Đà Nẵng sẽ có Trường Đại học Kỹ thuật Y dược
Ngày 29-9, Đoàn công tác liên bộ có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế II (CĐKTYTII) về việc thẩm định đề án phát triển Trường CĐKTYTII thành Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng (ĐHKTYDĐN).
Đây là niềm vui không chỉ đối với thầy và trò Trường CĐKTYTII mà còn là tín hiệu tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y, góp phần vào việc phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Vì sao cần phải có Trường ĐHKTYDĐN?
Báo cáo với đoàn công tác liên bộ, ông Nguyễn Khắc Minh, hiệu trưởng Trường CĐKTYTII viện dẫn, quan điểm của Đảng về chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 có nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao, tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và một số chuyên khoa (cận lâm sàng, y tế dự phòng, nhi, truyền thông và tư vấn sức khỏe…). Thực tiễn hệ thống các trường đại học đào tạo y dược và kỹ thuật y tế cả nước nói chung và đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là ngành kỹ thuật y và dược đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Xuất phát từ quy hoạch và phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng năm giai đoạn 2006-2020 của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT và ngành Y tế, xác định Đà Nẵng là thành phố loại I trực thuộc T.Ư, trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa lớn, việc thành lập ĐHKTYDĐN sẽ tạo nguồn nhân lực, góp phần tích cực vào việc phát triển chung của thành phố và khu vực.
Mô hình Dự án cơ sở II Trường ĐHKTYDĐN trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)
Từ nhu cầu thực tiễn đặt ra, việc thành lập Trường ĐHKTYDĐN trực thuộc Bộ y tế là một yêu cầu cấp thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống. Khi hình thành và phát triển, ĐHKTYDĐN sẽ đào tạo cán bộ y tế chuyên ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học và Dược ở các bậc học trung cấp, cao đẳng và đại học phát triển quy mô và nâng cao chất lượng để phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, trường còn nghiên cứu khoa học y học, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, xây dựng cơ cấu tổ chức đáp ứng quy mô và nhu cầu đào tạo.
Chuẩn bị những gì cho lộ trình lên đại học ?
Theo chân Đoàn công tác liên bộ kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, chúng tôi nhận thấy, Trường CĐKTYTII có sự đầu tư, chuẩn bị nghiêm túc cho đề án phát triển lên đại học. Ông Trần Văn Hưng, Phó hiệu trưởng nhà trường giới thiệu rất kỹ các chuyên khoa đào tạo và trang thiết bị hiện có. Theo đó, Trường hiện đang đào tạo 5 khoa (điều dưỡng, kỹ thuật y học, y học, dược và các bộ môn trực thuộc) với 181 CBCNV. Ngoài giáo viên của trường, trong quá trình đào tạo, trường còn mời 27 thính giảng viên (3 giáo sư, 9 phó giáo sư và 15 tiến sĩ) đến từ Bệnh viện T.Ư Huế, ĐH Y dược Huế, Bệnh viện C và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thính giảng.Theo Ban giám hiệu (BGH) Trường CĐKTYTII, cách đây 3 năm, được sự thống nhất về chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Trường CĐKTYTII đã có sự chuẩn bị tích cực cho việc nâng cấp lên bậc đại học. Ngày 30-10-2009, Bộ y tế ban hành Quyết định số 4156/QĐ-BYT về việc phê duyệt dự án “Cải tạo, mở rộng trường CĐKTYTII” có tổng diện tích 1.528m2, tại số 99-Hùng Vương (TP Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư hơn 85 tỷ đồng, trong đó có 3 hạng mục quan trọng là: Xây mới Trung tâm Chẩn đoán Y khoa 6 tầng và Trung tâm Bảo trì và Kiểm định trang thiết bị y tế 5 tầng. Cải tạo, nâng cấp hệ thống kỹ thuật hạ tầng: sân vườn, đường nội bộ, cấp thoát nước ngoài nhà. Tiếp đến, ngày 18-11-2011, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4354/QĐ-BYT về việc phê duyệt dự án “Xây mới Cơ sở 2 Trường CĐKTYTII” tại địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư hơn 172 tỷ đồng, huy động từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác của chủ đầu tư. Theo đó, ngày 13-6-2012, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4656/QĐ-UBND về việc thu hồi đất có diện tích 100.710m2 tại P. Hòa Quý và P. Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn) giao cho Trường CĐKTYTII quản lý, đầu tư xây dựng Trường ĐHKTYDĐN.
