâu năm, tôi thấy về cơ bản là ổn định, sự thay đổi chỉ là những cái tiến là nhỏ, nhưng người dân bình thường thì sẽ có cảm giác “loạn” bởi không cập nhật thường xuyên.
Khi đó, nếu không tìm hiểu thấu đáo, sẽ rất dễ “dính” các thông tin giả, sai, đặc biệt khi trên mạng xã hội số lượng tin kiểu này rất nhiều.
Thậm chí ngay cả một số báo chí chính thống cũng đưa thông tin không rõ ràng, dễ gây hiểm nhầm.
Có thể dẫn chứng mới đây là chuyện “học sinh giỏi mới được thi vào ngành y”. Khi thông tin trên báo chí không rõ ràng cộng thêm sự khuếch đại của mạng xã hội sẽ khiến cho người người, nhà nhà hoang mang. Do đó, tôi cũng mong báo chí – kênh chính thống hơn mạng xã hội – đưa thông tin cụ thể, rõ ràng hơn nếu có thể, để học sinh, phụ huynh không hiểu nhầm.
“Đặc ân của tôi là có học sinh mọi vùng miền trên cả nước”
Tăng lương cho giáo viên luôn là một chủ đề “ nóng”, đặc biệt khi gần đây có đề xuất lương giáo viên tương đương với lương của công an, quân đội. Là giáo viên dạy trực tuyến, không dạy theo cách truyền thống, cũng chẳng có trường lớp, anh có cùng sự trăn trở chung với các đồng nghiệp đứng trên bục giảng?
- Thực ra, cách đây khoảng 7, 8 năm, giáo viên dạy trực tuyến là một công việc khá mới mẻ và nhiều thách thức, bởi thời điểm đó mạng internet hay việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh chưa phổ biến. Do vậy, thu nhập của công việc này khi đó không hấp dẫn.
Nhưng theo thời gian, số lượng người học trực tuyến ngày càng lớn nên thu nhập của giáo viên dạy trực tuyến cũng tăng lên. Tuy nhiên, cũng vì thế mức độ cạnh tranh trong công việc ngày một cao. Ngày càng nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến cũng như các nền tảng mới ra đời.
Có thể thấy như với nền tảng livestream của Facebook thì tất cả các giáo viên trên toàn quốc đều có thể tham gia hoạt động dạy học trực tuyến.
Công việc dạy học trực tuyến có thể mang lại thu nhập tốt cho các giáo viên. Và tôi biết trong lĩnh vực này, những giáo viên có thu nhập tốt nhất có thể đạt tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Bản thân tôi, có những tháng cao điểm hoàn toàn có thể đạt được thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Nhìn chung, những năm qua thu nhập của tôi có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm hơn khá nhiều do có sự cạnh tranh.
Kế hoạch Tết Kỷ Hợi này của anh ra sao?
- Năm nay được nghỉ Tết dài ngày, ban đầu gia đình tôi muốn lên kế hoạch đi du lịch. Nhưng cân nhắc thấy trong dịp nghỉ lễ, người dân đi du lịch đông quá, chưa kể tình hình tai nạn giao thông có vẻ diễn ra nghiêm trọng, nên chúng tôi đành thôi.
Vì vậy, chắc tôi sẽ dành thời gian nghỉ đưa các con về quê ở Hà Nam chơi với ông bà, họ hàng. Nhưng ngày mùng 1, có thể bố mẹ sẽ đạp xe đèo con đi vòng quanh Hà Nội, bởi có lẽ đó là những ngày yên bình nhất của thành phố, để gợi lại trong mình không khí xưa.
Vậy kỷ niệm “Tết năm xưa” ấn tượng nhất của anh là gì?
- Có lẽ đó là năm tôi về ăn Tết ở quê gốc Hà Nam. Gần chỗ tôi ở có một nhà thờ cổ được xây dựng từ năm 1924. Sau khi cùng người nhà ra đó chụp ảnh, tôi đăng lên Facebook thì có một số học sinh nhận ra nhà thờ đó ở làng, xã nào, và rồi rất nhiều bạn ở gần đấy đã tìm đến nhà tôi chơi.
