Cứu bệnh nhân không cứng nhắc theo quy trình
Trong điều trị có những quy định, quy trình. Tuy nhiên để cứu bệnh nhân kịp thời, không phải lúc nào bác sĩ cũng cứng nhắc theo quy trình.
Các BS Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị thăm khám cho mẹ con sản phụ Hồ Thị Hình – NGUYỄN PHÚC
Đêm 5.8, ê kíp mổ của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị bỏ qua “quy trình”, cứu sống sản phụ Hồ Thị Hình (21 tuổi, thôn Chân Rò, xã Đakrông, H.Đakrông) cùng bé sơ sinh 2,7 kg bị sa dây rốn, nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ (BS) Trần Trung Hoành (Khoa Sản, BVĐK tỉnh Quảng Trị), người tham gia ca mổ, nói: “BS nào cũng vậy, ai mà không xem tính mạng người bệnh là trên hết. Không riêng gì tôi mà có nhiều ca khác cũng thế, nhiều BS cũng sẽ làm hết sức để cứu bệnh nhân (BN)”.
Cứu người trước
Trước đó, một nam BN (37 tuổi, quê Cà Mau) vào BV Nhân dân Gia Định TP.HCM trong tình trạng hôn mê, huyết áp không đo được, có dấu hiệu ngưng tim, vết thương cổ bên phải 1,5 cm, ra máu dữ dội, nguy cơ tử vong rất cao. BV kích hoạt báo động đỏ nội viện và đưa thẳng BN vô phòng mổ, cầm máu khẩn và truyền máu; các BS mổ xuyên đêm cứu BN. Lúc đó, BN không có thân nhân nào đi cùng để ký cam kết cho phép mổ hay đóng viện phí.
BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng từng cứu một nam du khách người Nhật (70 tuổi) đột ngột lên cơn đau ngực, ngất lịm khi vừa đến TP.HCM. Tại khoa cấp cứu, BN được dự liệu 90% tử vong, nên được đưa ngay vào phòng mổ (ở khoa cấp cứu) mổ tim khẩn vì không đủ thời gian để di chuyển lên phòng mổ chính của BV. Theo quy trình bình thường, để phẫu thuật tim, cần có thời gian làm các xét nghiệm, nhưng với ca cấp cứu này, nếu kéo dài sẽ khó đảm bảo tính mạng BN.
Niềm vui của ê kíp mổ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị khi cứu được mẹ con sản phụ Hồ Thị Hình – ẢNH: T.T.H
BS Trương Xuân Nhuận, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị, cho biết nếu theo đúng quy trình, với ca mổ như vừa qua tại BV này cần có hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm cơ bản. Trước khi mổ phải hội chẩn và người nhà phải ký cam kết đồng ý mổ… “Với những ca như trên, trong y khoa gọi là “thời gian vàng” để cứu BN, chỉ tính bằng phút, giây, nếu làm đúng thủ tục thì BN đã tử vong hoặc nếu sống thì có nguy cơ chịu nhiều di chứng”, BS Nhuận nói. Theo BS Nhuận, việc bỏ qua quy trình để mổ cho BN ở BVĐK Quảng Trị cũng như nhiều BV khác là không quá hiếm hoi vì BS phải cứu người trước chứ không chờ… giấy tờ.
Về thủ tục yêu cầu BN hoặc người nhà ký cam kết trước khi thực hiện phẫu thuật được một số ý kiến cho là “giải pháp thiên về đảm bảo trách nhiệm của BS hơn là BN”, BS Nhuận thẳng thắn: “Phải làm thế, bởi mỗi lần y, BS bỏ qua quy trình để cứu người thì đã đi ngược lại quy trình của Bộ Y tế và vi phạm pháp luật. Nếu ca mổ mẹ con sản phụ Hình không thành công, nếu có khiếu nại, ai sẽ bảo vệ kíp mổ trước dư luận, trước pháp luật? Bản thân tôi là lãnh đạo BV, tôi cũng không thể lo nổi cho anh em cấp dưới trong trường hợp như thế”.
Video đang HOT
Theo BS Nhuận, hiện chưa có một văn bản nào quy định bảo vệ nhân viên y tế trong việc “vượt rào” để cứu người. BS Nhuận kiến nghị, đối với những trường hợp đặc biệt, khi BS bỏ qua thủ tục hành chính thì rất cần phải được bảo vệ bằng một quy định, một thủ tục hành chính khác.
“Đó là làm đúng chuyên môn”
Về việc ê kíp mổ ở BVĐK Quảng Trị đã bỏ qua quy trình để cứu BN, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Đó là làm đúng chuyên môn và đúng quy định chứ không phải bỏ mặc quy trình”.