Video đang HOT
Hiện nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị giảng dạy hiện đại như: Hệ thống máy khuyết đại chuỗi gen định lượng (hơn 1,3 tỷ đồng), hệ thống máy CT 02 lát Siemmens (hơn 4,6 tỷ đồng), máy siêu âm màu 4 chiều (hơn 1 tỷ đồng)… Theo lộ trình đề án phát triển ĐHKTYDĐN, từ năm 2012 đến năm 2017, kiện toàn bộ máy quản lý, nâng tổng số cán bộ, giảng viên cơ hữu lên 350 người, chiêu sinh mỗi năm 4.500 sinh viên, nâng cấp cơ sở I và II đáp ứng công tác giảng dạy và nguyên cứu. Từ 2018 – 2021, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, hoàn thiện các khoa phòng chuyên môn, nâng tổng số giảng viên lên 450 người, chiêu sinh mỗi năm 4.500 sinh viên, đào tạo nâng cao trình độ mỗi năm 4 đến 5 tiến sĩ.
Theo VNE
Vị giáo sư Pháp "200% Việt Nam"
Từ ngày 23/8 đến 9/9/2012, trong chuyến đi xuyên Việt kéo dài hơn nửa tháng, GS Odon Vallet và ông bà Trần Thanh Vân đã trao từng suất học bổng đến tận tay các bạn trẻ tại TPHCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Vinh, Hà Nội...
Một chuyến đi nhiều ngày như thế thật chẳng dễ dàng gì ngay cả đối với những người trẻ khỏe, huống chi GS Odon Vallet đã ngoại lục tuần!
Những học sinh ở Làng trẻ em SOS Đồng Hới (Quảng Bình) được tặng học bổng, tổ chức lễ mừng sinh nhật GS Odon Vallet (3/9/2012). (Ảnh: Hàm Châu)
Hành trình phát học bổng bắt đầu từ ngày 25/8 ở TP.HCM, trao cho những bạn trẻ học giỏi ở các tỉnh phía Nam. Rồi đoàn lên Đà Lạt trao học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi các tỉnh Tây nguyên trước khi ra Hà Nội.
Lần ấy, khi vượt đèo Ngoạn Mục, trên đường từ Đà Lạt xuôi Nha Trang, cả đoàn phát học bổng phải dừng xe giữa lưng chừng đèo gió hú. GS Vân sốt cao, viêm họng cấp, như muốn khuỵu xuống, phải nép vào bờ cây khuất gió, uống thuốc đặc hiệu hạ sốt rồi nhờ bác Lê Phỉ, một thành viên biết đông y trong đoàn, xoa dầu cạo gió, vừa châm bằng những cây kim ngắn, vừa cứu bằng lá ngải khô với gừng tươi mới có thể cất bước lên xe đi tiếp! Và cũng đã vài lần GS Odon bị cảm do gió mưa, nắng nóng đường dài... Nhưng chuyến đi không vì thế mà dang dở...
Những "hạt mưa" học bổng mùa khai trường
Từ năm 1997, Tổ chức Khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam đã bắt đầu tặng học bổng cho nhiều sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Cảm kích trước hoạt động khích lệ tài năng này, GS Odon Vallet tỏ ý muốn tham gia. Từ đấy xuất hiện học bổng Vallet. Đây là loại học bổng khuyến tài, không nhằm "xóa đói giảm nghèo" vốn đã có nhiều quỹ học bổng khác hướng tới.
Điều kiện để xét học bổng, theo giám đốc văn phòng điều phối toàn quốc Quỹ học bổng Vallet (trụ sở ở Huế) Đỗ Trinh Huệ, là học sinh giỏi toán, lý, hóa riêng với các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làng trẻ em SOS, học bổng được trao cho những học sinh đạt kết quả học tập cao nhất trường (không bắt buộc phải đạt danh hiệu học sinh giỏi). Với sinh viên phải là sinh viên giỏi. Đối với học sinh nghèo vượt khó, quỹ có thể dành ra 5% tổng số tiền để cấp học bổng theo những tiêu chí riêng (xem thêm: gapgovn.org.vn).
Từ 800 suất học bổng năm 2001, mười năm sau số học bổng đã lên tới 2.250 suất với tổng số tiền 15 tỉ đồng. Năm 2012, do trượt giá nên tuy số học bổng vẫn ở mức 2.250 suất nhưng trị giá mỗi suất tăng thêm, từ 6 lên 7 triệu đồng với học sinh và từ 9 lên 11 triệu đồng cho sinh viên, vì thế tổng số tiền lên tới 18 tỉ đồng.