Vì dạy trực tuyến nên thầy nào có biết trò, nên tôi rất bất ngờ khi có những bạn nhà cách hơn chục cây số vẫn đạp xe đến thăm.
Các bạn cũng không có quà gì đặc biệt mà chỉ giản dị mấy cái bánh chưng, quả cam hay bưởi, táo… toàn cây nhà lá vườn. Sau rồi tôi mới biết hóa ra có nhiều người thân, họ hàng trong làng cũng học mình. Thật là một kỷ niệm vui và đẹp.
Với việc dạy học trực tuyến, món quà của học sinh với thầy cô nặng tình cảm chứ không mang nhiều ý nghĩa vật chất.
Bởi chúng tôi không ràng buộc với học sinh bằng thành tích, không phải là người quyết định đến điểm số, không gây ra áp lực nào tới các em và phụ huynh. Học sinh đến với mình hoàn toàn do tin tưởng, cũng vì vậy mà quan hệ giữa thầy và trò rất vô tư.
Tôi nghĩ, dạy trực tuyến còn cho tôi một đặc ân là học sinh không gói gọn trong một vùng địa lý mà ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.
Xin cảm ơn và chúc anh cùng gia đình có một cái Tết vui và đầm ấm!
Thanh Hùng (thực hiện)
Theo vietnamnet
Giáo sư Harvard: Đừng trở thành người vừa kiêu căng, vừa thiếu hiểu biết
Mỗi người cần luôn tìm cách vượt qua bản thân, lắng nghe sự khác biệt để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số, GS Michael Puett (ĐH Harvard, Mỹ) chia sẻ.
Năm 2008, Adam Mitchell trúng tuyển vào ĐH Harvard. Đặc biệt xuất sắc toán và khoa học, Mitchell cho rằng con đường của mình ở Harvard dường như đã được "lập trình" sẵn: Theo học kinh tế, làm thật tốt những gì mình giỏi, và dựa trên những tiêu chí đó, quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Mitchell nhớ lại đó là một lựa chọn hợp lý, tỉnh táo, ít rủi ro nhưng cũng đầy tính khuôn mẫu và do vậy, sẽ khó mà trông mong những giá trị đột biến sau này. Thế nhưng, mọi hoạch định bỗng thay đổi khi Mitchell bước vào năm 2 rồi theo học lớp Các lý thuyết chính trị và đạo đức của Trung Hoa cổ điển của GS Michael Puett.
"Khoá học thay đổi cuộc đời"
Mitchell nói với Zing.vn: "GS Puett dạy chúng tôi cách không sống một cuộc đời thụ động: Mỗi người phải luôn tự nhắc nhở bản thân, rèn luyện cho mình cách vượt qua vùng an toàn để dấn thân, đối diện với thử thách mới".
Chuyển hoá bản thân mỗi ngày, luôn lắng nghe sự khác biệt - đó là cách Mitchell và bạn bè được dạy để thích nghi và tồn tại trong bối cảnh thế giới đang không ngừng đổi thay.
Anh nói: "Nghe có vẻ trừu tượng và cao siêu, nhưng quá trình tự rèn luyện của bản thân chỉ cần bắt đầu bằng việc tự nhận thức rõ hơn những gì đang diễn xung quanh mình và thay đổi những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất: Cách chúng ta bước qua đường, chọn chỗ ngồi trong lớp học, hay cách chúng ta chào người quen, bạn bè".
Từ sinh viên chuyên ngành kinh tế, Mitchell hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử và ngôn ngữ Đông Á. Động lực cho ngã rẽ này chính là từ thôi thúc vượt qua bản thân và vùng an toàn của chính mình để dấn thân, đối diện những thử thách mới mà Mitchell đã lĩnh hội được từ khoá học và con người GS Puett.
Anh kết luận: "Tôi và những bạn cùng khoá luôn cảm nhận được một năng lượng tích cực, mới mẻ toát ra từ GS Puett. Ông khuyến khích tôi lao vào học ngôn ngữ hoàn toàn mới, học triết học Trung Hoa... để tiếp tục khám phá bản thân. Có thể nói không ngoa rằng khóa học của ông đã thay đổi cuộc đời tôi".
