Đà Nẵng: Kiểm tra cuối học kỳ 1 bậc Tiểu học không cứng nhắc theo khung năm học
Theo khung kế hoạch năm học, thời điểm giữa tháng 12, các trường Tiểu học sẽ tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I.
Với những trường đang tổ chức dạy học trực tuyến, phụ huynh rất băn khoăn về hình thức tổ chức kiểm tra.
Sau một tuần học trực tiếp, HS ở Đà Nẵng quay lại học trực tuyến.
Phụ huynh băn khoăn
Chị Trúc Hà (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), có con học lớp Một băn khoăn: “Lớp con tôi đang theo học, cô giáo chủ nhiệm dạy online theo hình thức tương tác trực tiếp với học sinh (HS) 3 buổi/tuần. Mỗi buổi khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ cho 2 môn Toán – Tiếng Việt. Chưa kể là giáo viên các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc… cũng vào để kiểm tra mức độ nắm bài của HS.
Thời gian cô giáo gọi HS đọc bài, trả lời câu hỏi vì vậy là không nhiều. Gần như mỗi HS chỉ được cô gọi 1-2 lần cho mỗi môn học vì lớp đông. Những buổi còn lại, cô sẽ gửi video cho HS tự học dưới sự hướng dẫn của phụ huynh. Vì vậy, hiệu quả của việc học trực tuyến là hạn chế nếu phụ huynh không hỗ trợ thêm cho con”.
Chị Hồng Vân, phụ huynh Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Sau 5 ngày học trực tiếp, các con quay lại học trực tuyến. Mỗi buổi học, HS phải nhớ được 2-3 âm, vần mới, bắt đầu học các vần khó. Rồi học viết, học làm toán… Độ khó của chương trình tăng dần lên, phụ huynh cũng khó hướng dẫn cho con học nếu không theo dõi giờ dạy của cô giáo. Nên tôi rất băn khoăn nếu các cháu kiểm tra cuối học kỳ ở thời điểm này”.
Video đang HOT
Cô Trần Thị Tường Vi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết: Hiện tại, nhà trường vẫn chưa có lịch kiểm tra cuối học kỳ I đối với HS khối lớp 1-2 vì đang chờ hướng dẫn của Sở và Phòng GD&ĐT.
Trong 1 tuần HS khối lớp Một đến trường học trực tiếp, các giáo viên đã kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức cũng như các kỹ năng của HS. “Cần thêm một tuần học trực tiếp nữa để ôn tập lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Tuy nhiên, do diễn biến dịch phức tạp, HS lớp 1 phải quay lại học trực tuyến. Từ kết quả kiểm tra thực tế, nhà trường đã thay đổi phương án tổ chức dạy – học trực tuyến đối với khối 1″ – cô Tường Vi thông tin. Theo đó, Trường Tiểu học Lê Lai tăng thời lượng dạy trực tuyến “face to face” nhiều hơn để GV có thêm thời gian rèn cho HS đọc và hướng dẫn cách viết, làm toán… kỹ hơn, tránh tình trạng phụ huynh hoặc anh chị em làm thay bài cho HS.
Các giáo viên lớp 1 của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã chia lớp thành các nhóm nhỏ theo mức độ nắm bắt của HS để dạy trực tuyến. “Gần như GV nào cũng chia lớp thành 2 ca dạy. Việc giảm số lượng HS trên mỗi ca sẽ giúp GV tương tác với HS được nhiều hơn. Ngoài ra, đối với những HS còn hạn chế trong tiếp thu bài, GV sẽ có những hình thức hỗ trợ riêng” – cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Tập trung nâng cao chất lượng dạy – học
Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Với HS khối lớp 1-2, Sở GD&ĐT sẽ nắm tình hình dạy học thực tế tại các trường để quyết định việc kiểm tra cuối học kỳ I. Quan điểm của Sở là thời gian tiến hành kiểm tra cuối học kỳ I với 2 khối lớp này sẽ không cứng nhắc theo khung năm học, có thể lùi sang đến cuối tháng 1/2021. Thời điểm này, các trường tiểu học cần tập trung nâng cao chất lượng dạy – học”.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại quận Hải Châu cho rằng kế hoạch dạy học đã được giao cho các trường chủ động, học đến đâu kiểm tra đến đó. Nên chăng Sở GD&ĐT nên trao quyền chủ động cho các trường trong lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. Nếu lùi thời gian kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I thì sẽ ảnh hưởng những mốc thời gian khác.
Cô Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Đánh giá HS là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kì chỉ là một điều kiện. Hơn nữa, HS còn có thêm một bài kiểm tra đánh giá định kỳ vào cuối năm học. Trong điều kiện HS vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp được, có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến. HS học đến đâu thì kiểm tra đến đấy. Cách tổ chức kiểm tra cũng không nên quá nặng nề, căng thẳng”.
“Hiện nay, HS khối lớp 1-2 vẫn đang học trực tuyến, nếu kiểm tra theo hình thức trực tuyến vẫn có thể triển khai được vì đây là điều kiện bất khả kháng. Để có thể đảm bảo độ tin cậy trong kiểm tra, đánh giá thì có thể chia nhỏ số HS của mỗi lớp. Hoặc GV có thể gọi video với một nhóm nhỏ HS nào đó để có thể kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức, kỹ năng của các em” – cán bộ quản lý của một Phòng GD&ĐT Đà Nẵng đề xuất.