Trong một buổi lễ phát học bổng ở Quảng Bình, GS Odon Vallet chia sẻ: "Là nhà nghiên cứu sử học, tôi biết rằng trước kia, trong những năm chiến tranh đẫm máu, nơi này đã trở thành một túi bom! Người Mỹ đã trút xuống đây bao trận mưa bom! Tôi mong rằng hôm nay, những ai có lương tri ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới hãy đền đáp lại cho tuổi trẻ Quảng Bình... "mỗi hố bom, một học bổng"! Và những trận mưa bom ngày trước, nay sẽ được thay thế bằng những cơn mưa học bổng! Là một cá nhân đơn độc, với gia tài có hạn, tôi không đủ sức tạo nên những "cơn mưa học bổng" mà chỉ có thể mang tới những hạt mưa lác đác đầu mùa trên đất lửa năm nào...".
GS Odon khiêm tốn gọi số học bổng mình tặng là "những hạt mưa lác đác đầu mùa", nhưng với các bạn trẻ Việt, đó là những "hạt mưa" học bổng thấm đẫm nghĩa tình...
Cô sinh viên Học viện Quân y Hà Nội Trần Thị Minh Đức tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi được tặng học bổng Vallet. (Ảnh: Hàm Châu)
"Thương yêu những khối óc thông minh, trái tim nhân hậu"
Vallet là tên một dòng họ lâu đời mà GS Odon Vallet là người đại diện hiện nay. Odon đỗ tiến sĩ luật học, rồi trở thành giáo sư lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne - một đại học danh tiếng trên thế giới. Ông cũng là một nhà văn viết tùy bút triết luận nổi tiếng, thường được Đài truyền hình Pháp và các báo lớn ở Paris mời nhận định về nguồn gốc sâu xa của các cuộc xung đột tôn giáo đang diễn ra nóng bỏng ở Trung Đông hay Nam Á (như Iraq hayPakistan).
"Học bổng Vallet mà tôi nhận được khi còn là nghiên cứu sinh đã giúp tôi - người con của một gia đình nông dân rất nghèo trên vùng quê nghèo Hà Tĩnh - sắm một chiếc laptop, nối mạng Internet nhờ vậy liên hệ được với các giáo sư nước ngoài cùng chuyên ngành xác suất - thống kê như Andrew Rosalsky (Mỹ), Andrei Volodin (Canada), Ulrich Stadmueller (Đức)... nắm được những thông tin trong nghề mới nhất. Đồng thời lại được sự chỉ dẫn của PGS Nguyễn Văn Quảng tôi mới đạt được một số kết quả nghiên cứu bước đầu khiêm tốn: công bố gần 20 công trình toán học, khám phá hàng chục định lý mới, trong đó có nhiều công trình in trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh sách ISI". - TS Lê Văn Thành (Trường đại học Vinh)
Thời trẻ, Odon học Trường Quốc gia hành chính ở Paris, nhưng ông không dấn thân vào "hoạn lộ" mà ưa nghiên cứu khoa học. Ông cảm thấy lòng mình cộng hưởng với câu nói nổi tiếng của Albert Einstein khi từ chối lời mời đến Tel-Aviv nhậm chức tổng thống nước Cộng hòaIsrael vào năm 1952: "Đối với tôi, chính trị là dành cho hiện tại, còn phương trình là vĩnh cửu". Từ "phương trình" ở đây có thể hiểu theo nghĩa rộng là khoa học. Nhà khoa học hay người nghệ sĩ hướng tới những thang giá trị khác với chính khách hay doanh nhân. Sự phong phú, đa chiều về tư duy chính là nét đặc sắc của một xã hội dân chủ, văn minh mà chúng ta đang kiên trì xây dựng.
Người cha của Odon là cụ Jean Vallet. Thuở nhỏ, cậu bé Jean quá nghèo, sáng sáng lầm lũi cuốc bộ đến trường tiểu học ở làng quê, chiều chiều mải miết chăn cừu trên đồng cỏ lạnh buốt hay chăn dê bên sườn núi đá chênh vênh trong vùng Bourgogne ở miền đông nước Pháp.
Khi lớn lên, chàng trai Jean lưu lạc tới Paris, vừa làm lao công, vừa theo học trung học, rồi đại học. Nhờ bền chí và thông minh, Jean đỗ tiến sĩ luật học. Ông được cử làm tổng giám đốc, rồi chủ tịch hội đồng quản trị một hãng bảo hiểm quốc tế lớn. Phút lâm chung, cụ Jean để lại toàn bộ gia sản trị giá 100 triệu euro cho con trai với lời trăng trối: "Này Odon! Con hãy thương yêu lấy những người nghèo khó! Trong đám người bất hạnh đó có không ít khối óc thông minh, trái tim nhân hậu...".