Đó cũng là lời hứa của GS Puett với sinh viên mình về những gì khoá học có thể mang lại.
Sau hơn 10 năm được đưa vào vận hành, lớp Các lý thuyết chính trị và đạo đức của Trung Hoa cổ điển của GS Puett hiện đứng thứ ba trong số các lớp học nổi tiếng nhất tại ĐH Harvard (chỉ xếp sau Các nguyên lý kinh tế học và Nhập môn Khoa học Máy tính). Lượng sinh viên đăng ký trong một khoá có lúc vượt qua con số 700, ngồi kín giảng đường và tràn ra cả lối đi.
Lý giải cho sức hút có vẻ khác thường của một khoá học như thế trong môi trường Harvard, GS Puett nói với Zing.vn trong cuộc phỏng vấn riêng: "Tôi chỉ có một triết lý xuyên suốt: Thay vì lựa chọn cách chấp nhận bản thân, hãy chọn cách tu dưỡng, tự đào luyện và chuyển hoá mình. Thay vì chấp nhận chính mình và cho rằng đó là những tính cách định hình nên mỗi con người, hãy luôn tìm cách vượt qua bản thân. Chuyển hoá bản thân mỗi ngày, luôn lắng nghe sự khác biệt không chỉ là cách để mỗi người trở thành một người trưởng thành vững vàng. Đó còn là cách tốt nhất để tạo ra một thế giới thịnh vượng".
"Chuyển hoá bản thân mỗi ngày, luôn lắng nghe sự khác biệt không chỉ là cách để mỗi người trở thành người trưởng thành vững vàng. Đó còn là cách tốt nhất tạo ra thế giới thịnh vượng."
GS Michael Puett
Những thay đổi lớn lao luôn được bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất, GS Puett khẳng định. Đó có thể chỉ là hành động thay đổi vị trí chỗ ngồi quen thuộc trong buổi họp công ty, giữ cửa cho người đi sau trong một toà nhà văn phòng, mỉm cười với người lạ trên xe buýt, hay mua món quà nhỏ về nhà sau giờ làm việc.
"Hãy thực hiện đều đặn những thay đổi này trong vòng từ một tới ba tuần thôi, bạn sẽ thấy ngay kết quả", ông nói.
Tinh thần đó đã được GS Puett chuyển tải tới người nghe trong hai buổi nói chuyện ở ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào giữa tháng 1/2019. Điều thú vị ông Puett nhận ra từ khán giả của mình là cho dù ở nền văn hoá nào - phương Tây hay Á Đông - những mối lo của họ về một thế giới đang đổi thay chóng mặt là không hề khác nhau.
"Chính vì vậy, cách mỗi người thay đổi chính mình để thích nghi, tránh bị thao túng trong thời đại công nghệ và vì một thế giới khoan dung hơn, bớt chia rẽ hơn, cũng sẽ hoàn toàn giống nhau", GS Puett nói.
Kiêu căng và thiếu hiểu biết
Được nuôi dưỡng và lớn lên với mặc định rằng nước Mỹ luôn đúng tuyệt đối, thế hệ của GS Puett bước vào giai đoạn trưởng thành về nhận thức khi Chiến tranh lạnh kết thúc và nước Mỹ là bên thắng cuộc.
Ông Puett nhớ lại: "Vì lẽ đó, chúng tôi nghĩ rằng mình luôn đúng. Chúng tôi nghĩ mình đã đặt dấu hỏi về mọi thứ. Thế nhưng, chúng tôi chẳng hề hỏi đúng và trúng những vấn đề cần phải hỏi".
"Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất của thế hệ chúng tôi chính là việc không biết đặt dấu hỏi cho những điều được cho là chân lý"
GS Michael Puett
Ông kết luận: "Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất của thế hệ chúng tôi chính là việc không biết đặt dấu hỏi cho những điều được cho là chân lý".
