Cựu sinh viên – ‘Sứ giả’ kết nối quá khứ với tương lai
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV ĐHQG Hà Nội, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng, các cựu sinh viên chính là những sứ giả đem tri thức học ở nhà trường phục vụ xã hội, kết nối nhà trường với xã hội, kết nối quá khứ với tương lai.
Hôm nay (16/3), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức buổi gặp gỡ đại diện cựu sinh viên mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
Buổi gặp mặt thu hút mặt sự tham dự của hơn 40 cựu sinh viên tiêu biểu của các khoa. Họ là những đại diện của các thế hệ sinh viên, nhiều người hiện đang nắm giữ các vị trí công tác quan trọng trong xã hội và có mối liên hệ khá mật thiết với trường xưa lớp cũ, trong đó có những người rất quen thuộc với công chúng như ông Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, BTV Thanh Hường…
Không phân biệt tuổi tác, chức vụ, đều là… cựu sinh viên “Nhân văn”
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường, một người khá nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông từ báo hình đến báo điện tử, báo in… trong các chương trình bình luận quốc tế, đã vô cùng xúc động khi được gặp lại những gương mặt quen thuộc từng là sinh viên của ngôi trường Đại học Tổng hợp (cũ), nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội).
GS.TS Phạm Quang Minh (phải), Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội
Vốn là cựu sinh viên K23 của trường, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết: Có một điều rất đặc biệt trong buổi gặp gỡ cựu sinh viên hôm nay là ở đây “không có sự phân biệt về chức vụ, tuổi tác, dù là những người đã và đang giữ những chức vụ rất cao trong xã hội như ông Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; GS.TS – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội KHLSVN (ĐHQGHN), hay ông Vi Quang Đạo – Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ… tất cả đều mang một thương hiệu chung là “cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV”.
Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV cho biết: “Tôi chỉ học có một năm thôi, vẫn là cựu sinh viên. Các anh các chị có may mắn hơn, học cả 4 năm hoặc 5 năm, nhận tấm bằng của nhà trường. Nhưng chúng ta đều như nhau, dù thời gian học ngắn dài, họ có thể là là học viên cao học, nghiên cứu sinh hay là sinh viên… thì đều là sinh viên của nhà trường”.
GS.TS. Phạm Quang Minh bày tỏ vui mừng khi các cựu sinh viên trưởng thành từ ngôi trường này đã có mặt và thành công ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, “từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, từ trường đại học cho tới các viện nghiên cứu hay các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân…”. Cùng với đó, ông rất vui khi các thành quả của nhà trường được xã hội sử dụng, công nhận; các cựu sinh viên phát huy được tri thức, kiến thức đã học ở nhà trường, làm kiến thức đó giàu hơn, và qua đó làm cho uy tín của trường ngày càng vững bền và lan tỏa hơn.
Cựu sinh viên – “Sứ giả” kết nối nhà trường với xã hội
Tại buổi gặp mặt, nhiều cựu sinh viên đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Nguyễn Quang Ngọc xúc động nói: “May mắn của cuộc đời tôi là được vào trường Đại học Tổng hợp”. Ông kể rằng, vào đây (Đại học Tổng hợp), ông được học một thế hệ thầy cô tuyệt vời, dù ông từng được đi học ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp (cũ)
Video đang HOT
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, Hà Nội, cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội
Ông cho biết ông cũng đã từng đi dạy ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước, và nhận thấy một điều rằng, “tổng hợp” hay “liên ngành” chính là điều quan trọng nhất, là “truyền thống” của rất lớn của trường Đại học Tổng hợp trước đây, và trường Đại học KHXH&NV ngày nay. “Có thể nói, tổng hợp được tất cả các kiến thức, kinh nghiệm của nhiều ngành, kể cả xã hội lẫn tự nhiên”, ông Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
Đó cũng là điều cũng được nhiều cựu sinh viên chia sẻ trong buổi gặp mặt hôm nay. Đối với họ, những kiến thức tổng hợp, liên ngành đã giúp họ không chỉ hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao, mà còn gặt hái được những thành công nhất định, được bạn bè đồng nghiệp, xã hội ghi nhận. Thậm chí, có những cựu sinh viên làm “trái nghề” nhưng vẫn rất thành công; và họ chia sẻ, kiến thức về xã hội – nhân văn chính là “kiến thức nền” giúp họ có được những thành quả ngọt ngào sau khi rời khỏi ghế nhà trường.
Nhân dịp này, GS.TS Phạm Quang Minh cũng gửi lời cảm ơn tới các cựu sinh viên vì họ đã học tập ở ngôi trường này, chúc mừng và mong muốn những cựu sinh viên nhà trường ngày càng thành công hơn nữa. “Họ chính là những sứ giả của nhà trường đem những tri thức học ở nhà trường tới xã hội, phục vụ cho xã hội. Họ chính là hình ảnh tốt đẹp nhất của nhà trường, kết nối nhà trường với xã hội, kết nối quá khứ và tương lai”.