Trong các tình huống cấp cứu, khi bác sĩ xác định tính mạng bệnh nhân nguy kịch, thủ tục hành chính sẽ được bỏ qua và cũng không phải chờ có cam kết của bệnh nhân và người nhà
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Ông Khoa cho biết, luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như quy chế BV về cấp cứu đã có các quy định phù hợp với các tình huống khác nhau. Trong trường hợp khẩn cấp, BS là người hoàn toàn chịu trách nhiệm chuyên môn, đánh giá tình trạng bệnh và tiên lượng diễn biến để ra quyết định mà không phải chờ hoàn thành các thủ tục hành chính. “Trong các tình huống cấp cứu, khi BS xác định tính mạng BN nguy kịch, thủ tục hành chính sẽ được bỏ qua và cũng không phải chờ có cam kết của BN và người nhà. Trong tình huống này, nếu BN không thể qua khỏi thì BS vẫn được bảo vệ chứ không thể vì không có cam kết mà đổ lỗi cho BS”, ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, với trường hợp điều trị, cấp cứu thông thường, việc yêu cầu BN hoặc người nhà ký giấy đồng ý phẫu thuật, can thiệp điều trị cho người bệnh là cần thiết. Bởi nếu BN không đồng ý thì BS không thể thực hiện và BS có trách nhiệm giải thích, tư vấn để BN hiểu rõ về tình trạng sức khỏe, sự cần thiết của việc phẫu thuật, can thiệp.
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nhìn nhận trong cấp cứu không thể lúc nào cũng phải áp dụng đúng một quy trình chuẩn. Bởi có trường hợp khẩn, nếu thực hiện theo đúng quy trình thì BN nắm chắc tử vong. “Làm sao cứu được BN, đó là y lệnh cao nhất. Mỗi năm, BV Chợ Rẫy cứu nhiều ca như vậy. Khi đó, yếu tố khẩn cấp được ưu tiên hàng đầu. Điều này hoàn toàn không sai quy định”, BS Việt nói.
Theo GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), trong tình huống khẩn cấp, BS được quyết định về thực hiện chuyên môn để cứu BN mà không phải chờ các thủ tục hành chính. Việc này cũng là áp lực trách nhiệm với BS, nhưng tính mạng người bệnh luôn được đặt lên trước.
Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, TP.HCM cứu sống nhiều ca khi không cứng nhắc theo quy trình – ẢNH: DUY TÍNH
Cần bảo vệ bác sĩ
Thực tế, có những trường hợp BS “vượt rào” để cứu BN thành công, nhưng cũng có những trường hợp không mong muốn, BN trở nặng, tử vong, thì BS bị người nhà BN hành hung. Do vậy cần bảo vệ y, BS.
Theo BS Trương Xuân Nhuận, các bộ, ngành chưa có văn bản cụ thể quy định, bảo vệ cho cán bộ ngành y tế trong việc “vượt rào” để cứu người. “Thật khó để nói rằng các y, BS đặt 100% tâm sức vào việc cứu người mà không lợn cợn suy nghĩ về những vấn đề khác”, BS Nhuận nói.
BS Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết nhiều năm qua BV Đà Nẵng đã mua bảo hiểm cho hơn 2.000 BS, nhân viên y tế của BV, nhằm phòng ngừa các trường hợp tai nạn, thương tích, phơi nhiễm… trong quá trình hành nghề. Tương tự, tại BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, hơn 1.000 nhân viên y tế tại đây cũng được mua bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, một khảo sát nhanh tại hội nghị về an toàn người bệnh được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017 cho thấy mới có khoảng 20% BV mua bảo hiểm trách nhiệm cho BS. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng lãnh đạo các BV cần quan tâm thực hiện đầy đủ quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh. Ngoài bảo vệ người bệnh, bảo hiểm trách nhiệm cũng là hình thức bảo vệ cho các BS trong công tác chuyên môn.
Nên liệt kê trường hợp khẩn
Trong thực tế, không hiếm trường hợp BS muốn cứu BN nhưng vẫn đắn đo trước những quy định mang tính hành chính. BS Trương Xuân Nhuận nói: “Tôi đề xuất Bộ Y tế nên có quy định đối với những trường hợp mang tính khẩn cấp thì BS có thể bỏ qua quy trình thông thường, xử lý cho BN trước, còn đúng sai sẽ có hội đồng, hội chẩn thành lập sau. Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn của Cục Quản lý khám chữa bệnh nên có quy định, liệt kê những trường hợp nào được cho là khẩn cấp, BS được “vượt rào” không cần phải suy nghĩ. Trong y khoa, những trường hợp đó không phải là quá nhiều, hoàn toàn có thể thống kê và đưa vào quy định được”.
Theo Thanh niên
Ly giấy, tô sành được dùng nhiều trong bệnh viện
Nhân viên y tế trong các bệnh viện ở TP.HCM đang dần sử dụng ly giấy, tô sành để thay thế đồ nhựa dùng một lần.
Sáng 13-8, PV Pháp Luật TP.HCM ghé vào căn tin Bệnh viện (BV) quận 2, TP.HCM mua hủ tiếu mang đi. Từ nước lèo đến hủ tiếu, rau, gia vị đều được đựng trong bịch nylon. "Vậy cho tiện, dùng xong quăng thùng rác, khỏi phải rửa. Tôi cũng đang tính thay hộp nhựa, bịch nylon bằng thứ khác vì BV cứ nhắc nhở hoài" - bà bán hàng nói.