Sau tất cả, yếu tố quan trọng nhất để sinh viên tìm đến môi trường giáo dục không phải vì cái tên danh giá như Harvard, GS Puett khẳng định.
"Điều cốt lõi mỗi người học cần kiếm tìm chính là môi trường đó có luôn khuyến khích, hỗ trợ tối đa bản thân mình luôn không ngừng vượt qua những mô thức, khuôn mẫu đã định sẵn từ rất lâu hay không", ông nói.
Theo GS Puett, cái sai rõ ràng nhất của thế hệ ông chính là góc nhìn một chiều về cách thế giới và nền kinh tế vận hành. Theo đó, bản thân mỗi cá nhân cũng phải theo một mô thức, khuôn mẫu nhất định. Do vậy, nhiều người không muốn lắng nghe, tìm hiểu những nền văn hoá khác, những ý thức hệ khác, và trên hết là phương thức khác để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tuý đang xuất hiện ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, ông Puett cảnh báo: "Nếu cứ tiếp tục chỉ tin những gì muốn tin khi thế giới đang đổi thay từng ngày, chúng ta sẽ tự biến mình thành những con người ngạo mạn, kiêu căng nhưng lại vô cùng thiếu hiểu biết. Sẽ cực kỳ nguy hiểm cho thế giới này nếu ngày càng nhiều con người ngạo mạn nhưng thiếu hiểu biết như thế".
Vấn đề trên càng trở nên đáng quan tâm hơn trong ngữ cảnh Trung Quốc, vốn luôn sẵn sàng chi bạo tay để cho lứa trẻ ra nước ngoài du học nhằm tận dụng tối đa vốn tri thức phương Tây, nhất là từ nước Mỹ.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, lượng sinh viên của nước này hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất ở các điểm đến du học nổi tiếng trên thế giới, bao gồm Mỹ và Anh. Tỷ lệ sinh viên trở về nước sau khi học xong cũng gia tăng đáng kể: Đầu những năm 2000, cứ 10 sinh viên du học, chỉ một người quay lại. Con số mới nhất vào năm 2017 là 8/10 sinh viên.
Thế nhưng, ông Puett đặt vấn đề: "Hãy thử hình dung, điều gì sẽ xảy ra khi lứa trẻ này quay lại, với những tri thức tinh hoa lĩnh hội từ bên ngoài, lại phải đối mặt thực tế ở đất nước mình? Đó là đất nước quá tự tin phát triển trong hệ sinh thái của riêng mình, đặc biệt là cách kiểm soát Internet. Đó là đất nước không cần thích nghi để thay đổi, mà buộc phần còn lại của thế giới phải biến chuyển theo".
Đừng để công nghệ "bắt bài"
Chiếc đồng hồ GS Puett đặt mua trên mạng luôn được ông trích dẫn như một ví dụ sống động về nguy cơ con người có thể bị thao túng dễ dàng trong thời đại công nghệ số.
Vài tuần trước khi GS Puett đặt mua, Google đã biết rõ ông muốn có một chiếc đồng hồ. Dựa trên thời gian ông lên mạng để tìm kiểu đồng hồ và giá phù hợp, Google đã tổng hợp và lưu lại hành vi này, vị GS kể lại.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.
"Google còn biết rõ vào 4 giờ chiều thứ tư, tôi xong giờ lên lớp và có thời gian rảnh. Đây cũng là lúc tôi có thể lên mạng mua hàng. Đúng thời điểm đó, khi tôi online, Google cho hiện ngay mẫu quảng cáo đồng hồ mình cần. Và đúng là tôi đã mua nó", GS Puett kể.
"Vì theo khuôn mẫu định sẵn, hành vi của chúng ta trở nên rất dễ đoán với các công ty công nghệ lớn như Google."
GS Michael Puett
Đó cũng chính là thông điệp xuyên suốt, cốt lõi của GS Puett: Trong tương lai một ngày không xa, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) sẽ định vị được tất cả thói quen, hành vi, sở thích của người dùng. Nếu mỗi người không biết cách thay đổi chính bản thân, vượt qua khỏi những khuôn mẫu, thói quen hàng ngày, việc bị công nghệ "bắt bài", thao túng là điều không thể tránh khỏi.