Hãy cảm ơn cha mẹ, thầy cô...
Tuân theo di huấn của phụ thân, Odon không tiêu xài cho riêng mình mà đem toàn bộ số tiền ấy gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi tặng học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở Pháp, Việt Nam và Benin - một nước nhỏ ở Tây Phi. Riêng Odon vẫn sống trầm tư, giấu mình trong một căn hộ bình thường giữaParis sôi động, gần vườn hoa Luxembourg. Ông ăn mặc xuềnh xoàng, đi làm bằng xe buýt hay tàu điện ngầm. Trong căn hộ vài phòng, ông sống cô đơn, không vợ, không con. Có lần Odon tâm sự chính các bạn trẻ Việt Nam đã giúp ông đỡ quạnh hiu.
Trên bàn làm việc, ông đặt một bức tượng Đức Phật từ bi, siêu thoát. Giữa tường nhà, bên ô cửa sổ, treo bức tranh sơn mài vẽ cảnh gác Khuê Văn thanh vắng dưới ánh nắng thu vàng bên giếng Thiên Quang, cạnh mấy hàng bia đá cổ khắc tên các tiến sĩ triều Lê, trên lối vào sân Đại Bái, trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
Là một nhà Đông phương học, ông đọc Luận ngữ của Khổng Tử, Đạo đức kinh của Lão Tử, Mạnh Tử của Mạnh Kha (tức Mạnh Tử), Nam Hoa kinh của Trang Chu (tức Trang Tử), Sử ký Tư Mã Thiên... "Nhân bất tri nhi bất uẩn bất diệc quân tử hồ?" (Người đời không biết đến mình, mình cũng không ấm ức, há chẳng phải là bậc quân tử hay sao?) - lời Khổng Tử hơn 2.500 năm trước dường như đã nói lên lối sống không thích phô trương, không xu phụ của người trí thức mọi thời đại...
12 năm theo đuổi chương trình học bổng cho bạn trẻ Việt Nam, GS Odon luôn nói: "Các bạn là người Việt Nam 100%, nhưng mong các bạn cho phép tôi được là người Việt Nam 200% bởi lẽ tôi quá yêu đất nước của Bác Hồ". Đối với các bạn trẻ được nhận học bổng, ông dặn: "Đừng cảm ơn tôi! Hãy cảm ơn cha mẹ đã sinh thành ra các bạn, cảm ơn thầy cô đã mang tri thức đến cho các bạn!".
Chiều chủ nhật 9/9/2012, sau nửa tháng miệt mài đi xuyên Việt, GS Odon lặng lẽ xách vali ra sân bay Nội Bài, trở về căn hộ hẹp của mình giữa Paris rộng lớn để kịp làm những công việc bộn bề đang đợi chờ ông ở Đại học Sorbonne vào mùa khai giảng. Lúc chia tay, ông hẹn trở lại vào mùa thu năm tới với số tiền học bổng nhiều hơn...
"Khi còn là sinh viên lớp toán - lý hệ cử nhân khoa học tài năng ở Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã hai năm liền được nhận học bổng Vallet. Sau khi sang Pháp, theo học Đại học Paris 11, tôi lại được GS Odon Vallet cấp tiếp số tiền học bổng nhiều hơn, khoảng 3.000-4.500 euro mỗi năm. Nhờ đó tôi không phải vất vả bươn chải kiếm sống mà có thể toàn tâm toàn ý lo việc học, tham gia nhóm nghiên cứu ATLAS ở Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu tại Geneva (nhóm này mới đây khám phá hạt Higgs). Hiện tôi dạy vật lý cho các đội tuyển toán và hóa của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chuẩn bị dự thi Olympic quốc gia". - ThS Đặng Minh Tuấn (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)
Theo Hàm Châu
TTCT
Đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh mức điểm chênh lệch khu vực cho thí sinh ĐBSCL Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa có công văn do Phó Trưởng ban Huỳnh Minh Đoàn ký gửi Bộ GD-ĐT về việc xem xét áp dụng điểm chênh lệch khu vực trong tuyển sinh cho thí sinh ĐBSCL. Vừa qua BCĐ đã có buổi làm việc với các trường ĐH ngoài công lập thuộc khu vực ĐBSCL (ĐH Tây Đô, ĐH Cửu...