Ngày 6/12, HS lớp Một của TP Đà Nẵng đến trường học trực tuyến buổi đầu tiên của năm học 2021 – 2022. Ngày 9/12, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức khảo sát ý kiến của phụ huynh HS lớp 1. Kết quả khảo sát cho thấy, có 77,13% phụ huynh đề nghị không tiếp tục dạy học trực tiếp đối với HS lớp 1. Sở cũng ghi nhận 10.763 ý kiến góp ý đối với việc tổ chức dạy học trực tiếp. Trong đó, chủ yếu các ý kiến đề nghị tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp khi tình hình dịch được kiểm soát hoặc chờ sang học kì II, qua Tết Nguyên đán sẽ tính phương án.
Học sinh lớp 1, 2: Học online thi trực tiếp, liệu có phù hợp?
Sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch COVID-19, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang là lo lắng.
Bộ GD&ĐT nói gì về vấn đề này?
Khi thời điểm kiểm tra cuối học kỳ I của các cơ sở giáo dục phổ thông đã tới gần, ngày 13/12, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá học sinh để phù hợp hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19. Theo hướng dẫn, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp.
Phụ huynh lo lắng khi học sinh lớp 1, 2 phải đến trường kiểm tra trong khi số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao
Sau khi biết thông tin, chị Lương Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 1 tại một trường tư thục trên địa bàn thấy rất khó hiểu với hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT. Theo chị Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, con chị phải học trực tuyến ở nhà suốt từ đầu năm đến nay. Các con học kiến thức trong kỳ I là trực tuyến, vậy tại sao tới bước kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I lại phải làm bài trực tiếp tại trường, trong khi dịch ở Hà Nội ngày hôm qua lên tới 1.000 ca mắc.
Nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều đang bàn bạc, lấy ý kiến phụ huynh, giáo viên để xây dựng phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến, chủ động trong mọi tình huống. Ảnh minh họa
"Dù đến thời điểm này, gia đình tôi chưa nhận được thông báo gì từ phía nhà trường, nhưng nếu nhà trường yêu cầu phải đưa con đến trường để kiểm tra các môn cuối kỳ trực tiếp thì tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con mình khi số ca mắc tại Hà Nội dẫn đầu cả nước ".
Cùng sự băn khoăn như chị Minh, anh Thanh (Hà Đông) tỏ ra khá bức xúc trước thông tin học sinh lớp 1, 2 phải tới trường kiểm tra trực tiếp. Theo anh Thanh, thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì kế hoạch đến trường phải được Sở GD&ĐT và các nhà trường thông báo một cách rõ ràng, có phương án phòng dịch COVID-19 cụ thể để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của học sinh.
"Con tôi từ khi "bước chân" vào lớp 1 đến nay, cháu đều học trực tuyến ở nhà. Khai giảng trực tuyến, gặp thầy cô, bạn bè đều qua màn hình máy tính. Theo tôi, thời điểm này, học sinh lớp 1, 2 đến trường để kiểm tra trực tiếp sẽ gây áp lực cho trẻ. Tôi thấy hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT đưa ra không hợp lý, thiếu tính thực tế".
Theo thông tin của PV ghi nhận trong buổi sáng nay, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều đang bàn bạc, lấy ý kiến phụ huynh, giáo viên để xây dựng phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến, chủ động trong mọi tình huống. Một số hiệu trưởng của trường tiểu học đều cho rằng, việc kiểm tra trực tiếp đối với học sinh lớp 1, 2 là điều không thể và chưa phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ
Trước băn khoăn của phụ huynh và nhà trường, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) giải thích, Bộ GD&ĐT đưa ra công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thời điểm này để các địa phương chủ động lên phương án, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Đối với học sinh lớp 1 và 2, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ I và cuối năm) với chỉ hai môn là Toán và Tiếng Việt. Việc kiểm tra trực tiếp nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.
Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, trước diễn biến dịch COVID-19 ở mỗi địa phương là khác nhau. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn về việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ trực tiếp. Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung "cốt lõi" trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. "Hà Nội và TP. HCM có thuận lợi hơn về nhiều mặt để kiểm tra online thì có thể linh hoạt, áp dụng nhiều cách thức thực hiện", ông Tài cho biết.
Bên cạnh việc đưa ra giải pháp cho trường hợp bất khả kháng, theo ông Tài, Bộ GD&ĐT cũng cho phép các địa phương điều chỉnh khung thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với thực tế. Với những trường không đủ thời gian thực hiện chương trình, phải lùi lịch kiểm tra học kỳ, chỉ cần báo cáo, đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp.
2.400 giáo viên dự chuỗi hội thảo dạy học trực tuyến của VUS Sau 5 kỳ tổ chức, chuỗi hội thảo "Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến" thu hút 2.400 giáo viên của hệ thống Anh văn hội Việt Mỹ (VUS) đã khép lại với tọa đàm đặc biệt "Giáo viên và những vai trò mới thời hậu dịch". "Đánh trúng" mối quan tâm của giáo viên trong dạy online Buổi tọa đàm...