Ông nhận định: "Chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình có thể tự quyết cho những vấn đề liên quan bản thân. Thế nhưng, những gì chúng ta làm từ trước tới nay đều là thói quen theo một khuôn mẫu, mô thức đã được định hình từ rất lâu. Vì theo khuôn mẫu định sẵn, hành vi trở nên rất dễ đoán với các công ty công nghệ lớn như Google. Từ đó, họ tận dụng tính dễ đoán này của mỗi người để bán hàng cho chúng ta mà thậm chí bản thân mỗi người còn không biết đã bị Google định vị, dự báo hành vi".
Trong cuốn sách Siêu cường AI: Trung Quốc, Thung lung Silicon và Trật tự thế giới mới (tựa gốc: AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order), tác giả Kai-Fu Lee, chuyên gia hàng đầu thế giới về AI, chỉ rõ những tiện ích không thể chối cãi của công nghệ này đối với cuộc sống thường nhật của con người. Công nghệ này còn được dự báo sẽ đem lại những bước ngoặt rất quan trọng trong lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống con người, từ y tế, giáo dục cho đến ngân hàng, tư pháp.
Tuy nhiên, trong cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21 (tựa gốc: 21 Lessons for the 21st Century), triết gia nổi tiếng người Israel Yuval Noah Harari đã đặt dấu hỏi lớn về việc con người sẽ bị AI thao túng như thế nào khi giao nộp quá nhiều dữ liệu cá nhân cho công nghệ.
Ngoài nguy về thất nghiệp khi AI có thể thay thế con người, một viễn cảnh "đáng sợ" khác ông Harari chỉ ra chính là việc quá nhiều dữ liệu cá nhân tập trung vào tay chỉ một nhóm người. Đó là lúc mối nguy "độc tài kỹ thuật số" (digital dictatorship) sẽ thực sự đe doạ trật tự dân chủ của thế giới.
Khi đó, những tai tiếng như vụ công ty phân tích Cambridge Analytica thu thập thông tin của hàng chục triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết chỉ là bước đầu của việc các ông lớn công nghệ thao túng hành vi người dùng, ông Harari cảnh báo trong cuốn sách của mình.
"Chúng ta không nên và cũng không thể ngăn chặn sự phát triển của AI. Vì vậy, để tồn tại trong thời đại này, chúng ta cần phải thay đổi những thói quen đã ăn sâu"
GS Michael Puett
Lời cảnh báo này được GS Puett chia sẻ và đồng tình sâu sắc. Vì lẽ đó, ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất mỗi người cần ý thức việc phải thường xuyên điều chỉnh hành vi, thói quen để tránh bị công nghệ "bắt bài".
Theo GS Puett, mỗi người có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất: Thay đổi trang web truy cập mỗi ngày, cách đọc tin tức online - tránh vào cùng một trang tin ngày này qua ngày khác, hay cách tương tác trên mạng xã hội - tránh theo dõi, tương tác các diễn đàn có cùng một chủ đề...
Ông kết luận: "Cuối cùng thì con người vẫn phải làm chủ công nghệ, chứ không thể ngược lại. Chúng ta không nên và cũng không thể ngăn chặn sự phát triển của AI. Vì vậy, để tồn tại trong thời đại này, chúng ta cần phải thay đổi những thói quen đã ăn sâu mà có thể khiến mỗi người có thể bị công nghệ bắt bài và thao túng".
Theo Zing
Trải nghiệm của bà mẹ Mỹ khi nuôi dạy đứa con tài năng Năm lớp 1, con trai Kim thường nổi cáu với bài tập ở lớp vì quá dễ. Cậu bé thường giả vờ ốm để không phải đi học. Tác giả Kim Hildenbrand, bà mẹ ba con ở bang Washington (Mỹ) chia sẻ trên HuffPost cách đồng hành cùng con trai - đứa trẻ được chuyên gia xác nhận có năng khiếu thiên bẩm...