Đa số người Mỹ ủng hộ cách cải tổ cảnh sát của đảng Dân chủ
Phần lớn người Mỹ, bao gồm cả phe Cộng hòa, ủng hộ các đề xuất cải tổ cảnh sát của đảng Dân chủ, theo khảo sát toàn quốc hôm 9-10/6.
Cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos tiến hành trực tuyến với 1.113 người Mỹ trưởng thành tham gia, trong đó có 495 thành viên đảng Dân chủ và 417 thành viên đảng Cộng hòa. Kết quả công bố hôm 11/6 cho thấy sự ủng hộ của cả lưỡng đảng dành cho nhiều đề xuất của phe Dân chủ.
Cảnh sát ứng phó biểu tình tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, hôm 31/5. Ảnh: Reuters.
Theo đó, 82% muốn cấm cảnh sát sử dụng biện pháp ghì cổ, 83% muốn cấm việc nhắm đối tượng dựa trên chủng tộc, 92% muốn cảnh sát liên bang phải đeo camera trên người.
Ngoài ra, 89% người Mỹ muốn yêu cầu cảnh sát cung cấp tên, số phù hiệu và lý do cho người bị họ chặn lại. 91% ủng hộ việc cho phép điều tra độc lập về những sở cảnh sát có biểu hiện sai phạm. 75% muốn “cho phép các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi hành vi sai phạm của cảnh sát khởi kiện vì những thiệt hại”.
Cũng theo kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos, đa số các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ những đề xuất phe Dân chủ công bố tại quốc hội hôm 8/6. Nỗ lực thay đổi được thúc đẩy sau cơn phẫn nộ của người dân vì cái chết của George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì đầu gối lên gáy gần 9 phút.
Nhà Trắng và các nghị sĩ Cộng hòa đang chuẩn bị kế hoạch cải tổ chính sách riêng, nhưng các đề xuất của họ được cho là sẽ không đạt được mức độ sâu sắc như những cải cách mà phe Dân chủ tại quốc hội cùng Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng này, đưa ra.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với vô số chỉ trích liên quan đến cách xử lý Covid-19, cũng như biện pháp ứng phó làn sóng biểu tình vì George Floyd. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden đang cao hơn Trump, trong bối cảnh chỉ còn 5 tháng nữa Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống.
Người biểu tình hôn mê khi kéo đổ tượng
Một người rơi vào hôn mê khi cùng đám đông biểu tình kéo đổ tượng binh sĩ Liên minh miền Nam ở bang Virginia và bị tượng rơi trúng đầu.
Đám đông biểu tình tối 10/6 tập trung xung quanh đài tưởng niệm Liên minh miền Nam ở trung tâm thành phố Portsmouth, bang Virginia, hô khẩu hiệu "Không công lý, không hòa bình" để phản đối vụ cảnh sát ghì chết người da màu George Floyd và đòi quyền bình đẳng sắc tộc.
Họ sau đó dùng búa, máy cắt để tháo rời đầu của 4 bức tượng binh sĩ Liên minh miền Nam tại khu tưởng niệm, tháo súng hỏa mai và gươm trong tay các bức tượng, rồi dùng dây thừng tìm cách kéo đổ tượng.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường, nhưng không can thiệp, tương tự những vụ người biểu tình kéo đổ tượng Liên minh miền Nam ở Richmond hồi đầu tuần. Thị trưởng John Rowe cho hay cảnh sát không ngăn cản người biểu tình phá tượng để tránh làm căng thẳng tình hình.
Tuy nhiên, không khí hân hoan của đám đông biến thành hoảng sợ khi một bức tượng bất ngờ đổ xuống dưới lực kéo của người biểu tình, rơi trúng đầu một người đàn ông ngoài 30 tuổi đứng ngay bên dưới. Nạn nhân gục xuống, chảy nhiều máu ở đầu và bất tỉnh.
Lúc này, cảnh sát Portsmouth nhanh chóng can thiệp và yêu cầu những người biểu tình giải tán, sau đó đưa nạn nhân vào bệnh viện. Black Lives Matter 757, nhóm tổ chức cuộc biểu tình, xác nhận người bị thương là Chris Greene và anh đang hôn mê do chấn thương đầu. Họ đã lập một trang gây quỹ trực tuyến để kêu gọi quyên góp tiền điều trị cho anh.
Khoảnh khắc tượng đổ vào người đàn ông ở Portsmouth, bang Virginia, Mỹ, hôm 10/6. Video: Twitter/KAY.
Hàng trăm bức tượng tôn vinh Liên minh miền Nam, bao gồm 11 bang ủng hộ chế độ nô lệ chống lại Liên bang miền Bắc vào giữa thế kỷ 19, đang tồn tại trên khắp nước Mỹ, gợi nhớ về lịch sử nô lệ và đàn áp chủng tộc.
Các cuộc biểu tình đòi dỡ bỏ tượng của lực lượng Liên minh miền Nam diễn ra ở nhiều thành phố Mỹ những ngày qua, cùng với các cuộc biểu tình sau cái chết của người da màu Floyd. Thành phố Jacksonville thuộc bang Florida đã cho hạ bức tượng đồng khắc họa người lính Liên minh ở công viên Hamming, biểu tượng của chế độ nô lệ miền nam nước Mỹ.
Tuần trước, thị trưởng Birmingham, bang Alabama, cũng ra lệnh loại bỏ bức tượng Liên minh gây tranh cãi khỏi một công viên vào "Ngày Jefferson Davis", một ngày lễ của bang để vinh danh lãnh đạo Liên minh.
Tại bang Virginia, Thống đốc Ralph Northam đã ra lệnh loại bỏ tượng tướng Robert E. Lee ở Richmond, song động thái này tạm thời bị một thẩm phán chặn. Florida, Alabama, Virginia đều là các bang từng thuộc Liên minh miền Nam.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 10/6 gửi đơn tới ủy ban lưỡng đảng phụ trách thư viện của quốc hội Mỹ, kêu gọi dỡ bỏ 11 bức tượng của các chiến sĩ hoặc quan chức Liên minh miền Nam trong tòa nhà quốc hội.
Năm 1861, Abraham Lincoln, thành viên đảng Cộng hòa, đắc cử tổng thống và muốn xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ. Bảy bang miền nam phản đối chính sách này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống, hay còn gọi là Liên minh miền Nam.
Chính quyền Abraham Lincoln và quốc tế không công nhận chính phủ này. Khi nội chiến Mỹ bùng nổ, thêm 4 bang khác gia nhập phe miền nam chống lại Liên bang miền Bắc. Chính phủ Liên minh miền Nam tan rã sau khi hai đại tướng Robert E. Lee và Joseph Johnston đầu hàng quân miền Bắc tháng 4/1865.
Australia cảnh báo bắt người biểu tình Quan chức Australia cảnh báo những người tham gia biểu tình vì cộng đồng da màu có thể bị phạt hoặc bị bắt nếu vi phạm hạn chế ngăn Covid-19. "Chúng tôi sẽ bắt đầu lập phiếu phạt 1.000 đôla Australia (700 USD) và chúng tôi có thể sử dụng mọi quyền hạn của mình để di chuyển mọi người. Nếu không tuân...