Đâu đâu cũng thấy ly nhựa, bịch nylon
Tại BV Ung bướu TP.HCM, nhiều thùng rác chất đầy hộp, ly nhựa, bịch nylon... Một người tay xách ly nhựa đựng nước uống, bánh canh trong bịch nylon từ ngoài đi vào nói: "Mấy thứ này tôi mua bên ngoài, dùng xong quăng thùng rác, tiện lắm".
PV vào căn tin BV gọi ly cà phê, thấy cà phê được đựng trong ly thủy tinh kèm theo ống hút trong khi khách mua mang đi vẫn dùng ly, hộp nhựa và bịch nylon để đựng. "Trước đây khách uống tại chỗ thì cũng dùng ly nhựa. Nay do BV yêu cầu hạn chế sử dụng đồ nhựa nên căn tin chuyển sang dùng ly thủy tinh. Căn tin cũng đang nghiên cứu và sớm thay đồ đựng bằng nhựa, đồ sành" - người phụ trách căn tin cho hay.
Ghé vào khu vực nội soi tại BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, PV ghi nhận tất cả bệnh nhân trước khi thực hiện nội soi phải uống 3-4 chai nước nhựa loại 500 ml. Do bệnh nhân đông nên chai nhựa bỏ đầy thùng rác. "Nước uống đựng trong chai nhựa bán sẵn trong căn tin, rất tiện lợi. Mang nước từ nhà theo chi cho lỉnh kỉnh, cầm mỏi tay" - một bệnh nhân nói. Người khác ngồi cạnh thêm vào: "Tôi có nghe nói chương trình giảm thiểu chất thải nhựa. Nếu BV lắp máy nước uống kèm ly giấy thì hay quá, chúng tôi không phải tốn tiền mua nước nữa".
Trong các bệnh viện, đâu đâu cũng thấy ly, chai, hộp nhựa đựng đồ ăn, thức uống. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ly giấy, thủy tinh sử dụng nhiều hơn
Thay vì mời khách nước uống đựng trong chai nhựa như những lần trước, lần này BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, rót trà mời khách vô ly sành. "BV đang thực hiện chương trình giảm thiểu chất thải nhựa nên hạn chế tối đa nước uống đóng chai nhựa" - BS Khanh nói.
BV Gia Định đã có kế hoạch và sẽ sớm đặt máy nước uống, ly giấy tại các phòng, khoa, khu vực nội soi để phục vụ bệnh nhân. Sắp tới BV sẽ đựng thuốc trong bao giấy hoặc bao từ chất liệu mây tre lá, thân thiện với môi trường.
BS NGUYỄN ÁNH TUYẾT, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định
Tại một phòng họp của BV, mọi người đều uống nước bằng ly giấy. Theo BS Khanh, các cuộc họp sẽ xài ly giấy, các khoa, phòng đều bố trí máy nước uống và buộc nhân viên dùng ly thủy tinh, sành sứ. BV còn yêu cầu nhân viên mang cơm từ nhà phải đựng trong cà men hoặc hộp thủy tinh. Nếu mua cơm tại căn tin BV thì mang theo tô sành để đựng. "Riêng với bệnh nhân, chúng tôi đang tuyên truyền hạn chế tối đa dùng đồ nhựa. Bốn căn tin cũng được yêu cầu thay đổi dần và hiện đã có một căn tin thực hiện" - BS Khanh cho biết thêm.
Tại BV Ung bướu TP.HCM, BS trưởng khoa ngoại 1 Nguyễn Văn Tiến mời khách bằng nước lọc rót từ bình thủy tinh. "Trước đây tiếp khách bằng nước đựng trong chai nhựa vừa gọn vừa tiện, khách uống không hết thì mang theo. Nay BV yêu cầu giảm thải nhựa dùng một lần nên có thay đổi" - BS Tiến nói. Cũng theo BS Tiến, BV yêu cầu tất cả nhân viên không được dùng đồ nhựa đựng thức ăn, đồ uống. Cạnh đó, đề nghị căn tin nhanh chóng thay thế đồ nhựa, khuyến cáo người bệnh và thân nhân hạn chế dùng đồ nhựa dùng một lần.
Ngày 29-7, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức thực hiện kế hoạch trên bằng cách hạn chế, tiến tới chấm dứt sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nylon khó phân rã. Tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch, sáng thứ Sáu (16-8), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến "Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế".
TRẦN NGỌC
Theo PLO
Cứu sản phụ đờ tử cung nguy kịch Ngày 11-8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, các bác sĩ Khoa Sản của bệnh viện vừa cứu thành công sản phục Vũ Thị L (Sn 1991, ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bị sa dây rốn, dây rốn bám màng, đờ tử cung. Bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đai...