Không có một đất nước nào, cá nhân nào mà không có lịch sử của mình, tất cả sự phát triển hiện nay và cả tương lai sau này đều dựa trên nền tảng quá khứ. Và chúng ta cần phải biết gìn giữ, trân trọng quá khứ, kể cả những thành công và thất bại, kể cả những điều mà chúng ta chưa làm được. Đó cũng là ý nghĩa của câu khẩu hiệu “Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai” – slogan của trường Đại học KHXH&NV.
Theo công lý
Cựu du học sinh Thụy Sỹ: 'Hãy đi để nhìn thấy sự đổi thay'
Trở về từ Thụy Sỹ, Huỳnh Kim Bảo rẽ hướng từ cử nhân quản lý khách sạn sang kinh doanh, phát triển tiệm may gia đình lên thương hiệu.
Quãng thời gian du học đã mang đến cho chàng sinh viên trường Les Roches (Thụy Sỹ) thay đổi tích cực trong suy nghĩ và trải nghiệm khó quên tại một trong những đất nước được mệnh danh "yên bình nhất châu Âu".
- Tiêu chí chọn nước và chọn trường để du học của anh là gì?
- Tôi thường dựa vào đánh giá của các cựu sinh viên và vị trí của trường trên bảng xếp hạng quốc tế. Tùy ngành học mà mình nên chọn trường trong top rồi sẽ đến chọn nước. Quan trọng là phù hợp với khả năng bản thân và kinh tế của gia đình.
- Vì sao anh chọn Thuỵ Sỹ để du học thay vì các nước khác?
- Ngày đó tôi rất thích ngành quản lý khách sạn và cũng mơ ước có cơ hội đi các nước khác làm việc. Quản lý khách sạn là ngành giúp tôi có thể được chuyển đổi qua nhiều nơi làm việc khác nhau. Trên thế giới, Thuỵ Sỹ là nước nổi tiếng về ngành này cũng như chương trình học thực tế và khả năng xin việc cao hơn so với các nước khác, cho nên tôi đã quyết định chọn du học tại đây.
- Hành trình sau khi du học của anh như thế nào?
- Tôi học ở trường Les Roches khóa 2009-2013. Sau khi tốt nghiệp thì thực tập tại khách sạn JW Marriott Indianapolis (Mỹ). Một năm sau, tôi về Việt Nam và làm việc tại khách sạn InterContinental rồi khách sạn Renaissance.
Đến đầu 2017, tôi khởi sự kinh doanh riêng: điều hành và phát triển cửa hàng may trên nền tảng nghề truyền thống của gia đình. Nhiệm vụ chính vẫn là phát triển cơ sở kinh doanh này lên, mở rộng ra những đối tượng khách khác so với ngày xưa lúc gia đình còn làm ngành này.
Cựu sinh viên trường Les Roches, Huỳnh Kim Bảo - nhà sáng lập thương hiệu Kim Bespoke.
- Vì sao từ một cử nhân quản lý khách sạn, anh lại rẽ hướng sang tiệm may?
- Có 2 lý do, một là sau khi học tại Thụy Sỹ, tôi hiểu được tư duy về dịch vụ khách hàng. Tiệm may cũng giống như vậy, mình cần tìm hiểu nhu cầu, sở thích cá nhân để đưa ra sản phẩm phù hợp nhất.
Thứ hai, khi làm khách sạn nhiều, tôi thấy có một vấn đề là mọi người mặc áo vest quần tây nhiều nhưng hầu hết không thoải mái. Nguyên nhân đến từ chất lượng vải và cách may. Vì vậy, tôi muốn đưa ra những lựa chọn áo vest phù hợp với nhu cầu và vẫn đảm bảo sự thoải mái trong hoạt động.
"Du học ở nước ngoài có thú vị không", câu hỏi đó thực sự rất khó trả lời bởi tôi không biết làm sao để diễn tả những trải nghiệm và cảm xúc đa dạng mình đã có. Cụm từ duy nhất tôi có thể dùng để tổng kết một hành trình với rất nhiều thử thách và bài học quý giá chính là từ "sự đổi thay".
- Anh thấy mình có những thay đổi thế nào sau khi du học Thụy Sỹ?
- Điều tôi thay đổi nhiều nhất là tư duy về dịch vụ khách hàng. Tôi nhận ra cho dù mình làm công việc gì, ở đâu, miễn là đưa ra được dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ ở lại với mình rất lâu. Việc học tập tại Thụy Sỹ đã rèn luyện cho tôi sự quan sát tinh tế để thấu hiểu từng đối tượng, từ đó có thể đưa ra những tư vấn và giải pháp hợp lý.
Ví dụ trong công việc hiện tại, do thời gian dài sống ở Thụy Sỹ, tôi biết người châu Âu kỹ tính đến từng chi tiết với việc may đo, trong khi người Mỹ lại tập trung vào tổng thể nhiều hơn. Hay nói về phong cách (style), người châu Âu thích com-lê vừa vặn (body), trong khi người Mỹ lại thích rộng rãi thoải mái, còn người Australia thì chuộng phong cách ôm (skinny) nên phải cắt rất kỹ để vừa ý khách.
Thời gian du học tại Thụy Sỹ đã giúp Huỳnh Kim Bảo thay đổi trong tư duy về dịch vụ khách hàng.
- Còn về tính cách?
- Trước khi đi du học tôi khá khép kín, không tiếp xúc với nhiều người, không dạn dĩ và cũng không thích giao lưu. Sau khi học gần 4 năm ở một ngôi trường quốc tế với sinh viên từ hơn 100 quốc gia, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi thấy mình dạn dĩ và thích giao lưu với mọi người hơn. Điều này cũng giúp tôi có nhiều mối quan hệ hơn trong công việc.
Người Thụy Sỹ rất khuôn khổ và đầy tính tổ chức, nên tôi cũng được đào tạo theo cách này. Bây giờ tôi trở nên gọn gàng và chỉn chu hơn rất nhiều trong mọi thứ. Ngoài ra, họ cũng khá truyền thống và luôn tuân thủ các chuẩn mực của mình, nên tôi thấy tư duy của mình về cuộc sống hay các mối quan hệ cũng trầm lại và "già" đi hơn một chút.
Tương tự đối với các cựu du học sinh Thụy Sỹ khác, tôi nhận thấy phần lớn đều khá cầu toàn, đặc biệt trong công việc. Tôi nghĩ đây là một điểm rất quan trọng giúp các bạn thành công.
- Điều gì ở Thụy Sỹ tác động đến sự thay đổi này của anh?
- Quan trọng nhất vẫn là môi trường học có nhiều bạn trên thế giới, đặc biệt là những trường đậm tính quốc tế như Les Roches. Tuy ở các nước khác cũng có rất nhiều sinh viên quốc tế, nhưng tính địa phương trong văn hóa trường học vẫn rất nhiều. Còn ở Thụy Sỹ, tính quốc tế trong các trường học khá rõ, đồng thời nước này còn là nơi giao thoa của văn hóa châu Âu. Vì vậy nơi đây thực sự là một cánh cửa giúp các bạn trẻ tiếp cận một chân trời mới.
Gia đình và bạn bè nhận xét tôi thay đổi rất nhiều so với trước khi đi học, nhiều nhất là sự tự lập. Tôi thấy rất may mắn vì được học ở Thụy Sỹ chứ không phải nước nào khác.
- Lời khuyên của anh cho các bạn có ý định du học ở Thụy Sỹ?
- Nếu bất cứ ai hỏi, tôi sẽ thực lòng khuyên họ hãy theo đuổi cơ hội đi Thụy Sỹ học tập và khám phá. Những trải nghiệm mà việc du học mang đến thực sự rất tuyệt vời và chắc chắn nó sẽ thay đổi cuộc sống về sau của các bạn hoàn toàn.
Nhìn chung các bạn tốt nghiệp ở Thuỵ Sỹ hiện tại công việc khá tốt. Phần nhiều các bạn giữ vị trí quan trọng các khách sạn hoặc những công ty du lịch. Một số bạn khác cũng đang làm việc rất tốt trong lĩnh vực khác và cũng rất nhiều bạn thành công trong công việc kinh doanh riêng.
Tư duy mở, nhạy bén với cơ hội, dám thử thách là một trong những yếu tố mà hầu hết các cựu du học sinh Thụy Sỹ có. Đây chính là điểm đặc biệt trong cách giảng dạy của đất nước này, dù bạn học ngành nào, trường nào đi nữa.
Tôi rất thích câu slogan của ngôi trường từng học, đó là "A way of life" - trải nghiệm không chỉ về việc học mà còn trong cuộc sống. Du học tại Thụy Sỹ cho các bạn cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa bản địa, ăn thử các món ăn truyền thống, đi du lịch các thành phố và các bang khác. Ngoài ra, vì Thụy Sỹ nằm ở trung tâm châu Âu nên các bạn rất dễ dàng đi du lịch đến khắp các nước lân cận khác. Hãy đi càng nhiều càng tốt để nhìn thấy sự đổi thay.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Sẽ trả lại công bằng cho các "nạn nhân" vụ "gian lận thi cử"? "Khi đã tìm ra những trường hợp được nâng điểm, mong rằng Bộ GD-ĐT sẽ có phương án trả lại công bằng cho những thí sinh là nạn nhân trong kỳ thi vừa qua" Thư gửi bố mẹ! Bây giờ là 1 giờ sáng, con viết thư cho bố mẹ khi con đã hoàn thành phần nào số lượng bài tập trong ngày....